Chiếc búa lớn hơn
Ở Việt Nam, tôi được biết về các loại gỗ mới, cứng như thép. Để đóng một cái đinh lên chúng, bạn cần phải đập hết lần này đến lần khác mà vẫn khó nhận thấy sự dịch chuyển. Mỗi nhát búa chỉ làm nó nhích vào thớ gỗ ít hơn một milimet, và mỗi lần đập lại là một lần chiếc đinh có nguy cơ bị quằn đi. Ở Việt Nam, tôi đã học được ý nghĩa của cụm từ "dần dần từng bước một".
Cách đây vài năm, tôi có vinh dự rất lớn khi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sở dĩ có cuộc gặp này là do ông đã nghe về những hoạt động của tôi nhằm thúc đẩy sự phát triển giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. Đó là một cuộc gặp gỡ hết sức cảm động. Ông đã nắm tay tôi và nói rằng đại học Việt Nam cần một cuộc cách mạng, anh hãy tiếp tục đấu tranh. Tôi không bao giờ quên điều đó*. Đấy là lý do tại sao tôi đồng ý viết thêm vài dòng về đại học và nghiên cứu ở Việt Nam mặc dù tôi tin rằng tất cả những điều cần phải nói đã được nói và chúng đã được lặp đi lặp lại nhiều lần, và những gì chúng ta cần bây giờ không phải là nói nữa mà là hành động. Hy vọng thêm một nhát búa nữa sẽ không hại gì và chiếc đinh sẽ không bị quằn.
…
Mới đây một nữ phóng viên trẻ của báo Tuổi Trẻ đã phỏng vấn tôi. Cô muốn gặp tôi vì nghe nói tôi có một số ý tưởng về cải cách giáo dục ở Việt Nam. Tôi giải thích với cô ấy rằng tôi không phải là người đưa ra ý tưởng ban đầu, đó không phải là ý tưởng của riêng tôi mà bất cứ ai có một chút kinh nghiệm với giáo dục đại học và nghiên cứu cũng sẽ nói những điều tôi đã nói và đó là những điều đã được nói đến nhiều năm nay bởi rất nhiều người Việt có kinh nghiệm, có năng lực và hiểu biết hơn tôi và rằng đã đến lúc phải lắng nghe họ. Không người nào điếc hơn người không muốn nghe, không người nào mù hơn người không muốn nhìn. Chúng ta cần một chiếc búa lớn hơn.
Thật vậy, không khó để có thể xác định được những cái cần phải thay đổi. Đó không phải là vấn đề về quan điểm mà là vấn đề về lương tri và sự trung thực, vấn đề về tính nghiêm ngặt của tri thức và đạo đức. Hãy cùng xem lại những điểm chính mà Tướng Giáp và Giáo sư Hoàng Tụy đã đề cập và diễn đạt những điểm đó một cách ngắn gọn. Những gì họ nói có thể được tóm lược lại thành bốn câu: chúng ta phải dừng việc nói một đằng, làm một nẻo; chúng ta phải khôi phục lại phẩm giá cho giới trí thức và học giả; chúng ta phải có kế hoạch rõ ràng cho nghiên cứu và giáo dục cho tương lai; chúng ta phải chấm dứt nạn chảy máu chất xám.
Nhiều gia đình Việt Nam đã tiêu tốn rất nhiều tiền của để gửi con cái đi du học. Các trường đại học Việt Nam hiện đang trở thành những phòng chờ cho các trường đại học nước ngoài. Những khoản tiền như vậy đã có thể dùng để đầu tư tốt hơn nhiều vào việc cải thiện chất lượng các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong nước.
Chúng ta phải dừng việc nói một đằng, làm một nẻo; chúng ta phải khôi phục lại phẩm giá cho giới trí thức và học giả; chúng ta phải có kế hoạch rõ ràng cho nghiên cứu và giáo dục cho tương lai; chúng ta phải chấm dứt nạn chảy máu chất xám. |
Chúng ta chưa nỗ lực trong việc khuyến khích các sinh viên Việt Nam tài năng học tập ở nước ngoài quay trở về phục vụ đất nước. Không nên chờ đến khi họ nhận được huy chương Fields hay giải Nobel mới nhận ra tài năng của họ. Cần phải nói cho họ biết trước khi đi học nước ngoài rằng đất nước này cần họ và họ chính là tương lai của đất nước. Những sinh viên đó phải được biết trước khi đi du học về những kế hoạch, chính sách của nhà nước được soạn thảo liên quan tới lĩnh vực của họ, để họ biết họ có thể trông đợi được những gì khi quay trở về. Chúng ta nên theo dõi quá trình học tập và công tác của những sinh viên đó trong thời gian ở nước ngoài, để họ không cảm thấy bị đất nước bỏ rơi mà ngược lại đất nước quan tâm đến họ. Khi trở về, họ cần nhận được sự trợ giúp để xây dựng nên một đội ngũ xung quanh mình và sử dụng hiệu quả nhất những kiến thức và kỹ năng mà họ đã tiếp thu được ở nước ngoài.
Chúng ta cần có chính sách rõ ràng về các vấn đề giáo dục đại học và nghiên cứu. Chính sách đó cần phải được phổ biến rộng rãi, tới tất cả mọi người để có thể hành động theo đường lối vạch ra. Ngày nay, hầu hết các sinh viên giỏi đều theo học các ngành kinh tế. Kinh tế là khoa học của việc tạo ra tiền bằng tiền. Chúng ta có chắc rằng Việt Nam cần nhiều nhà kinh tế đến như vậy không? Phải chăng chúng ta không cần tài năng của họ để phát triển các lĩnh vực quan trọng khác hay sao? Điều này gợi cho tôi nhớ lại một câu chuyện đã từng nghe. Chuyện xảy ra ở một vương quốc châu Á nhỏ bé đã biến mất từ lâu. Các tầng lớp quý tộc và triều đình sống trong cảnh giàu sang và cách ứng xử của họ phát triển đến độ tinh tế, trong khi đó những người nông dân sống trong cảnh nghèo khó và thiếu văn hoá. Các quý tộc ăn cơm trên bàn làm bằng gỗ quý, dùng đũa bạc, bát vàng, còn những người nông dân thì ngồi trên mặt đất, đựng thức ăn trên lá chuối và ăn bốc. Sự bất bình đẳng, với những bất công rõ ràng, làm nổ ra một cuộc cách mạng, nhà vua và triều thần bị giết. Khi những người nông dân lên nắm quyền, họ mong muốn con cái của mình có được cuộc sống hạnh phúc mà họ đã bị tước đoạt; họ muốn chúng học cách ứng xử cao sang của giới quý tộc; họ cho con cái mình theo học các trường học mới nơi dạy cách ứng xử như vậy. Họ đã rất thành công, thế hệ con cháu họ nhanh chóng trở nên thông thạo những cách ứng xử tinh tế và phức tạp; chúng biết chính xác phải cầm đũa, đặt trên bàn như thế nào tùy vào tình huống. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, các công dân của nước cộng hoà mới không còn biết thế nào là trồng lúa, không thể nấu cơm và rồi tất cả đều nhanh chóng chết đói trong một nạn đói khủng khiếp.
Người ta nói rằng đến năm 2020 Việt Nam sẽ đào tạo được hai mươi ngàn tiến sĩ mới. Tôi đã mất mười năm để đào tạo ba tiến sĩ. Thử hỏi, chúng ta tìm đâu ra được hơn năm nghìn giáo sư những người có thể dành thời gian hướng dẫn và đào tạo một số lượng lớn nghiên cứu sinh như vậy? Tuyên bố thực hiện mục tiêu đầy thử thách này cần phải giải thích về cách thức để đạt được mục tiêu đó. Tháng mười hai năm ngoái, một sinh viên của tôi đã bảo vệ luận án tiến sĩ tại một trường đại học uy tín của Pháp. Cô ấy đã xuất sắc, nhận được đánh giá cao từ hội đồng chấm luận văn. Luận án đã được thực hiện theo bản thoả thuận ký kết trước đó giữa Việt Nam và Pháp: bản thoả thuận ghi rõ cách tiến hành thực hiện luận án để công bằng cho cả hai nước, nghiên cứu sinh dành thời gian thực hiện luận án ở cả Việt Nam và Pháp và sẽ nhận bằng tiến sĩ do cả hai nước cấp. Cô đã nhận được bằng của Pháp từ lâu nhưng vẫn chưa nhận được bằng của Việt Nam vì gặp phải khó khăn với những quy định lỗi thời có lẽ đã được soạn thảo cho những năm năm mươi của thế kỷ trước nên hoàn toàn bất hợp lý trong thế giới khoa học hiện nay.
Một cách ngây thơ, tôi đã nghĩ rằng đáng lẽ đại học Việt Nam phải rất vui mừng và tự hào khi có một luận án tiến sĩ thực hiện dưới dạng hợp tác đồng hướng dẫn với một trong các trường đại học uy tín nhất châu Âu. Nhưng không phải như vậy. Ông hiệu trưởng của trường, một người đầy hiểu biết mà tôi rất tôn trọng, đã làm hết sức để giải quyết vấn đề, nhưng ngay cả ông, người đứng đầu hệ thống phân cấp, cũng không thể thay đổi các quy tắc đã trở nên hoàn toàn không phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Quy tắc được tạo ra để được tôn trọng khi chúng có ý nghĩa và cần phải được thay đổi khi trở nên lạc hậu. Nhưng ngay cả hiệu trưởng cũng không có đủ thẩm quyền để thay đổi quy định để làm cho chúng trở nên tốt hơn. Vậy ai là người có khả năng? Làm sao chúng ta có thể hy vọng có một trường đại học Việt Nam lọt vào top 200 trường đại học của thế giới vào năm 2020 như đã tuyên bố trong khi chúng ta thậm chí không thể sửa đổi những thiếu sót hiển nhiên như vậy?
Ngày nay, một sinh viên trẻ mới tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân thường tìm được công việc có lương cao hơn so với một giáo sư đại học. Phải có điều gì đó sai trái trong việc này. Vấn đề không phải là với số tiền sinh viên đó kiếm được, nó hoàn toàn xứng đáng, mà là với tiền lương của giáo sư đại học. Hậu quả của việc đó thật là một thảm hoạ. Trước tiên, với các giáo sư, điều đó giống như một sự xem thường, giống như nói với họ rằng đất nước không cần họ, không quan tâm về những gì họ đang làm. Như thế làm sao chúng ta có thể hy vọng họ sẽ quan tâm đến sinh viên của mình và tương lai của các em trong khi chính họ bị đối xử một cách thiếu tôn trọng? Thứ hai, với mức lương không đủ trang trải cuộc sống gia đình, họ phải làm thêm công việc khác để có thể đủ sống. Làm sao chúng ta có thể trông mong họ là những giáo sư tốt hay có thể làm tốt công việc nghiên cứu khi họ chỉ có thể dành một phần thời gian để thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình? Tất nhiên, chính phủ không có chiếc đũa thần để có thể cho phép tăng lương một cách đột ngột, gấp năm lần hoặc cỡ như thế, cho các cán bộ, viên chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học giáo dục và các công nhân viên chức ở hoàn cảnh tương tự. Chính phủ cần xây dựng chi tiết việc tái cơ cấu nhân lực và kế hoạch nghỉ hưu sớm, dành vị trí cho các postdoc trẻ, tạo ra chứng chỉ mới (ví dụ “habilitation” ở Pháp, là chứng chỉ cho phép hướng dẫn nghiên cứu sinh, muốn xin làm giáo sư thì phải có chứng chỉ này) như ở nhiều nước để xác định tốt hơn những yêu cầu đối với cán bộ làm việc trong lĩnh vực học thuật.
Một điểm nữa là về đạo đức. Bất cứ ai yêu khoa học đều nhạy cảm với vấn đề đạo đức học thuật. Tính chính xác của tri thức luôn gắn liền với sự nghiêm túc về đạo đức. Trong khoa học, gian lận là tự sát. Sớm hay muộn, gian lận sẽ bị phát hiện, hãy nhớ trường hợp của Lyssenko. Gần đây, tại TP HCM, một giáo sư đại học đã bị phát hiện đạo văn: ông đã sao chép công trình của một người khác và gửi cho một tạp chí khoa học danh tiếng và bài báo được đăng. Sự gian lận nhanh chóng bị phát hiện. Như GS Hoàng Tụy nói: “Ở trường, chúng ta dạy con em mình sự thẳng thắn và ngay thẳng; chúng ta, những người lớn, phải là những tấm gương cho chúng.” Có quá nhiều tham nhũng, gian lận, dối trá trong thế giới quanh ta, chúng ta phải đẩy xa chúng ra khỏi các trường đại học. Chúng ta phải bỏ việc cho điểm giữa 9 và 10 cho các học sinh kém, phải ngăn chặn gian lận thi cử, phải khôi phục lại giá trị của các văn bằng. Cho dù chúng ta thích hay không, hiện nay chúng ta đã trở thành các công dân thế giới. Mạng Internet đã xoá bỏ các đường biên giới, các nước không thể che giấu sự thật với dân chúng của mình. Chúng ta nên tránh việc giảng dạy những điều không đúng sự thật cho trẻ em và học sinh sinh viên, họ không dễ gì bị che mắt và hậu quả sẽ làm cho họ không tin chúng ta nữa ngay cả khi chúng ta dạy họ sự thật.
Đã đến lúc dừng lại. Những gì tôi muốn nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Hoàng Tụy đã nói hay hơn rất nhiều trong các bài viết của họ. Vậy tại sao tôi cần nhắc lại những điều đó? Chỉ có một điều hơi mang tính cá nhân mà tôi muốn nói thêm. Mười một năm nay, tôi đã sống ở Việt Nam và dành rất nhiều thời gian cho các sinh viên Việt Nam của mình. Những điều tôi nói ra đều xuất phát từ trái tim, vì tôi quan tâm tới họ, vì tôi mong muốn đất nước sẽ đem lại cho họ tương lai mà họ xứng đáng có được. Tôi biết rõ lịch sử gần đây của Việt Nam và nỗi đau mà đất nước đã phải hứng chịu một cách phi lý trong rất nhiều năm. Bất cứ ai biết điều đó đều không thể không yêu đất nước này và mong muốn đất nước có được tương lai tươi sáng hơn. Tôi biết sáu mươi năm qua đã có ảnh hưởng lớn như thế nào đến ba thế hệ người Việt Nam, những vết thương chiến tranh hằn sâu đến mức nào và khoảng cách giữa các thế hệ rộng chừng nào. Những hiểu biết đó chỉ có thể đem đến cho tôi cảm giác khiêm nhường và tôn trọng, và nó đã ngăn tôi đưa ra những phán xét và chỉ trích. Nhưng tôi tin chắc rằng đã đến lúc chúng ta phải hành động, phải tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tham gia nhiệt tình vào thời kỳ phục hưng trí tuệ của đất nước bằng cách thúc đẩy mạnh mẽ giáo dục đại học và nghiên cứu. Thế hệ trẻ không trải qua sự áp bức thuộc địa, họ không trải qua các cuộc chiến tranh, họ không biết đến những năm tháng khó khăn sau chiến tranh, họ là những người con của Đổi Mới. Chiếc búa lớn hơn mà Việt Nam cần đang ở trong tay họ. Chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội này và chúng ta hãy làm hết khả năng để động viên, giúp đỡ và hỗ trợ thế hệ trẻ.
(*) Những chỗ in đậm là do Tia Sáng nhấn mạnh