Cần một “sáng kiến tổng thể” cho toàn hệ thống

Trao đổi chung quanh bài viết Hướng tới một nền giáo dục thực sự đổi mới của tác giả Lê Trường Tùng, nhà nghiên cứu Phạm Toàn cho rằng, thay vì những sáng kiến riêng (đã rất có hệ thống), cần có một “sáng kiến tổng thể” cho toàn hệ thống.

Phác thảo của anh Lê Trường Tùng rất hay, cần được đem ra nghiên cứu, song tốt nhất là trước đó nên đạt được một sự đồng thuận giữa các nhóm sáng kiến về một điều cơ bản hơn nữa: cuộc Giáo dục được cải cách theo định hướng nào? Thay cho những sáng kiến riêng (đã rất có hệ thống) cần có một “sáng kiến tổng thể” cho toàn hệ thống.

Tôi xin phép lấy vài thí dụ:

Quan tâm sao cho cái “vùng trũng” tiếng Anh vượt lên, kể cũng cần, vô cùng cần thiết. Nhưng giúp nó “vượt lên” theo định hướng nào? Nếu vẫn nhắm mắt đi theo đường lối “giao tiếp– lấy giao tiếp nuôi giao tiếp …” như hiện nay thì vùng trũng đó sẽ thành “bình địa”.

Tiểu học, trung học, đại học… thay đổi mấy năm thành mấy năm, thay đổi một đường học duy nhất “vào đại học” thành nhiều nhánh đào tạo… đó là điều bây giờ ai cũng thấy. Nhưng cũng rất cần là quan niệm cho rõ mỗi bậc học đó là cái gì và nó như thế nào trong cả hệ thống lớn?

Tôi rất nghi ngờ những công thức tính toán số phận một dân tộc kiểu như công thức Ray Cline. Rồi vài ba năm nữa những nhà bác học của các nước tuyệt đối dân chủ ấy lại sẽ có những công thức khác không kém hoành tráng. Có lẽ vì tôi dốt Toán, nên tôi ưng những “công thức” của sự cảm nhận triết học thể hiện ở những gương mặt ngời ngợi của Thầy Cô giáo và Học trò ở ngay nhà trường và trong lớp học của họ. Còn khi các em nhỏ lớn lên và vào đời, đó lại là một loạt số phận khác nữa, không ai nói mạnh được.

Hiện nay, những ý kiến về cải cách giáo dục nở rộ. Nhóm Cánh Buồm chúng tôi chủ trương như ông Picasso khi người ta hỏi về lý thuyết hội họa của ông. Ông chỉ vào tranh của mình: đấy, lý thuyết của tôi đấy.

Nói cách khác, có lẽ vào thời điểm này, ta cần hai điều đã.

Một là TỰ DO, để các nhóm sáng kiến thay cho phản biện bằng lời (đã quá nhiều lời rồi, từ thời Hamlet ông hoàng điên này đã lầm bầm la hét Words! Words! Words!) hãy để các nhóm thể hiện hết ý tưởng và năng lực tổ chức thực tiễn triển khai các ý tưởng.

Hai là DÂN CHỦ, dân chủ triệt để trong đối xử với các nhóm sáng kiến.

Tình thế hôm nay càng cho thấy rõ: không vội được! Mà có vội cũng không được!1
           


Đọc thêm:

* Hướng tới một nền giáo dục thực sự đổi mới
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5511

* Nếu chính sách giáo dục chỉ hướng đến mục tiêu kinh tế
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=5615&CategoryID=6

Tác giả