Các trường đại học kiểu mới:
MỘT CƠ HỘI VÀNG

Quyết định thành lập những trường đại học kiểu mới với tham vọng đạt trình độ quốc tế và có ít nhất một trong những trường này lọt vào top 200 trường hàng đầu thế giới trước năm 2020, cùng với những quy định gần đây về việc tài trợ cho nghiên cứu cơ bản theo chuẩn mực quốc tế là một cơ hội vàng không thể bỏ lỡ, trong việc tiến lên phía trước, xóa bỏ sự trì trệ đã tích lũy nhiều năm trong nghiên cứu khoa học và đào tạo trình độ cao. 

Một thử thách cho cộng đồng khoa học
Theo tôi hiểu, các trường đại học kiểu mới, như Đại học Khoa học Công nghệ được xây dựng ở Hòa Lạc, có nhiệm vụ cách mạng là tạo ra một kiểu mẫu mới về đào tạo chất lượng cao, với tham vọng về sự ưu việt và một sứ mạng, về lâu dài là phục vụ như một mô hình kiểu mẫu và là hạt giống cho việc nâng cấp các trường đại học hiện hữu. Một cách tiếp cận như thế chắc chắn là thực tế và hữu hiệu hơn là những cố gắng thay đổi theo kiểu đoạn nhiệt (adiabatic) những gì đang tồn tại hiện nay. Tuy vậy, nó cần một cam kết rất sâu sắc không chỉ về phía Nhà nước, mà còn của cộng đồng khoa học để có thể thực hiện thành công. Song song với những quyết định từ trên xuống nhằm biến giấc mơ ấy thành hiện thực, những mối liên hệ cố kết từ dưới lên và những sự ủng hộ tích cực cũng là điều rất thiết yếu.  Sự thành công dựa trên mối quan hệ hoàn toàn tin cậy giữa người ra quyết định và người thực hiện, một phía là Nhà nước và các quan chức Chính phủ, và phía kia là cộng đồng các nhà khoa học, giảng viên và người nghiên cứu. Điều kiện để xây dựng mối quan hệ tin cậy ấy, nếu tôi hiểu đúng, đã được bảo đảm trong các điều khoản về mức lương thỏa đáng và điều kiện làm việc, về tự chủ và tự do học thuật trong các trường đại học kiểu mới. Bây giờ là lúc cộng đồng khoa học nhận lấy những thách thức ấy. 
Cái gì sẽ giúp những trường đại học kiểu mới này thành công trong lúc những trường khác thất bại?
Trả lời câu hỏi này tức là đã sơ bộ định nghĩa một cách nghiêm ngặt và trung thực về những nguyên nhân đã ngăn chặn những trường đại học hiện nay nâng cao trình độ của họ với tốc độ mong muốn. Những nguyên nhân ấy ai cũng biết, trong đó có tình trạng đánh giá tri thức và kỹ năng thiếu nghiêm khắc, có tình trạng làm thêm, đã khiến giảng viên xao nhãng việc giảng dạy và nghiên cứu, có sự xơ cứng và thiếu linh hoạt của hệ thống… Đó thực sự là những căn bệnh cơ bản cho đến nay đã ngăn chặn mọi con đường tiến tới hiện đại hóa nền đại học. Xác định rõ những căn bệnh ấy và bày tỏ quyết tâm chống lại nó mạnh mẽ không thua kém gì quyết tâm của Nhà nước, là nhiệm vụ của cộng đồng các nhà khoa học. 

Vấn đề hợp tác quốc tế
Trong giai đoạn mới thành lập còn non trẻ, các trường đại học kiểu mới sẽ được tận hưởng sự hỗ trợ của các trường đại học nước ngoài. Trong trường hợp cụ thể của Hòa Lạc, nếu tôi hiểu đúng, nước Pháp sẽ có một vai trò quan trọng. Tôi sẽ trình bày một vài vấn đề ít nhiều có liên quan với ý nghĩa của một quan hệ hợp tác quốc tế như thế.
Học tập nhưng không sao chép

Trường Đại học Việt – Đức

Nửa sau của thế kỷ qua đã chứng kiến một sự mở rộng chưa từng có tiền lệ và sự dân chủ hóa giáo dục nói chung và trong giáo dục đại học nói riêng. Đây là một thực tế trên toàn cầu và sẽ được ghi nhận như một bước tiến lớn lao trong lịch sử nhân loại. Điều này càng đặc biệt đúng ở Việt Nam, nơi chỉ cách đây chưa đầy một thế kỷ, phần lớn dân chúng còn mù chữ. Nhưng các trường đại học, một lần nữa trên toàn cầu, chưa thể thích nghi với tình hình mới theo một phương cách có thể làm chúng ta hoàn toàn hài lòng. Một yếu tố hiển nhiên đã làm nhiệm vụ của họ thành ra bất khả thi, là những thế hệ lớn tuổi ít được học hành đã mong đợi quá mức sự thăng tiến xã hội nhờ tấm bằng đại học mà họ cố lo cho con cháu, thường là phải trả giá bằng sự hy sinh nhiều thứ. Giáo dục đại học bởi vậy cần được xem xét và lên kế hoạch trong bối cảnh xã hội và lịch sử cụ thể của từng nước, và bối cảnh Việt Nam hiển nhiên là rất khác biệt so với Hoa Kỳ hay châu Âu.
Vì người Pháp có mối quan hệ gần gũi với Việt Nam, chúng ta hãy xem tình hình của Pháp như một ví dụ. Đào tạo trình độ cao của Pháp có đặc điểm là một hệ thống song song bao gồm các trường đại học và các trường chuyên nghiệp được gọi là “Grandes Ecoles”. Không có sự hiểu biết đầy đủ về vai trò của từng loại trường này người ta sẽ khó cưỡng lại phép ngoại suy từ hệ thống của nước Pháp đến hệ thống của các nước khác cụ thể là Việt Nam. Nước Pháp có thể tự hào về việc có một số trường uy tín, nhưng họ vẫn đang đấu tranh với nhiều thứ trở ngại mà chưa tìm được giải pháp nào vừa ý, chẳng hạn, vấn đề về quyền tự chủ trong nghiên cứu khoa học. (Pháp đã tập trung việc đầu tư cho nghiên cứu vào trường Centre National de la Recherche Scienlifique (CNRS) – một trường hoạt động cực kỳ hiệu quả trong việc thúc đẩy tiến bộ khoa học. Nhưng hiện nay CNRS đã hơn 70 tuổi đời và đang gặp vô số khó khăn. Năm ngoái, như các bạn đã biết, một cuộc đình công bất tận đã làm tê liệt các trường đại học Pháp khiến nó không thể giảng dạy hay đào tạo như đáng lẽ phải làm được nữa).
Nói vắn tắt, có nhiều thứ phải học hỏi từ thành công và thất bại trong kinh nghiệm của các nước, nhưng không có gì có thể sao chép được trừ khi thông qua sự phân tích các bối cảnh tương ứng có thể thấy rằng sao chép như thế là có lý.
Hợp tác quốc tế trong sự tôn trọng lẫn nhau về lợi ích các bên
Hợp tác quốc tế mang ý nghĩa tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Trong trường hợp cụ thể, nó dựa trên mong muốn chung là đẩy mạnh văn hóa khoa học nhằm mục đích nâng cao sự thịnh vượng của người dân. Nó có những ý nghĩa đạo đức và văn hóa được các quốc gia đối tác cùng chia sẻ và là nhân tố thiết yếu để quan hệ hợp tác ấy có thể thành công.
Đồng thời, nó có ý nghĩa công nhận rằng mỗi bên có những lợi ích của mình và những lợi ích ấy rất có thể khác nhau. Điều rất quan trọng là phải nhận thức đầy đủ về những khác biệt này và ghi nhớ những điều ấy trong khi hợp tác. 

Các nhà vật lý trẻ thuộc phòng thí nghiệm VATLY và GS Pierre Darriulat

Nước ngoài có thể có quan tâm hợp tác với Việt Nam trong việc thành lập những trường đại học kiểu mới vì nhiều lý do khác nhau. Một trong những lý do ấy là xây dựng những mối liên hệ gần gũi nhằm chia sẻ nhiều hơn văn hóa của mỗi nước, để hiểu biết đầy đủ hơn về nhau nhằm xây dựng mối quan hệ hòa bình hữu nghị lâu dài giữa hai nước. Một lý do khác có thể là mở rộng thị trường Việt Nam cho các doanh nghiệp của họ bằng cách giúp đào tạo các kỹ sư, kỹ thuật viên có năng lực đạt yêu cầu và bằng cách xây dựng những mối quan hệ gần gũi giữa các nhà khoa học và doanh nhân nước họ với đồng nghiệp ở Việt Nam. Một ví dụ sau cùng: ngày càng nhiều người Việt Nam được đào tạo sau tiến sĩ ở nước ngoài, và những nước không thể mang lại việc làm cho tất cả những người ấy và sẽ vui lòng thấy họ quay về Việt Nam.
Còn điều Việt Nam quan tâm là làm sao trong hợp tác sẽ nhận được hỗ trợ càng nhiều càng tốt từ nước ngoài trong lúc vẫn giữ được sự tự chủ cao. 
Quan hệ hợp tác sẽ thành công khi cả hai có sự hiểu biết đầy đủ về lợi ích của nhau, từ đó dành ưu tiên cho những hoạt động phục vụ lợi ích của cả hai, đồng thời tránh những hoạt động có thể làm tổn hại lợi ích của một trong hai nước. Chẳng hạn khi hợp tác trong nghiên cứu, những vấn đề thiết yếu về sự đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, người ta có thể gặp những quan điểm khác nhau. Nước ngoài sẽ thiên về nghiên cứu ứng dụng vì điều này phục vụ lợi ích của họ tốt hơn trong ngắn hạn, còn đối với Việt Nam nếu duy trì như vậy về lâu dài, khoa học cơ bản không có cơ hội phát triển; điều đó đồng nghĩa với việc các trường đại học không thu hút được những giảng viên và sinh viên tài năng nhất.  
Cách tiếp cận từ dưới lên và có tính chất thực dụng

Trong kỳ thi Olympic vật lý quốc tế diễn ra ở Hà Nội, tôi rất vui được góp một tay cho một hội đồng khoa học chịu trách nhiệm tổ chức sự kiện này. Tôi đã được chứng kiến công việc khó khăn mà hội đồng gặp phải cùng với sự nhiệt tình không mệt mỏi của họ để kỳ thi đạt được thành công lớn. Trong cuộc họp hội đồng để xem xét lại lần cuối các đề lựa chọn cho các thí sinh, có bốn nhà khoa học trẻ Việt Nam đang làm việc tại các trường đại học của Hoa Kỳ. Họ đã có những nhận xét rất phù hợp, mang tính xây dựng và hiệu quả giúp cải thiện chất lượng của đề thi cả về hình thức lẫn nội dung. Thật là quý giá biết bao cho đất nước nếu có thể lôi kéo được những người như thế trở về! Tôi thường đọc được rằng Việt Nam khuyến khích những Việt kiều giàu có dành một phần vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhưng sự thịnh vượng của một dân tộc không chỉ được tạo nên từ đô-la mà còn được tạo nên từ những khối óc đã tiếp nhận được những kỹ năng, kinh nghiệm từ nước ngoài, hữu dụng cho sự phát triển của đất nước.

Có thể khẳng định không thể tạo ra một trường đại học kiểu mới nếu chỉ có quyết định từ trên xuống- quyết định của các nhà chính trị và quản lý. Cần phải tiếp cận từ dưới lên bằng cách trước hết xác định nhóm các nhà khoa học, giáo dục nào có thể đưa các trường kiểu mới lên đến trình độ quốc tế. Có thể dự đoán một áp lực lớn trong động cơ chính trị và chiến lược của cả Việt Nam lẫn đối tác nước ngoài nhằm xây dựng nhóm nòng cốt này, nhằm phục vụ cho lợi ích của mỗi bên. Đây là một điều hệ trọng mà Việt Nam cần xem xét đúng mức. 
Không phải là quá sớm để bắt đầu xác định tên tuổi một số nhóm người Việt Nam có thể trở thành bộ phận của trường đại học tương lai, để họ có thể định hướng vai trò và  hiệu quả công việc của mình trong tương lai. Họ có thể xây dựng những mối liên hệ mạnh mẽ hơn với các trường đại học nước ngoài nơi họ mong được nhận hướng dẫn và hỗ trợ, chẳng hạn nhận các sinh viên do họ đồng hướng dẫn cùng với một giáo sư nước ngoài (được gọi là “cotutelle” ở Pháp). Họ có thể tiếp cận các Việt kiều hay các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài và khuyến khích họ gia nhập. Những hoạt động như thế cần có thời gian, nó mang ý nghĩa một sự cam kết ban đầu về phía Việt Nam. Tôi mới vừa thảo luận vấn đề này với các nhà khoa học Trung Quốc vừa về nước sau khi được đào tạo ở nước ngoài; tất cả đều đồng ý rằng họ cần có thời gian để quyết định và để sắp xếp gia đình họ thích ứng với cuộc sống mới; họ cũng đồng lòng cho rằng nhân tố quan trọng nhất khiến họ quyết định quay về là vì họ nhận ra quyết tâm và cam kết của Nhà nước Trung Quốc  muốn họ quay về và công nhận tầm quan trọng của họ trong việc đóng góp cho sự phát triển đất nước, vì tài năng và kinh nghiệm của họ.
Chuẩn bị bây giờ không phải là quá sớm
Tôi biết rằng người ta đang nói về việc có ba phần tư giảng viên và cán bộ nghiên cứu ở Việt Nam và một phần tư ở nước ngoài [để vận hành trường đại học kiểu mới này]. Tôi cũng biết rằng người ta đã nói đến việc đào tạo 400 tiến sĩ ở nước ngoài trong 10 năm tới để phục vụ mục đích này. Một hiểu biết sớm và đầy đủ về việc những điều này sẽ được thực hiện như thế nào là việc bắt buộc phải làm. Nhưng với tôi nó không mấy rõ ràng.
400 tiến sĩ này sẽ được đào tạo trong những lĩnh vực nào? Liệu Việt Nam có nên gây ảnh hưởng lên sự lựa chọn của họ bằng cách công bố trước những định hướng chính trong chính sách khoa học của quốc gia? Hay sẽ cùng với các quốc gia đối tác đưa ra chương trình đào tạo dựa trên một số hướng dẫn tổng quát, chẳng hạn như tỉ lệ nghiên cứu sinh tiến sĩ được đồng hướng dẫn, hay về những chủ đề sẽ được giảng dạy, nhằm bảo đảm chất lượng của tấm bằng mà họ sẽ được nhận.
 Không phải tất cả các nhà khoa học của trường đại học tương lai này sẽ được đào tạo ở nước ngoài. Nên xây dựng những ngành nào để khuyến khích những người Việt Nam có trình độ sau tiến sĩ (và/hoặc các giáo sư trẻ của Việt Nam) làm việc tại Việt Nam gia nhập vào trường đại học kiểu mới này?
Sự lựa chọn giảng viên và các nhà khoa học của trường đại học tương lai này phải được thực hiện hết sức minh bạch theo thông lệ quốc tế nhằm mục tiêu duy nhất là phục vụ tốt nhất lợi ích của trường đại học cũng như chính sách khoa học của nhà trường?
Việc đào tạo tại trường đại học kiểu mới sẽ được thực hiện bằng tiếng Anh. Phải chăng đây là lúc xây dựng những chương trình nhằm nâng cao khả năng nói tiếng Anh lưu loát cho các giáo viên tương lai? Qua kinh nghiệm của mình, tôi biết chưa đầy một nửa trong số họ có thể nghe giảng được bằng tiếng Anh.

Quá nhiều câu hỏi, câu hỏi nào cũng quan trọng, mà chẳng có câu trả lời nào là hiển nhiên, khi mà cuộc chơi mới bắt đầu.
Các trường đại học Việt Nam kiểu mới là một cơ hội vàng cho nền đại học Việt Nam để  khắc phục sự chậm trễ của mình. Không nên đánh mất cơ hội làm ngừng lại, hay ít nhất là làm giảm hiện tượng chảy máu chất xám hiện nay. Không nên đánh mất cơ hội trao trách nhiệm và mang lại giá trị xứng đáng cho những người tài năng nhất trong thế hệ trẻ Việt Nam, những người sẽ gánh vác tương lai của đất nước. 
Tuy nhiên, chỉ có thể tận dụng được cơ hội vàng khi có sự cam kết ngay từ đầu về phía Chính phủ cũng như về phía cộng đồng khoa học, trong sự tin cậy lẫn nhau và minh bạch hoàn toàn. Không có sự tin cậy và minh bạch ấy thì tham vọng về sứ mạng của những trường đại học kiểu mới chỉ là một ảo tưởng.
——–
                                                                                      Pierre Darriulat*
* Viện KHKT hạt nhân 
Phạm Thị Ly  dịch
 

Không ai có thể làm thay ta…

Trong mấy thập kỷ vừa qua, giới chức chính trị và quản lý giáo dục đại học ở nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển như bị cuốn vào cơn lốc tham vọng xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế. Và sau rất nhiều nỗ lực đầu tư những nguồn lực khổng lồ mà chưa đạt được thành công như mong đợi, người ta bắt đầu nhận ra rằng muốn có những trường đại học đẳng cấp quốc tế thì phải bắt đầu từ những trường được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế.
Nói đến chuẩn mực không phải là nói đến những con số, mà là nói đến những giá trị được thừa nhận rộng rãi. Những chuẩn mực này biểu hiện trước hết trong quan hệ giữa các thành viên của nhà trường, cũng như quan hệ giữa nhà trường và Nhà nước, nhà trường và xã hội. Những chuẩn mực ấy tuy là những giá trị vô hình nhưng có thể đóng vai trò xây dựng và điều chỉnh các mối quan hệ này. Những trường đại học tốt nhất thế giới là những biểu hiện cao nhất của các chuẩn mực ấy. Thành công và thất bại của các nước đang phát triển trong việc xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế, như có thể thấy trong trường hợp Ấn Độ, Malaysia và Trung Quốc, gắn với việc hướng về hoặc đi ngược lại những chuẩn mực này.
Hợp tác quốc tế có một vai trò trọng yếu trong tiến trình thực hiện một chủ trương lớn của Nhà nước – xây dựng trường đại học Việt Nam theo những chuẩn mực quốc tế để tiến đến có những trường đại học đẳng cấp quốc tế trong tương lai. Tuy vậy, cần thấy rằng không ai có thể thay thế người Việt để giải quyết những vấn đề của người Việt.
Kinh nghiệm các nước cho thấy việc xây dựng năng lực nội tại thông qua hợp tác quốc tế là một hướng đi đúng, chứ không phải là sao chép hay nhập khẩu toàn bộ mô hình quản lý và chương trình đào tạo của nước ngoài. Mặc dù sự tham gia của các đối tác nước ngoài là không thể thiếu để nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo cũng như xây dựng một thiết chế vận hành hợp lý cho một trường đại học theo chuẩn mực quốc tế, chúng ta vẫn cần nhấn mạnh vai trò quyết định của những nỗ lực tự thân của Nhà nước, của giới quản lý đại học và giới học giả trong nước. Những nỗ lực này không phải chỉ giới hạn trong vấn đề nguồn lực tài chính, mà quan trọng hơn và cốt yếu hơn, là trong quyết tâm đổi mới cơ chế và chính sách. Việt Nam đang có một quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Mọi nguồn lực cũng đã sẵn sàng. Tất cả những gì Việt Nam đang cần, là một khởi đầu đúng. Mục tiêu dù có xa, nhưng chỉ cần bước đi đầu tiên đặt đúng đường, thì sẽ có ngày đến đích. Nói như giáo sư Hoàng Tụy, tụt hậu không phải là điều đáng ngại, mà đáng ngại nhất là đi sai hướng. 
                                                            Phạm Thị Ly
————
Trích tham luận tại Hội thảo Hợp tác quốc tế trong GD&ĐT ĐH 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)