Các trường đại học Nga: Đi tìm sự ưu tú đã mất hay xây dựng những trường hoàn toàn mới? (Kỳ 1)*

Hệ thống giáo dục đại học Nga đã từng là niềm tự hào của đất nước trong một thời gian rất dài, và dù rằng hiện nay đang có những dấu hiệu khủng hoảng rõ ràng, chúng ta vẫn cố tìm những bằng chứng cho thấy hệ thống của chúng ta vẫn là một trong những nền giáo dục đại học hàng đầu thế giới.

Tổng quan

Chưa bao giờ trong lịch sử thế kỷ XX của nước Nga, giáo dục, nhất là giáo dục đại học (GDĐH) lại không đóng một vai trò cốt yếu đối với đất nước. Ngay sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, câu hỏi về một lực lượng lao động mới với cách suy nghĩ mới về mặt ý thức hệ đã nảy sinh trên một đất nước mới. Giáo dục trở thành một phương tiện đầy sức mạnh của những động lực xã hội tạo điều kiện cho việc hình thành tầng lớp tinh hoa mới. Mấy thập kỷ sau đó, trong thời Đệ nhị Thế Chiến, người ta đã dùng những tiêu chuẩn rất cụ thể để thực hiện việc đào tạo các chuyên gia quân sự. Sau chiến tranh lại càng cần có những chuyên gia có thể giúp đất nước phục hồi nền kinh tế, cũng như những người có thể phát triển kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực.

Hệ thống GDĐH Nga đã từng là niềm tự hào của đất nước trong một thời gian rất dài, và dù rằng hiện nay đang có những dấu hiệu khủng hoảng rõ ràng, chúng ta vẫn cố tìm những bằng chứng cho thấy hệ thống của chúng ta vẫn là một trong những nền GDĐH hàng đầu thế giới.

Một trong những vấn đề xã hội đang phải đối mặt hiện nay là liệu có nên cố gắng khôi phục lại sự ưu tú đã bị đánh mất, hay là nên khởi sự xây dựng những gì hoàn toàn mới, và đó là một thách thức lớn trong bối cảnh GDĐH Nga ngày nay. Một số trường đã trở thành thuộc về thế giới (như những hệ thống giáo dục quốc gia được cô lập riêng và quốc tế hóa cao độ), trong khi những trường khác thì đặc biệt rất Nga và bám rễ sâu trong bối cảnh hiện tại cũng như trên nền tảng di sản của nó.

Để hiểu rõ hơn những thách thức hiện nay và những giải pháp khả dĩ, người ta cần phân tích dấu vết của hệ thống Xô-viết và đánh giá tác động của nó với hệ thống hiện tại. Hơn thế nữa, điều quan trọng là bản chất của những thay đổi cốt lõi gần đây. Tất cả những thứ đó sẽ dẫn đến một cuộc thảo luận có cơ sở về những thách thức mà GDĐH Nga thời đương đại phải đối mặt, cùng với những phương tiện khả dĩ có thể chống lại sự khủng hoảng.

Trước hết chúng tôi sẽ nói về những đặc điểm của hệ thống GDĐH Xô-viết có ý nghĩa quan trọng đối với việc tạo thành hệ thống GDĐH mới (đặc biệt là do sự thừa kế trực hệ của nó). Sau đó chúng tôi sẽ miêu tả những thay đổi chính mà hệ thống GDĐH Nga đã trải qua trong 20 năm vừa qua. Chúng tôi sẽ chú ý đặc biệt đến những thách thức hiện nay trong môi trường GDĐH và trong những thước đo được nhà nước và giới học thuật sử dụng. Bài viết này sẽ thảo luận vấn đề ở mọi cấp: cấp vĩ mô, cấp trường/viện, và cấp vi mô (từng khoa và từng cá nhân).

Chúng tôi cho rằng những vấn đề chính là: chủ nghĩa phong kiến1 như một đặc điểm thống trị của văn hóa học thuật cả ở cấp độ giữa các trường lẫn trong phạm vi từng trường; thiếu hụt về tài chính; và sự phổ biến của tình trạng không hiệu quả trong quản lý khoa học (cả ở cấp quốc gia lẫn cấp trường/viện và trong bản thân nội bộ các trường). Những vấn đề này đã hạn chế tính hiệu quả của ngân sách nhà nước và khiến cho cuộc cải cách trên quy mô lớn càng kém hiệu quả hơn.

Những đặc điểm chính của hệ thống GDĐH Xô-viết

Biết những đặc điểm chính của hệ thống GDĐH Xô-viết là điều quan trọng để có thể hiểu cách nó vận hành hiện nay.

Trước hết và trên hết, GDĐH đã từng là một sức mạnh của những động lực xã hội, đem lại cho những ngừơi có bằng đại học nhiều cơ hội mà những người chỉ tốt nghiệp trung học không có. Trong thập kỷ 70-80, chỉ 25% thanh niên trong độ tuổi 18-22 là vào đại học. Bởi vậy, các trường có thể chọn những thanh niên tài năng để họ học những ngành được xác định là ưu tiên quốc gia, còn việc học sinh trung học có nhu cầu về những nghề này hay không thì không thành vấn đề.

Hơn thế nữa, không dễ tiếp cận giáo dục do nhiều rào cản, mà ta thường liên hệ tới địa vị xã hội. Trong thực tế, có cả những hạn chế công khai lẫn những hạn chế ngầm trong việc vào đại học đối với một số nhóm dân tộc hoặc nhóm xã hội nhất định.

Việc thuộc về hệ thống đại học sẽ bảo đảm một địa vị xã hội và thu nhập khá cho các giáo sư (xem Androushchak, Kuzminov, Yudkevich (2012)). Quá trình bước vào môi trường này là một quá trình cạnh tranh cao độ, cùng với khao khát tạo lập sự nghiệp và được bảo đảm lúc nào cũng cần thiết cho xã hội, là những điều đã kích thích mọi người bước vào nghiệp giáo sư đại học (bởi vì việc tiếp cận với quyền lực và nguồn lực phụ thuộc vào địa vị trong thang bậc học thuật.

Cuối cùng, hệ thống này có tính tập trung cao độ bởi vì hầu như mọi vấn đề quan trọng kể cả thực tế phân công chỗ làm bắt buộc cho sinh viên (SV) tốt nghiệp (liên quan tới kế hoạch nhà nước và việc xác định nhu cầu chuyên môn cần thiết thông qua chỉ tiêu tuyển sinh). Tính chất tập trung ấy cũng thể hiện ở tiêu chuẩn đào tạo cho từng chuyên ngành hẹp và hệ thống tài chính đại học công dựa trên những bảng tính giá chi li nghiêm ngặt, khiến các trường không thể nào có lựa chọn gì trong việc tái phân bổ nguồn lực trong phạm vi nhà trường.

Những thay đổi gần đây và đặc điểm của hệ thống hiện tại

Quá trình tự do hóa mở rộng ở nhiều lãnh vực sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ cũng đồng thời diễn ra trong GDĐH, là nơi trải nghiệm rất nhiều đổi thay, chủ yếu gây ra do sự chấm dứt nền kinh tế kế hoạch hóa của nhà nước.

Trong hai mươi năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của giáo dục tư ở Nga. Số người vào đại học đã và đang tăng rất đáng kể. Khoảng cách về chất lượng giữa các trường cũng đang tăng. Sự kiểm soát thực sự của nhà nước về nhiều mặt của đời sống đại học không còn nữa, khiến chức năng quản lý nội bộ (là điều đáng lẽ có thể do hiệp hội các trường đại học hoặc các tổ chức tư nhân thực hiện) giờ đây chẳng thuộc về ai cả.
 
Quả thật là hệ thống hiện tại vẫn còn đang phải hứng chịu những giới hạn rất sơ đẳng và có tính chất hệ thống của quá khứ khi nó vẫn còn đó. Những hình thức cũ vẫn đang tồn tại nhưng nó không còn sức mạnh như xưa, dù đang suy tàn, nó vẫn đang là một nhân tố tiêu cực.

Một trong những mục tiêu chính của hệ thống GDĐH Nga ngày nay là đạt được một vị trí cao trên thị trường toàn cầu. Điều này đòi hỏi một cơ chế lãnh đạo mới đối với thị trường giáo dục và tổ chức lại hệ thống giáo dục với mức độ thay đổi rất đáng kể. Người ta thường có thái độ luyến tiếc quá khứ đối với hệ thống cũ: “Nhưng nó đã từng hoạt động tốt lắm mà!”. Họ tin là “Mọi thứ sẽ lại tốt ngay lập tức nếu chúng ta khôi phục lại được hệ thống cũ”. Ví dụ, một số người gần đây thường hay nói về việc tái lập hệ thống phân công công tác sau khi ra trường cho SV như trước kia từng làm. Hẳn nhiên là những đề nghị như thế sẽ không dẫn đến kết quả tích cực nào cả bởi vì những điều kiện bên ngòai nhà trường nay đã thay đổi vô cùng nhiều so với xưa kia.

Hệ thống GDĐH ở Nga: Một cái nhìn tổng quan và những đặc điểm quan trọng

Hiện nay, có 1.115 cơ sở đào tạo đại học ở Nga với tổng số 7,049 triệu SV. Giảng viên (GV) có 3,248 triệu người trong các trường đại học công và 32 ngàn người trong các đại học tư. Khu vực công có 653 trường (với 2,85 triệu SV chính quy và 2,98 triệu SV học từ xa). Tính trung bình, các trường tư có quy mô nhỏ hơn và hiện nay đang có 1,2 triệu SV trong đó chỉ có 214 ngàn SV học toàn thời gian. Trong lúc ở khu vực công các chương trình đào tạo chính quy chiếm phần lớn (khoảng75% SV) thì ở các trường tư, con số này chỉ là 25% . Tỉ lệ học đại học khá cao: hiện nay cánh cửa đại học dưới nhiều hình thức đang mở rộng cho phần lớn thanh niên. Tỉ lệ học sinh trung học vào đại học đã và đang tăng, hiện đạt đến mức gần 90%. Tuy vậy, một số rất lớn SV học từ xa (45%), hoặc bán thời gian (4%).

Các chi phí cho việc học ở các trường công do nhà nước hoặc sinh viên chi trả. Việc tuyển sinh vào trường công chỉ dựa vào kết quả của kỳ thi tuyển sinh quốc gia và bởi vậy, không phụ thuộc khả năng tài chính của gia đình người học. Lúc nào cũng có cạnh tranh cao độ để vào các trường công được nhà nước bao cấp trong khi thường không hề có cạnh tranh nếu SV tự trả tiền. Hậu quả là, khả năng và năng lực của SV do nhà nước tài trợ và SV tự trả tiền (hay là thương mại hóa, như mua một món hàng hay dịch vụ) khác biệt rất đáng kể ngay từ đầu trong việc học tập của họ. Cả hai loại SV cùng học với nhau trong cùng một hệ thống có hai loại học phí song hành.

Nghiên cứu cơ bản hầu như bao giờ cũng được thực hiện ở khu vực khác tách biệt với hệ thống GDĐH (tương tự như hệ thống của Pháp). Cụ thể là, cùng với các trường ĐH, ở Nga còn có Viện Hàn lâm Khoa học là nơi thực hiện những nghiên cứu cơ bản. Hiện nay có sáu viện hàn lâm khoa học2; viện lớn nhất là Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Các đơn vị nghiên cứu của những viện hàn lâm này3 có thể đào tạo sau ĐH, nhưng, như một quy tắc, họ không đào tạo cử nhân và thạc sĩ. Tài trợ cho nghiên cứu khoa học cơ bản hầu hết rơi vào các đơn vị này. Chỉ rất ít trường đại học ở Nga nhận được kinh phí nhà nước cho nghiên cứu cơ bản.

Các trường đại học chủ yếu nhằm vào việc đào tạo chuyên môn. Họ nhận kinh phí theo kế hoạch nhà nước giao cho (dựa trên số lượng SV). Hệ thống này có hai đặc điểm và cả hai đều gây ra những vấn đề đặc hữu.

Trước hết, vì phần lớn ngân sách cấp cho việc đào tạo, các trường có lợi khi tăng số lượng sinh viên (trong điều kiện mọi yếu tố khác vẫn thế). Điều này hẳn nhiên có hại cho chất lượng đào tạo. Hai là, hệ thống này xoay quanh cái gọi là chỉ tiêu tuyển sinh. Mỗi trường có một chỉ tiêu nhất định về số SV họ được phép tuyển cho mỗi ngành và được nhà nước cấp ngân sách cho số chỗ ấy. Các trường áp dụng chỉ tiêu được cấp trước cho mỗi kỳ tuyển sinh, trong lúc các bộ liên quan thì rà soát và điều chỉnh việc áp dụng ấy. Kết quả duyệt xét thường là dựa trên kỳ tuyển sinh trước, nói cách khác, việc lập kế hoạch là dựa tren những gì đã đạt được trước đó. Nếu không tuyển đủ SV cho một ngành nào đấy, nhà trường sẽ phải chịu rủi ro nhận một chỉ tiêu thấp hơn trong năm sau, điều này dĩ nhiên có nghĩa là ngân sách được cấp sẽ giảm đi. Bởi thế nhà trường càng nhận nhiều SV thì càng có lợi nhằm lấp đủ mọi khoảng trống trong chỉ tiêu được cấp, dù phải nhận cả những em có kết quả thi tuyển sinh thấp.

Cơ chế tuyển sinh theo chỉ tiêu đã bắt đầu thay đổi chỉ mới rất gần đây. Hiện nay, nó dựa trên hiệu quả hoạt động của nhà trường thay vì dựa trên những thông số trong quá khứ. Một cơ chế như thế là điều cốt yếu để tạo ra những động lực kích thích nhà trường tăng cường chất lượng đào tạo.

Xét về tổng thể, các trường đại học công ở Nga rất không thuần nhất. Ở các trường top, sự ưu tú của SV và các giáo sư vượt xa các trường bậc trung. Các trường tư nói chung gắn với chất lượng đào tạo kém và điều này thể hiện ít nhất trên ba mặt: chất lượng đầu vào kém (điểm thi tuyển sinh thấp hơn rất nhiều so với SV trường công); cơ sở hạ tầng khá nghèo nàn; và chi phí trên mỗi SV khá thấp (rõ ràng là những trường này tập trung đào tạo những ngành không đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng trang thiết bị, như những ngành khoa học xã hội, nhân văn, v.v. Cuối cùng, đội ngũ GV ở trường tư khá yếu: hầu hết làm việc bán thời gian theo hợp đồng hưởng thù lao theo giờ dạy trong khi vẫn làm toàn thời gian ở các trường công. Bởi thế, các tiêu chuẩn quản lý và các chương trình phát triển cần đưa ra một cách tiếp cận khác biệt với những trường khác nhau. Cuộc cải cách đang được nhà nước khởi xướng và do Bộ Khoa học-Giáo dục tiến hành hiện nay, tập trung vào ba bộ phận sau đây, mà phạm vi áp dụng của nó là tất cả các trường:

Bộ phận thứ nhất là những hoạt động hỗ trợ có mục tiêu xác định nhằm vào các trường top. Vào năm 2008, nhà nước bắt đầu một chương trình nhằm hỗ trợ các Đại học Quốc gia và hiện nay chương trình này vẫn đang tiếp diễn. Một phần của chương trình này là các trường sẽ nộp kế hoạch phát triển năm năm của mình, sau khi duyệt xét, 29 trường được công nhận địa vị là trường đại học nghiên cứu quốc gia (12 trường năm 2009 và thêm 17 trường năm 2010). Địa vị này cho phép các trường có đủ tư cách để xin tài trợ các dự án nhằm nâng cao năng lực các giáo sư, cải thiện hạ tầng cơ sở cho nghiên cứu, hay đẩy mạnh chất lượng quản lý điều hành. Tuy nhiên khoản ngân sách này không được trực tiếp dùng cho nghiên cứu. Chương trình này có xu hướng thiên về các trường kỹ thuật: trong số 29 trường nói trên, có 17 trường kỹ thuật công nghệ, 9 trường cổ điển, một trường y, một trường về khoa học xã hội và kinh tế, và một trung tâm học thuật trực thuộc Viện Hàn lâm. 11 trong số 29 trường ấy nằm ở Moscow.
   
Một trong những đề xướng gần đây nhất, bắt đầu năm 2013, là chương trình Nâng cao Năng lực cạnh tranh Toàn cầu. Như đã khẳng định trong nghị quyết của tổng thống vào tháng 12-2012, một mục tiêu trọng yếu của chương trình này là đạt được ít nhất 5 trường đại học Nga nằm trong danh sách 100 trường hàng đầu thế giới trong các bảng xếp hạng trước năm 2020. Chương trình này nhằm vào mục tiêu ấy. 15 trường được chọn dựa trên kế hoạch phát triển của họ sẽ nhận được tài trợ lớn trong những năm sắp đến. Điều kiện để nhận được khoản tài trợ này và những gì không được làm trong việc sử dụng nó, vẫn còn chưa rõ ràng.

Trong mọi trường hợp, các trường được chọn có vẻ như có những cam kết thực sự đầy tham vọng về việc cải thiện các chỉ số (thí dụ như số bài báo khoa học, chỉ số trích dẫn, mức độ quốc tế hóa của SV và giáo sư). Khi tham gia chương trình, quá trình ra quyết định của các trường này có thể sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài. Xét về tổng thể chúng ta có thể nói rằng nhà nước coi vị trí của các trường đại học Nga trong bảng xếp hạng quốc tế như là vấn đề của niềm tự hào quốc gia, và nóng lòng tiêu rất nhiều tiền để cải thiện tình hình. Điều này đòi hỏi không chỉ một hệ thống kích thích có hiệu quả, và việc tạo điều kiện cho các trường trong bối cảnh cơ cấu tổ chức hiện tại (khi các trường và các viện nghiên cứu vẫn còn tồn tại tách biệt) mà còn là sự đánh giá lại một cách tổng thể vai trò của trường đại học trong nghiên cứu khoa học cơ bản.

Bộ phận thứ hai, một lĩnh vực trọng tâm khác, là điều chỉnh và xây dựng lại những trường kém chất lượng. Phải làm gì với những trường nhận tài trợ của ngân sách để nhận những SV kém cỏi nhất vào những chỗ ngồi trong đại học được nhà nước trả tiền cho? Đóng cửa những trường như thế là một giải pháp đang được thảo luận rộng rãi hiện nay nhưng nhiều chuyên gia tin rằng một kịch bản như thế sẽ gây ra bùng nổ giận dữ trong một xã hội mà GDĐH đã trở thành một cái gì tối cần. Một lựa chọn khác đang được xem xét là sáp nhập những trường này vào những trường mạnh hơn. Tuy thế, lựa chọn này sẽ phải chịu nhiều vấn đề nhất định vì nó sẽ gây ra gánh nặng cho những trừơng chất lượng cao (Salmi (2013), Yudkevich (2013)). Đến nay, giải pháp này đã được thực hiện trong vài trường hợp và sẽ còn được tiếp tục vận dụng.

Một câu hỏi tất nhiên nảy sinh ở đây là các tiêu chí để đánh giá một trường nào đó là không hiệu quả. Năm 2012, Bộ Giáo dục Nga đã khởi xướng một cơ chế giám sát hiệu quả hoạt động của các trường. Kết quả hoạt động của các trường được dựa vào năm tiêu chí chủ yếu, trong đó có: điểm trung bình đầu vào của kỳ thi tuyển sinh quốc gia; thu nhập của nhà trường tính trên mỗi GV/nhân viên, và diện tích sàn (lớp học, phòng thí nghiệm) tính trên mỗi sinh viên. Tất cả các trường trực thuộc Bộ Giáo dục đều được đánh giá theo các tiêu chí ấy. Kết quả là, một số trường chuyên ngành nghệ thuật (chẳng hạn trường nhạc) bị coi là không hiệu quả, nhiều trường công được công nhận là thành công và có hiệu quả. Cả các trường đại học cộng đồng lẫn các trường công đều phản ứng tiêu cực với lối đánh giá giám sát ấy, họ tin rằng họ được sử dụng để đạt được những mục đích chính trị. Đã rõ ràng là những tiêu chí ấy chỉ có thể được sử dụng lại nếu nó được điều chỉnh.
 
Nói về hệ thống một cách tổng thể, nhà nước thừa nhận rằng đáng lẽ phải trả lương GV tử tế hơn, để có thể thu hút những nhà chuyên môn giỏi và để họ có thể tập trung cho giảng dạy và nghiên cứu. Bộ Giáo dục mới đây đã trình bày một lộ trình cải cách GDĐH đến năm 2020. Kế hoạch này gồm có giảm số lượng GV (do cơ cấu nhân khẩu học của đội ngũ và do sự phát triển của công nghệ giảng dạy đã cho phép tăng số SV mà chi phí không lớn). Các tác giả của cải cách tin rằng điều này sẽ giúp làm tăng lương GV ngay cả nếu ngân sách cấp cho các trường vẫn thế. Họ cũng có kế hoạch xem xét lại hợp đồng làm việc với GV theo lối khuyến khích những nghiên cứu có chất lượng.

Việc xem xét lại ấy có lẽ sẽ được các truờng đứng ra tổ chức thực hiện, vì họ có thể tự xác định ai là người làm việc không hiệu quả, và áp dụng những cơ chế đánh giá mới. Tuy thế, vấn đề là, hệ thống GDĐH hiện tại không có cơ chế hay kích thích nào cho việc tự thân vận động. Các trường lo phản ứng với những dấu hiệu từ bên ngoài và cố gắng tạo ra những kết quả được mong muốn một cách hình thức. Hầu như không có lòng tin giữa nhà nước và các trường.

Thay vào đó, các trường đang quá tải với hàng núi báo cáo hình thức; phần lớn công việc của các nhà quản lý là mô phỏng nhằm sản xuất ra những báo cáo thỏa mãn những yêu cầu rất hình thức của cơ quan quản lý. Đó là lý do vấn đề lương bổng gây tranh cãi rất nhiều trong cộng đồng học thuật.

(Kỳ tới: Giảng viên đại học, việc nghiên cứu và văn hóa học thuật)

Phạm Thị Ly dịch

* Báo cáo tại hội thảo “Bàn tròn Thảo luận về Nghiên cứu và Chính sách giáo dục đại học quốc tế” tại Thượng Hải, ngày 2 và 3/11/2013

1 Một dạng hệ thống chính trị và kinh tế thống trị ở Châu Âu thời kỳ trung cổ. Chủ nghĩa phong kiến được đặc trưng bởi một tháp xã hội bắt đầu từ người nông dân lệ thuộc thông qua các chúa đất và tước hầu ở thái ấp lên đến tận nhà vua (Chú thích của người dịch).

2 Sáu viện hàn lâm này là: Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Viện Hàn lâm Y khoa, Viện Hàn lâm Nông nghiệp, Viện Hàn lâm Kiến trúc và Xây dựng; và Viện Hàn lâm Nghệ thuật.

3 Tính đến tháng 7/2008, nước Nga có 470 viện nghiên cứu, hơn 55 ngàn chuyên viên nghiên cứu, trong đó có 500 viện sĩ hàn lâm được bầu và 800 thành viên được gọi là “viện sĩ thông tấn” (corresponding members).


Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)