Chấn hưng giáo dục trong tình hình mới

Gần đây, do những tiêu cực nghiêm trọng trong thi cử tiếp theo việc thay đổi người lãnh đạo giáo dục, dư luận xã hội lại rộn lên bàn luận sôi nổi chuyện dạy và học. Nhân ông tân Bộ trưởng kêu gọi người dân góp ý kiến xây dựng giáo dục, nhiều người lại nhớ đến bản kiến nghị mà cách đây hơn hai năm GS Hoàng Tụy, thay mặt một nhóm trí thức tâm huyết trong nước và Việt kiều, đã chính thức gửi lên Trung Ương, với tiêu đề: CHẤN HƯNG, CẢI CÁCH GIÁO DỤC LÀ MỆNH LỆNH CUỘC SỐNG. Nhiều người muốn biết bản kiến nghị ấy đã có tác động gì đối với giáo dục và hiện nay nó có còn hay đã hết ý nghĩa thời sự. Dưới đây xin ghi lại những ý kiến thẳng thắn của GS. Hoàng Tụy trong buổi phỏng vấn ông đã dành cho Tia Sáng.

P.V: Hai năm trước đây, bản kiến nghị “Chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa giáo dục” đã được dư luận rộng rãi hoan nghênh và ủng hộ, đón nhận như một sự kiện nổi bật trong đời sống giáo dục ở nước ta. Ông đánh giá thế nào về tác dụng của bản kiến nghị  ấy đối với tiến trình đổi mới giáo dục hai năm qua? Nó đã được các cơ quan hữu trách tiếp nhận ra sao?

GS. Hoàng Tụy:  Ai cũng biết ba mươi năm qua giáo dục trên thế giới biến chuyển sâu sắc như chưa hề thấy, trong lúc đó giáo dục nước nhà lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên. Quá bức xúc trước tình hình trì trệ đó nên vì trách nhiệm chung, chúng tôi buộc phải bày tỏ ý kiến với cấp lãnh đạo cao nhất trước khi quá muộn. Chứ thật tình không ai trong chúng tôi đặt quá nhiều kỳ vọng vào tác dụng của bản kiến nghị. Bởi chúng tôi biết đổi mới là một quá trình đấu tranh nhọc nhằn để từ bỏ những thói quen, cách sống, cách suy nghĩ, làm việc, thì ở đâu cũng khó, mà ở nước ta, trong lĩnh vực giáo dục càng khó hơn vì tùy thuộc quá nhiều yếu tố phi giáo dục.

Thiếu quyết tâm từ cấp cao thì cải cách giáo dục khó thành công. Trong ý nghĩa đó, tôi đánh giá cao ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải khi từ nhiệm đã can đảm nhìn nhận sự không thành công trong hai lĩnh vực giáo dục và khoa học, công nghệ  thời gian qua.  

Nếu tới đây giáo dục tiếp tục không thành công thì đó sẽ là điều bất hạnh lớn cho dân tộc, vì không ai lường hết được hậu quả của nó đối với mọi mặt đời sống của đất nước khi hội nhập. Thực tế ngày càng xác nhận, đúng như chúng tôi đã nêu trong bản kiến nghị: chấn hưng giáo dục là mệnh lệnh cuộc sống. Hy vọng giờ đây, với nhận thức đó, ông Bộ trưởng mới sẽ có điều kiện thuận lợi hơn người tiền nhiệm để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, giáo dục của ta đã tụt hậu ở mức không bình thường và trong thời gian quá dài. Do đó, muốn khắc phục nhanh sự lạc hậu, giáo dục phải được cải cách, xây dựng lại từ gốc, tức là từ nhận thức, quan niệm, tư duy cơ bản về mục tiêu, phương hướng, nội dung, phương pháp, tổ chức, quản lý, để phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại mới. Không thể làm tùy tiện, gặp đâu làm đó, nay sửa, mai sửa, gây bất ổn liên miên như đã làm trong hai chục năm qua, mà phải nghiên cứu nghiêm túc, có một kế hoạch chu đáo và chuẩn bị kỹ lưỡng để thực hiện từng bước chắc chắn, theo một lộ trình thống nhất được Quốc hội thông qua trước khi thực hiện.

Đó là hai điều cơ bản chúng tôi đã kiên trì thuyết phục các cơ quan hữu trách trong nhiều năm, và đã nói lại một lần nữa trong bản kiến nghị.

Sẽ là may mắn nếu với người lãnh đạo mới, giáo dục sẽ có một quyết tâm mới, một tư duy mới và một tầm nhìn chiến lược về cải cách và phát triển để không đi theo vết xe đổ hai mươi năm qua.

Về sự cần thiết cấp bách phải chấn hưng giáo dục và xây dựng lại từ gốc, hình như bây giờ ngày càng có nhiều người chia sẻ quan niệm ấy. Nhưng bên cạnh đó, bản kiến nghị còn nêu ra nhiều  đề nghị cụ thể về những việc cấp bách cần chấn chỉnh, ông có thể cho biết  những đề nghị cụ thể này có được hưởng ứng không và những thay đổi vừa qua trong ngành giáo dục có gì phù hợp với các đề nghị ấy?

Trong bản kiến nghị chúng tôi có nêu ra mười vấn đề cấp bách cần và có thể giải quyết ngay để cải thiện tình hình và ngăn chặn sự suy sụp hơn nữa của giáo dục (3 vấn đề cho phổ thông: thi cử, dạy thêm học thêm, sách giáo khoa; 7 cho đại học: thi cử, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, chức danh GS, PGS, chính sách đối với người dạy đại học, đổi mới sư phạm, xây dựng mới một đại học hiện đại làm “hoa tiêu”, tăng và nâng cao hiệu quả đầu tư cho đại học).

Xin ghi nhận rằng, ngay từ đầu, bản kiến nghị đã nhận được sự quan tâm  của người đứng đầu Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Thủ tướng đã có buổi làm việc trực tiếp với chúng tôi để nghe trình bày về từng đề nghị cụ thể. Ông Bộ trưởng GD&ĐT cũng đã tham dự nhiều buổi thảo luận của chúng tôi để nghe trực tiếp các ý kiến. Qua thực tế, tôi nghĩ rằng dù ít hay nhiều những đề nghị của chúng tôi cũng đã có tác động trực tiếp đến các chủ trương giáo dục hai năm qua.

 Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận ở TƯ cũng như ở Bộ GD&ĐT không phải ai cũng hoan nghênh bản kiến nghị. Hơn nữa, hoan nghênh là một việc còn hưởng ứng là việc khác. Còn nhớ từ 1996, trong một phiên họp do Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc ấy triệu tập, nhiều người đã báo động gay gắt những căn bệnh chính của giáo dục, sau đó nghị quyết TƯ cũng đã đòi hỏi ngành giáo dục phải quyết liệt chống các căn bệnh ấy, thế mà cả chục năm trời những “khối u” ấy vẫn phát triển, có mặt còn trầm trọng hơn. Công bằng mà nói, đây không phải chỉ là vấn đề năng lực và trình độ của bộ máy quản lý giáo dục, mà còn có cái gốc ở những khuyết tật trầm trọng kéo dài của hệ thống. Lấy ví dụ chuyện gian lận thi cử, đâu chỉ có nguyên nhân ở “căn bệnh thành tích” (nghe sang trọng quá!) mà cái gốc của nó là thói gian trá (đây mới là cách gọi đúng tên) đang lan tràn trong xã hội, vì được nuôi dưỡng bởi một cơ chế và tổ chức rất thuận lợi cho nó phát triển.

Nói vậy để thấy hết sự gian nan của công cuộc chấn hưng, cải cách giáo dục, tuy không vì thế mà được quyền coi nhẹ trách nhiệm của ngành.

Vừa qua, trên nhiều mặt công tác, ngành giáo dục đã có một số thay đổi theo chiều hướng tốt, phù hợp với các đề nghị của chúng tôi (mà cũng là của nhiều người khác), song những thay đổi ấy còn quá chậm, quá vất vả, trầy trật, và còn xa yêu cầu. Tình trạng chung là dùng dằng nửa muốn đổi mới nửa còn luyến tiếc lối cũ (phần vì trình độ, vì quán tính, phần vì lo phải chia sẻ quyền lợi) đồng thời cũng đã xuất hiện xu hướng chạy theo những giải pháp tự do quá trớn, coi nhẹ nghĩa vụ của Nhà nước và biến giáo dục thành một ngành kinh doanh kiếm lời đơn thuần.

Hầu như trong quá trình đổi mới ở lĩnh vực nào cũng có  những hiện tượng dùng dằng đó và bao giờ người ta cũng có đủ lý do. Nhiều người cho rằng vì lợi ích chung thì ít mà thường vì những suy tính thiệt hơn cho những nhóm quyền lợi nào đó. Ông có thể nói rõ hơn sự dùng dằng trong một số chủ trương giáo dục?

Trước hết và thời sự nhất là chuyện cải cách thi cử và đánh giá. Chúng tôi kiên trì kiến nghị bỏ các kỳ thi cuối cấp (tiểu học, THCS, tú tài) mà thay vào đó thực hiện thi, kiểm tra nghiêm túc thường xuyên, đều đặn, từng chặng, từng môn, đến cuối cấp xét kết quả học tập và đánh giá tổng hợp để cho tốt nghiệp. Không tổ chức thi đại học như hiện nay mà chỉ nên có một kỳ thi nhẹ nhàng, bằng trắc nghiệm, với mục đích sơ tuyển, để loại những người quá kém, không đủ trình độ tối thiểu theo học đại học. Còn việc tuyển sinh vào đại học thì do từng trường đại học tự làm, chủ yếu dựa trên hồ sơ học THPT, và phỏng vấn hoặc thi nếu cần thiết.

Kết quả là đến nay đã bỏ được hai kỳ thi tiểu học và THCS, như vậy đã có tiến bộ, nhưng vẫn cố giữ thi tú tài và thi đại học, hai kỳ thi vừa tốn kém, căng thẳng, vừa phơi bày biết bao chuyện tiêu cực đáng xấu hổ lặp đi lặp lại không dứt.

Vấn đề thứ hai thể hiện sự dùng dằng là phân ban chương trình THPT.  Đây là vấn đề nhùng nhằng đã hơn mười năm nay. Bộ GD&ĐT, từ những năm đầu 90 thế kỷ trước đã cho thí điểm khá rộng một chương trình “chuyên ban” quá “chuyên” nên bị phản đối và đến 1996 phải đình lại để nghiên cứu thêm. Sau đó vài năm lại tiếp tục nghiên cứu, thí điểm, và từ đó thí điểm đi thí điểm lại nhiều lần, vẫn chưa thành công. Năm 2005, dự thảo phân ban chính thức đưa ra hỏi ý kiến rộng rãi vẫn theo phương án chia nhiều ban. Sau khi góp ý kiến mà không thấy có phản hồi tích cực, tháng 11/2005, tôi đã đến Bộ một buổi chiều để trình bày và trao đổi ý kiến với Bộ trưởng và các bộ phận hữu trách về cách tổ chức chương trình THPT. Dựa theo kinh nghiệm nhiều nước tiên tiến, tôi đề nghị chương trình THPT cần tạo điều kiện cho học sinh có nhiều sự lựa chọn để học sao cho phù hợp với sở thích, khả năng riêng của mình, mà vẫn bảo đảm được học vấn phổ thông cần thiết, đồng thời cách tổ chức chương trình phải uyển chuyển để cho phép học sinh điều chỉnh sự lựa chọn khi cần thiết. Theo tinh thần đó không chia ban cứng nhắc, mà mỗi môn có thể có hai chương trình: một bình thường, và một nâng cao, học sinh tùy chọn mà học. Từng năm, học chương trình nào thì thi theo chương trình đó. Chỉ chú ý là ai muốn sau này học đại học ngành nào thì cần chọn chương trình nâng cao về những môn cần thiết theo ngành đó để ghi vào học bạ khi tốt nghiệp phổ thông (học bạ này phải đính trong hồ sơ xin vào đại học). Như vậy, chỉ có một ban là ban cơ bản, chứ không có hai ban kia (KHTN và KHXH). Trong thực tế học sinh chỉ cần chọn hai hay ba môn để học chương trình nâng cao. Như thế cho phép sự khác nhau giữa hai chương trình nâng cao và bình thường tăng dần lên, để đến lớp 12 thì những học sinh có khả năng đã có thể học hết một phần chương trình đại học về môn sở trường của mình.

Sau buổi thảo luận đó tôi hy vọng sẽ không còn cách phân ban cứng nhắc đã thất bại qua nhiều đợt thí điểm trước đây. Thế nhưng rất tiếc, cuối cùng thì chương trình THPT chính thức vẫn theo phương án chia 3 ban cứng nhắc, chỉ có tiến bộ so với trước là bây giờ có ban cơ bản linh hoạt như phương thức chúng tôi đã đề nghị. Vừa qua khi đưa ra thực hiện thì đúng là đại đa số học sinh chọn ban cơ bản. Thật ra, nếu không có hai ban KHTN hay KHXH  học sinh vẫn có thể chọn ban cơ bản rồi học nâng cao về các môn họ cần. Nhưng điều cứng nhắc bất lợi là đã chọn các ban này thì phải học nâng cao về tất cả các môn của ban đó – một sự lãng phí không cần thiết đối với nhiều học sinh chỉ cần học nâng cao hai ba môn trong đó.

Sở dĩ vẫn cố giữ hai ban KHTN và KHXH có lẽ là vì nhiều năm nay đã trót có hai ban đó và sách giáo khoa về hai ban đó đã biên soạn và in sẵn cả rồi nay bỏ đi thì không nỡ.

Một vấn đề khác là cải cách đại học. Từ lâu chúng tôi đã báo động sự tụt hậu của đại học còn nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần so với giáo dục phổ thông. Vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã nhận ra sự yếu kém bất thường đó của đại học, nên đã bắt tay xây dựng “Đề án đổi mới đại học”. Tuy nhiên, trong tình hình của ta hiện nay, cải cách giáo dục không nên tách rời đại học với phổ thông và hơn nữa, đây là việc lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ, nên không thể làm vội vã và bỏ qua sự chấp thuận của Quốc hội tức là, theo một nghĩa nào đó, sự đồng thuận của xã hội. Trước đây đã có kinh nghiệm bản chiến lược giáo dục 2000-2010 tuy còn nhiều điểm chưa được tính toán cân nhắc kỹ vẫn được thông qua để rồi sau vài năm thấy rõ đó là một chiến lược… tụt hậu.

Về đào tạo ThS, TS và tuyển chọn GS, PGS, thì công tác này vốn bê bối lộn xộn từ hàng chục năm nay, lẽ ra phải được chấn chỉnh để khắc phục nạn lan tràn học vị và chức danh dỏm, nhưng trong nhiều năm các đề nghị tâm huyết của nhiều nhà khoa học trong nước, ngoài nước, đều bị bỏ ngoài tai. Lần này, những đề nghị ấy được nhắc lại khẩn thiết, và nhờ thế đến năm 2005 đã có ít nhiều kết quả. Một đề án cải tổ công tác chức danh GS, PGS, trên căn bản phù hợp các đề nghị của chúng tôi, đã được đem ra bàn thảo, những tưởng sẽ là một bước tiến lớn đối với đại học, song cuối cùng vẫn không vượt qua được tư duy bảo thủ lạc hậu và công việc này đã phải quay 180 độ để trở về những kiểu làm việc kỳ quặc cũ. Ở đây cũng như trong những trường hợp tương tự, cái người ta quan tâm là tôi còn quyền gì, mất quyền gì, chứ không phải lợi ích sự nghiệp khoa học, giáo dục.

Đó chỉ là mấy ví dụ. Nói chung, cần ghi nhận những cố gắng vừa qua của Bộ GD&ĐT để đổi mới tư duy và xây dựng lại giáo dục. Song có lẽ cũng cần thông cảm với ông Bộ trưởng cũ, “lực bất tòng tâm”, do quán tính, xu hướng trì trệ còn nặng ngay trong Bộ, trên Bộ, và ở những tổ chức ngoài Bộ nhưng phụ trách những công tác lẽ ra phải thuộc thẩm quyền của Bộ. Nói rộng ra cơ chế còn quá nhiều vướng mắc, cho nên dù ai cũng khó vượt qua nếu không đủ bản lĩnh.
 

Hiện nay vấn đề nóng bỏng đang nổi  lên như một yêu cầu bức bách của giáo dục là chống tiêu cực, làm trong sạch nhà trường. Trong một bài viết đăng ở báo Người lao động gần đây ông có đề xuất hai việc cần làm để chống tiêu cực trong giáo dục có kết quả là giải quyết tiền lương thỏa đáng cho thầy cô giáo các cấp và bỏ thi đua. Có ý kiến cho rằng cả hai giải pháp ấy đều ít khả thi. Ông nghĩ sao? 

Tôi quan niệm tiêu cực trong giáo dục không chỉ ở việc gian lận thi cử, mà ở mọi biểu hiện gian dối trong các hoạt động giáo dục: chạy điểm, chạy bằng, báo cáo thành tích ảo, trục lợi bất chính… Như vậy, thực chất cũng là tham nhũng, nhưng với những biểu hiện đặc thù trong giáo dục. Cho nên muốn chống tiêu cực trong giáo dục có kết quả thì phải triệt cái mầm sản sinh ra nó ngay từ trong cơ chế quản lý.

Thi đua là một biện pháp động viên tinh thần lao động để nâng cao năng suất, về ý nghĩa không khác gì các biện pháp khuyến khích năng suất vẫn được thực hiện ở các xí nghiệp tư bản. Nhưng cách thi đua của ta có những đặc thù cho nên trước đây bao giờ cũng nói là thi đua xã hội chủ nghĩa, để nhấn mạnh tinh thần tự giác xã hội chủ nghĩa và kèm theo nó là cách tổ chức: cá nhân hay đơn vị tự báo, rồi bình bầu, rồi khen thưởng. Tuy vậy, ngay thời đó cũng đã thấy rằng nó không thích hợp với ngành giáo dục cho nên ngay ở Liên Xô cũ là xuất xứ của thi đua, người ta đã bỏ thi đua trong giáo dục từ những năm 30 của thế kỷ trước. Ở nước ta trước đây ở miền Bắc cũng không phải không thấy khó khăn của thi đua trong giáo dục, nhưng dẫu sao thời chiến tinh thần tự giác xã hội chủ nghĩa nói chung khá cao cho nên chuyện bóp méo thành tích để tăng điểm thi đua không nghiêm trọng. Còn bây giờ, khi thang giá trị trong xã hội đã thay đổi thì thi đua, với cách tổ chức như ta làm, là một cơ chế tạo ra những thành tích ảo như đã thấy trong nhiều năm qua. Vì vậy nên mạnh dạn bỏ thi đua trong giáo dục mà nên học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, dùng những biện pháp quản lý thích hợp hơn để động viên tính tích cực của người lao động.

Gắn với thi đua là chế độ lương cực kỳ phi lý, không thể biện minh bằng bất cứ lý do nào, mà phải xem là một cơ chế “đục nước béo cò” chỉ thích hợp để nuôi dưỡng tham nhũng. Trong nhiều bài viết trên các báo và phát biểu với các vị lãnh đạo ở cấp cao tôi đã nói rõ vì sao cơ chế trả lương này là thủ phạm chính gây ra tham nhũng tràn lan, làm một vỏ bọc kiên cố bảo đảm cho tham nhũng đi dần từ dưới lên cao một cách “an toàn”. Riêng về giáo dục thì trong một bài viết nhan đề: “Những chỉ tiêu giật mình trong giáo dục” đăng trên Vietnamnet năm 2005, TS Vũ Quang Việt, dựa trên cơ sở phân tích số liệu thống kê nghiêm túc, đã chứng minh rằng chỉ cần chấn chỉnh các khoản ngân sách chi tiêu cho giáo dục thì hoàn toàn đủ để trả lương đàng hoàng cho cán bộ giáo viên, chứ không phải chỉ trả cho họ một đồng lương còm rồi buộc họ xoay xở để kiếm thêm thu nhập cho đủ sống.
 

Vì vậy, nếu chúng ta thật tâm muốn chống tiêu cực trong giáo dục thì một việc cần làm ngay là hãy mở một cuộc tổng điều tra về các cách chi tiêu tiền ngân sách và các khoản thu khác (tiền nhân dân đóng góp, tiền vay cho các dự án) trong giáo dục. Trên cơ sở đó lập lại kỷ cương tài chính và giải quyết chế độ lương cho cán bộ, giáo viên một cách cơ bản, đúng như đã ghi trong nghị quyết Đại hội IX của Đảng. Chỉ khi mọi người lao động giáo dục đều có lương đủ sống theo mức phù hợp với năng suất của mình thì mới có cơ sở pháp lý và đạo lý buộc ai nấy phải làm việc nghiêm túc. Còn như hiện nay thì có chống được tiêu cực cũng chỉ chống ở phần ngọn, không thể giải quyết được vấn đề một cách cơ bản.

Đương nhiên hai giải pháp trên là bài thuốc rất đắng vì nó sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của những người lâu nay được hưởng lợi từ cơ chế có thể gọi là “lương mà bất lương” này.

Vừa rồi GS  P.Darriulat, một nhà vật lý nổi tiếng đã sống và làm việc ở Việt Nam vài năm nay, có gửi cho tôi một bài viết đề cập đến giáo dục đại học Việt Nam. Trong đó ông nói rõ: “Nếu có ai hỏi tôi biện pháp gì đột phá có thể nâng cao chất lượng đại học Việt Nam, tôi không chút ngập ngừng trả lời ngay đó là: sửa đổi chế độ lương cực kỳ phi lý, bất công, vô hiệu quả”.

Lưu Thủy (thực hiện)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)