Chưa nên thông qua luật giáo dục đại học

“Nay chúng ta bàn về luật giáo dục đại học mà chưa bàn cải cách chẳng khác nào đặt cái cày đi trước con trâu,” - đó là góp ý thẳng thắn của GS Hoàng Tuỵ tại buổi lấy ý kiến các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục cho dự thảo luật giáo dục đại học do Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam tổ chức mới đây.

Tham dự buổi hội thảo còn có các giáo sư đầu ngành khác như GS Chu Hảo, GS Nguyễn Đăng Hưng cùng các nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục. Các ý kiến thẳng thắn cho rằng, dự thảo luật giáo dục đại học lần này chưa mang tầm chiến lược, còn nặng tính bao cấp, vụn vặt và góp ý chưa thể đưa ra trình Quốc hội trong kỳ tới.

Quốc hội chưa nên thông qua!

GS Hoàng Tuỵ cho biết, muốn thông qua luật hay xây dựng luật giáo dục đại học trước hết phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục (cải cách giáo dục). Phải xác định nội dung, phương hướng lộ trình rồi mới bàn tới luật giáo dục đại học.

“Nay chúng ta bàn về luật giáo dục đại học mà chưa bàn cải cách chẳng khác nào đặt cái cày đi trước con trâu. Tôi nói, trước đây giáo dục phổ thông cũng đã có cách làm ngược đời này, tức là chưa bàn cải cách giáo dục đã vội bàn tới sửa đổi chương trình sách giáo khoa với đề án 70.000 tỉ, đã bị dư luận phê phán. Nếu chúng ta cứ tiếp tục tiến hành theo cách làm như vậy là tiếp nối một tư duy tuỳ tiện, không hệ thống, chạy theo thành tích. Có thể có tích cực trong thời gian ngắn hạn ở mức độ nào đó với mục đích để báo cáo lấy công”, GS Hoàng Tuỵ thẳng thắn góp ý.

Những bất cập trong nền giáo dục đại học hiện nay cũng được GS Hoàng Tụy chia sẻ. Theo ông, lâu nay nền giáo dục của chúng ta đang có xu hướng chạy theo thành tích của một nhóm lợi ích, chính vì vậy, vấn đề mà Nhà nước hô khẩu hiệu chống tham nhũng vẫn liên tiếp kéo dài.

Xác định phương hướng cho tương lai của nền giáo dục nước nhà, GS Hoàng Tuỵ vạch rõ, luật ra đời làm sao để đưa nền giáo dục của chúng ta đi đúng theo quỹ đạo. Yếu kém nhất của nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay là đi lạc con đường chung của thế giới đang đi. “Lạc hậu thì còn có thể khắc phục nhưng đi lạc đường thì mãi mãi khó đuổi kịp được các nước”, GS Hoàng Tuỵ cho biết.

Đóng góp về bản dự thảo luật giáo dục đại học lần này, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết, khi dự thảo luật này được đưa ra, ông nhận thấy nó có điểm đi ngược lại với xu thế. Trong dự thảo không nói gì tới cải cách giáo dục. Như vậy, chẳng khác nào chúng ta đưa luật vào thực thi mà không xác định được phương hướng.

Tự chủ chưa rõ ràng

Yếu kém nhất của nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay là đi lạc con đường chung của thế giới đang đi. Lạc hậu thì còn có thể khắc phục nhưng đi lạc đường thì mãi mãi khó đuổi kịp được các nước.

GS Hoàng Tuỵ

Một vấn đề lâu nay vẫn thường bàn cãi rằng, liệu nền giáo dục của chúng ta hiện nay có thực sự được quyền tự chủ? Theo quan điểm của ông Nguyễn Quang Kính, nguyên chánh văn phòng bộ Giáo dục và đào tạo, tự chủ ở đây là cơ chế quản lý, quản trị cần có để đạt được mục đích, chất lượng hiệu quả trong đào tạo, nghiên cứu phục vụ cho xã hội của một trường đại học. Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ, tự chủ phải đạt được chất lượng hiệu quả trong nghiên cứu thì mới được hưởng quyền tự chủ. Theo ông Kính, hai chuyện này hoàn toàn khác nhau.

“Tôi nghĩ phải sửa ngay những quy định có khả năng duy trì cơ chế xin – cho đối với quyền tự chủ của nhà trường. Không nên xem quyền xác lập tự chủ của nhà trường là quá trình phân chia quyền lực giữa nhà trường và các nhà quản lý cấp trên. Muốn vậy, cần có sự nhất trí, và nhận định quyền tự chủ là một thuộc tính cần có để một trường đại học tự khẳng định vị trí trong “hệ sinh thái đại học”, ông Kính nói. Muốn làm được những việc trên, theo ông Kính, bộ Giáo dục và đào tạo cần đóng vai trò là người giám sát thay vì duy trì điều hành hệ thống giáo dục.

Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, tính tự chủ của chúng ta hiện nay vẫn còn lặt vặt, không có tính hệ thống vì tư duy kém. Những kết luận nêu trên theo nhà văn Nguyên Ngọc do bản dự thảo lần này xuất phát từ chỗ chưa hiểu thế nào là quan niệm đại học. “Do vậy, Quốc hội chưa nên thông qua trong kỳ tới, mà cái cần làm lúc này là điều chỉnh các văn bản dưới luật, đó mới là cái đáng làm trước”, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết.

Đồng quan điểm với nhà văn Nguyên Ngọc, GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng băn khoăn: “Tôi tự hỏi, trước khi soạn thảo luật lần này ban soạn thảo có tham khảo các nền giáo dục phát triển ở các nước gần chúng ta hay không. Tôi xem bản dự thảo lần này thấy rằng, tư duy bao cấp vẫn chưa thoát khỏi nền giáo dục chúng ta, những tư duy đó có tác hại lớn với xã hội vì đi chệch với xu thế chung của nhân loại”.

Những điểm bất cập trong Dự thảo Luật Giáo dục đại học

GS Trần Hồng Quân (chủ tịch hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam) vạch ra những điểm bất cập như sau:

Thứ nhất: bản dự thảo chưa hình dung, chưa phác thảo, chưa xây dựng được chiến lược phát triển giáo dục đại học, chưa phù hợp với tinh thần của nghị quyết lần thứ 11 của Đảng là: đổi mới căn bản nền giáo dục đại học nước nhà.

Thứ hai: dự thảo lần này mới chỉ mang tính chất luật của các trường đại học chứ chưa mang tính chất luật của hệ thống giáo dục đại học nói chung.

Thứ ba: chưa kế thừa được một số quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về luật giáo dục đại học.

Thứ tư: một số vấn đề lớn của giáo dục đại học chưa được nghiên cứu thấu đáo. Điển hình nhất là quan niệm thế nào là đại học đại chúng và đại học tinh hoa.

Ngoài ra, theo GS Trần Hồng Quân, vấn đề công bằng xã hội chưa được thể hiện đúng. “Đã là một công dân Việt Nam được học đại học, đương nhiên người nào cũng được thụ thưởng các ưu đãi của Nhà nước dành cho sinh viên. Không có lý gì sinh viên trường này được, sinh viên trường khác lại không?” GS Quân so sánh.

 

Tác giả