Cái gốc văn hóa của đời người

Việc dạy học phải được đặt ra ở tầm tư duy chiến lược nhằm tạo ra "chất người và chất cá nhân" làm nên "cái gốc văn hóa của đời người".

Câu chuyện sách giáo khoa Tiếng Việt lớp ba né tránh việc chỉ rõ tên kẻ thù đang gây nên sự phẫn nộ. Chuyện này có cái lý của nó khi mà từ ngàn xưa thái độ đối với giặc ngoại xâm đang là điểm quy chiếu chính tà mọi hành động của người Việt Nam xưa nay. Thế nhưng người viết sách giáo khoa Tiếng Việt lớp ba ấy cũng có cái lý khi nói về mục tiêu quy định nội dung biên soạn.

Thật ra, vấn đề không chỉ động chạm đến công việc quen thuộc của nhà giáo, nó đặt ra một tầm vóc lớn hơn nhiều. Nhân chuyện này xin bàn về một vấn đề chung, rộng hơn: vấn đề sách giáo khoa trong sự nghiệp trồng người. May mắn là trong tay tôi đang có cuốn sách “Vấn đề dạy văn” của nhà giáo Hồ Ngọc Đại với lời bạt của nhà văn Ma Văn Kháng. Vì vậy tốt nhất là lượm lặt trong món quà vừa được tặng này vài ý tâm đắc ngõ hầu góp đôi điều vào chuyện lớn đang đặt ra kia.

Nhà văn thì nhã nhặn lưu ý “Đại ơi! Quan tâm tới mức lo lắng đến việc dạy văn trong nhà trường là tâm trạng của xã hội ta trong những ngày này. Huống hồ là bọn tôi, một số những nhà văn có đoạn văn và bài văn hiện có mặt trong sách giáo khoa của học sinh từ bậc tiểu học đến trung học”. Ma Văn Kháng thổ lộ: “Ở đời muôn sự là chung, giữa anh và cánh nhà văn chúng tôi vẫn có một mẫu số chung đấy anh ạ. Thành ra, đọc sách này của anh, cảm tưởng đầu tiên là thấy như đang đọc một áng văn, một áng văn đầy cá tính”… Nhà giáo thì vẫn thế, ngang như cua, nói toẹt ra: “Văn chẳng là gì hết. Văn chỉ là văn thôi. Văn tức là cuộc sống nói một cách văn mà thôi!… “Theo cách ấy, tôi khoanh cái vùng “vấn đề dạy văn” ở chỗ nào có văn… Đối tượng nghệ thuật có cái lý của nó là những quan hệ người đời. Văn là “sự vật thể hóa” cái lý ấy theo kiểu văn ..”. Thế rồi anh ta hạ một câu có sức nặng ngàn cân của triết lý Hồ Ngọc Đại về chuyện dạy văn, học văn để từ đó mà quy định việc soạn sách giáo khoa: “Dạy văn là nhằm tạo cho trẻ em một nhu cầu nhân văn, một năng lực thuần túy người”! Đến đây thì quả là việc dạy văn và “chuyện sách giáo khoa” được đặt ra ở cái tầm của tư duy triết lý trong sự nghiêp trồng người.

“Thời tiểu học là thời hình thành nhân cách, với chất người và chất cá nhân, làm nên cái gốc văn hóa của đời người. Từ 0 đến 11-12 tuổi, em có chất văn hóa gì thì sau này văn hóa cá nhân em đặc trưng bởi tính chất ấy”. Quan điểm này Hồ Ngọc Đại trình bày trong “Giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”. Cụ thể hơn, ở trang 15 của cuốn sách chỉ vỏn vẹn 35 trang kể cả mục lục, in khổ nhỏ, kiểu bỏ túi, mà lại chữ to để cho mắt kèm nhèm cũng đọc được mà tác giả tặng người viết này cách đây mấy tháng. Cầm cuốn sách trên tay mà nghĩ bụng “hắn chơi chua với đời đây, theo kiểu Voltaire: “Hai mươi tập sách khổ lớn không bao giờ làm nổi một cuộc cách mạng; chính những quyển sách nhỏ giá ba mươi xu mới thực sự đáng sợ” [Jamais vingt volumes in-folio ne feront de révolution ; ce sont les petits livres portatifs à trente sous qui sont à craindre].

“Chất người và chất cá nhân” làm nên “cái gốc văn hóa của đời người” gợi lại công trình nghiên cứu “Phạm trù Người” của anh, bản thảo đánh máy chưa in dày 300 trang Đại chuyển cho đọc cách nay đã hơn 20 năm. Từ ba trăm trang đánh máy ấy mà nội dung chắt lọc lại thành chỉ mấy câu này trong loại sách “ba xu” Voltaire nói là nó đây! Và chắc chắn không chỉ từ công trình đậm chất triêt học ấy, còn phải từ nhiều công trình nghiên cứu đã in và chưa đưa in khác, mới chưng cất được 35 dòng trong cuốn sách “bỏ túi” kia. Phải bằng những công trình như vậy của một người dành toàn bộ sự nghiệp và tâm huyết cả đời người cho chuyện “trồng người” mới chưng cất lên được mấy dòng chữ chắt lọc kia!

“Nghề chơi cũng lắm công phu” huống hồ nghề dạy học, nghề làm khoa học, mà xét đến cùng, cái cần hướng tới không thể là gì khác là con người, là chất người và chất cá nhân với cái gốc văn hóa của đời người! Cái gốc văn hóa của đời người này được Hồ Ngọc Đại trình bày trong “Vấn đề dạy văn” với nội dung rất súc tích cô đọng: “phải lấy sự sống thực, sự cảm nghiệm của chính mình làm nền tảng. Sự phong phú về tâm hồn, về văn chỉ là bông hoa của cây đời, mà lúc đầu chỉ là hạt giống được gieo trên mắt đất phù sa đầy nhựa sống của cuộc đời ” để từ đó mà đưa ra một kết luận chắc nịch: “Cuộc sống là nguồn gốc cuối cùng, là nơi xuất phát, nơi đi, nơi đến của quá trình hình thành tiếng nói và văn”.

Chính từ đó mà Ma Văn Kháng hạ một lời khen cũng kiệm lời kiệm chữ súc tích không kém “Cuốn sách của anh như một tảng đá bật ra từ cuộc sống… Cuốn sách có lối viết của một áng văn. Đó là một kết cấu đẹp với những câu văn và ý tưởng đẹp. Sức quyến rũ của nó với tôi là sức quyến rũ của cái đẹp!”. Rồi từ đó, nhà văn bạn tôi bộc bạch “với ai thì tôi không biết, nhưng với tôi thì nó đã giúp tôi thoát ra khỏi bao nhiêu là ràng buộc không nên có đấy giáo sư ạ. Ôi cái nghĩa đời, nghĩa văn giản đơn và sâu xa là vậy” của trái tim anh…”, và nhà văn bạn tôi đã “biểu lộ sự đồng tình, hơn nữa, niềm cảm hứng tràn trề của một tri kỷ trươc rất nhiều câu văn anh viết vừa phản ánh trình độ tư duy thấu đáo, kghoa học vừa mang hơi ấm nồng nàn của trái tim anh”.

Rõ ràng là cuốn sách bàn về chuyện dạy văn với cách đặt vấn đề của nó đã vượt xa khung khổ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là chuyện của cả xã hội. Vì rằng “cái lớn thì đủ sức bao dung cái nhỏ, mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn” như Nguyễn Văn Siêu, danh sĩ triều Nguyễn thế kỷ XVIII, đã chỉ ra. Vậy mà “cái lớn” thì lại đang còn quá nhiều vấn đề, ở đây xem ra “những chứng bệnh ngoài da” đã chuyển vào “bên trong nội tạng” như lời cảnh báo của M. Gorki ngay sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917: “Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần”. Vì thế, văn hào Nga chỉ rõ: “Dân tộc này còn phải được trui rèn trong ngọn lửa cháy không bao giờ dứt của văn hóa”. Để rồi quyết liệt mà tuyên bố: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi “Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!”*

Ấy vậy mà, đâu chỉ có “Vấn đề dạy văn”! Gần đây, trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 20.8.2012 người ta còn đòi hỏi “Phải “lột xác” môn sử” nữa cơ! Mà đây lại là lời của vị giáo sư đứng đầu ngành sử học Việt Nam. Những người nghiên cứu lịch sử, theo ông, “sẵn sàng cộng tác với Bộ GD-ĐT trong hành trình “lột xác” dạy và học môn lịch sử này”. Mà vì thế mà vị Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử khuyến cáo phải “rà soát lại toàn bộ chương trình, từ sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy đến công tác đào tạo giáo viên…”.

Nhưng nếu chỉ thế thôi thì e lại rơi vào tình thế của “cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn” mà danh sĩ triều Nguyễn đã chỉ ra. Để làm được tốt việc soạn sách giáo khoa môn sử, phải chăng cần rà soát lại chất lượng của các công trình nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là phải thẳng thắn nhìn lại tính trung thực lịch sử của các công trình nghiên cứu lịch sử đã được xuất bản. Để làm gì? Để các nhà sử học dám nhìn thẳng vào sự thật và nói lên sự thật về những sự kiện lịch sử đã được công bố với những lời phán xét của các nhà sử học đôi lúc chưa thật khách quan và trung thực, đặng nhặt ra những nhầm lẫn, xuyên tạc!

Vấn đề đặt ra chính là các nhà sử học phải đối diện với những đòi hỏi của lương tâm và trách nhiệm của chính mình, để “lột xác” những công trình nghiên cứu lịch sử, trả về cho chúng giá trị thật của chính nó!

Cần biết bao một cuốn sách “về vấn đề dạy sử” na ná như cuốn sách về “vấn đề dạy văn” của GS Hồ Ngọc Đại. Ở đó, vấn đề dạy văn, dạy sử phải được đặt ra ở tầm tư duy chiến lược nhằm tạo ra “chất người và chất cá nhân” làm nên “cái gốc văn hóa của đời người”.

* Maxim Gorky Những ý tưởng không hợp thời đăng trên nhật báo Novaja Žizn (Đời Mới) trong những năm 1917-1918. NXB Surkamp Taschenbuch của Đức ấn hành năm 1974

Tác giả