Công bố môn thi tốt nghiệp THPT
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ gồm bốn môn, ngoài hai môn bắt buộc là văn và toán, thí sinh tự chọn thêm hai trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử và ngoại ngữ. Điểm học lực năm lớp 12 sẽ chiếm 50% trong điểm xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp…
Sẽ có tới 8 môn và thi theo ca
Năm 2014, mỗi thí sinh sẽ thi 4 môn, gồm hai môn bắt buộc là văn và toán. Thí sinh tự chọn thêm hai trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử và ngoại ngữ để dự thi. Như vậy, kỳ thi sẽ có tổng số 8 môn thi.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức thi sẽ được thực hiện theo nguyên tắc mỗi học sinh có một số báo danh duy nhất trong suốt kỳ thi.
Phòng thi được xếp theo môn. Trong mỗi ca thi chỉ có một môn thi. Mỗi lần thi chỉ thi một môn. Cụ thể, lịch thi sẽ được bố trí trong hai ngày thi với 4 buổi thi, mỗi buổi thi chia hai ca với hai môn. Các ca thi cách nhau 75 phút để đảm bảo thực hiện các thao tác kỹ thuật.
Hai môn trong một buổi thi đó sẽ được kết hợp giữa một môn tự luận và môn trắc nghiệm, một môn tự luận và một môn xã hội. Dự kiến buổi sáng ngày thứ nhất thi môn văn và hóa, chiều thi vật lý và lịch sử. Sáng ngày thứ 2 thi toán và ngoại ngữ, chiều cuối cùng thi sinh học và địa lý.
“Cách bố trí môn thi này nhằm giảm thiểu tối đa một thí sinh thi cả hai ca một buổi,” ông Trinh cho biết. Cũng theo ông Trinh, về mặt lý thuyết sẽ có thể có thí sinh thi hai môn một ca, ba môn một ngày. “Tuy nhiên, số lượng này sẽ rất ít vì nếu các em học tốt lĩnh vực nào đó, tự nhiên hoặc xã hội, sẽ có xu hướng chọn các môn cùng lĩnh vực đó.
Mặt khác, trong giáo dục, không thể có giải pháp đáp ứng mọi yêu cầu,” ông Trinh nói.
Thêm phần thi tự luận cho môn ngoại ngữ
Một điểm hoàn toàn mới trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 là môn ở môn ngoại ngữ. Môn học này không còn nằm trong danh sách môn thi bắt buộc như trước đây mà là môn tự chọn. Cách ra đề thi cũng có sự thay đổi khi bài thi không còn là thi trắc nghiệm thuần nhất như cũ mà sẽ có sự kết hợp vừa trắc nghiệm vừa tự luận.
Theo ông Trinh, hiện Bộ chưa tính cụ thể tỷ trọng điểm số bài tự luận trong môn thi này. “Việc thêm phần tự luận nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đánh giá năng lực thực sự của học sinh ở môn học này,” ông Trinh nói.
Cũng theo vị lãnh đạo Bộ này, đối với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014, môn ngoại ngữ vẫn giữ nguyên là môn trắc nghiệm.
Thay đổi cách xét tốt nghiệp
Công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy việc xét tốt nghiệp sẽ có sự thay đổi lớn. Các năm trước đây, điểm thi tốt nghiệp sẽ quyết định toàn bộ việc thí sinh đó có tốt nghiệp hay không.
Tuy nhiên, từ năm nay, điểm thi chỉ chiểm 50% vai trò xét tốt nghiệp. Theo đó, việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp sẽ thực hiện bằng cách sử dụng kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi theo trọng số đánh giá là 50%-50%.
Cụ thể, điểm trung bình kết quả học tập của học sinh năm lớp 12 sẽ chia đôi. Tính tổng điểm 4 bài thi, sau đó chia 4 để lấy điểm trung bình, điểm trung bình này chia đôi. Hai loại điểm số sau khi đã chia cộng lại để thành điểm xét tốt nghiệp.
Kết quả học tập năm lớp 12 của học sinh được đưa vào phần mềm dữ liệu thi trước khi kỳ thi diễn ra. “Ngoài điểm số Bộ còn tính đến nhiều yếu tố khác như hạnh kiểm, học lực các môn… Bộ sẽ cụ thể hóa trong thông tư về quy chế thi,” ông Trinh nói.
Cũng theo ông Trinh, việc thay đổi này nhằm thực hiện Nghị quyết 29 là tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng, đỡ tốn kém cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục đào tạo điểm sinh, phối hợp kết quả thi với quá trình đánh giá trong năm học.
Hướng đến kỳ thi 2 trong 1
Bên cạnh những đổi mới sẽ thực hiện ngay trong năm 2014 như trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết trong tương lai, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được đổi mới theo hướng chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi (thay vì mỗi môn thi một bài thì sẽ có bài thi tổng hợp kiến thức nhiều môn).
Nội dung của mỗi bài thi bao gồm phần cơ bản (để đánh giá đúng và toàn diện năng lực của học sinh, tạo động lực để học sinh học, phát triển toàn diện) và phần nâng cao (nhằm phân loại học sinh, là một căn cứ để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh). Trên cơ sở đó, hướng tới một kỳ thi đáp ứng cả yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Bộ sẽ sớm đưa ra dự thảo phương án thi để xin ý kiến các chuyên gia, các cơ sở giáo dục đại học, phổ thông và toàn xã hội nhằm hoàn thiện để công bố trước khai giảng năm học 2014-2015.
Nguồn:
http://www.vietnamplus.vn/thong-tin-moi-nhat-ve-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2014/245455.vnp