Công bằng cơ hội trong giáo dục

Cần phải có luật, có những chính sách, và quan trọng là vai trò điều tiết của Nhà nước để làm giảm sự bất công vốn có trong xã hội bằng cách tạo ra công bằng cơ hội trong giáo dục.

Cả đất nước đang trong mùa nóng tuyển sinh, nhất là tuyển sinh vào lớp 10, với những điểm cực nóng như ở Hà Nội. Hiện trạng thiếu trường lớp cộng với văn hóa điểm số làm cho cả phụ huynh và học sinh vô cùng khốn khổ. Giáo dục trở thành một trường đua căng thẳng, bát nháo và đầy bất công. Không biết có nơi nào trên thế giới mà phụ huynh lại phải xếp hàng xuyên đêm “từ 21 giờ đêm hôm trước đến trưa ngày hôn sau” (theo Báo Tuổi trẻ) để đăng ký cho con học như ở Hà Nội không? Năm nay tại thành phố này, gần 130.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9, nhưng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập chỉ hơn 75.000, như vậy gần một nửa học sinh còn lại sẽ đi đâu? Các em sẽ phải vào trường tư, trường công tự chủ, trường bổ túc văn hóa, trường nghề hay trường đời?

Phụ huynh xếp hàng xuyên đêm để lo cho con suất học lớp 10. Ảnh: Vietnamnet.

Bất bình đẳng trong giáo dục

Hiện trạng trên đụng đến nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về “bình đẳng cơ hội trong giáo dục”, làm chúng ta không thấy bóng dáng của mục tiêu “giáo dục bao trùm” ở đâu.

Mỗi cá nhân là một chủ thể duy biệt xét về nhiều mặt: khả năng, tình trạng tâm thể lý, hoàn cảnh xã hội, điều kiện, môi trường gia đình… Sự khác biệt này làm nên sự duy biệt nơi từng cá thể, nhưng cũng phản ánh sự bất bình đẳng giữa các cá nhân ngay từ khi sinh ra. Một em bé sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo khó, cha mẹ có trình độ học vấn thấp, sẽ rất khác với một em bé được sinh ra trong một gia đình giàu có ở các thành phố lớn, cha mẹ có học vấn và có ý thức tốt về giáo dục con cái, đủ đầy điều kiện để gửi con vào học trong những trường chuyên lớp chọn, những trường quốc tế chất lượng… Sự bất công này vốn là bản chất của xã hội loài người, do điều kiện tự nhiên hay xã hội mang lại.

Do vậy, nếu các xã hội không làm gì để cải thiện tình hình, thì rồi xã hội không chỉ là xã hội có giai cấp, mà còn là xã hội đẳng cấp, con vua thì cứ lại làm vua, con sãi ở chùa thì vẫn miệt mài quét lá đa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con trẻ (vốn không có tội tình gì), không may mắn sinh ra trong các gia đình không có điều kiện sẽ bị kẹt cứng trong đẳng cấp của mình.

Trở lại với câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội, hơn 50 nghìn học sinh tốt nghiệp lớp 9 không được vào trường công sẽ phải vào các loại hình trường khác, trong đó phần lớn là trường tư với mức học phí chênh lệch quá cao. Học phí trường công cao nhất là 300.000/tháng trong khi học phí trường tư trung bình là 7 triệu/tháng, gấp từ 10 đến 30 lần so với trường công (theo khảo sát của báo chí), trong khi phụ huynh của các học sinh trường tư này cũng phải đóng thuế để nuôi các trường công kia.

Các quốc gia dân chủ phát triển tin rằng, công bằng cơ hội trong trường học góp phần tạo ra công bằng trong xã hội. Muốn làm điều này một cách chân thành và tử tế, trước hết nhà trường và chính quyền “liên ngành” phải tiếp cận với sự bất bình đẳng gắn liền với từng cá nhân sớm nhất, thậm chí là khi em bé vừa mời chào đời.

Vậy nên, trừ các trường hợp phụ huynh tự nguyện cho con học trường tư, thì các phụ huynh không tự nguyện, nhưng phải cho con vào trường tư hay các hình thức giáo dục khác vì không thể làm gì khác, phải chịu một sự bất công quá lớn. Vấn đề tài chính là một cản trở dẫn đến hiện trạng con em của các gia đình nghèo phải bỏ học, nhất là ở cấp 3. Theo Báo cáo năm 2022 của UNICEF về giáo dục Việt Nam, tỷ lệ trẻ bỏ học ở cấp 3 nơi các gia đình nghèo trên toàn quốc là 47% trong khi tỷ lệ này ở các gia đình khá giả chỉ là 2%1.

Công bằng cơ hội trong giáo dục

Các quốc gia dân chủ phát triển tin rằng, công bằng cơ hội trong trường học góp phần tạo ra công bằng trong xã hội. Tạo ra công bằng cơ hội không phải là cào bằng, triệt tiêu tính duy biệt nới từng cá thể, không phải là đặt tất cả các cá thể khác nhau trước cùng một vạch xuất phát và yêu cầu mọi người phải đến cùng một đích như kiểu thi cử thường thấy ở Việt Nam. Hay cần một lực lượng cách mạng nào đấy để lấy đi thế mạnh của các cá nhân mạnh, mà cần một Nhà nước phúc lợi tạo ra các chính sách để những cá nhân yếu thế cũng có cơ hội thành công, cũng có thể phát triển tối đa các khả năng của bản thân.

Muốn làm điều này một cách chân thành và tử tế, trước hết nhà trường và chính quyền “liên ngành” phải tiếp cận với sự bất bình đẳng gắn liền với từng cá nhân sớm nhất, thậm chí là khi em bé vừa mời chào đời. Một em bé mang khuyết tật bẩm sinh, hay có những khó khăn tâm thể lý, một em bé sinh ra trong một gia đình nghèo khó về vật chất cũng như tình thần, thì cần được kèm cặp, hỗ trợ sớm nhất để em bé đó có cơ hội phát triển như những em bé lành lặn, khỏe mạnh và đầy đủ điều kiện khác. Hay nói cách khác, em bé không may này không phải bị kẹt cứng trong những rào cản từ gia đình, xã hội riêng của em.

Một lối đi

Ở đây tôi không có ý chê bai các trường tư, sự hiện diện của các trường tư rất cần thiết và hầu hết các quốc gia đều có. Sự hiện diện của các trường tư góp phần làm phong phú hệ thống giáo dục và giúp chia sẻ với nhà nước công việc giáo dục. Thế nhưng không nên để trường tư như một lựa chọn sau cùng và kèm với đó là gánh nặng học phí của các gia đình, mà là một lựa chọn chủ động, là sự thực hiện quyền lựa chọn của người dân trong một xã hội dân chủ.

Ảnh: Shutterstock.

Nghĩa là nhà nước nên tạo ra một tình trạng “trăm hoa đua nở” trong giáo dục với sự tham gia của nhiều thành phần từ tư nhân, từ các hội đoàn, tổ chức tôn giáo và để người dân thực hiện quyền lựa chọn. Nhiệm vụ của nhà nước là theo chân từng em nhỏ để hỗ trợ về kinh phí cũng như các mặt khác. Trường nào tử tế, chất lượng (không phân biệt công hay tư) thì sẽ thu hút được nhiều học sinh và như vậy cũng sẽ thu hút được nhiều tiền đầu tư của nhà nước để phát triển, khẳng định uy tín, nhãn mác của trường mình; ngược lại những trường không chất lượng sẽ phải tự đào thải vì không thu hút được “khách hàng”.

Để đảm bảo quyền được giáo dục một cách công bằng cho học sinh, chúng ta có thể học tập một số mô hình hỗ trợ học sinh học trường tư thục ở các nước phát triển.

Cơ chế quản lý theo mô hình thị trường nên được áp dụng để làm sinh động và thúc đẩy các trường phát triển. Cơ chế thị trường học đường này không phải được điều tiết bằng giá cả, bằng tiền bạc như trong thị trường kinh tế mà được điều tiết bởi chất lượng đào tạo và dịch vụ của các trường và kèm theo là sự lựa chọn của người dân. Nghĩa là phụ huynh phải có quyền lựa chọn trường lớp cho con, và sự lựa chọn của họ dựa trên tiêu chí chất lượng sẽ là yếu tố điều tiết chính trong thị trường học đường. Đây là khuynh hướng cải cách của nhiều nước trên thế giới hiện nay, chẳng  hạn như ở Bỉ và Pháp.

Tôi có một gia đình người quen ở Bỉ có con sẽ vào lớp 10 trong năm học tới, họ đã chọn trường tư cho con, nhưng không vì vậy mà họ phải trả học phí. Nghĩa là quyền lựa chọn trường tư chủ động thuộc về học sinh và phụ huynh, còn nhà nước thì phải theo sự lựa chọn của họ để trả học phí thay cho phụ huynh.

Dĩ nhiên các trường tư sẽ phải thu học phí để tồn tại và phát triển, nhưng nhà nước phải hỗ trợ học phí (hoàn toàn hay một phần tùy theo thu nhập của từng gia đình) cho các em thay cho các gia đình vì đó là quyền lợi, là sự công bằng cơ hội trong giáo dục.

Ở Pháp, nơi các con tôi đang học trường tư không được miễn phí hoàn toàn như tại Bỉ, nhưng học phí không phải là gánh nặng cản trở quyền lựa chọn của người dân. Con thứ hai của tôi năm nay cũng vừa tốt nghiệp cấp 2 và năm tới đây sẽ vào trường cấp 3, cũng là trường tư. Tại trường này, học phí với những gia đình thu nhập cao là 801 Euro/năm, với những gia đình có thu nhập thấp là 681 Euro/năm. Nhà nước hỗ trợ các gia đình khoản học phí này bằng cách cung cấp học bổng cho học sinh và mức học bổng cũng tùy thuộc vào thu nhập của từng gia đình. Ngoài ra học bổng xã hội này, cứ đầu năm học, nhà nước hỗ trợ tất cả trẻ em một số tiền để các em mua cặp vỡ, quần áo đầu năm học mới, số tiền đầu năm này cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh của gia đình và độ tuổi của các con, chẳng hạn năm học 2023 – 2024 sắp tới sẽ là 434,60 Euro/học sinh đối với lứa tuổi 15 đến 18.

Ngoài các khoản trợ cấp mang tính xã hội này, các học sinh giỏi còn có thể nhận được tiền thưởng tài năng và như vậy trong nhiều trường hợp là các em thậm chí có cả tiền “lời” khi học trường tư. Còn các học sinh học trường công thì đương nhiên là hoàn toàn miễn phí.

Hà Nội thiếu trường, hàng ngàn học sinh không có chỗ học, trách nhiệm là thuộc về nhà nước và chính quyền địa phương. Theo tôi, trong hoàn cảnh này, nên thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp hay các tôn giáo tham gia vào sự nghiệp giáo dục, trong khi chính quyền có trách nhiệm chưa xây kịp các trường công thì có thể gửi các cháu qua các trường tư, nhưng không phải phó mặc. Nhà nước phải cung cấp các phương tiện cho các em như học sinh các trường công, đặc biệt là học phí, để dù các em học trường tư hay trường công thì vẫn được đảm bảo quyền lợi công bằng, các em vẫn có cơ hội như nhau trong việc học tập và phát triển bản thân. Dĩ nhiên các trường tư sẽ phải thu học phí để tồn tại và phát triển, nhưng nhà nước phải hỗ trợ học phí (hoàn toàn hay một phần tùy theo thu nhập của từng gia đình) cho các em thay cho các gia đình vì đó là quyền lợi, là sự công bằng cơ hội trong giáo dục.

Tôi nghĩ, đây là một lối đi phù hợp, đúng chức năng, đúng việc, đúng quyền lợi của mỗi chủ thể trong giáo dục để thực hiện một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh thực sự.□
——
1 UNICEF, Viet Nam Education Fact Sheets / 2022, tr. 20

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)