Chuyện “thi đua” trong giáo dục

Đâu là nguyên nhân của căn bệnh thành tích trong giáo dục? Có đúng thi đua là động lực của nhà giáo? Làm thế nào để thực sự “cởi trói” cho nhà giáo, và trả lại môi trường sư phạm cho nhà trường?

Tại ba cuộc hội thảo với lãnh đạo các sở giáo dục ở ba miền do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong cùng một ngày vào cuối tháng 8 vừa qua nhằm thảo luận về chuyện thi đua và về cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, nhiều nhận định khá thẳng thắn đã được nêu ra nhằm nhận diện căn bệnh thành tích trong giáo dục. Trong số các phát biểu, tập trung và nổi bật nhất có lẽ là những ý kiến cho rằng căn bệnh này xuất phát từ việc áp đặt các chỉ tiêu thi đua từ trên xuống. Tuy nhiên, riêng tại cuộc hội thảo ở Hà Nội, một vị thứ trưởng giáo dục sau khi nhìn nhận căn bệnh thành tích đã có từ lâu, vẫn tiếp tục khẳng định rằng thi đua khen thưởng là “động lực” để giáo viên và học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình (1). Một câu hỏi có thể được đặt ra ở đây: có đúng thi đua là động lực trong giáo dục? Trong bài này, chúng tôi muốn bàn về chuyện động lực và chuyện thi đua, từ đó thử góp phần vào việc nhận diện ra nguyên nhân của căn bệnh thành tích trong nhà trường hiện nay.

Thế nào là động lực?
Có thể định nghĩa vắn tắt “động lực” là cái lực thúc đẩy người ta đi đến một hành động hay một ứng xử nào đó. Người ta thường phân biệt hai loại động lực, ngoại lai và nội tại. Động lực ngoại lai là loại động lực đến từ bên ngoài, tác động từ bên ngoài: đó là khi người ta làm một việc gì đó nhằm đạt được một điều nằm bên ngoài nội dung công việc này, chẳng hạn để được phần thưởng, để khỏi bị chê trách, hay để được người khác khen ngợi. Đối với học sinh, đó là học để đạt danh hiệu học sinh giỏi, để được thầy cô và cha mẹ khen, hoặc để khỏi bị la mắng…; đối với giáo viên, đó là dạy sao cho đạt “chỉ tiêu” học sinh lên lớp, để được tuyên dương, hoặc chỉ để tránh bị phê bình… Còn với những động lực nội tại, người ta làm một việc gì đó vì quan tâm đến chính công việc này (do động cơ đạo đức, do lương tâm chức nghiệp…), hay vì sự hứng thú mà người ta tìm thấy ngay trong bản thân công việc, chứ không trông chờ một phần thưởng nào đó đến từ bên ngoài công việc, và cũng không quan tâm tới lời chê trách của người khác, nếu có (2). Đối với học sinh, đó chẳng hạn là việc học môn văn hay môn toán vì thấy thích những môn này; đối với thầy cô, đó chẳng hạn là dạy học vì sự thôi thúc của lương tâm giáo chức hay nghĩa vụ sư phạm của mình, hoặc vì sự say mê với môn mà mình dạy, hoặc vì một thứ tình cảm tự nhiên đối với những mái đầu xanh còn non nớt luôn dõi theo từng lời nói và cử chỉ của mình…
Nhiều cuộc điều tra ở các nước đã kết luận rằng những động lực nội tại luôn luôn dẫn tới những hành vi và tâm thế hoàn toàn mang tính chất tự quyết (self-determination), trong khi ngược lại, nhiều động lực ngoại lai thường được cảm nhận như là những cái gì áp đặt, cưỡng bách (constraint). Các kết quả điều tra còn cho thấy có những hoạt động tuy lúc đầu được coi là đầy hứng thú, nhưng một khi bị đưa vào trong khuôn khổ áp đặt thì người ta sẽ mau chóng mất đi sự hứng thú. Nói cách khác, sự áp đặt thường tiêu diệt sự hứng thú(3).

Có đúng thi đua là động lực của nhà giáo?
Nếu hiểu động lực theo ý nghĩa như trên, tức là chú trọng tới chiều kích “tự quyết” của những động lực nội tại, thì chủ trương coi thi đua là động lực trong giáo dục, theo thiển ý chúng tôi, là một quan điểm sai lầm, ít ra trên hai phương diện.
Xét về mặt phương pháp luận, “thi đua” chỉ là một trong những biện pháp hay đòn bẩy nhằm mục tiêu góp phần động viên tinh thần trong lao động, học tập… do đó không thể coi nó như yếu tố duy nhất hay quyết định đối với động lực lao động và học tập của con người, càng không phải là yếu tố có thể làm khôi phục hay giúp nâng cao chất lượng giáo dục vốn đang xuống cấp nghiêm trọng. Coi thi đua là động lực để giáo viên và học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cũng không khác gì đặt lộn ngược đầu ý nghĩa của động lực: đó là quan niệm chỉ coi trọng những động lực bên ngoài (chỉ tiêu, thành tích, khen thưởng…) hơn là các động lực thực chất bên trong, tức là các động lực tinh thần và đạo đức, mặt khác biến những biện pháp thi đua thành những điều áp đặt và vô hình trung ngay từ đầu đã là mầm mống triệt tiêu những sự hứng thú có thể có nơi giáo viên và học sinh. Chính vì đảo lộn thang bậc giá trị như vậy nên mới ngày càng sinh sôi nảy nở các tệ học vẹt, dạy chay, chạy theo thành tích và báo cáo thành tích ảo, mua bằng bán điểm, chạy trường… Theo lời một nhà giáo, chính vì “thi nhau chạy theo các chỉ tiêu duy ý chí” do cấp trên ấn định, mà điều này lại “phù hợp với ý muốn và lợi ích của lãnh đạo trường và các cấp trên trong ngành, có khi của cả chính quyền và cấp ủy địa phương”, cho nên “vô tình sự gian dối mặc nhiên được cả trên và dưới đồng tình chấp nhận”(4).
Thứ hai, xét về mặt triết lý sư phạm, cái sai lầm của quan điểm trên là giản lược hóa động lực của nhà giáo cũng như của học sinh vào hoạt động thi đua. Khó có ai tin được rằng ngày nào thầy cô giáo cũng bước lên bục giảng với tâm thế “thi đua” và chỉ nhằm đạt được những chỉ tiêu thành tích nào đó, bởi vì phần lớn chắc hẳn đã chọn lựa nghề dạy học và dành tâm huyết với học trò của mình vì những cái lẽ lớn lao hơn chuyện thi đua nhiều! Nếu học sinh chỉ học vì động cơ thi đua mà không hề yêu thích các môn mình học thì chuyện chỉ thuộc bài văn mẫu hay chuyện quay cóp cũng là điều dễ hiểu và gần như tất yếu. Suy cho cùng quan điểm coi thi đua là động lực thực chất phản ánh thái độ “tầm thường hóa” hoạt động giáo dục(5), và không thực sự tôn trọng nhân cách của nhà giáo cũng như học sinh.
Chúng tôi cho rằng không phải do cách đề ra chỉ tiêu, cũng chẳng phải do cách tổ chức phong trào thi đua, mà chính quan điểm coi thi đua là động lực mới là nguyên nhân trực tiếp của căn bệnh thành tích, và từ đó dẫn tới bệnh gian dối và bệnh thực dụng về mặt đạo lý ngay trong môi trường giáo dục hiện nay. Vì vậy, nếu các nhà lãnh đạo giáo dục tiếp tục duy trì quan điểm này thì tình hình sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn và khó thay đổi được gì về thực chất.
Ở Liên Xô, vốn là nơi xuất xứ của chuyện thi đua, người ta đã bãi bỏ việc thi đua trong giáo dục từ thập niên 1930. Và nói như GS. Hoàng Tụy, cần “mạnh dạn bỏ thi đua trong giáo dục mà nên học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, dùng những biện pháp quản lý thích hợp hơn để động viên tính tích cực của người lao động”(6).

Hai nguyên nhân sâu xa

Theo chúng tôi, có hai nguyên nhân sâu xa của căn bệnh thành tích nói riêng của tình hình xuống cấp trong giáo dục. Thứ nhất, nguyên nhân về mặt phương thức tổ chức và quản lý : đó là tình trạng “hành chính hóa” hay “nhà nước hóa” nhà trường, thể hiện qua cách tổ chức bộ máy và cách chỉ đạo nặng về hình thức và định lượng (các chỉ tiêu) chứ không quan tâm tới nội dung và chất lượng, chỉ chú tâm vào những biện pháp hành chính (áp đặt từ trên xuống) chứ không coi trọng những biện pháp mang tính sư phạm (gợi mở, hướng dẫn…) và tôn trọng quyền tự chủ sư phạm của người thầy.
Nguyên nhân thứ hai là triết lý giáo dục: đó là quan niệm rằng giáo dục là dạy dỗ, bảo ban, nặng về phương pháp mệnh lệnh và kiểm soát hơn là phương pháp hướng dẫn, gợi mở và khai phóng; đó là quan niệm áp đặt và độc quyền về tư duy, không dám chấp nhận những ý kiến khác (từ đó việc dạy và học chủ yếu diễn ra theo kiểu “nhồi nhét”, thầy đọc trò chép…), và hệ quả không tránh khỏi là “đào tạo những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động hơn là biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm”(7).
      ***
“Quyết sách” then chốt bây giờ không thể chỉ dừng lại ở chuyện “chống tiêu cực”, bởi lẽ “những việc chống tiêu cực trong giáo dục đang làm là cần thiết, nhưng cần nói rõ đấy không phải là chiến lược”(8). Vả lại, có lẽ cũng cần tỉnh táo lưu ý tới một khả năng phản tác dụng của phong trào chống tiêu cực mà một nhà giáo vừa cảnh giác: “…Nhưng lo là phong trào tố cáo [tiêu cực] sẽ đi đến đâu? Hay là sẽ tạo nên phong trào học sinh tố cáo thầy, phụ huynh học sinh tố cáo thầy giáo, rồi đồng nghiệp ghi âm, chụp hình tố cáo lẫn nhau. Với nhà giáo, tố cáo đồng nghiệp là việc làm bất đắc dĩ, khổ tâm của nhà giáo. Cần làm thế nào để tránh cho người thầy phải làm việc đó…”(9).
Vấn đề chính yếu bây giờ cũng không phải là nên gia giảm thế nào các chỉ tiêu thi đua hay số lượng phong trào, mà là cần dứt khoát giã từ quan điểm coi thi đua là động lực của giáo dục, bãi bỏ các chỉ tiêu thi đua và những phong trào vô bổ vừa lãng phí vừa hành hạ cả thầy lẫn trò, sửa đổi căn bản những qui định quá máy móc và ngặt nghèo liên quan tới cách phân phối chương trình cũng như cách soạn giáo án… vốn là những điều lâu nay trói tay nhà giáo(10). Và một điểm cốt tử nữa cũng không thể không nhắc lại, đó là làm sao cho nhà giáo sống được bằng đồng lương của mình. Có như vậy mới mong khởi động được tiến trình khôi phục lại môi trường sư phạm và tinh thần sư phạm trong nhà trường, “cởi trói” cho các thầy cô giáo, trả lại quyền tự chủ sư phạm vốn dĩ phải thuộc về họ. Công việc khó khăn hơn hết mà cũng bao trùm lên tất cả, đó là làm sao xây dựng lại một nền triết lý giáo dục.
 

Chú thích :
(1) Xem Pháp luật TPHCM, 23-8-2006, tr. 4.
(2) (3) L.E. Deci, R.M. Ryan, Intrinsic Motivation and Self-determination in Human Behavior, New York, London, Plenum Press, 1985. Dẫn lại theo Fabien Fenouillet, “La motivation à l’école”, bài trong trang web Apprendre autrement aujourd’hui (www.cite-sciences.fr).
(4) Trần Thượng Tuấn, “ Tư duy chỉ tiêu”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 7-9-2006, tr. 22.
(5) Nguyên Ngọc, “Quốc sách và quyết sách”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 31-8-2006, tr. 18-19.
(6) Lưu Thủy, bài phỏng vấn GS Hoàng Tụy, “Chấn hưng giáo dục trong tình hình mới”, tạp chí Tia sáng, số 15, tháng 8-2006, tr. 30.
(7) Bản kiến nghị của GS Hoàng Tụy và một số nhà giáo, nhà khoa học về việc chấn hưng, cải cách và hiện đại hóa giáo dục, Tuổi trẻ Online, 3-9-2004.
(8) Nguyên Ngọc, bài đã dẫn.
(9) Bài phỏng vấn GS. Dương Thiệu Tống của Diệu Hằng, “Phải đưa giáo dục đến với mọi người”, Người lao động, 2-9-2006, tr. 3.
(10) Trần Hữu Quang, “Cần bãi bỏ ngay các ‘chỉ tiêu’ trong giáo dục”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 6-11-2003, tr. 38-39, và Trần Hữu Quang, “Tính tự chủ sư phạm”, Tia sáng, số 14, 20-10-2005, tr. 52-54.

Chú thích ảnh:
Anh 1+2: Ảnh: Phạm Bá Thịnh


Trần Hữu Quang

Tác giả