Các trường ĐH nghiên cứu sẽ dẫn đầu hay theo sau?

Tham vọng của Trung Quốc (TQ) về hệ thống GDĐH đang đâm chồi nảy lộc cũng như nỗi khao khát đưa khá nhiều trường vào bảng xếp hạng các trường ĐH tinh hoa trên thế giới dường như là không có giới hạn. Chuyện này bắt đầu từ cách đây 14 năm, gắn với nhiều chính sách rộng hơn nhằm mở cửa một phần kinh tế của TQ cũng như mở cửa các trường ĐH cho những lực lượng của thị trường.

Trước một cử tọa đông đảo trong lễ Kỷ niệm 100 năm ĐH Bắc Kinh vào năm 1998, chủ tịch Giang Trạch Dân đã đặt ra mục tiêu cải cách và mở rộng các trường ĐH của TQ. Hệ thống GDĐH bị teo tóp của TQ lúc đó chỉ cho ra trường có 200.000 sinh viên mỗi năm, hầu hết là bằng cử nhân và hầu như không có đào tạo sau ĐH.

Từ đó đến nay, GDĐH đã tăng gấp ba lần về quy mô và đào tạo ra 6,3 triệu người tốt nghiệp mỗi năm với hơn ba ngàn cơ sở GDĐH. Với 29 triệu sinh viên, hệ thống GDĐH TQ hiện nay là lớn nhất trên thế giới. Năm 2010, khoảng chừng 24% số người trong độ tuổi truyền thống 18-24 đã vào ĐH.

Nhưng tham vọng của chính phủ trong nhiệm kỳ của Giang không phải chỉ giới hạn trong sự tăng trưởng về số lượng. Trong vòng một thập kỷ qua, TQ đã ngày càng tập trung vào chất lượng của một nhóm các trường ĐH trọng điểm của quốc gia, và đặc biệt là tập trung vào việc làm thế nào để những trường ĐH đó góp phần xây dựng TQ thành một nền kinh tế dựa trên tri thức.

Khát vọng ấy đã dẫn đến hàng loạt chính sách quốc gia, bắt đầu là Dự án 985 (khởi động năm 1998) nhằm xây dựng một nhóm các trường có khả năng cạnh tranh toàn cầu, và gần đây hơn điều này cũng đã được thể hiện trong Kế hoạch Quốc gia Trung hạn và Dài hạn về Cải cách và phát triển Giáo dục 2010-2020 (cũng được biết tới dưới tên gọi Kế hoạch 2020).

Kế hoạch này đã đánh dấu một bước tiến trong việc hỗ trợ một nhóm nhỏ những trường được chọn lọc để họ có thể vận dụng những đặc điểm của những trường ĐH tốt nhất và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thế giới, trong đó có việc đảm bảo cho các trường một mức độ tự chủ cao hơn và một nguồn ngân quỹ dồi dào nhằm cải thiện việc quản lý khoa học.

Chính phủ TQ tuyên bố rằng họ cam kết hỗ trợ không chỉ GDĐH đại chúng cho số đông mà còn nhằm xây dựng những trường được gọi là đẳng cấp quốc tế bởi đó là một phần của quan niệm rộng hơn cho rằng các trường ĐH tinh hoa này là nhân tố trọng yếu cho năng lực cạnh tranh và là niềm tự hào của quốc gia.

Thách thức

Tuy nhiên, những tham vọng về GDĐH ấy đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đó là vấn đề khoảng cách thu nhập và cơ hội về kinh tế ngày càng cách biệt giữa nông thôn và thành thị, nhất là những đô thị mới đang phát triển nhanh chóng. Đó là yêu cầu ngày càng cao của dân chúng về việc được tiếp cận GDĐH. Đó là số sinh viên nhập học ngày càng tăng trong lúc tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường cũng rất cao. Đó là những yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến quá trình học tập và có thể hạn chế sự sáng tạo. Đó là sự thiếu rõ ràng về vai trò thích hợp của các cơ sở đào tạo của nước ngoài đặt tại TQ; và những mối lo ngại về khả năng quản trị và lãnh đạo ở những trường lớn của TQ.

Tất cả những vấn đề nêu trên đang được thảo luận rộng rãi cả trong giới lãnh đạo học thuật ở TQ lẫn giới quan sát. Đó là những vấn đề về việc nâng cao chất lượng thực sự nổi bật của các trường ĐH, từ chỗ là một biểu tượng của một đặc ân tốn kém và bị coi thường dưới thời Mao trở thành một nhân vật trung tâm trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng về hướng thị trường tự do và gắn bó với quốc tế của TQ.

Hơn bất cứ ngành công nghiệp nhà nước hay tư nhân nào– hơn bất kỳ tổ chức đơn lẻ nào khác – các trường ĐH tiêu biểu cho một TQ mới. Có hai vấn đề truyền thống nhiều khả năng là sẽ quyết định mức độ thành công của TQ trong việc cải thiện chất lượng của GDĐH, và đặc biệt là trong việc tạo ra những trường ĐH ĐCQT có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Trước hết, cũng như ở những trường ĐH khác trong những nước khác, có một động lực– thậm chí còn được phóng đại hơn –ở TQ: một sự thay đổi từ những đòi hỏi và can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ đến một thứ văn hóa nội bộ của nhà trường – tìm kiếm theo cách của riêng mình những gì nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, và những hoạt động phục vụ lợi ích cộng đồng.

Vấn đề thứ hai liên quan đến câu hỏi điều gì thực sự tạo thành một trường ĐH ĐCQT. Đến nay, TQ (cũng như nhiều nước khác) tập trung chủ yếu vào một số tham số hẹp: số người được giải Nobel và những giải thưởng quốc tế hàng đầu, chỉ số trích dẫn, số tiền mà các kết quả nghiên cứu tạo ra, tỉ lệ nghiên cứu sinh, số bằng đã cấp, và những dữ liệu tương tự – chẳng hạn, như những tiêu chí của hệ thống xếp hạng mà ĐH Giao thông Thượng Hải đưa ra, hay còn gọi là ARWU.

Thế nhưng những nhân tố khác đã không được tính đến trong lúc nó thực sự rất đáng được xem xét.

Phải chăng các trường ĐHNC chỉ đơn giản là phản ánh cái xã hội mà nó đang sống, tùy thuộc vào những chuẩn mực chính trị và văn hóa của địa phương? Hay các trường ĐH là người lãnh đạo xã hội, là nơi cho những tư tưởng mới nhất nảy sinh và cho các cuộc thảo luận về những tư tưởng ấy?

Đây là câu hỏi đã không được thảo luận cởi mở trong các nhà lãnh đạo khoa học và cơ quan quản lý cấp Bộ ở TQ. Thay vì vậy, câu hỏi ngầm ẩn này là nguồn cội của những mâu thuẫn, có khả năng sẽ nổi lên từ từ và mở ra nhiều hơn khi nhà nước trung ương tiếp tục quá trình dân chủ hóa kinh tế không mấy bằng phẳng.

Cho đến nay, các trường ĐH TQ đã và đang là kẻ đi theo sau trên sân chơi toàn cầu, bị kìm hãm và định hình bởi thứ văn hóa chính trị do nhà nước dẫn dắt, và còn bị làm phức tạp thêm do những sự kiện trên thế giới như mùa xuân Ả Rập.

Tuy thế, có những dấu hiệu cho thấy điều này sẽ thay đổi. Toàn cầu hóa, bao gồm sự tương tác ngày càng tăng với các nhà lãnh đạo và giảng viên ở Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và nhiều nơi khác, đang tạo ra sự đồng thuận trong các nhà lãnh đạo học thuật ở TQ về việc tăng cường sự độc lập của các trường, trong đó có một mức độ mới về tự do học thuật, cũng như kiểm soát chất lượng nội bộ. Đó là những điều cần thiết để các trường ĐH của họ có thể trưởng thành đầy đủ. Nhưng đó sẽ là một quá trình tiệm tiến, được định hình bởi những chuẩn mực xã hội TQ và vẫn trong bàn tay thống trị của nhà nước trung ương.

Kinh tế đang phát triển chậm lại

Trong thập kỷ vừa qua, giới truyền thông rất chú ý đến sự tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế của TQ. Tràn ngập tin tức về điều này trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2010, người ta dự đoán rằng TQ sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước 2030, và đến 2040 kinh tế TQ có thể tăng gấp ba lần so với thành quả kinh tế của thế giới năm 2000.

Với một quốc gia đã trải nghiệm mức tăng trưởng GDP trung bình khoảng 10% hàng năm trong ba thập kỷ qua, có một ước lượng khác là khoảng 500 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo.

Tuy vậy có những dấu hiệu cho thấy tỉ lệ tăng trưởng kinh tế đã có hiện nay của TQ sẽ không thể bền vững, và thực ra là đang chậm lại, phản ánh những ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu và sự xuất hiện những đối thủ cạnh tranh mới với giá lao động rẻ hơn. Tình trạng chậm lại này cũng có thể cho thấy sự thiếu tiến bộ trong việc tạo ra một xã hội cởi mở và công bằng hơn.

Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới đã nhận định rằng TQ phải theo đuổi những cải cách thể chế cơ bản để tăng cường “nền tảng của kinh tế dựa trên thị trường”. Bản báo cáo cũng lưu ý rằng, để đạt được mong muốn về một “xă hội hài ḥa”cũng sẽ phải có những tiến bộ trong việc đạt được tăng trưởng một cách công bằng hơn, bền vững hơn về mặt môi trường, và có tính chất quân bình hơn”.

Một sự chuyển đổi kinh tế như thế đòi hỏi tăng cường chất lượng giáo dục và cải thiện phẩm chất cũng như năng suất của khu vực GDĐH. Do nhiều phê bình từ bên trong và bên ngoài về một nhà nước quá chú trọng đến an ninh, quá trình chuyển đổi này cũng đòi hỏi một sự mở rộng quyền tự do của công dân. Ở hầu hết những nước đang phấn đấu cho một nền kinh tế và xã hội năng động, các trường ĐH đóng một vai trò độc nhất trong xã hội như là nơi cho những đổi mới và nghiền ngẫm về thực tại, cho sự bất đồng và khoan dung.

Tuy thế, sự trưởng thành đầy đủ của các trường ĐH, ở Mỹ cũng như ở những nơi khác, đòi hỏi phải có thời gian, có sự hiểu biết của xã hội và cần một sự hỗ trợ nhất quán, lâu dài về chính trị và về tài chính.

Người ta có thể nhìn những biến đổi nhanh chóng và ngoạn mục của hệ thống GDĐH TQ, và vấn đề quản trị phù hợp hay mức độ tự chủ như là một phần của khúc quanh phát triển, và mức độ trưởng thành của các trường là mối quan tâm của chính phủ cũng như nhân dân TQ.

“Trước cương vị đang trỗi dậy của TQ, các trường ĐH đã và đang ngày càng được xem là một nguồn quan trọng cho tính chính đáng của nhà nước hiện đại và thẩm quyền chính trị của nó”, Qiang Zha, phó giáo sư khoa giáo dục, DH York, lưu ý như thế.

“Sự thay đổi này có thể sẽ đưa họ vào một vị trí không thể dự đoán trước bởi vì lợi ích của việc thương lượng về tự chủ ĐH và tự do học thuật, đến lượt nó sẽ là chất xúc tác cho sự cởi mở của cả xã hội như một tổng thể.”

Đây là một cái nhìn hy vọng. Nói cách khác, các trường ĐH là con chim bạch yến trong một cái mỏ than– là cái mốc đối sánh để đo lường sự tiến bộ của quốc gia trên đường trở thành một xã hội cởi mở hơn, và rút cục, có năng suất cao hơn nhiều.

Nhiều người là lãnh đạo trường ĐH và giảng viên biết rằng sự kiểm soát quá đáng của nhà nước là một trở ngại; nhờ kinh nghiệm hay kiến thức về những trường ĐH vĩ đại khác, họ hiểu những trở ngại của hệ thống, nhu cầu xây dựng văn hóa nội tại về việc tự cải thiện, và vai trò trọng yếu của tự chủ trong học thuật. Đó là những vấn đề trọng yếu trong việc xây dựng một trường ĐH thực sự đẳng cấp quốc tế, và quan trọng hơn, một trường ĐH thực sự là tác nhân tạo ra thay đổi xã hội.

Liệu các trường ĐH TQ, cụ thể là các trường trong Dự án 985, sẽ là người dẫn đầu hay kẻ đi sau trong những thập kỷ sắp tới? Sự trưởng thành, những thành tựu, và địa vị của các trường ĐH TQ, cũng như ảnh hưởng của họ đối với xã hội TQ và đối với nền kinh tế, sẽ lớn mạnh rất đáng kể nếu như được cho phép.

Phạm Thị Ly dịch

Nguồn: http://www.universityworldnews.com/article.php?story=20121212160450595.
(Đây là bản rút ngắn của bài báo khoa học “China Futurisms: Research universities as leaders or followers?”; in trong Social Research: An International Quarterly of the Social Sciences.)

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)