Cổng trường và những con đường

Sự đa dạng các kiểu trường ốc và hệ thống giáo dục (trường điểm, trường quốc tế, trường chuyên, trường công, trường bán công, trường “dân lập”…) có ưu điểm nhứt định, nhưng chắc chắn đang hình thành những tầng lớp công dân rất khác biệt, và cách biệt nhau.

Khi cánh cổng trường mở ra cho đứa học trò nhỏ lần đầu tiên đến trường, một thế giới học đường mở ra, một thế giới tri thức mở ra, để đứa nhỏ bước ra khỏi vòng tay bảo bọc của cha mẹ, bước ra khỏi chỗ trú ẩn dưới mái nhà cha mẹ, hội nhập một cộng đồng rộng lớn hơn, đương đầu với những thách thức mới lạ hơn, nhìn thấy những chân trời bao la hơn.

Cánh cổng trường mở ra là một hình ảnh cụ thể, ít nhứt là trong thời tôi đang sống, ở xã hội này. Hầu hết các trường từ nhà trẻ, mẫu giáo, đến tiểu học, trung học đều được thiết kế sao cho có cánh cổng chắc chắn. Không chỉ trường ở đô thị, mà bây giờ những trường ở giữa đồng rộng, thậm chí chơ vơ một mình trên sườn núi cũng xây tường quây kín, ra vô bằng cổng đóng mở theo giờ giấc mà thôi. Tôi được giải thích là cần làm vậy để nhà trường quản lý học sinh, và để ngăn chặn sự xâm nhập những gánh hàng rong, những “yếu tố xấu” bên ngoài trường (hiểu là trong xã hội). Thành ra, thực tế là cánh cổng trường mở ra cho đứa nhỏ đi vào một thế giới biệt lập, có thể là một thế giới ưu đãi, thậm chí là một thế giới đặc quyền.

Lẽ ra không nên như vậy. Trừ một thiểu số may mắn, rất nhiều phụ huynh từng trải qua cảm xúc này: dắt con đi ngang qua cánh cổng đóng kín của ngôi trường mà mình mong muốn cho con mình được vào học, nhưng khả năng mình không mở nổi cánh cổng đó. Nỗ lực mở ra những cánh cổng trường chỉ thuộc về trách nhiệm của cha mẹ một phần, khi đứa con còn nhỏ. Nếu xã hội có được công bằng tối thiểu cho trẻ em, thực hiện được sự bình đẳng giáo dục cho mọi công dân tương lai, thì những cánh cổng trường khác nhau mở ra theo khả năng, sự lựa chọn và nỗ lực của chính mỗi học sinh. Điều này quan trọng vô cùng. Vì giáo dục trong nhà trường thông thường chỉ chiếm chừng một phần tư thời gian sống của đời người. Nhưng ba phần tư còn lại của đời người sẽ đi theo cái hướng, hay định hình theo cái khuôn mẫu mà nền giáo dục ban đầu tạo ra. Một người tự mình vươn lên trong môi trường khuyến khích tính độc lập và bảo đảm sự công bằng thì mới biết tôn trọng và góp sức xây dựng những nền tảng của một xã hội văn minh, ấy là tự do, độc lập và công bằng.

Nhìn vào nền giáo dục hiện nay có thể hình dung cái xã hội văn minh mà chúng ta đang mơ ước ấy hãy còn xa vời lắm. Sự đa dạng các kiểu trường ốc và hệ thống giáo dục (trường điểm, trường quốc tế, trường chuyên, trường công, trường bán công, trường “dân lập”…) có ưu điểm nhứt định, nhưng chắc chắn đang hình thành những tầng lớp công dân rất khác biệt, và cách biệt nhau. Sự chẳng đặng đừng này vượt ngoài khả năng suy nghĩ của tôi. Ngày xưa tôi chọn ngành sư phạm vì một lý tưởng: dùng tri thức để chống lại bất công xã hội. Bây giờ tôi thấy môi trường giáo dục là cái “lò” xuất xưởng những sản phẩm của sự bất công. Và tôi đã nghỉ dạy một phần vì nghi ngờ con đường lý tưởng mà mình đã kỳ vọng.

Nhưng có lẽ tôi quá bi quan. Các phương tiện truyền thông mấy ngày cuối tháng 8 hè nhau chiếu sáng những tấm gương của những học sinh có kết quả tuyển sinh đại học cao. Báo chí nhấn mạnh vào những chi tiết như con nhà nghèo, ở tỉnh lẻ, tức là những người ở thế bất lợi, thua thiệt trong xã hội này. Những người trẻ ấy đáng quí như những cá nhân xuất sắc, “vượt trên số phận”, những tấm gương phấn đấu khả dĩ cho những người trẻ khác noi theo. Việc báo chí rộ lên ca ngợi những người trẻ này cho thấy hiện tượng đó (con nhà nghèo, ở tỉnh lẻ, học giỏi đậu cao) là chuyện hiếm có, đáng làm thành tin, nên cổ động. Tôi đọc báo thấy cũng cảm mến các em, thậm chí thấy lại chính mình trong các em (Mặc dù hồi xưa, tôi chỉ đậu đại học thường thôi, nhưng đã là một niềm tự hào ghê gớm: Bà ngoại tôi không biết chữ, sanh 10 người con, người học cao nhứt là dì Chín, tốt nghiệp trung học đệ nhứt cấp, làm y tá, tôi là người đầu tiên trong dòng họ học tới đại học.) Mặc cho người khác nói rằng: Chứ con nhà giàu (mà chịu học) thì đã ra nước ngoài du học từ năm lớp 10, 11 rồi, còn đâu nữa mà đi thi các trường đại học trong nước.

Mặt đất luôn luôn có những con đường khác nhau. Con đường đến trường bằng con đường làng, đường hẻm, đường lớn sẽ đưa người ta đến những cánh cổng khác nhau, mở ra những chân trời khác nhau, có thể dự báo trước những số phận tương tự của những người đi chung trên những con đường đó. Ngoại lệ cũng là điều bình thường, luôn có những cá nhân “vượt lên” hay rơi lạc khỏi số phận. Vấn đề là những con đường trên trái đất tròn ngày nay chằng chịt chồng chéo giao cắt trùng lập nhau. Không có con đường nào là con đường “duy nhứt” đúng, thậm chí không có con đường nào đúng hay sai. Cũng không có con đường nào cụt, nếu người ta tiếp tục đi.

Nếu xã hội có được công bằng tối thiểu cho trẻ em, thực hiện được sự bình đẳng giáo dục cho mọi công dân tương lai, thì những cánh cổng trường khác nhau mở ra theo khả năng, sự lựa chọn và nỗ lực của chính mỗi học sinh.

 

Tác giả