Con đường giáo dục: Dụ ngôn ánh sáng
"Thời đại vàng son của Perikles" (448-431 tr. CN) của Hy Lạp cổ đại (kinh tế thịnh vượng kéo theo sự mở rộng dân quyền và nền dân chủ) đã thuộc về quá khứ khi Platon chào đời.
Bôn ba nhiều lần sang nhiều nơi hòng thực hiện lý tưởng, sau cùng, năm 387, Platon thất vọng quay về Athens mở trường dạy học (thành lập Viện Hàn Lâm nổi tiếng, tồn tại ngót 800 năm!) cho đến khi qua đời năm 347.
“TINH HOA” CHO NỀN DÂN CHỦ
Chiến tranh làm khô cạn nhân lực và gia tăng nạn thất học. Nền giáo dục cũ càng không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của xã hội. Hành động chính trị trong liên minh các thành quốc đòi hỏi nhiều năng lực mới mẻ: từ kỹ năng ngôn ngữ, tu từ, địa lý, chính trị học cho đến kinh tế học và luật học. Athens giữa thế kỷ 5 tr. CN kêu đòi nền giáo dục cao cấp. Các trường học của phái biện sĩ không đáp ứng xuể, nay có thêm Viện Hàn Lâm của Platon. Câu hỏi trung tâm trong quan niệm giáo dục giữa hai phái: chính trị chỉ là kỹ năng hoặc còn là đạo lý, đức hạnh? Từ kinh nghiệm bôn ba của mình, Platon nhận ra sự cần thiết của một tầng lớp lãnh đạo tinh hoa về chính trị lẫn luân lý để thành quốc không trở thành nạn nhân của nền chuyên chế của đa số dốt nát. Platon không chống nền dân chủ vì bản thân nó xấu, mà vì nó mang trong lòng mầm mống tự hủy hoại và chuyên chế. Chính sự khao khát tự do của dân chúng – ngày càng mạnh mẽ và không bao giờ thỏa mãn – đặt ra nhiệm vụ và chức năng cho giáo dục là làm cho nhân dân biết hành xử với tự do một cách chủ động và sáng suốt.
Dưới mắt Platon, việc này phải được thực hiện trước hết nơi thiểu số lãnh đạo. Đó là những người có ý thức đạo lý, sẽ đảm đương việc nước vì sứ mệnh bất đắc dĩ, chứ không phải từ lòng thèm muốn quyền lực, một ý tưởng rất được J. Stuart Mill tán thưởng như là nền tảng đạo đức của chế độ dân chủ đại diện hiện đại (J.S.Mill, Chính thể đại diện, bản tiếng Việt của Nguyễn Văn Trọng và BVNS, NXB Tri Thức, 2008/2013). Họ là những người đã từng gian khổ… ra khỏi hang động, nhìn thấy ánh sáng, nay quay về lại và không còn ham muốn quyền lực, danh vọng phù du!
CƯƠNG LĨNH GIÁO DỤC
Ý tưởng cơ bản ấy tương ứng với chương trình giáo dục gồm 5 giai đoạn (Cộng Hòa, quyển 2-4):
1. Học sinh nam nữ đến 17 tuổi: học các kỹ năng cơ bản về kiến thức, rèn tập hạnh kiểm luân lý.
2. Từ 17-20 tuổi: thể dục, âm nhạc, toán học. Vào tuổi 20, tiến hành phân loại theo “dự báo tính cách”: văn hoặc võ.
3. 20-30 tuổi: đào sâu toán học và khoa học tự nhiên, vì nhận thức quy luật là tiền đề cho các tri thức cao hơn.
4. Từ 30-35 tuổi: nếu đủ sức, học triết học có hệ thống. Học triết muộn để đảm bảo tính nghiêm chỉnh và ổn định của người học, kéo dài cho đến 50 tuổi, trong khi đồng thời tham gia tích cực vào đời sống công cộng.
5. Chỉ thiểu số vượt được bốn chặng đường mới được đảm nhiệm các chức vụ chính trị, nhưng vẫn dành phần lớn cuộc đời cho triết học (theo nghĩa rộng nhất), tức biết làm cho cuộc đời đáng sống, và biết trình bày, thực hiện viễn kiến một cách thuyết phục và hiệu quả.
Đó chính là cơ sở biện minh cho tính chính đáng của những ông vua-triết gia: ngay từ đầu là một cương lĩnh giáo dục tinh thần, phục vụ cho lý tưởng dân chủ sáng suốt của cộng đồng.
DỤ NGÔN ÁNH SÁNG
Trong quyển 6 của Cộng Hòa, bên cạnh dụ ngôn hang động, còn có dụ ngôn về ánh sáng mặt trời. Mắt ta nhìn được sự vật là nhờ có ánh sáng mặt trời. Quan trọng hơn, mặt trời còn là nguồn năng lượng cho sự sống, tăng trưởng và biến đổi của vạn vật. So sánh mặt trời với sự thiện theo cả hai nghĩa nói trên, sự thiện không chỉ là điều kiện để nhận thức mà còn mang lại tồn tại và bản chất nữa. Nhưng, theo Platon, sự thiện không phải là tồn tại, mà còn vượt lên cả tồn tại về phẩm giá và sức mạnh. “Lạ lùng nhỉ?” là thắc mắc của Glaucon, người đối thoại. Socrates (thay lời Platon) đáp: “Lỗi tại anh đấy nhé, vì đã buộc ta phải tiết lộ thiên cơ!”.
“Thiên cơ” ấy là: những sự vật phụ thuộc vào ý niệm của chúng chứ không phải ngược lại! Chúng – những ý niệm – có bao nhiêu thì còn tranh cãi, nhưng là thực có, là nguồn gốc của cái cụ thể chứ không phải sản phẩm của sự trừu tượng hóa từ cái cụ thể. Chúng, vì thế, còn vĩnh hằng và bất biến nữa! Vậy, chỉ có thể nhận ra chúng bằng cách hồi tưởng những gì ta đã từng nhìn thấy ở đâu đó trước khi sinh ra!
Theo quan niệm ấy, giáo dục là nỗ lực rèn luyện của số ít ưu tú vươn lên đến các ý niệm (về sự vật, rồi về tình yêu, về cái đẹp, cái thiện), vượt ra khỏi thế giới hiện tượng vô thường. Từ đó có bốn mô hình hay bốn cấp độ nhận thức từ thấp lên cao: phỏng chừng, tin là thật, lý trí thông thường, và, cao nhất, là khoa học, theo tinh thần một dụ ngôn khác: dụ ngôn con đường.
Mô hình này (những gì tri giác được chỉ là bản sao, và đàng sau bản sao hay vẻ ngoài, mới là hiện hữu hay bản chất đích thực) không phải không còn ý nghĩa trong thời đại ngày nay, kể cả trong khoa học! Dưới hình thức này hay hình thức khác, ẩn dụ về ánh sáng được đồng nhất với tri thức (ta nghĩ ngay đến các từ: khai minh, thế kỷ ánh sáng và cả trong… khoa học hình sự khi làm rõ một vụ việc, hay trong đời thường: “tia hy vọng”, “ánh sáng cuối đường hầm”!).
… VÀ NGHỊCH LÝ CỦA NÓ
Ta có khái niệm khai minh theo chiều ngang trong khoa học và giác ngộ theo chiều dọc trong kinh nghiệm tôn giáo và tâm linh.
Dụ ngôn về ánh sáng, như thế, có thể chia làm hai dòng: “dòng lạnh” của khoa học và lý trí; “dòng ấm” của tín ngưỡng và tình cảm. Giống như ta phân biệt ánh sáng chói lọi nhưng lạnh lẽo của ánh đèn trong phòng giải phẫu với ánh nến ấm áp, lung linh trên bàn thờ hay trên bàn tiệc gia đình.
Tính hàm hồ của dụ ngôn ánh sáng còn một khía cạnh dường như ít được Platon chú ý: ánh sáng cũng tạo ra bóng tối của nó và làm mờ những khía cạnh có thể soi sáng. Giáo dục, theo nghĩa nào đó, không nên hiểu phiến diện chỉ với khái niệm soi sáng bằng ánh sáng chói chang. Giáo dục còn phải lưu tâm đến mặt xúc cảm, biết để mờ, biết nhắm một mắt khi cần thiết! Đôi khi sự thật không chỉ soi sáng mà còn phá hủy những “ảo tưởng tích cực” giúp cuộc đời đáng yêu và đáng sống! Mô hình ông vua-triết gia có đáng ngờ không?
(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 5, 17.10.2013)