Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại

Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại (The Great Brain Race) của GS Ben Wildavsky, một học giả có tiếng Hoa Kỳ, là một quyển sách rất súc tích và uyên bác, đã vẽ lên một bức tranh tổng thể về cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút tài năng trí tuệ và sự chạy đua nâng cấp hệ thống giáo dục đại học thế giới nhằm tạo ra tri thức và tinh hoa cho xã hội, do đó sẽ ảnh hưởng quan trọng lên việc định hình thế giới trong thế kỷ 21.


Bản đồ đại học và KHCN thế giới

Những năm gần đây, các chính phủ đều lao vào đầu tư những số tiền khổng lồ nâng cấp các đại học thành những thể chế học thuật ‘đẳng cấp thế giới’: từ các quốc gia của châu Âu, cái nôi của đại học, như Đức, Pháp; đến các quốc gia mới nổi lên như Saudi Arabia, Trung Quốc; từ châu Á đến châu Phi, châu Mỹ. Các đại học đẳng cấp thế giới có nhiệm vụ vừa đào tạo tinh hoa, tránh thất thóat chất xám, vừa thu hút chất xám thế giới.

Saudi Arabia, một xứ sở của sa mạc và dầu hỏa, cũng tham vọng trở thành quốc gia có đại học đẳng cấp thế giới bằng việc đầu tư 10 tỉ USD (!) vào đề án khổng lồ KAUST (cái tên na ná KAIST, Viện khoa học khoa học công nghệ Tiên tiến của Hàn Quốc), Đại học Khoa học-Công nghệ nhà vua Abdullah, người trực tiếp bỏ tiền ra, để đưa nền học thuật trở lại thời đại vàng son Hồi giáo, và để thu hút chất xám làm ‘xanh tươi’ đất nước sa mạc, và cho cả vùng Ả Rập rộng lớn. Số tiền này mới chỉ là vốn khởi động; trong khi số vốn đầu tư được chờ đợi lên đến con số 25 tỉ USD, chỉ đứng thứ hai sau Harvard. Vua Abdullah cũng cho phép KAUST không chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục, do Bộ này nổi tiếng quan liêu.

Các quốc gia có kế hoạch ráo riết thu hút sinh viên nước ngoài. Singapore đang kỳ vọng thu hút 150.000 sinh viên cho đến năm 2015; Malaysia 100.000 đến năm 2020. Trung Quốc đang thu hút 196.000 sinh viên, đa số là sinh viên từ các quốc gia châu Á, cũng nhắm đến con số 300.000 đến năm 2025.

Trung Quốc là một ‘tay chơi’ đầy tham vọng khác, từ thập niên 90 đã đầu tư nhiều chục tỉ USD để nâng cấp một trăm trường đại học và tập trung tạo ra chín trường đẳng cấp quốc tế, tập hợp dưới cái tên C9, một kiểu Ivy League của Trung Quốc (Phúc Đán, Nam Kinh, Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Bắc Kinh, Giao thông Thượng Hải, Thanh Hoa, Đại học Khoa học Công nghệ An Huy, Giao thông Tây An, Chiết Giang).

Ấn Độ đang nỗ lực nhân rộng mô hình IIT, Indian Institute of Technology, Học viện công nghệ Ấn Độ, nơi ươm tài năng Ấn Độ nổi tiếng và được thành lập từ những thập niên 50 lúc quốc gia giành lại độc lập. ITT là một niềm tự hào dân tộc. Các công ty toàn cầu như Boston Consulting và McKinsey hằng năm đến để đón bắt các tài năng giỏi, sáng chói nhất của Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ đã không làm những cuộc bứt phá, và hiện nay, tuy đi trước rất lâu, nhưng bị coi là tụt lại phía sau Trung  Quốc.

Hàn Quốc. Xây dựng trên các cơ sở hợp tác chiến lược với các đại học nước ngoài, phần lớn với Hoa Kỳ, và thuê các nhà khoa học, quản lý hàng đầu. Năm 2008, Hàn Quốc đưa ra “chương trình các đại học đẳng cấp thế giới” với quỹ 800 triệu USD cho 5 năm nhằm ‘nhập khẩu’ các giáo sư nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu, thường là bán thời gian. 1.000 nhà khoa học đã nộp đơn trong mười tháng đầu, trong đó 40% đến từ Hoa Kỳ, có cả nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel. Hàn Quốc hy vọng những nhà khoa học này sẽ xây dựng các chương trình nghiên cứu chuyên ngành, hoặc các ngành khoa học mũi nhọn mới.

Singapore là quốc gia hợp tác có lẽ mạnh mẽ nhất với các đại học hàng đầu Hoa Kỳ. Họ đã nhắm mục tiêu đem mười đại học quốc tế vào, và đã thành công với sáu đại học. Đặc biệt, năm 2007, họ đã đưa được MIT vào trung tâm nghiên cứu tại khuôn viên nghiên cứu quốc gia CREATE (Campus for Research Excellence and Technological Enterprise). Năm 2007, họ cũng thành lập Singapore International Graduate Award, SINGA, một loại học bổng sau tiến sĩ dành cho sinh viên ngoại quốc muốn tiếp tục nghiên cứu tại hai Đại học NUS và NTU. Mỗi năm có khoảng 240 học bổng SINGA được cấp, với những tiêu chuẩn chọn lọc chặt chẽ. Tuy chương trình kết nối với các đại học hàng đầu nước ngoài không phải lúc nào cũng thành công, một số đại học ‘bỏ cuộc’ (Warwick, Johns Hopkins, New South Wales), nhưng nói chung, Singapore đã rất thành công trong nỗ lực của mình để trở thành một powerhouse của tri thức toàn cầu.

Xếp hạng đại học

Cuộc chạy đua đại học thế giới được tăng tốc từ một phát súng của những ý tưởng ‘điên rồ’ về xếp hạng, ranking, các đại học thế giới vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu 21. Năm 1997, tạp chí Asiaweek đã làm một cuộc xếp hạng, nhưng chỉ giới hạn vào các đại học châu Á. Năm năm sau, 2002, Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ của Thụy Sĩ công bố ‘liên đoàn của các quán quân’, champion league, dành cho các đại học và viện nghiên cứu dựa trên các bài báo đăng trên các tạp chí nghiên cứu khoa học. Nhưng bảng xếp hạng quy mô đầu tiên cho đại học thế giới được công bố năm 2003 dưới cái tên Academic Ranking of World Universities, ‘Xếp hạng hàn lâm của các đại học thế giới’, của Viện Giáo dục đại học của Đại học Giao thông Thượng Hải. Một năm sau, 2004, báo Times London đưa ra bảng xếp hạng Times Higher Education Supplement, viết tắt THES. Các tiêu chí này khác hơn, ‘toàn diện hơn’ (holistic), như số sinh viên tốt nghiệp làm ở những công ty toàn cầu, tỉ lệ giáo sư nước ngoài, tỉ lệ sinh viên/giáo sư.

Châu Âu đang nỗ lực tạo ra một bảng xếp hạng mới: “Bảng xếp hạng đại học toàn cầu đa chiều” (viết tắt U-Multirank) để chú ý hơn các yếu tố khác và các ngành khoa học nhân văn, xã hội, chất lượng giảng dạy, đầu ra… Hiện đã có vài chục bảng xếp hạng, phần lớn mang tính chất địa phương hay khu vực.

Nhiều người không đồng tình với việc xuất hiện của các bảng xếp hạng. Uwe Brandenburg, giám đốc “Trung tâm phát triển giáo dục đại học” của Đức đã mượn lời nhà bác học Albert Einstein để nêu lên tính tranh cãi: “Không phải cái gì có thể đếm được là có giá trị, và không phải cái gì có giá trị là có thể đếm được”. Nhưng các bảng đánh giá trên có ảnh hưởng rất lớn không thể chối cãi lên dư luận, sinh viên, nhà quản lý, nhà làm chính sách, chính phủ. GS Philip G. Altbach của Đại học Boston nhìn nhận rằng các hình thức xếp hạng có một ‘vai trò hữu ích’ vì ‘soi sáng các mặt then chốt của thành tựu hàn lâm’ (cũng như những thất bại).

Toàn cầu hóa tri thức và giáo dục

Môi trường văn hóa đại học thế giới ngày càng gần gũi nhau: dân chủ, văn minh, hiện đại, trọng đãi tài năng, tự quản, tự do hàn lâm, học thuật, đó là nền tảng các giá trị phổ quát. Các ‘công dân mới’ tốt nghiệp từ các đại học thế giói có thể cảm thấy gần gũi hay gắn bó với văn hóa đó hơn cả với văn hóa quê nhà. Các sinh viên tài năng của các nước đang phát triển chỉ mơ “nhập học vào Harvard sẽ thay đổi đời tôi”. Cộng đồng hàn lâm dần dần gắn bó với quê hương chung là cộng hòa hàn lâm xuyên biên giới hơn là quê hương sinh trưởng của mình.

Đại học Hoa Kỳ đã thu hút một lượng cao nhất sinh viên từ khắp thế giới, tiếp theo sau là đại học các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Đức, Úc. Trong số 572.509 sinh viên nước ngoài học tại Hoa Kỳ năm 2004 có hơn một nửa đến từ châu Á: năm quốc gia hàng đầu là Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Vốn nhân lực, human capital, của một quốc gia là phần chủ yếu nhất tạo nên sự phồn vinh của các quốc gia. Thế kỷ 20 là thế kỷ của vốn nhân lực mà Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu. Con đường đi tới thành công cho quốc gia và cá nhân cuối cùng chính là sự đầu tư vào vốn nhân lực. Một cộng đồng được giáo dục có thể chưa chắc bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự kết nạp vào ‘câu lạc bộ hội tụ’ (convergence club) của các quốc gia phát triển. Nhưng điều ngược lại chắc chắn đúng: Trình độ giáo dục thấp ngăn cản một quốc gia tiến tới biên giới công nghệ và hưởng lợi đầy đủ từ nền kinh tế toàn cầu (C.Goldin và L.Katz). Vốn ấy ngày nay đang chuyển động toàn cầu, để tôi luyện. Họ là những người mang đầy ý tưởng và kỹ năng, skills. Theo Wildavsky, nếu như giới hạn thương mại gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như cản trở tính sáng tạo kinh tế, thì đóng cửa đối với dòng chảy tự do của con người và ý tưởng là cản trở sự tạo ra tri thức vốn là máu thịt của những thành công kinh tế. Tri thức, và tài năng là những “hàng hóa” không thể giam hãm hay đóng kín mà không gây thiệt hại cho chính mình. Phải làm sao để có sự trao đổi nhiều hơn, có nhiều “hàng hóa” hơn.

Không chỉ có sự di chuyển chất xám xuyên biên giới, mà các công trình nghiên cứu quốc tế cũng có tính chất xuyên biên giới thông qua sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu của nhiều quốc gia khác nhau. Do vậy đòi hỏi nhà khoa học cần phải có những cái nhìn xa, và hiểu biết văn hóa các miền đất khác. Chủ tịch Richard Levin của Đại học Yale là một người chủ trương mạnh mẽ nhất phát triển đại học ra ngoài biên giới. “Chúng tôi muốn đào tạo sinh viên thành những nhà lãnh đạo của thế kỷ 21, và sinh viên không thể là những người ‘mù chữ văn hóa xuyên biên giới’”, Levin nói. “Ngoài kia có những tiềm năng lớn hơn”, “Mỗi người tốt nghiệp ở Yale phải là một người bạn quốc tế”. “Chúng tôi tự hào nói rằng không những đã đào tạo bốn trong sáu vị Tổng thống vừa qua của Hoa Kỳ, mà còn một vị tổng thống Đức, hai Thủ tướng của Hàn Quốc và một Tổng thống của Mexico. Chúng tôi muốn thấy con số này tăng thêm.”  Ông chưa kể thêm: một Tổng thống, và một Phó tổng thống của Philippines. Dĩ nhiên chưa có ai là người Việt Nam được vinh dự bước vào danh sách đó.

Đại học “Made in America”

Thế chiến thứ II nổ ra, chủ nghĩa quốc xã của Hitler và những kẻ cuồng tín đã phá tan nền đại học đỉnh cao đó của nhân loại, gây ra một cuộc di tản khổng lồ của các nhà khoa học hàng đầu lục địa châu Âu qua Tân thế giới Hoa Kỳ, trong đó Einstein là biểu tượng. Sau thế chiến thứ II, Hoa Kỳ với tiềm năng ưu việt của mình, với truyền thống và chính sách phát triển đúng đắn của mình, trong vòng vài thập kỷ tiến lên phát triển đại học thành ngọn đuốc trí tuệ rực rỡ nhất thế giới, kéo dài mãi đến hôm nay. Đặc tính đại học Hoa Kỳ là dựa trên tính ‘mô-đun’ cho phép thêm bớt bất kỳ, cho phép dạy và nghiên cứu tất cả các môn, và ở mọi trình độ.  Tính mô-đun với một số lượng lớn các môn chọn cho phép thầy và trò thực hiện các nguyên lý ‘tự do dạy’, Lehrfreiheit, và ‘tự do học’, Lernfreiheit, của Humboldt. Có thể nói, Đại học Hoa Kỳ là Đại học Humboldt mở rộng. Thế kỷ 20 là thế kỷ của đại học Hoa Kỳ. Đại học phát triển thành multiversity, đa đại học, và cụm đại học. Năm 1987, Henry Rosovsky, cựu chủ nhiệm khoa của khoa  Arts and Sciences ở Harvard, đã có thể viết một cách hãnh diện:

“Trong những ngày này, khi mà các đối thủ kinh tế nước ngoài dường như đang qua mặt chúng ta trong hết ngành này đến ngành khác, chúng ta cần tái khẳng định để biết rằng có một ngành công nghiệp sống còn mà ở đó Hoa Kỳ át hẳn thế giới không thể tranh cãi được: lãnh vực giáo dục đại học. Khoảng từ hai phần ba đến ba phần tư đại học tốt nhất của thế giới đều nằm tại Hoa Kỳ”.

Giáo dục ĐH trở thành một ngành kinh doanh

World Bank ước tính một doanh thu 400 tỉ USD năm dành cho khu vực đại học tư nhân. Sự hấp dẫn đó đã làm hình thành một chuỗi các đại học vì-lợi nhuận, for-profit, ngược với truyền thống đại học-phi lợi nhuận, đặc biệt tại Hoa Kỳ là nơi có rất nhiều đại học tư phi-lợi nhuận nổi tiếng và mẫu mực thế giới. Loại đại học này tăng trưởng mạnh mẽ tại châu Á và châu Mỹ La tinh, nơi hệ thống đại học công không theo kịp sự tăng trưởng nhanh của sinh viên. Những con số của Ben Wildavsky gây ngạc nhiên: giáo dục vì-lợi nhuận đã chiếm thị phần cực kỳ cao: 80% tại Hàn Quốc, 77% tại Nhật Bản, 75% tại Ấn Độ và Brazil, 68% tại Philippines, Indonesia và Columbia, và 63% tại Bỉ. Tại Mexico và ngay tại Hoa Kỳ, con số cũng không nhỏ: 33 và 32%. Trong khi đa số các trường đại học vì-lợi nhuận là của các nước sở tại, thì có một nhóm ‘tay chơi’ quốc tế bước vào cuộc, chủ yếu xuất phát từ Hoa Kỳ: Laureate Education, Whitney International, Apollo Global, University of Phoenix, Kaplan Inc.,

Có nhiều ‘biến tướng’ trong thế giới đại học vì-lợi nhuận. Một dạng ‘lưỡng thể’: học địa phương hai năm, ra nước ngoài tu nghiệp hai năm, hay đại loại. Hình thức này thường đòi hỏi cao hơn về chất lượng ở sinh viên. Hay các hình thức hợp tác giữa đại học phi-lợi nhuận và vì-lợi nhuận. Hoặc các hình thức học ảo, giảng dạy ảo, giảng đường ảo, trên mạng toàn cầu, không thầy, không campus, không tất cả. Học và dạy một cách ‘vô danh’.

Các đại học vì-lợi nhuận hay đại học ảo đang là vấn đề tranh luận lớn. Một mặt các đại học đó tạo ra những người có nghề nghiệp, có một số vốn tri thức, và kỹ năng nhất định cần thiết cho cuộc sống vừa giải phóng các đại học tinh hoa, giảm áp lực, đồng thời cũng “đe dọa sự tồn tại của đại học nghiên cứu-tập trung”. Chúng ta phải rất thận trọng trước cơn “đại hồng thuỷ” này (G. Casper). Vấn đề lớn là cần có sự giám sát hữu hiệu từ phía nhà nước có thể hữu ích, ít nhất là để loại bỏ các tổ chức kinh doanh “ăn xổi ở thì”.

Đại học phục vụ cộng đồng

Đại học đã giữ vững tên tuổi mình trên thế giới gần ngàn năm qua là vì nó tiếp tục nỗ lực bảo vệ và tăng cường vai trò của chân lý (truth) và phẩm chất xứng đáng (merit) trong thế giới hàn lâm, và phục vụ xã hội, tăng trưởng kinh tế (Clark Kerr). Benjamin Franklin (1706-1790) có lẽ là người Mỹ đầu tiên nhấn mạnh các đóng góp thiết thực của giáo dục cho nông nghiệp, thương mại và công nghiệp. Đó là tinh thần phục vụ cộng đồng của đại học Hoa Kỳ, và điều đó được thực hiện ở quy mô một trăm năm sau.

Đại học được quan niệm có nhiều nhiệm vụ, không phải chỉ là dịch vụ. Ngoài việc phục vụ kinh tế, chính trị, quốc phòng, đại học còn có nhiệm vụ góp phần cải cách xã hội, do đó phải mang tính chất phản biện, dissenting. Noam Chomsky trong bài viết “Trách nhiệm của trí thức” cho rằng, trách nhiệm của họ là “tạo ra và phân tích ý thức hệ”, chứ không phải chỉ là tạo ra các chuyên gia để làm bộ máy xã hội chạy tốt. Ý ông muốn nói: tạo ra ‘triết lý’ cho xã hội là việc có tầm quan trọng hơn.

Một đề tài mà quyển sách còn chưa đề cập tới, đó là giáo dục nhân bản, nằm trong phần giáo dục tổng quát, general education, những năm đầu đại học. Clark Kerr, nhà quản lý giáo dục huyền thoại của Hoa Kỳ, tuy chia sẻ những mong muốn ấy, nhưng lại có ít hy vọng. Ông nói “Giáo dục tổng quát đã suy sụp từ ba trăm năm qua. Nó hầu như bị tàn phá trong những năm cuối 60 và đầu 70. Báo cáo của Quỹ Carnegie cho đó là ‘lãnh vực thảm họa’.”  Robert Hutchins cho rằng đại học đã trở thành “công nghiệp quốc hữu hóa” như hệ quả của cuộc cách mạng công nghệ và sự hình thành nhà nước-dân tộc, nation-state.

Theo John S. Mill trong “Diễn văn khai giảng”, Inaugural Address, năm 1867 tại Đại học St. Andrew, “tri thức” (knowledge) và “lương tâm” (conscience) hỗ trợ, xoắn lấy nhau, và đại học cần phải biến sinh viên thành những chiến sĩ hiệu quả hơn trong cuộc chiến đấu vĩ đại không ngừng diễn ra giữa Thượng đế và cái ác (Evil), trong khi John H. Newman trong quyển “Ý niệm của một đại học”, The Idea of a University, cho rằng điểm nhấn của giáo dục đại học không phải là chân lý mới, mà là minh triết cũ, là ‘dạy tri thức nhân văn’ (liberal knowledge), và chính cái đó mới ‘trang bị cho con người để hoàn tất mọi nhiệm vụ được giao phó thắng lợi, và làm chủ mọi vấn đề một cách dễ dàng’; đại học là dành cho những con người toàn diện (generalist), hơn là chuyên viên (specialist); đại học là nơi dạy những ‘tri thức phổ quát’ (universal knowledge); vâng, đại học là một tháp ngà xinh đẹp (C. Kerr).
***
Cuộc canh tranh chất xám vĩ đại của Ben Wildavsky là quyển sách cần phải đọc, must-read, gối đầu giường cho những ai muốn có cánh cửa sổ nhìn ra một cuộc chuyển động thế giới đang diễn ra mạnh mẽ và sẽ ảnh hưởng lên mọi quốc gia, từ những quốc gia phát triển, mới được công nghiệp hóa, đến các quốc gia còn đang trên đường công nghiệp hóa, từ sinh viên đến các bậc phụ huynh, đến các nhà làm chính sách giáo dục. Quyển sách là một “kho tàng tri thức” được cập nhật mới nhất, qui mô, có lý luận phân tích và đúc kết thành nhận thức. Ai muốn xây dựng đại học hiện đại, đại học đẳng cấp quốc tế, ai muốn nhìn vào chiều sâu của lịch sử, sứ mạng của đại học, những vấn đề đại học phải đối mặt tương lai, quan trọng hơn, ai muốn có tầm nhìn, vision, cho nền đại học tương lai của quốc gia mình, đều không nên bỏ qua quyển sách có tính chất ‘khai sáng’ này.

Thông điệp của quyển sách gửi đến người Việt Nam, nhất là các cấp lãnh đạo cao nhất: phải nhanh chóng tiến lên toàn cầu hóa nền đại học của mình, cải cách cơ chế và tổ chức, quản lý, chế độ, kết nối với các đại học hàng đầu thế giới, “quốc tế hóa” hoạt động của đại học, đẩy mạnh Anh ngữ làm ngôn ngữ quen thuộc trong học tập, nghiên cứu và giao dịch, thay đổi văn hóa, chấp nhận văn hóa trọng đãi tài năng, đầu tư mạnh mẽ vào một số ít đại học quốc gia, một số khoa, ngành chủ lực, để trở thành đại học hướng lên đẳng cấp, mà chưa mong đạt tới đẳng cấp, hãy mở các ngành khoa học công nghệ cao, thuê các nhà khoa học và quản lý giỏi thế giới tiếp sức. Đây phải là một cuộc đầu tư lớn gắn liền với sự phát triển của đất nước và quốc phòng, với sự bền vững non sông.

Đại học Yale-NUS – một vùng đất hứa

Ngày 11/4/ 2011, Thủ tướng Lý Hiển Long, cùng với Chủ tịch Đại học Yale, Richard Levin, một “con người toàn cầu hóa” giáo dục đại học, chính thức làm lễ phát động xây dựng Yale-NUS College Singapore cho chương trình cử nhân 4 năm, nhằm góp phần đào tạo một giai tầng lãnh đạo mới của Singapore, với một chương trình giáo dục nhân văn kết hợp văn hóa Đông – Tây ấn tượng, có lẽ là trường hợp đầu tiên tại châu Á. Nếu trước đây Lý Quang Diệu đã “Tây hóa” môi trường sống và kinh doanh của Singapore nhằm thu hút phương Tây đến làm ăn, để khách phương Tây cảm thấy gần gũi, và họ (Singapore) đã thành công tuyệt vời, thì nay, dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore sẽ được nâng cấp lên về mặt văn hóa, chuẩn bị cho chất lượng lãnh đạo với tri thức về hai nền văn hóa Đông – Tây. Họ sẽ là một típ người mới của Singapore. Một thử nghiệm hết sức thú vị. Giáo dục cử nhân có lẽ chỉ là giai đoạn một. Yale-NUS có thể có tham vọng đào tạo các lãnh đạo quốc gia như Yale đã và đang làm, đào tạo các tổng thống, thủ tướng, nhà kinh doanh, chính trị gia, học giả…
Văn hóa đã trở thành yếu tố ngày càng quan trọng trong thế giới toàn cầu hóa, khi mà chủ nghĩa và ý thức hệ lần lần biến mất hay trở thành lỗi thời và tai hại . Cái còn lại sẽ là văn hóa. Samuel Huntington cho rằng thế giới đang bước vào giai đoạn của sự “xung đột văn hóa” (civilizational clash) trong đó con người được đặc trưng không phải bởi ý thức hệ, mà bởi văn hóa với sức mạnh (hay nhược điểm của nó). Không hẳn xung đột. Nhưng văn hóa sẽ có giá trị ngày càng trội bật. Singapore không có ý thức hệ đặc biệt ngoài một số nguyên tắc Khổng giáo phù hợp của nhà lập quốc Lý Quang Diệu, cũng không có tự do theo nghĩa các quốc gia phương Tây, nhưng khá cởi mở, một đặc tính cần thiết của sự thành công kinh tế. Một nền văn hóa đóng kín, bị chính trị hóa hay xơ cứng hóa, sẽ khiến đất nước có thể bị loại ra khỏi cuộc chơi. Sự toàn cầu hóa kinh tế và sự sống còn buộc các dân tộc phải xem xét lại toàn bộ văn hóa của mình, cần tái diễn giải những tư tưởng tiềm tàng trong văn hóa, của Khổng Tử, Lão Tử, Phật giáo,.., loại bỏ những cách nhìn lỗi thời gây cản trở và tăng cường các ý tưởng tích cực, phù hợp với sự đòi hỏi của phát triển xã hội… Tôn giáo phải hỗ trợ sự phát triển đất nước, chứ không được làm cản trở, hay quay lưng. Xung quanh, nhiều quốc gia đều có những tôn giáo giống nhau như Khổng, Phật; tuy các văn hóa đó không tự góp phần tạo ra được nền kinh tế hiện đại (như Tin Lành đã làm), nhưng khi dân tộc và giới lãnh đạo thức tỉnh, các quốc gia đó tạo ra các thần kỳ kinh tế.
Đại học Yale-NUS sẽ khai trương vào năm 2013. Một chương mới của Singapore sẽ bắt đầu. Một vùng “đất hứa” sẽ mở ra. Sự giao lưu và đào sâu văn hóa Đông-Tây sẽ là nhân tố tích cực cho việc phát triển đất nước. Giới tinh hoa Singapore muốn có một primacy, sự ưu việt, cả về văn hóa cho đảo quốc họ. Họ là một dân tộc giàu có, nay càng nghĩ thêm phát triển văn hóa ưu việt cho dân tộc họ. Đấy cũng là cách thu hút thêm giới tinh hoa từ phương Tây cho nền kinh tế ngày càng phải cạnh tranh cao. Hai triệu người nước ngoài sinh sống tại Singapore có thể gửi con em học cử nhân tại Yale-NUS với curriculum thú vị mà không phải lo lắng. Đó cũng là một cách ứng phó của lãnh đạo Singapore với trận chiến nhân lực cao của toàn cầu hóa đã được đề cập nhiều trong giới lãnh đạo và học giả Singapore.  Đảo quốc nhỏ bé này có nguy cơ đứng trước sự bốc hơi tài năng, bởi đơn giản tài năng của Singapore đang có giá, và đang được truy tìm trên thị trường. Chính phủ  phải tìm cách giữ chân tài năng lại, và bổ sung số mất mát bằng cách thu hút tài năng trẻ mới từ khu vực, được đào tạo với chất lượng cao tại chính Singapore.

———-

Tham khảo
Hovard R. Bowen, The State of the Nation and the Agenda for Higher Education. Jossey-Bass, 1982.
Gerhard Casper, Ưu điểm của Đại học Nghiên cứu Tập trung. Đại học Thế kỷ 21. Trong Kỷ yếu ĐẠI HỌC HUMBOLDT 200 NĂM (1810-2010). NXB Tri Thức, 2011. Trang 739-753.
Noam Chomsky, The Responsibility of Intellectuals. The New York Review of Books, February 23, 1967.
Claudia Goldin and Lawrence F. Katz, The Race between Education and Technology. The Belknap Press of Harvard University Press, 2008.
Clark Kerr, The Great Transformation in Higher Education 1960-1980. State University of New York Press, Albany, 1991.
John Stuart Mill, Inaugural Address. Đọc tại Đại học St. Andrews, 1867. Trong Robert M. Hutchins and Mortimer J. Adler (eds), The Great Ideas Today 1969. The University Today. William Benton Publisher, 1989.
Mạng Pak Tee Ng, Singapore và sự ứng phó với chiến trận toàn cầu về tài năng. Trong International Journal of Educational Development 31 (2011), 262–268. Bản dịch của Nguyễn Tiến Bình, trong http://chrd.edu.vn/site/vn/?p=2765
John Henry Newman, The Idea of a University. Frank M. Turner Editor. Yale University Press, 1996.
Nguyễn Văn Tuấn, Chất lượng giáo dục đại học nhìn từ góc độ hội nhập. NXB Tri Thức & Thời báo Kinh tế Sài Gòn,  2011.
Ben Wildavsky, The Great Brain Race. Princeton University Press, 2010
Nguyễn Xuân Xanh, Đại học. Lịch sử một ý tưởng. Trong Kỷ yếu ĐẠI HỌC HUMBOLDT 200 NĂM (1810-2010). Chủ biên: Ngô Bảo Châu – Pierre Darriulat – Cao Huy Thuần – Hoàng Tụy – Nguyễn Xuân Xanh – Phạm Xuân Yêm. NXB Tri Thức 2011. Trang 33-143.
Đại học Yale-NUS Singapore: http://www.ync.nus.edu.sg.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)