Đại học trực tuyến sẽ thay đổi ngành giáo dục

Các nhà đầu tư ở Silicon Valley đoan chắc sẽ có sự bùng nổ đại học trực tuyến (Online-University). Ngành kinh doanh này đang phát triển mau lẹ.

Nhiều sinh viên Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học lâm vào tình trạng nợ nần. Sebastian Thrun lại cho rằng, điều này là không cần thiết. Thrun sinh ra ở Đức và là từng là giáo sư Đại học Stanford, ông được thế giới biết đến với tư cách là người đồng phát minh xe ô tô tự hành của Googles, từ một năm rưỡi nay ông là người lãnh đạo doanh nghiệp startup Udacity ở Palo Alto. Ông là nhà cung cấp các khóa học trực tuyến. Học viên trau dồi kiến thức qua mạng Internet.

Hiện tại GS Thrun đang chuẩn bị thực hiện một cuộc cách mạng nhỏ: từ tháng giêng tới, doanh nghiệp của ông sẽ kết hợp với Viện Công nghệ Georgia tổ chức một khóa đào tạo về tin học, thông thường chi phí để theo học chính quy khóa này hết 40.000 USD, trong khi đó học online chỉ hết 7.000 USD. Thay vì đến giảng đường, sinh viên tham dự cái gọi là Massive Open Online Course (MOOC) – một dạng đào tạo qua mạng internet, học tại nhà.

Chủ trương đào tạo online của Thrun được đẩy mạnh nhờ sự phát triển rộng rãi các loại phương tiện như Smartphones, Tablets, Notebooks và truy cập Internet băng thông rộng. Thêm vào đó là nỗi lo ngại của nhiều nhà doanh nghiệp Mỹ trước tình trạng ngành giáo dục ngày càng sa sút kể từ những năm 1980 đến nay. Tình trạng này có thể làm xói mòn nền tảng kinh tế của Mỹ.

Sự nhiệt tình của các nhà đầu tư ở Silicon-Valley như thế nào đối với các khóa học trực tuyến thể hiện qua những đồng USD mạo hiểm mà thời gian gần đây người ta đổ vào các doanh nghiệp startup về giáo dục. Chương trình Coursera, do hai cựu giáo sư của Đại học Stanford thành lập được rót không biết bao nhiêu tiền bạc. Doanh nghiệp này đã thu gom được 65 triệu USD, vì nó đã được Amazon.com coi là một chương trình đào tạo trực tuyến. Cho đến nay Udacity cũng thu gom được 20 triệu USD.

Trong khi Udacity chủ yếu đầu tư vào việc tự sản xuất tài liệu và dựa vào lực lượng giảng viên của mình thì Coursera trước hết dựa vào số đông trên thị trường, tổ chức các khóa đào tạo dựa vào các trường đại học. Coursera tổ chức gần 500 khóa học với 85 nhà cung cấp dịch vụ.

Khâu cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học đối với học viên mang lại nguồn thu lớn nhất.
Ngay lập tức đã có sự bắt chước ở các nước khác. Ở Đức xuất hiện iversity, giám đốc điều hành là ông Marcus Riecke. Hiện tại, theo Riecke việc mời giáo sư phục vụ các khóa học này không có gì khó khăn. Thị trường đào tạo ở Đức hiện có 18 khóa học và sẽ khởi động trong tháng 10 tới, trong đó có các ngành như kinh tế xí nghiệp, thiết kế mẫu, kinh tế tài chính v.v…

E-Learning đang là một xu hướng có nhiều thành công, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi. Ví dụ dự án hợp tác giữa Udacity với một trường cao đẳng ở Silicon-Valley, ở đây sinh viên theo học các khóa về thống kê và toán học qua computer. Trường buộc phải tạm đình chỉ khóa học mùa thu vì điểm của các học viên tệ hơn nhiều so với sinh viên học các khóa truyền thống tại trường. Nguyên nhân có thể là số đông sinh viên học online là sinh viên vốn dĩ yếu kém.

Tuy có những trục trặc như trên nhưng nhu cầu học online đang ngày càng tăng và điều này sẽ làm thay đổi diện mạo ngành giáo dục. Hiệp hội các nhà giáo tỏ ra lo ngại về nguy cơ giảm đội ngũ giáo viên. Vì trong khi các trường đại học danh tiếng như Stanford và Harvard dựa vào nguồn tài chính của các nhà tài trợ, từ các khoản đầu cơ và học phí thì các cơ sở đào tạo nhỏ lại phải dựa vào nguồn kinh phí do nhà nước cấp. Mức cấp kinh phí dựa chủ yếu vào số lượng sinh viên. Ngoài ra còn có cảnh báo về sự “độc canh giáo dục”, các trường đại học danh tiếng sẽ có vai trò áp đảo đối với chương trình đào tạo trực tuyến.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)