“Cảo thơm” trường Nguyễn Hoàng

Gói ghém những khối ký ức và chân tình trong hàng ngàn trang giấy, bộ sách “Trường Nguyễn Hoàng: Chân dung và kỷ niệm” không chỉ là một khối tư liệu lớn về mái trường này mà còn ẩn chứa một giá trị tinh thần riêng biệt của những người gắn bó và lớn lên trên mảnh đất Quảng Trị…

Biết nói gì về một trời ký ức thuở hoa niên khi mỗi người có hàng trăm ngàn điều để nhớ trong những năm cắp sách đến trường? Không chỉ những người nổi tiếng như đạo diễn Lê Cung Bắc, nhà thơ Võ Quê, nhà sử học Đỗ Bang, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa, nhà giáo Nguyễn Hữu Liêm… mà cả hàng trăm, hàng ngàn người bình thường khác cùng trưởng thành từ mái trường Nguyễn Hoàng cũng đều có những ký ức vẹn nguyên thơ ngây và đẹp đẽ về nơi này. Dù thân phận có khác biệt sau này thì những gắn bó yêu thương với “thời thơ thiếu nhỏ” 2 ở trường Nguyễn Hoàng đều được san sẻ rộng khắp… Và nay, họ gửi lại những mối thâm tình đó trong những bài thơ, mẩu ký ức tưởng chừng vụn vặt, đôi khi chỉ là một dáng hình hay một buổi học như trăm nghìn buổi học khác… Lật giở từng trang như thấy cả rưng rưng nước mắt hoài nhớ một khung trời Nguyễn Hoàng, gần gụi đến mức tưởng chừng chạm được vào ký ức, vậy mà thoáng chốc đã vụt qua:

“…Thi tú tài hai, ai không sợ rớt?

 Môn Triết, “chống gậy” đi thì đừng quay lại!

Tội nghiệp thầy Tâm vẫn say sưa giảng mãi

Mà lũ học trò nghịch phá vẫn không tha

Thầy hiểu quá rồi tuổi ‘nhất quỉ nhì ma’” 2

Có lúc, nhiều người đã nghĩ đến chuyện những ký ức ấy rồi sẽ phai nhạt hoặc đứt đoạn theo sự chảy trôi, xô dạt của cuộc đời, nhưng chỉ ngấm ngầm lo lắng “thì thôi…” mà không dám nói ra. Thế rồi “kẻ vô tình, người hữu ý’, mạch chảy ngầm tưởng chừng mong manh ấy đã được những hậu duệ thời Nguyễn Hoàng ấy nối dài mãi. Trong hàng vạn thế hệ tiếp nối thưở trường Nguyễn Hoàng, tôi ngẫu nhiên bắt gặp một “người quen” đứng tên bài viết trong tập “Trường Nguyễn Hoàng: Chân dung và kỷ niệm” số 10A. Đó là PGS. TS Lê Huy Bắc, con trai của cựu học sinh Nguyễn Hoàng Lê Văn Đông, hiện là cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, từng được phong phó giáo sư năm 36 tuổi và là thầy của nhiều tiến sĩ văn học trong nước. Do thân phụ anh đã mất, anh gửi mấy bài thơ trong di cảo của ông và ghi lại một số kỷ niệm gia đình để in vào tập sách.    

…Với ba tôi, bất kỳ một trí thức Quảng Trị đương thời đúng nghĩa nào cũng đều đi qua Nguyễn Hoàng. Vùng quê Triệu Phong vốn đất học ngày xưa luôn xem Nguyễn Hoàng là ‘Harvard’ của lòng mình. Những ai được vào trường đồng nghĩa với việc được cấp phép đứng vào hàng ngũ những trí thức của vùng và đất nước… Thế hệ của ba tôi vốn đầy tài hoa nhưng không ít người phải mai một theo thế cuộc. Riêng cá nhân tôi không xuất phát từ tư cách là con, tôi luôn ngưỡng mộ ba tôi ở phong cách hào hoa với nền kiến thức uyên thâm, tấm lòng nhân ái và cái nhìn đầy hoài bão, bao dung về cuộc đời…

…Ba tôi mê sách và giáo dục con cái bằng sách. Nhà tôi luôn nhiều sách. Ba tôi là một trí thức kiểu cũ, những người học chỉ để nâng cao nhận thức, tự mình biết lẽ phải để sống cho đẹp với đời, chứ hoàn toàn không mang tri thức đó ra để kiếm tiền theo cách giáo dục tân thời ngày nay… Những người có học, tự họ tỏa sáng để những cái xấu, cái ác không có cơ hội hoành hành.

Sự học ở Nguyễn Hoàng thưở đó là học chiều sâu, cách học đặt nền tảng để con người có thể học mãi đến cuối đời…” 

Công bằng mà nói, nếu nhìn rộng ra toàn quốc, nhiều nơi cũng có những ngôi trường giàu truyền thống như Nguyễn Hoàng nhưng nếu tôi không nhầm, chưa có trường nào có được bộ sưu tập ký ức đầy đủ như Nguyễn Hoàng. Các cuốn sách, dù chỉ là tập hợp ký ức chứ không phải những áng văn chương, nhưng chan chứa ân tình của những cựu học sinh Nguyễn Hoàng đang tản mát khắp mọi nơi, và cả chan chứa thâm tình của những người lặng lẽ cặm cụi liên lạc với bạn thưở hoa niên, với các thầy các cô, tiếp nhận những trang bản thảo, biên tập và đưa vào những cuốn sách dày gần nghìn trang…, trong đó có cô giáo Võ Thị Quỳnh. Là cô giáo dạy chuyên văn có tiếng của trường Quốc học Huế, Võ Thị Quỳnh còn được biết đến với bộ sưu tập tranh ép hoa – lá – cây từng đem đi triển lãm nhiều nơi. Mỗi khi ghé lại căn phòng chật hẹp trong ngõ bên đường Phan Đình Phùng, chưa kịp hỏi đã thấy tiếng Quỳnh thanh trong cất lên ríu rít như chim giữa những thùng sách chất đống nơi góc nhà:

– Vừa xong thêm một cuốn Nguyễn Hoàng nữa đó. Anh xem ni…

Cầm những tập sách dày trên dưới ngàn trang nặng chịch, dù biết không có lời khen nào xứng với công lao của Võ Thị Quỳnh, tôi vẫn buột miệng:

– Bái phục cô!… mà thầy trò Nguyễn Hoàng nay ở khắp thế giới, rồi làm sao gửi sách cho họ?

– Thì từ từ thôi anh. Khi tàu biển, khi máy bay…

Bằng cách “từ từ” nhẹ nhõm ấy, Quỳnh đã gửi sách bay qua nửa vòng trái đất, tới tận tay người nhận. Và gần 300 địa chỉ thầy cô giáo và hơn 2.500 cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã được kết nối… để tới lúc cả người nhận và người gửi cùng rưng rưng “cảo thơm lần giở trước đèn…”

*Bài viết được biên tập trên cơ sở bài “Người đưa ‘Nguyễn Hoàng’ đi khắp ‘thế giới’” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê gửi tòa soạn nhân dịp bộ sách do cô giáo Võ Thị Quỳnh biên soạn, nhà xuất bản Thuận Hóa mới được hoàn thành.

1. Mượn ý thơ trong bài “Bóng chữ” của nhà thơ Lê Đạt “Chia xa rồi anh mới thấy em/Như một thời thơ thiếu nhỏ”.

2. Trích bài thơ “Môn Triết – Thầy Lê Mậu Tâm” của cựu học sinh lớp 12A1 Lê Thị Phụng trong cuốn “Trường Nguyễn Hoàng: Chân dung và kỷ niệm” (tập 10B). Thầy Lê Mậu Tâm là học sinh trường Nguyễn Hoàng từ năm 1952 đến năm 1956 và sau dạy học tại trường từ năm 1966 đến năm 1973.

Tác giả