Các mô hình đại học tư ở Malaysia

Trong khi các trường đại học ngoài công lập tại Việt Nam đang đứng trước những khó khăn đôi khi tưởng chừng không vượt qua nổi, thì tại Malaysia, với lịch sử phát triển của đại học tư khá giống Việt Nam, nhưng các trường đại học tư ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, và thậm chí còn trở thành một niềm tự hào của giáo dục đại học Malaysia.

Vị thế của các đại học tư của Malaysia không chỉ được khẳng định trong nước mà còn vượt qua khỏi biên giới quốc gia để tồn tại và cạnh tranh với những trường đại học Âu – Mỹ trong việc thu hút sinh viên quốc tế từ khu vực Đông Nam Á nữa.
Bài viết của Mohamed Ali Abdul Rahman, của một viên chức của Bộ Đại học Malaysia giới thiệu mô hình đại học tư ở Malaysia (đã đăng trên tờ báo mạng University World News năm 2010) gợi ý những chính sách đối với đại học tư của Mlaysia mà Việt Nam có thể tham khảo để giúp các trường đại học ngoài công lập của Việt Nam thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ và phát triển đúng hướng.

Phương Anh dịch và giới thiệu

Ở châu Á, tấm bằng đại học không còn là một lựa chọn, mà là một điều kiện bắt buộc để được tuyển dụng, được toàn xã hội coi trọng, vì vậy số học sinh tốt nghiệp phổ thông có nguyện vọng vào đại học đã tăng lên đều đặn trong những năm qua.

Tuy nhiên, số trường đại học công lập tại Malaysia chỉ có thể cung cấp chỗ học cho một số lượng người học có hạn, vì thế đã cản trở khả năng tiếp cận giáo dục đại học của các học sinh nghèo.

Vì vậy, Chính phủ Malaysia cho rằng cần phải tạo ra các cơ hội học tập cho các học sinh những người không dành được chỗ học trong các trường đại học công lập bằng cách cho phép thành lập và phát triển các cơ sở giáo dục đại học của tư nhân. Đồng thời, Chính phủ Malaysia cũng nhận thức rằng sự ra đời và phát triển của đại học tư không thể giống với các trường đại học công. Nhưng các trường này cũng phải có khả năng cung cấp các chương trình đào tạo có chất lượng tương đương với các trường đại học công, để đảm bảo cho người học dù học ở trường công hay trường tư đều nhận được dịch vụ giáo dục đại học có chất lượng như nhau.

Do đó, trách nhiệm của Bộ Giáo dục Đại học là xây dựng các chính sách, những ưu đãi và các chương trình ​​nhằm hỗ trợ các trường đại học tư để cải thiện và tăng cường các dịch vụ giáo dục của mình sao cho thu hút người học và đáng giá đồng tiền mà họ phải chi trả.

Khu vực đại học tư nhân lại trở thành thiết yếu khi nhu cầu học tập từ các sinh viên quốc tế tăng lên trong những năm qua. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học Malaysia, riêng trong năm 2010 đã có đến 75.000 sinh viên quốc tế ghi danh vào các trường đại học tư tại đất nước này. Và hiện nay, Malaysia chiếm vị trí thứ 11 trên thế giới như một điểm đến của các sinh viên quốc tế, chiếm khoảng 2% tổng số sinh viên quốc tế trên thế giới.
Giáo dục đại học tư nhân được xem là “cỗ máy tăng trưởng” của Malaysia trong thời gian tới.

Thời kỳ do Bộ Giáo dục quản lý

Trước năm 2004, các trường đại học tư chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục (Bộ GD). Trong thời gian đó, vai trò của các doanh nghiệp trong giáo dục đại học chỉ giới hạn việc cung cấp học bổng và các khoản vay giáo dục, cung cấp chỗ thực tập, tư vấn cho các trường đại học về chương trình học và sử dụng các sinh viên tốt nghiệp.

Trong thời kỳ đó, các công ty khi muốn thành lập, đăng ký và điều hành một trường đại học tư đều phải được sự chấp thuận của Bộ GD. Sau đó, khi vai trò của các cơ sở giáo dục đại học tư nhân trở nên cần thiết hơn trong việc cung cấp các chương trình giáo dục ở trình độ đại học để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cả người học địa phương lẫn quốc tế, Bộ GD đã thông qua một chiến lược tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các trường đại học tư thục. Số trường đại học tư phát triển nhanh chóng, bao gồm một loạt các mô hình kinh doanh và cách thức tuyển sinh khác nhau, cung cấp các chương trình đào tạo với các mức độ chất lượng khác nhau.

Khu vực tư nhân đã trở thành thiết yếu khi nhu cầu học tập từ các sinh viên quốc tế tăng lên trong những năm qua. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học Malaysia, riêng trong năm 2010 đã có đến 75.000 sinh viên quốc tế ghi danh vào các trường đại học tư tại đất nước này.

Giáo dục đại học tư nhân được xem là “cỗ máy tăng trưởng” của Malaysia trong thời gian tới. Hiện nay, Malaysia chiếm vị trí thứ 11 trên thế giới trong số các điểm đến của các sinh viên quốc tế, chiếm khoảng 2% tổng số du học sinh toàn cầu.

Với tư cách là các doanh nghiệp, các tổ chức đại học tư nhân rất có thể sẽ không sẵn sàng phát triển các chiến lược hoặc các hoạt động nhằm phối hợp với đại học công trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu phát triển của đất nước.

Hiểu rõ điều này, Bộ GD đã áp dụng Đạo luật về Cơ sở giáo dục đại học tư nhân năm 1996 (còn gọi là Đạo luật 555) và các quy định nhằm đảm bảo sự thành công cho việc can thiệp của nhà nước đối với các trường đại học tư.

Thời kỳ do Bộ Đại học quản lý

Từ tháng 5/2004, việc quản lý các cơ sở giáo dục đại học tư nhân đã trở thành trách nhiệm của Bộ Đại học (MoHE). Sự tách rời giữa Bộ ĐH và Bộ GD đã cho phép việc quản lý các cơ sở giáo dục đại học tư nhân được tập trung hơn. Đạo luật 555 cũng đã được điều chỉnh và triển khai thực hiện trong năm 2009 để đáp ứng những thách thức mới. Những nỗ lực này dẫn đến sự phát triển của khối đại học tư, bao gồm cả các trường đại học, trường cao đẳng, và cả các chi nhánh của các trường đại học nước ngoài nữa.

Tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2009, ở Malaysia đã có 20 trường đại học đa ngành, 20 trường đại học đơn ngành, 5 chi nhánh của các trường nước ngoài và 470 trường cao đẳng đăng ký hoạt động với Cục Quản lý các cơ sở giáo dục đại học tư nhân. Những cơ sở giáo dục tư nhân này cung cấp được chỗ học cho 450.531 sinh viên, trong đó có 50.679 sinh viên quốc tế.

Chính sách của Chính phủ Malaysia về hoạt động của các trường đại học tư trên đất nước này đã cho phép một số doanh nghiệp lớn, các loại tổ chức phi chính phủ và thậm chí cả các tổ chức chính trị thành lập cơ sở giáo dục đại học của mình.

Ví dụ, Đại học Kỹ thuật Petronas, Đại học quốc gia Tenaga và Đại học Đa truyền thông (Multimedia University) đã được thành lập bởi các công ty có quan hệ với chính phủ. Trường Cao đẳng Sunway thuộc Tập đoàn Sungei Way và Trường ĐH KBU của Tập đoàn Toàn quốc Đệ nhất là những ví dụ của các trường đại học do các tập đoàn lớn thành lập. Các cơ sở giáo dục đại học tư được thành lập bởi các đảng phái chính trị bao gồm Trường Cao đẳng nghề Seremban của Tổ chức MIC, Trường ĐH Tunku Abdul Rahman của UMNO, và ĐH UNITAR của UMNO.

Chính phủ Malaysia cho rằng việc cải thiện chất lượng các chương trình đào tạo đại học trong cả hai khu vực công lập lẫn ngoài công lập phải là một quá trình liên tục nhằm cạnh tranh với thế giới trong việc cung cấp các chương trình giáo dục có chất lượng, nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ Malaysia là đạt được các tiêu chuẩn của một nền giáo dục đẳng cấp thế giới và biến Malaysia thành một trong những tâm điểm giáo dục toàn cầu vào năm 2015.

Để thực hiện mục tiêu đó, năm 2007, Kế hoạch chiến lược quốc gia về giáo dục đại học với 7 sáng kiến quốc gia tức các kế hoạch chiến lược bao gồm việc mở rộng tiếp cận giáo dục và sự công bằng trong cơ hội học tập, nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường nghiên cứu và đổi mới công nghệ, củng cố các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp tục đẩy mạnh học tập suốt đời, và tăng cường năng lực của hệ thống giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục, bảo đảm sau khi tốt nghiệp, sinh viên phải có những kiến ​​thức cập nhật nhất của thế giới và thái độ đúng đắn về nghề nghiệp – những thứ mà đất nước Malaysia cần để có thể tồn tại trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, cũng như đổi thay trong nền kinh tế.

Hỗ trợ tài chính

Các chính sách của chính phủ, thông qua Quỹ quốc gia về giáo dục đại học, cung cấp các khoản vay giáo dục cho các công dân có nhu cầu và đủ điều kiện để ghi danh vào học tại các trường đại học tư. Sáng kiến ​​này đã là một trong những yếu tố chính góp phần tăng cường sự tham gia của sinh viên Malaysia vào các trường đại học tư. Các chương trình học có liên kết với các công ty thường được sinh viên ưa thích vì những chương trình này thường được các công ty tài trợ một phần.

Danh xưng “đại học”

Đa số sinh viên sẽ muốn ghi danh vào các cơ sở giáo dục “có đẳng cấp”, vì hồ sơ của họ khi tốt nghiệp sẽ “đẹp” hơn và khả năng tìm việc làm sẽ dễ dàng hơn. Hiểu được điều này, chính phủ đã khuyến khích các trường tư có thể nâng cấp lên một mức độ cao hơn: từ cao đẳng lên thành cơ sở đại học, rồi từ cơ sở đại học thành trường đại học, nếu, và chỉ nếu, các trường này có thể đáp ứng được các yêu cầu chất lượng đào tạo nhất định.

Trình độ của giảng viên

Để sinh viên có thể đạt được trình độ cử nhân và sau đại học, các trường đại học tư được khuyến khích tuyển dụng giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, và các giảng viên giàu kinh nghiệm người nước ngoài hoặc những người có kinh nghiệm làm việc từ các ngành công nghiệp. Điều này sẽ nâng cao chất lượng của quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu và phát triển. Điều này đến lượt nó sẽ giúp các trường thu hút sinh viên sau đại học.

Đào tạo

Các trường đại học tư có các chương trình thực tập và vườn ươm doanh nghiệp thường sẽ hấp dẫn hơn đối với sinh viên, vì điều này sẽ làm tăng giá trị gia tăng của nhà trường và cung cấp các cơ hội việc làm tốt hơn cho sinh viên khi tốt nghiệp. Bộ Đại học khuyến khích các trường tích hợp hai chương trình này để vừa thực tập nghề nghiệp vừa học kinh doanh.

Hoạt động ở nước ngoài

Ngoài việc khuyến khích các trường đại học nước ngoài mở trường ở Malaysia, chính phủ cũng khuyến khích các trường đại học tư của Malaysia nâng cao năng lực và khả năng của mình nhằm cung cấp giáo dục đại học ở nước ngoài.

Hiện nay, có khoảng 25 trường đại học tư của Malaysia cung cấp dịch vụ giáo dục đại học ở nước ngoài. Trong số đó có Viện Công nghệ Thông tin đang hoạt động ở Sri Lanka, Pakistan và Ấn Độ khu vực châu Á Thái Bình Dương, và Đại học Limkokwing hoạt động ở Anh, Lesotho, Botswana, Campuchia và Indonesia.

***

Bộ Đại học hy vọng rằng những nỗ lực nói trên được các trường đại học tư chia sẻ để thực hiện tầm nhìn biến Malaysia thành một trung tâm giáo dục đạt tiêu chuẩn thế giới, tạo ra các sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh trong một thế giới toàn cầu.1

Nguồn: http://www.university worldnews.com/article.php?story=20101105220921112



* Tiến sĩ Mohamed Ali Abdul Rahman là Trợ lý chính Vụ trưởng Vụ Tuyển sinh và Tiêu chuẩn giáo dục thuộc Bộ Đại học Malaysia.

               

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)