Cần chia sẻ thiết thực với nghề giáo

Cuộc sống đi kèm với mưu sinh, khi đồng lương không đủ lo cho gia đình một cách tươm tất, khiến cho mối quan tâm của người thầy đối với chất lượng bài giảng hay thời gian nghiên cứu phục vụ giảng dạy cũng bị giảm đi. Bởi vậy, việc cải thiện chế độ tiền lương cho thầy cô giáo là thiết yếu thời điểm hiện nay.

Tiền lương phần nào thể hiện sự trả công cho các thầy cô giáo trong quan hệ “mua chữ, trả tiền”. Hơn nữa, chế độ tiền lương hợp lý sẽ thể hiện được sự kính trọng, biết ơn của toàn xã hội đối với nghề trồng người.

Cải cách giáo dục, người thầy không còn là người giảng lý thuyết đơn thuần mà còn là những người nghiên cứu và hướng dẫn học trò tìm kiếm cái mới, gợi mở tư duy sáng tạo. Một khi người thầy không phải nghĩ đến chuyện mưu sinh, họ sẽ toàn tâm với trách nhiệm trồng người của mình.

Ngoài ra, cũng giống như một công ty tuyển người làm. Tiền lương kém hấp dẫn thì khó thu hút được người giỏi. Chế độ tiền lương hiện nay cũng đang là rào cản rất lớn khi các trường muốn chiêu mộ những người ưu tú nhất trong xã hội, chẳng hạn như, khó mời được các luật sư có kinh nghiệm vào giảng dạy tại các trường luật… Và cũng chính vì sự bất cập của tiền lương mà ngành giáo dục vẫn chưa tạo được “thị trường việc làm” cạnh tranh, do đó chưa có điều kiện và cơ chế để “thanh lọc” những người không đủ trình độ ra khỏi các tiết giảng. Một khi người thầy được nhận mức lương “đãi ngộ”, nhà nước và người dân có quyền chất vấn những người thầy ấy về chất lượng của các sản phẩm là người học khi ra trường. 

Chú trọng đầu ra thay vì đầu vào là sự lựa chọn của các nước tiên tiến trên thế giới. Hệ thống lương bậc của giáo viên cũng nên dựa vào các tiêu chí nhất định theo xu hướng đó, chẳng hạn như:

(i)    Các giáo viên uyên thâm sẽ được nhận lương cao hơn so với các giáo viên có trình độ trung bình (hiện nay, việc lương cao hay thấp ở nước ta chủ yếu dựa vào số năm công tác).

(ii)    Các giáo viên không đủ trình độ sẽ bị thanh lọc.

(iii)    Các giáo viên giảng dạy môn học càng khó, càng quan trọng thì sẽ được trả lương cao.

Như vậy, cùng với những lời tán dương “tôn sư trọng đạo” hay “không thầy đố mày làm nên” với các nhà giáo tại các cuộc mít tinh, kỷ niệm và những bó hoa sắc màu chỉ mang ý nghĩa khích lệ tinh thần thì sự quan tâm đến chế độ tiền lương cho những người dạy học nhằm chia sẻ khó khăn với người thầy cũng như gia đình của họ mới thực sự bù đắp được công lao trồng người của các nhà giáo. Điều này cũng được xem như bước cải cách mang tính đột phá và sự sống còn của ngành giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

* Đại học Victoria, New Zealand

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)