Chúng ta nghèo nhưng phí phạm
Bài viết của GS. Pierre Darriulat đã chỉ ra những sự thật nhức nhối mà chúng ta cần dũng cảm nhìn nhận, trong đó đặc biệt đáng quan tâm là vấn đề lãng phí chất xám và các nguồn lực của xã hội.
Trong một hệ thống như vậy thì chất xám chắc chắn không dược nuôi dưỡng, người tài phải ra ngoài làm cho cơ quan tư nhân hoặc nước ngoài nếu không muốn bị thui chột hoặc thậm chí bị… đì. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp, những người đi du học bằng học bổng nhà nước hoặc do cơ quan nhà nước tài trợ cử đi đa số không muốn trở về làm cho Nhà nước. Du học sinh đi bằng con đường tự túc lại càng dễ có ý định ở lại chứ không muốn về nước. Đây là một khuynh hướng ngày càng tăng và đáng lo ngại.
Mặt khác, do không thực sự sử dụng hiệu quả tài năng nên các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng nhân sự không chú trọng đến năng lực thực chất mà chỉ chú trọng tấm bằng và điểm số, gây ra tình trạng lạm phát bằng cấp, chạy điểm, mua thầy, tất cả chỉ để cho có một hồ sơ học bạ đẹp để nộp khi xin việc. Đây là một trong những tác nhân quan trọng khiến công tác đào tạo, giáo dục ngày càng thiếu tính thực chất, xa rời thực tiễn.
Ở chiều ngược lại, chất lượng giáo dục yếu kém sẽ tiếp tục gây lãng phí chất xám cho những thế hệ tiếp theo, khiến người học lãng phí nhiều thời gian quý báu mà không được đào tạo đúng mực để đáp ứng nhu cầu phát triển của bản thân và xã hội. Hậu quả là tình trạng người người đổ xô đi học nước ngoài hoặc ít ra là các chương trình liên kết với nước ngoài ở trong nước, để rồi nếu không may mắn thì gặp phải những trường kém chất lượng khiến tiền mất tật mang, vừa làm lãng phí chất xám bản thân, vừa gây hao hụt nguồn ngoại tệ mà đất nước đang rất cần để phát triển.
Lãng phí của cải
Có nhiều thí dụ về tình trạng này ở Việt Nam, tôi chỉ nêu hai trường hợp cụ thể mà tôi biết rõ nhất. Thí dụ thứ nhất là từ những năm 2000 khi phần mềm Blackboard, một hệ thống quản lý học tập trực tuyến, mới ra đời và được bán với giá cắt cổ khiến ngay cả các trường đại học của Mỹ cũng ngần ngại không dám mua, thì một trường đại học ở TP. HCM (xin không nêu tên) bằng nguồn vốn vay cho giáo dục đại học của Ngân hàng Thế giới đã mạnh dạn mua về rồi để đó không dùng vì quá phức tạp, sau đó phải vứt bỏ. Trong khi đó, chỉ vài năm sau người ta đã có thể mua phiên bản cập nhật hơn của cùng một hệ thống ấy với mức giảm giá rất nhiều lần.
Từ những vấn đề tồn tại phổ biến như trên, chúng ta có thể thấy rằng thay vì tiếp tục theo đuổi những mục tiêu ảo tưởng, như đưa giáo dục đại học Việt Nam lọt vào top này hay top kia, Việt Nam cần phát triển nền giáo dục đại học của mình thật vững chắc bằng cách tập trung đáp ứng các nhu cầu thiết thực nội tại của xã hội và nền kinh tế. Đó là: một nền giáo dục tử tế ở trình độ sau trung học (gồm cả dạy nghề, cao đẳng, và đại học); hạn chế bớt các chương trình sau đại học kém chất lượng; quan tâm đến chất lượng đầu ra sao cho đáp ứng thị trường lao động, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội v.v. Nếu không làm vậy thì nền giáo dục Việt Nam sẽ không thể đứng vững qua cơn khủng hoảng hiện nay, và càng không thể cất cánh.