Đại học Quốc gia Hà Nội: Phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực

Những nhà giáo, những người thầy của Đại học Quốc gia Hà Nội nói về ngôi trường của mình và các mong muốn phát triển trong tương lai để tiếp nối chặng đường hơn 100 năm lịch sử.

PGS.TS. Phạm Hồng Tung, Phó Ban KHCN:

Ưu tiên hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh

Mặc dầu đã trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển, việc xác định được rõ đâu là những giá trị cốt lõi của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vẫn còn là điều còn phải thảo luận. Quan điểm của nhà trường về chuyện này là như thế nào?

Đây cũng là đề tài mà chúng tôi thảo luận rất nhiều, có hẳn những cuộc hội thảo để bàn về việc này, và cuối cùng, chúng tôi đưa ra được mấy điểm chính như sau:
Đầu tiên là giá trị dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Dẫu đây là giá trị chung của toàn dân tộc, song nhìn lại suốt thời kì 1906 – 1945, Đại học Đông Dương tuy được Pháp lập ra để đào tạo bộ máy tay sai, nhưng thực tế lại là nơi tụ hội trí thức, lãnh tụ hàng đầu phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu nước và phụng sự Tổ quốc là những giá trị nổi bật của các thế hệ ĐHQGHN.
Thứ hai, đây là trung tâm khoa học cơ bản, sáng tạo ở đỉnh cao, đi tiên phong và tạo ra phá cách.
Thứ ba là giá trị đoàn kết, tướng sĩ một lòng phụ tử, chia sẻ từ lúc hàn vi đến thời kỳ phát triển và gắn bó với nhau qua nhiều thế hệ.
Thứ tư là tư duy liên ngành, đưa ĐHQGHN phát triển theo hướng Trung tâm giáo dục đi đầu, đa ngành, đa lĩnh vực.


PGS.TS. Phạm Hồng Tung

ĐH Quốc gia đang mở rộng mạnh mẽ về nhiều ngành đào tạo, thành lập mới nhiều trung tâm, viện nghiên cứu trực thuộc. Hệ thống này sẽ được định hướng phát triển như thế nào?

Cách đào tạo đơn ngành đã trở nên lỗi thời. Hiện nay, các khoa, đơn vị đào tạo buộc phải liên kết với nhau. Đi tiên phong là trường ĐH Kinh tế, ĐH ngoại ngữ, ĐH Công nghệ, cho phép sinh viên học kép, nhận bằng kép từ nhiều trường thành viên. Có những ngành đào tạo liên ngành mới như Khoa học quản lý, Khoa học Môi trường, Viện Viện Nam học và Khoa học phát triển…
ĐHQGHN cũng ưu tiên hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, mang tính liên ngành cao.

Năng lực cạnh tranh của ĐHQGHN được xác định là nhờ đâu?

Trong khi nhiều trường đang phải đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám, thì ĐHQGHN lại đang thu hút được khá đông cán bộ trẻ về làm việc.
Riêng ĐH Kinh tế mấy năm gần đây đã thu hút tới 16 tiến sĩ trẻ được đào tạo ở nước ngoài về. Lúc đầu trường “thắt lưng buộc bụng” trả mức lương cao để giữ chân họ. Sau này, chính những người đó mang về nhiều dự án lớn, tạo mối quan hệ “mang lại thu nhập” cho trường.
Ngoài ra, trường cũng mời một số chủ doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Chẳng hạn Chủ nhiệm khoa Quản trị Kinh doanh Nguyễn Tiến Dũng đồng thời là chủ một doanh nghiệp lớn.

ĐH Công nghệ ngay từ lúc thành lập đã có thỏa thuận hợp tác nghiên cứu liên thông với các viện kinh tế, doanh nghiệp khác. ĐH Giáo dục là nơi nhiều chuyên gia hàng đầu của ngành giáo dục VN cộng tác.

——-

PGS.TS  Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng trường THPT chuyên KHTN:

Cần rót tiền cho đúng chỗ

Thực tế cho thấy là chúng ta có thế mạnh về nghiên cứu cơ bản, như vậy đừng để mất đi lợi thế này. Không nên có tư tưởng: “Nghiên cứu cơ bản chỉ cho các nước lớn, còn nước nhỏ thì hướng vào ứng dụng”. Mà đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản hoàn toàn không phải là đắt đỏ, nhất là ngành Toán.

Trước kia, các thầy trò đều nghèo xác xơ, Nhà nước cũng không có nhiều tiền mà cho, nhưng mọi người vẫn đam mê nghiên cứu.  Tuy nghèo, nhưng cả xã hội toàn tâm toàn ý cho học sinh giỏi, nhân tài được hết mực quý trọng. Suốt bao nhiêu năm, ngành Toán không thấy được đả động đến. Thầy trò âm thầm làm việc với nhau, ngay cả nguồn động viên tinh thần cũng trở nên hiếm hoi. Mãi cho đến gần đây, ngành Toán mới được nói đến nhiều nhân có sự kiện Ngô Bảo Châu.

Thật ra, câu chuyện đầu tư của mình là do lãng phí, chứ không phải là ít tiền. Vấn đề của các nhà quản lý là rót tiền cho đúng chỗ mà thôi.

——–

PGS.TS  Trần Quang Vinh, Nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghệ:

Cân đối mức độ đầu tư cho phát triển

 

ĐH Công nghệ hiện đang tập trung vào một số công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, công nghệ nano và tự động hóa. Cả bốn ngành này phải liên kết chặt chẽ với nhau. Đó cũng là hướng đào tạo liên ngành mà ĐHQGHN đã xác định.

Nhưng sai lầm của chúng ta trong thời gian dài trước kia là đi lệch hướng, thuận theo trào lưu. Trước kia, ta theo mô hình của Liên Xô, tập trung tất cả vào nghiên cứu cơ bản trong khi cả nước đang đói ăn. Hiện nay lại đổ xô vào nghiên cứu ứng dụng, không nắm được công nghệ lõi. Cứ như vậy, ta mãi mãi chỉ là một anh lắp ráp thuê.

Mặt khác, nhìn sang bài học của nước Nhật, khoảng 55% nghiên cứu ở các đại học Nhật Bản là nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu ứng dụng chỉ chiếm hơn 20%, còn lại là nghiên cứu phát triển. Hai loại nghiên cứu sau được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp lớn. Sinh viên cao học Nhật, bước sang năm thứ 2 trở thành những “Mr. Toshiba”, “Ms. Canon”, hay “Ms. Mitsubishi”… Nghĩa là sinh viên được liên kết làm việc và nghiên cứu trực tiếp với các hãng này.

Ở mình, doanh nghiệp vẫn kêu là sinh viên ra trường không làm việc được ngay. Đó là nhà trường ta vốn chỉ dạy các em các kiến thức cơ bản, ít liên kết với doanh nghiệp. Do vậy, hướng liên kết với các doanh nghiệp rất cần được chú trọng.

Đối với các nhà quản lý, cần phải cân đối mức độ đầu tư cho phát triển giữa các hướng ngành, đừng chỉ nhắm theo xu thế mới nổi của thị trường mà quên đi đâu là thế mạnh của chính mình.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)