Bộ GD&ĐT nói về đào tạo 20.000 tiến sĩ
Liên quan lộ trình đào tạo 20.000 tiến sĩ theo chủ trương của Chính phủ, ông Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Vang có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong.
Đề án 322 hiện nay đã dừng tuyển sinh và kết thúc vào năm 2014. Từ năm 2000 đến ngày 31-10-2011 đề án 322 đã cử được 5.467 người đi học nước ngoài. Đề án 322 tập trung đào tạo cán bộ KHKT, trong đó có giảng viên các trường ĐH, CĐ ở tất cả các trình độ.
Đề án 911 sẽ chỉ tập trung đào tạo trình độ tiến sĩ (TS) cho giảng viên các trường ĐH, CĐ chứ không phải cho toàn ngành giáo dục. Do vậy, Đề án 911 chỉ tiếp nối một phần của Đề án 322 mà thôi. Đề án 911 nhằm thực hiện kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ, trong đó có 10.000 người sẽ gửi đi đào tạo ở nước ngoài.
Hiện nay, trong tổng số 50.951 giảng viên các trường đại học mới có 7.338 giảng viên có trình độ tiến sĩ, chiếm 14%. Với đề án 911, mỗi năm sẽ bổ sung thêm khoảng 2.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ thì đó vẫn là một tỉ lệ rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực, chưa kể số giảng viên có trình độ tiến sĩ sẽ về hưu cần phải có thêm nguồn tiến sĩ để thay thế.
Hiện có hơn 400 trường ĐH, CĐ trên cả nước, con số 20.000 tiến sĩ có vẻ là nhiều nhưng trong thời gian 10 năm, mỗi trường bình quân mỗi năm sẽ bổ sung thêm chưa được 5 giảng viên có trình độ TS thì con số này vẫn còn là rất nhỏ.
Đối với đề án 911, việc tuyển chọn ứng viên chủ yếu sẽ do các trường thực hiện và các trường sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn giảng viên để giới thiệu cho Bộ GD&ĐT xét cấp học bổng giống như phương thức đổi mới đang thực hiện đối với Đề án 322. Việc quản lý lưu học sinh, chuyển tiền sẽ được thực hiện thông qua hệ thống quản lý thông tin trực tuyến của Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT).
Những bất cập bộc lộ trong 10 năm qua của Đề án 322 sẽ được khắc phục ở giai đoạn tiếp theo như thế nào cho từng vấn đề: Tuyển chọn người đi học thích hợp, công khai minh bạch; cấp và chuyển tiền cho lưu học sinh; quản lý con người sau khi học; cơ chế xử phạt?? Đặc biệt Bộ GD&ĐT có phân cấp cho các trường ĐH trong việc nắm giữ hồ sơ để xử phạt những người không thực hiện cam kết làm lãng phí tiền của nhà nước không?
Đề án 322 được thực hiện từ năm 2000 và những năm đầu của đề án, có rất nhiều khó khăn trong việc tuyển chọn, cử đi học, chuyển tiền… và đúng là có những bất cập mà báo chí nêu trong thời gian đầu. Kể từ năm 2008, khi Chính phủ cho phép thành lập Cục Đào tạo với nước ngoài (Cục ĐTVNN), việc thực hiện Đề án 322 có những thay đổi tích cực, đã có bộ phận chuyên trách thực hiện đề án chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Từ năm 2009, tất cả ứng viên được các cơ quan xét chọn và giới thiệu dự tuyển phải nộp hồ sơ trực tuyến tại hệ thống tuyển sinh của Cục Đào tạo với nước ngoài.
Kể từ năm 2008, việc chuyển tiền cho lưu học sinh đã cải tiến chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của lưu học sinh 6 tháng 1 lần và không còn tình trạng chuyển kinh phí chậm như thời kỳ trước đó. Mức sinh hoạt phí cũng tăng lên 20% từ tháng 1-2011 và lưu học sinh rất phấn khởi. Tuy nhiên với việc đồng đôla mất giá và giá cả leo thang như hiện nay trên thị trường quốc tế nên không riêng lưu học sinh mà đòi hỏi tất cả đều phải cố gắng.
Còn một vài nước, việc cấp sinh hoạt phí cho lưu học sinh Bộ GD&ĐT vẫn phải chuyển tiền thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như Lào, Campuchia, Cuba, Ba Lan, Hungary,… và cho đối tượng lưu học sinh chủ yếu là đi theo diện học bổng hiệp định. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, lưu học sinh phải gửi báo cáo kết quả học tập về Bộ 6 tháng một lần để được cấp sinh hoạt phí. Những trường hợp gửi báo cáo về muộn thì sẽ phải nhận sinh hoạt phí muộn.
Cục ĐTVNN đang hoàn thiện phần mềm quản lý lưu học sinh trực tuyến và bắt đầu áp dụng từ năm 2012. Với phần mềm quản lý này, thông tin trao đổi giữa lưu học sinh và cơ quan quản lý sẽ thuận tiện, công khai, minh bạch và hiệu quả hơn nữa.
Sau khi tốt nghiệp về nước, lưu học sinh phải hoàn thành thủ tục báo cáo tốt nghiệp và nhận văn bản giới thiệu trở về cơ quan cũ. Hồ sơ cán bộ đi học đều được các cơ quan lưu giữ. Mọi vấn đề thay đổi trong quá trình học tập của lưu học sinh đều phải được cơ quan cử đi học đồng ý.
Trong bản cam kết của lưu học sinh, cơ quan cử đi học phải ký xác nhận và bảo lãnh về tài chính cho người đi học. Người đi học phải trở về cơ quan công tác và nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết, phải bồi hoàn kinh phí cho nhà nước.
Trường hợp sinh viên khi đi học do gia đình bảo lãnh nếu thuộc diện phải bồi hoàn thì gia đình và lưu học sinh trực tiếp thực hiện nộp kinh phí bồi hoàn cho ngân sách nhà nước theo hướng dẫn của Cục ĐTVNN.
Đối với cán bộ đã có cơ quan công tác, Cục ĐTVNN gửi công văn thông báo tổng kinh phí đã cấp cho lưu học sinh để cơ quan có cơ sở lập hội đồng xét bồi hoàn và xử lý thủ tục bồi hoàn của cán bộ. Sau đó, người nộp tiền bồi hoàn phải gửi chứng từ đã nộp tiền bồi hoàn cho Bộ GD&ĐT để làm căn cứ quyết toán với Bộ Tài chính.
Hai năm một lần, Kiểm toán Nhà nước đều kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước gửi lưu học sinh đi học nước ngoài của Cục ĐTVNN, trong đó có việc thực hiện thu kinh phí bồi hoàn của lưu học sinh.
Xin cảm ơn ông.