Cô giáo quá lời, học sinh tử nạn
Vài ngày nay tôi bị ám ảnh khôn nguôi về một cái tin ngắn chưa đầy trăm chữ nép mình góc dưới trang báo về cái chết tức tưởi của cô bé Nguyễn Thị Kiều Oanh ở  Đông Hưng, Thái Bình, (báo Tuổi trẻ TP HCM, ngày 11-1-2012).
Chuyện xẩy ra không thể thường nhật hơn mà kết cục của nó thì thật là bi thảm: Cô giáo trẻ T.T.H dạy toán lớp 12A7 có yêu cầu các em làm sai bài kiểm tra phải chép lại nhiều lần bài đó. Cô bé Kiều Oanh là một trong những em có học lực khá của lớp cho rằng nếu cô bắt chép nhiều lần một số công thức toán thì hợp lý hơn chứ không nên bắt chép lại bài tập. (Nhiều nhà giáo dục danh tiếng cũng đồng quan điểm này với cô học trò xấu số). Em đã làm cái điều bình thường mà mọi nền giáo dục bình thường khác cho phép – được thể hiện quyền có và quyền bộc lộ ý kiến riêng của mình.
Trước phản ứng đó, cô giáo, chắc do giận dữ vì “quyền lực vô biên” trước học sinh của mình bị thách thức, – theo bản tường trình viết hôm sau của ba mươi học sinh có mặt trong lớp -, đã liên tục mắng nhiếc em trong 10 phút liền bằng những từ ngữ khó kể lại, rồi kết thúc màn sỉ vả của mình bằng yêu cầu em hoặc đứng vào cuối lớp, hoặc đi ra ngoài. Cô bé xấu số đã chọn cách chạy ra ngoài và… đâm đầu xuống sân!
Theo bản tường trình của cô giáo T.T.H, lời nói và ứng xử của cô đều đúng mực, hòa nhã. Nhưng trong trường hợp này có lẽ ta nên tin vào logic sự việc diễn ra, tin vào lời kể của các em học sinh hơn là lời tự bào chữa của cô giáo. Những lời nói nhã nhặn , hiền lành của cô không thể đẩy Kiều Oanh vào hành động cùng quẫn như vậy; và ba mươi em học sinh 12A7 – những chứng nhân khách quan của thảm kịch học đường kể trên, cũng không có lý do gì – và cũng không đủ hèn hạ , độc ác để bức hại cô giáo của mình bằng những lời khai bịa đặt.
Chỉ vì một phút nóng giận, thiếu kiềm chế mà cô giáo đã trót quá lời với học sinh của mình và hậu quả thảm khốc đã xẩy ra.
Không có giá trị nào cao hơn sự sống! Em Kiều Oanh không bao giờ có thể sống lại để đón nhận vòng tay âu yếm, ân cần của cha mẹ, để nôn nao cảm nhận vẻ đẹp muôn mầu của cuộc sống, để trao gửi tình thương của mình cho chàng trai cô sẽ gặp trên đường đời, để làm được những việc hữu ích cho mọi người, đền đáp lại những gì mà em đã được nhận… Nỗi đau của gia đình em, của bạn bè em không bao giờ có thể nguôi ngoai…
Cái còn lại trong câu chuyện buồn thảm này, tiếc thay, như trong nhiều trường hợp khác, lại vẫn chỉ là những bài học đau đớn: Xin hãy nương nhẹ với trẻ em, xin hãy luôn nhớ rằng tâm hồn trẻ thơ bao giờ cũng vô cùng dễ bị tổn thương, bao giờ cũng mong manh dễ vỡ; chỉ một sự đối xử thô bạo nhỏ nhoi thôi cũng khiến các em mất cân bằng, sa vào trầm cảm nặng nề, dẫn đến những hành vi nông nổi khôn lường. Đừng tưởng rằng chỉ có đấm đá, đâm chém, thượng cẳng chân hạ cẳng tay mới là bạo hành. Những lời lăng mạ, sỉ nhục, rỉa rói, – nhất là lại từ miệng những người thân, đôi khi còn là sự bạo hành nhiều lần khủng khiếp hơn, làm con người bị tổn thương đau đớn hơn. Hãy từ bỏ một lần và vĩnh viễn cái câu châm ngôn bất nhân “Yêu cho roi, cho vọt !”; bởi xin hãy “Đừng gây ra cho người khác điều gì mà chính mình không muốn người khác gây ra cho mình!”
Một nhà trường thân thiện với các thầy cô, học sinh thân thiện – trong một xã hội thân thiện, có lẽ là một trong những điều chúng ta cần có nhất hôm nay. Bạo hành, bạo lực trong gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội có lẽ là điều bức xúc nhất mà chúng ta phải tìm mọi cách loại bỏ sớm nếu không muốn nhìn thấy nó biến thành thảm họa cho cả dân tộc này, đất nước này hôm nay và mai sau.
Để không bao giờ có một Kiều Oanh thứ hai phải tức tưởi lìa đời như thế!