Bong bóng đại học

Phải chăng, một vụ nổ “bong bóng đại học” đang sắp xảy ra, tương tự như vụ nổ bong bóng địa ốc làm suy thoái cả nền kinh tế thế giới gần đây? Đó là câu hỏi được đặt ra trong bài viết với cái tựa cùng tên của Kevin Ryan, vừa được đăng trên tờ báo mạng MercatorNet vào ngày 26/8/2010 vừa qua.

Giáo dục đại học Việt Nam đang ở trong giai đoạn mở rộng và tăng trưởng nóng. Theo số liệu được đưa ra trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 6/2010 vừa qua, số trường đại học được thành lập tại Việt Nam trong giai đoạn 1998 đến 2009 là hơn 300 trường, tức cứ trung bình chưa đến hai tuần lại có một trường đại học mới  (1) – một con số quá sức ấn tượng, đến mức làm cho một số người có cái nhìn thận trọng không khỏi nghi ngại.

Tất nhiên, mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục đại học là điều rất quan trọng đối với bất kỳ đất nước nào để đào tạo ra nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu có nên mở trường đại học bằng mọi giá, đặc biệt khi chưa có những nghiên cứu kỹ lưỡng về giá trị của việc học đại học đối với chính người học và sự phát triển nền kinh tế của đất nước?

Nếu không có tầm nhìn sáng suốt và sự quy hoạch kỹ lưỡng, thì chúng ta rất có thể đi vào vết xe đổ của một số nước, khi số sinh viên tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm – tức nạn “thất nghiệp có bằng cấp”, như đã được đề cập đến trên báo chí quốc tế thời gian gần đây. Khi tình trạng thất nghiệp đó xảy ra, thì các trường đại học được mở ra tràn lan như hiện nay sẽ không dễ thu hút sinh viên đến học, thậm chí có lẽ đứng trước khả năng phải đóng cửa – điều cũng đã và đang xảy ra tại Trung Quốc với những trường tư nhỏ ở địa phương.

Phải chăng, một vụ nổ “bong bóng đại học” đang sắp xảy ra, tương tự như vụ nổ bong bóng địa ốc làm suy thoái cả nền kinh tế thế giới gần đây? Đó là câu hỏi được đặt ra trong bài viết với cái tựa cùng tên của Kevin Ryan, vừa được đăng trên tờ báo mạng MercatorNet vào ngày 26/8/2010 vừa qua.

Theo giới thiệu của tờ báo, tác giả bài báo nguyên là Giáo sư ĐH Boston, đã viết và biên tập hơn 20 đầu sách, và từng cộng tác với đài CNN và CPS về vấn đề giáo dục nhân cách (character education).

Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết với góc nhìn mới mẻ này, lời cảnh báo cho ngành giáo dục đại học không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới.

* * *

Tiếp theo ”bong bóng bất động sản”, dường như sắp có một “bong bóng đại học” để thêm vào danh sách những ước vọng không thành của thế kỷ XXI. Hãy nhớ lại khuôn mặt chảy dài của sinh viên mới tốt nghiệp đau khổ gõ cửa các doanh nghiệp để xin việc trong mùa hè vừa qua. Các tấm bằng mới “cáu cạnh” của họ cùng các hồ sơ căng phồng những bằng cấp chẳng gây được mấy ấn tượng ở “người mua”. Họ cần phải được nhắc rằng tiệc đã tàn và đèn đã tắt.

Sự sụp đổ của thị trường bất động sản phải chăng là một thông điệp cho ngành giáo dục? Mới chỉ một vài năm trước đây, mọi người đều tin đầu tư vào bất động sản là khôn ngoan, vì giá bất động sản chỉ lên chứ không bao giờ xuống. Cần nhanh chóng tham gia vào “hội những người sở hữu bất động sản” trước khi quá muộn. Đừng lo mắc nợ — hãy lấy mỡ nó rán nó. Còn hôm nay, chúng ta đang sống giữa những đổ vỡ: những mơ ước vỡ tan của hàng triệu người và nền kinh tế quốc gia bị suy sụp đến mức xấu hổ.

Rõ ràng xã hội Mỹ đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Những năm tháng phồn vinh của thời sau Thế chiến thứ hai chỉ là sản phẩm của sự phát triển bất thường về kinh tế. Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến với những ngành công nghiệp còn nguyên vẹn để cung cấp hàng hoá cho một châu Âu bị tàn phá và một châu Á mới nổi. Chỉ cần mở rộng, tăng trưởng, rồi lại mở rộng, tăng trưởng. Nhưng ngày ấy đã qua rồi. Cái gọi là Thế giới thứ ba đã bắt kịp họ, và ngày nay nước Mỹ cùng các đối tác kinh doanh dài hạn của nó dường như đang di chuyển trên làn đường dành cho xe tốc độ chậm.

Điều này dẫn đến câu hỏi, “Phải chăng giáo dục đại học cũng là một phần của kịch bản chung này?” Sau một thời gian tăng trưởng và mở rộng, phải chăng sự giảm sút của giáo dục đại học sẽ chẳng còn xa nữa?

Thế hệ trẻ hiện nay của Mỹ được dạy rằng “giáo dục-là-con đường-dẫn đến-thành công” từ ngày còn mặc tã. Mà tại sao lại không chứ? Đó đã là con đường thành công kinh điển của rất nhiều người. Cho đến rất gần đây, sinh viên tốt nghiệp đại học có thu nhập tiềm năng suốt đời cao gần gấp đôi những người bạn thời trung học mà không học đại học của mình. Nhưng tất cả dường như đang thay đổi một cách nhanh chóng.

Trong những tháng gần đây có một loạt những cuốn sách và bài báo trên tạp chí cho rằng giáo dục đại học là một ngành công nghiệp khủng hoảng thừa và rối loạn, một điều kiện chín muồi cho sự bùng nổ từ bên trong. Hai tựa sách gần đây nhất đã tóm tắt toàn bộ sự phê phán này. Cuốn thứ nhất có tên Giáo dục đại học? Các trường đang lãng phí tiền bạc và thất bại trong việc giáo dục người trẻ của chúng ta ra sao, và chúng ta có thể làm được gì, và cuốn thứ hai là Bữa tiệc kéo dài năm năm: Các trường đã ngưng giáo dục những người trẻ ra sao và bạn có thể làm gì. Luận điểm chung của cả hai cuốn sách: giáo dục đại học chỉ phục vụ mong muốn của các nhà giáo dục mà chẳng thèm quan tâm gì đến những sinh viên, vốn cũng chính là khách hàng của mình.

Hai cuốn sách mới này đày ắp các dữ kiện như một bữa đại yến, chắc chắn đủ khả năng làm cho hội đồng quản trị các trường đại học phải lên cơn đau bao tử vì bội thực. Ví dụ, trong vòng 30 năm qua, học phí tại các trường đại học tư của Mỹ đã tăng lên 250% và tại các trường cộng là 300%. Mà đó mới là tính bằng đồng USD không đổi. Tiền lương của các giáo sư đã vượt xa đồng nghiệp của họ trong các ngành nghề khác. Đồng thời, họ đã trực tiếp giảng dạy ít hơn, đẩy công việc nặng nề này cho những người đóng thế – các trợ lý giảng viên. Hiện nay 70% sinh viên đại học ở Mỹ được học, không phải với các giáo sư, mà là với các học viên sau đại học hoặc giảng viên phụ giảng. Lao động của họ được trả với giá bằng một phần sáu mức lương của các giáo sư mà họ thay thế. Thật mỉa mai rằng một nền kinh tế chủ nô và nông nô lại đang phát triển mạnh mẽ tại một trong những thành lũy cuối cùng của hệ tư tưởng Mác-xít.

Tuy nhiên, phải xem xét tiền lương của cán bộ quản lý giáo dục đại học mới thấy đây thật là một phép lạ tài chính thật sự. Trong khi sinh viên và gia đình đang chạy cuống lên vì các khoản nợ học phí khổng lồ, thì khoảng một chục vị hiệu trưởng các trường đại học đang có tên trong danh sách những người có thu nhập hàng năm tính theo triệu USD. Ví dụ, trong khoảng mười sáu năm từ 1992 đến 2008, tiền lương của Hiệu trưởng Đại học New York đã tăng gấp ba lần, từ  443.000 USD lên đến 1.270.000 USD. Tất cả điều này xảy ra trong khi thị trường đang than phiền về các “sản phẩm” của họ.
 
Mặc dù yêu cầu đầu vào tuyển sinh đại học đã có mềm đi, vẫn chưa có được một cuộc nổi dậy chống lại sự bóc lột trong giáo dục. Những cuốn sách được trích dẫn ở trên cho thấy, cuộc nổi dậy đó đang đến. Các gia đình bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế đang suy đi nghĩ lại nhiều lần về các chi phí học tập. Những người lên kế hoạch để đi đến một trường đại học bốn năm tư nhân đang đi đến bốn năm trường đại học công lập. Những người đã lập kế hoạch vào các đại học tư có uy tín nay chuyển sang học đại học trong khu vực của nhà nước. Những người đã định đi học tại các trường đại học bốn năm nay chuyển sang trường cao đẳng cộng đồng tại địa phương.

Theo cách nói của những người thuộc phong trào chống thuế mới đây ở Mỹ, “nợ” là một ngôn từ tục tĩu của thời nay. Và cũng đúng thôi, khi hàng ngàn trường sinh viên tốt nghiệp đại học còn nợ tiền học phí ở ngân hàng đang đứng ủ rũ và câm lặng trước những câu hỏi của người sử dụng lao động chỉ chăm chăm nhìn vào lợi nhuận: “Bạn đã học được gì trong trường đại học để có thể đóng góp vào lợi nhuận của công ty? Bốn năm đại học thoải mái và không ai kiểm soát của bạn đã giúp bạn chuẩn bị ra sao để kiếm tiền cho doanh nghiệp của tôi?” “Bạn tốt nghiệp ngành xã hội học môi trường ư, tốt lắm. Nhưng bạn có thể làm gì cho công ty của tôi?”

Những câu hỏi quả là khó. Và rất ít người có được câu trả lời.

Theo http://www.mercatornet.com/articles/view/the_college_bubble/

—-

(1) Nguồn:http://vneconomy.vn/201006061123236P0C9920/dau-tu-cho-giao-duc-dai-hoc-dang-bi-chia-nho.htm

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)