“Chúng tôi đang học cách đặt từng viên gạch”

Không lâu sau khi viết thư gửi Bộ trưởng Giáo dục, nói về những điểm thiếu thực tế của SGK tiếng Anh phổ thông ở Việt Nam, Võ Thị Mỹ Linh cũng đồng thời bắt tay vào thành lập một dự án dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cô chia sẻ về những kết quả ban đầu của dự án này, sau khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm.

Gần đây bạn khởi động dự án Volunteer House Vietnam với mong muốn dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em. Bạn có thể chia sẻ, dự án đã bắt đầu như thế nào?

Dự án Volunteer House Vietnam dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em từ 9-12 tuổi, đặc biệt ưu tiên trẻ em nghèo. Tham gia dự án này, khách du lịch có trình độ tiếng Anh, không phân biệt người Việt hay người nước ngoài, sẽ được cấp chỗ ở miễn phí, đổi lại bằng việc dạy tiếng Anh cho trẻ em, hoặc cùng làm việc với người dân địa phương. Mục đích của dự án là không chỉ giúp trẻ em nghèo cải thiện kĩ năng Anh ngữ mà còn thay đổi thói quen du lịch check–in/ngắm cảnh, hướng đến hình thức du lịch trải nghiệm, thử thách bản thân.

Bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2015, đến nay, dự án đã có hơn 500 tình nguyện viên trong nước và quốc tế đăng ký tham gia;
năm cơ sở dạy tiếng Anh miễn phí – ba cơ sở ở TP HCM và hai cơ sở ở Hà Nội – đã đi vào hoạt động. Dự án cũng vận động được 80 nhà trống trên 18 tỉnh thành. Mục tiêu của chúng tôi là dự án được triển khai trên toàn quốc và mỗi tỉnh thành có ít nhất một ngôi nhà Volunteer House Vietnam.

Vì sao bạn lại chọn việc dạy tiếng Anh cho trẻ em làm hoạt động chính của dự án?

Khi lập dự án này, chúng tôi không quan tâm sẽ phổ cập tiếng Anh được cho bao nhiêu em. Cứ tính trung bình mỗi lớp học có 15 em, với năm cơ sở của chúng tôi, mỗi năm chỉ tốt nghiệp được 75 em thì đâu có nhiều nhặn gì. Dự án này ra đời là để lan tỏa thông điệp rằng, tiếng Anh rất quan trọng, đã đến lúc các bạn cần phổ cập nó như thời chúng ta xóa mù tiếng Việt vậy. Bởi, một cô gái phải bỏ việc để đi vì dốt tiếng Anh như tôi, hơn ai hết, tôi hiểu rõ người ta phải chịu thiệt thòi thế nào nếu dốt tiếng Anh. Lúc bỏ việc, tôi đã ước, với một cô gái chịu học như tôi, giá mà hồi nhỏ bố mẹ nhắc nhở rằng tiếng Anh quan trọng lắm thì tôi sẽ sống chết mà học. Nhưng bố mẹ tôi ngày đó chỉ quan tâm chuyện làm sao kiếm đủ tiền để không bị chết đói, chứ đâu biết học tiếng Anh để làm gì.

Sau khi dẫn chứng bài học đầu tiên của các SGK Tiếng Anh từ tập 1 đến tập 5 đều dạy đi dạy lại ba câu “Hello”, “Where are you from”, “How’re you”, trong thư gửi Bộ trưởng Giáo dục tháng 11/2014, Võ Thị Mỹ Linh đặt câu hỏi vì sao có mỗi ba câu đó mà học sinh phải học đi học lại suốt năm năm học.

Thách thức lớn nhất đối với bạn khi điều hành dự án này là gì?

Dĩ nhiên, làm một công việc tình nguyện không hề dễ dàng tí nào, nhất là dự án chưa huy động được bất kỳ nguồn vốn nào cho đến thời điểm này. Tôi hình dung nó còn khó hơn quản lý một công ty. Nếu điều hành một công ty, tuyển nhân viên về làm, nhân viên làm không được đuổi việc thì quá dễ. Nhưng ở đây tôi lại không có một đồng nào để trả lương cho tình nguyện viên. Làm thế nào để họ ở lại với dự án mới là khó.

Tôi cũng thấy buồn khi một số phụ huynh có con em tham gia đi học miễn phí bắt đầu ra yêu sách. Nào là học vào giờ đấy họ đón con không kịp, nào là sao không dạy cái gì giúp con họ có thể đạt điểm cao ở trường…

Những người ủng hộ bạn và dự án nói gì? Và với những người không ủng hộ, bạn có nghe ý kiến nào từ họ?


Năm 2014, Võ Thị Mỹ Linh từng bỏ việc đi du lịch trong nửa năm ở Ấn Độ và Nepal.
Tháng 10 năm đó, cô đã may mắn sống sót sau trận bão tuyết khiến ít nhất 40 người
thiệt mạng ở dãy núi Annapurna (cao 5.000mm, thuộc dãy Himalaya ở Nepal).

Đã có rất nhiều phóng viên báo đài đều tìm đến phỏng vấn tôi. Họ ca ngợi vì tôi làm một điều tốt cho xã hội. Nhưng đó chỉ là trên báo thôi. Chứ thực ra, tất cả phóng viên gặp tôi ngoài đời đều hỏi một câu: sao về nước hết tiền sao không lo kiếm việc mà lại đi làm chuyện thiện nguyện.

Câu hỏi này nhắc tôi liên tưởng đến hình ảnh ngày nhỏ. Một chiều cuối năm, tôi chứng kiến cảnh ông cụ hàng xóm chạy đi khắp các hẻm nhặt rác để cả xóm có một con đường sạch đón Tết. Những người dân nơi khu tôi ở thấy ông già đi nhặt rác thì chạy lại tỏ lòng biết ơn. Nhưng khi ngồi nói chuyện với nhau, họ bảo, “Cái lão già ấy điên nhỉ, nhà lão bẩn không ai dọn, thế mà lão lại đi nhặt rác cho cả xóm”. Dĩ nhiên, cả tôi, những bạn bè đã và đang chung tay gầy dựng dự án cùng tôi, cũng như ông già nhặt rác ấy, chẳng ai buồn vì những lời bình luận của thiên hạ. Bởi chúng tôi không cố gắng làm điều tốt đẹp để nhận lại những lời tử tế. Chúng tôi làm nó, đơn giản chỉ vì nếu không làm, chúng tôi sợ những thứ xấu xa còn lại sẽ quyến rũ chúng tôi mất.

Tôi cũng thấy những người ở thế hệ trước lắc đầu nhìn thế hệ trẻ bây giờ và bảo rằng, giới trẻ chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ, không lo xây dựng đất nước. Tôi muốn nói với họ rằng, đã có hơn 500 tình nguyện viên trẻ đang tham gia vào dự án của tôi. Chúng tôi đang học cách đặt từng viên gạch. Và câu hỏi còn lại bây giờ là: thế họ có muốn giúp thế hệ trẻ chúng tôi làm điều này không?

Xin cảm ơn những chia sẻ của bạn!

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)