Đại học ưu tú ở Mỹ và khả năng áp dụng cho Việt Nam

Trong một thế giới toàn cầu hóa, các điều kiện và vấn đề xã hội được cảm nhận trước tiên ở Mỹ sẽ nhanh chóng lan ra các nước khác, trong đó có Việt Nam. Thành công và thất bại của Mỹ khi đối phó với khủng hoảng trong hệ thống giáo dục đại học có thể là bài học tham khảo cho một quốc gia mới nổi ở Đông Nam Á về những thách thức trước mắt, và những bước đi cần thiết trong việc giải quyết vấn đề. Trong bối cảnh này, tôi muốn bàn tới một trong những cải tiến đáng kể của hệ thống giáo dục Mỹ trong thập kỉ qua. Đó là ý tưởng về “đại học ưu tú”.

Có thể không như suy nghĩ thường thấy ở Việt Nam, đại học Mỹ phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng. Đầu tiên là sự tăng vọt trong chi phí cho giáo dục bậc cao. Nếu các bậc phụ huynh định trả toàn phần học phí cho một đại học tinh hoa như Harvard, họ có thể sẽ phải chi đến hơn 200.000 USD cho một tấm bằng đạt được sau 4 năm. Thêm vào đó, hệ thống giáo dục Mỹ yêu cầu sinh viên phải có bằng đại cương trước khi muốn có một tấm bằng chuyên ngành như luật hay dược. Những học vị này thậm chí còn ngốn nhiều tiền của hơn. Cần phải lưu ý rằng, chỉ phần nhỏ các gia đình Mỹ trả toàn bộ chi phí như nói trên. Phần lớn các gia đình nhận được “gói trợ giúp”, thực chất là việc giảm học phí căn cứ theo từng trường hợp. Tuy nhiên, thực tế là đa phần người Mỹ vẫn gặp khá nhiều khó khăn trong việc chi trả cho giáo dục đại học. Thanh niên Mỹ trang trải cho việc học của họ bằng những khoản vay lớn mà phải mất nhiều năm mới có thể trả hết. Họ cũng làm thêm những công việc bán thời gian, trong khi vẫn học tại trường trọn ngày. Xét tới tất cả những điều này, không ngạc nhiên khi ngày càng nhiều người Mỹ đang đặt câu hỏi về giá trị của giáo dục đại học, đặc biệt là của học vị “cử nhân” hay tấm bằng bốn năm.

Độc giả Việt Nam có thể không nhận thấy sự liên quan đặc biệt nào với tình trạng nan giải nêu trên, nhưng điều này được viết ra không phải để khơi gợi sự cảm thông, mà để cho thấy những xu hướng toàn cầu, đặc biệt những xu hướng có khả năng ảnh hưởng sớm tới Việt Nam. Trong một thế giới toàn cầu hóa, các điều kiện và vấn đề xã hội được cảm nhận trước tiên ở Mỹ sẽ nhanh chóng lan ra các nước khác, trong đó có Việt Nam. Thành công và thất bại của Mỹ khi đối phó với khủng hoảng trong hệ thống giáo dục đại học có thể là bài học tham khảo cho một quốc gia mới nổi ở Đông Nam Á về những thách thức trước mắt, và những bước đi cần thiết trong việc giải quyết vấn đề.

Trong bối cảnh này, tôi muốn bàn tới một trong những cải tiến đáng kể của hệ thống giáo dục Mỹ trong thập kỉ qua. Đó là ý tưởng về “đại học ưu tú”**. Một “đại học ưu tú” là một bộ phận đặc biệt nằm trong một trường đại học lớn hơn. Nó được thiết kế không phải chuyên biệt cho một lĩnh vực nghiên cứu, mà để sinh viên từ tất cả các ngành với vô số những hoài bão nghề nghiệp khác nhau có thể nhận được một sự giáo dục chuyên sâu hơn – và hi vọng, hiệu quả hơn, mà không phải trả chi phí cao hơn quá nhiều.


Khuôn viên trường Barrett. Ảnh: AUS

Những đại học ưu tú này, trên lý thuyết, được thiết kế để làm gì? Những gì chúng đã đạt được trong thực tế? Bài học nào rút ra cho tương lai? Tuy không thể quả quyết có kiến thức toàn diện về chủ đề này, nhưng tôi có thể nói từ những kinh nghiệm trực tiếp của mình. Trong 11 năm qua, tôi là cán bộ giảng dạy của một trong những trường đại học ưu tú lớn nhất ở Mỹ, The Barrett Honors College thuộc Đại học Bang Arizona. Hàng năm “Barrett”, như thường gọi, cấp bằng tốt nghiệp cho vài trăm sinh viên, tất cả họ ngoài việc tham gia những khóa bắt buộc, còn học thêm một chương trình chuyên sâu được gọi là “ưu tú”. Vậy chương trình này gồm những gì, và bài học nào có thể áp dụng cho Việt Nam?

Đầu tiên, cần phải biết được những yêu cầu cần thiết để tốt nghiệp Barrett. Những sinh viên ưu tú về cơ bản phải:

Viết một luận văn học thuật dài ít nhất 30 trang về một chủ đề tự chọn, được hướng dẫn bởi giáo sư trong ngành và nộp cho ít nhất ba giáo sư khác. Sinh viên ưu tú phải bảo vệ luận văn này công khai trước hội đồng thẩm định, giống như một “phiên bản mini” mà những tiến sĩ được yêu cầu làm để bảo vệ luận án của họ.

Trước khi làm luận văn, những sinh viên ưu tú cần học những khóa đặc biệt thuộc ngành học của mình. Đây là những lớp đặc biệt chỉ mở cho sinh viên ưu tú, hoặc dưới dạng một lớp học thông thường được thu xếp chỉ dành cho sinh viên ưu tú tham dự. Đặc điểm chung của chúng là a) tương tác trực tiếp giữa sinh viên với người hướng dẫn và b)những bài tập với yêu cầu khắt khe hơn và ý kiến phản hồi chi tiết hơn từ giáo sư.

Thêm vào đó, Barret còn yêu cầu sinh viên ưu tú học hàng loạt những khóa được thiết kế riêng cho họ. Đây là những cuộc hội thảo chuyên đề đa ngành (không quá 20 sinh viên, và những sinh viên này được yêu cầu thảo luận ý kiến công khai). Chủ đề xoay quanh những “Trước tác”, theo như cách người Mỹ thường gọi. Trong hai học kì đầu tiên tại Barrett, tất cả sinh viên ưu tú phải tham gia một cuộc hội thảo gồm hai phần, thảo luận về những tác gia và tác phẩm vĩ đại không chỉ của phương Tây mà còn của nền văn minh nhân loại, bao gồm Thánh Kinh, Khổng Tử, triết học Hy Lạp và Ấn Độ, Shakespeare, Tolstoy, Marx… Barrett có một đội ngũ cán bộ gồm mười lăm giảng viên để hướng dẫn khóa học đặc biệt này, trong đó có tôi.

Hiện nay, Đại học ưu tú trực thuộc Đại học Bang Arizona rất thành công. Với hơn 800 sinh viên được nhận hàng năm, tổng số sinh viên ưu tú tại trường lên tới 3200 trong hơn 50.000 sinh viên đang theo học. 60% trong tổng số 800 này hoàn tất những điều kiện để được cấp bằng “ưu tú”. Đây là tỉ lệ tốt nghiệp rất cao chiếu theo chuẩn Mỹ, bởi thông thường ở các trường số tốt nghiệp chiếm chưa đến 30% so với tổng đầu vào.

Đặc điểm kinh tế và nhân khẩu đóng vai trò quan trọng trong sự vượt trội của Barret. Đa số những sinh viên ưu tú đến từ một thành phần đặc biệt trong xã hội Hoa Kỳ: tầng lớp trung lưu. Bố mẹ họ đã xoay xở để con cái mình có được học vấn tốt từ những cấp tiểu học và trung học. Xét đến những vấn nạn của xã hội Mỹ và yếu kém trong hệ thống giáo dục cơ sở, đây hoàn toàn không phải điều dễ dàng. Thậm chí con cái của những gia đình giàu có và thành công vẫn có thể gặp kết cục nghiện hút hoặc gia nhập nhóm bạn lôi kéo họ khỏi việc học hành. Còn những bậc phụ huynh này, may mắn có được những đứa con tài năng, đã tìm ra phương cách dạy chúng những kĩ năng và kỉ luật để thành công trong môi trường đại học.

Những sinh viên này rất cần các kĩ năng và thói quen tốt để thành công, bởi lẽ rất nhiều sinh viên Mỹ không thực sự hưởng lợi từ quãng thời gian đi học. Một trong những điều đáng ngại nhất mà sinh viên Mỹ phải đối mặt là không tận dụng được những trải nghiệm đại học. Nhiều sách vở và bài báo đã chỉ ra những khiếm khuyết của hệ thống hiện nay. Một sinh viên dễ dàng trải qua bốn năm đại học mà không tham dự bất kì một khóa học có tính thử thách nào, hoặc chẳng cần dành nhiều thời gian cho việc học hành. Các bài báo cũng cho biết phần lớn thời gian các sinh viên không được dạy bởi một giáo sư đủ kinh nghiệm và hoàn toàn dấn thân cho việc giảng dạy. Thay vào đó, giảng viên thường là những sinh viên cao học mà kiến thức và kĩ năng dạy học rất khác nhau.

Mục đích chính của các đại học ưu tú ở Mỹ rất rõ ràng. Những sinh viên tài năng và tích cực có điều kiện tập trung với nhau, và với những người thầy thúc đẩy họ làm việc với chất lượng tốt hơn. Điểm này cho phép họ có thể tận dụng tối đa quãng thời gian ở trường của mình. Ở Đại học ưu tú Barrett, các sinh viên phải trả thêm một khoản phí không quá lớn cho việc này. Họ đóng thêm 500 USD một kì so với mức học phí thông thường, và trợ giúp tài chính thì luôn sẵn có cho những ai không đủ khả năng.


Khuôn viên trường Barrett. Ảnh: AUS

Để được nhận vào học tại Đại học ưu tú Barrett là một quy trình tuyển sinh riêng. Những sinh viên đã đủ điều kiện nhập học tại Đại học Bang Arizona sẽ phải nộp một bộ hồ sơ khác tới Barrett. Bộ hồ sơ này trước tiên gồm bảng điểm trung học, kết quả của những bài kiểm tra tương đương với kì thi cấp quốc gia ở Mỹ (“SAT,”…). Vì những kết quả các kỳ thi này được chấp nhận ở hầu hết các trường đại học, họ không cần phải tham dự thêm kì thi nào nữa. Tuy vậy, ít có khả năng là những sinh viên có điểm số không thuộc nhóm top 25%  lại được nhận. Thứ hai, những thí sinh cần nộp ít nhất hai lá thư từ giáo viên trung học chứng nhận tiềm năng học thuật của họ. Những thư đề cử như vậy được yêu cầu ở hầu hết mọi trường đại học, do vậy, đây cũng không phải công đoạn phải làm thêm đối với các thí sinh khi nộp đơn tới Barrett. Tuy nhiên, những lá thư này được kì vọng đi sâu vào chi tiết và những trường hợp không đưa ra được lí do cụ thể tại sao sinh viên có khả năng thành công sẽ không được người giám tuyển coi trọng nhiều. Cuối cùng, cũng là khâu thực sự đòi hỏi sự đầu tư tăng thêm, đó là tất cả ứng viên cần phải viết một bài luận ứng tuyển nêu rõ mối quan tâm và sở trường của họ, đồng thời làm rõ mục tiêu học tập của mình tại trường đại học

Hơi khác biệt so với thông lệ ở Mỹ, bộ hồ sơ ứng tuyển tại Barrett không chỉ được duyệt bởi cán bộ phụ trách tuyển sinh, mà còn bởi các cán bộ giảng dạy, tất cả những ai muốn đánh giá liệu sinh viên có khả năng tỏa sáng tại đại học ưu tú hay không. Nói chung, quá trình ứng tuyển là rất khó khăn. Nếu tôi có nộp đơn khi còn học trung học, không chắc tôi đã được nhận. Tôi biết điều này bởi tôi là một trong những giáo sư thành viên thẩm định hồ sơ.

Tới đây, độc giả Việt Nam có thể băn khoăn “những chuyện này nói lên đôi điều về giáo dục đại học ở Mỹ, nhưng có liên quan gì tới Việt Nam?”. Và đây là câu trả lời:

Một tầng lớp phụ huynh mới xuất hiện ở Việt Nam thời gian gần đây khá giống với những bậc phụ huynh Mỹ của sinh viên ưu tú. Có thể họ không giàu có bằng, nhưng họ cũng dốc thời gian và nguồn lực đáng kể để đảm bảo con cái mình có được sự giáo dục hiệu quả nhất.

Một tầng lớp sinh viên nổi lên ở Việt Nam yêu cầu một nền giáo dục phát triển khả năng của họ đa dạng và lôi cuốn họ một cách toàn diện hơn.

Xu hướng giáo dục toàn cầu cho thấy trong thế hệ tiếp theo, đại học ưu tú kiểu Mỹ sẽ xuất hiện ở nhiều quốc gia, không chỉ riêng Mỹ.

Để lý giải đầy đủ khả năng áp dụng của đại học ưu tú cho Việt Nam cần phải dừng việc mô tả tại đây và chuyển sang thảo luận về những chuẩn mực định hình nên một đại học ưu tú, cũng như khả năng có thể đạt được những chuẩn mực này trong thực tế.

Không có văn bản nào về lịch sử của đại học ưu tú được ghi lại, do vậy cũng khó xác định đại học ưu tú đầu tiên xuất hiện khi nào. Điều rõ ràng là chúng chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây. Barret thành lập năm 1988, và có thể nói tương đối chắc rằng, đại học ưu tú là một phát minh của thập niên 1980, và nở rộ vào thập niên cuối này.

Theo tôi, đại học ưu tú thành công khi họ cung cấp cho sinh viên a) một nhận thức chân thật chứ không hời hợt máy móc về những nguy cơ do kém hiểu biết, và b) một công cụ để vượt qua sự kém hiểu biết này thông qua một hệ thống phong phú các lớp học và dự án học thuật được gắn kết tương hỗ.

Tuy nhiên, trong khi đại học ưu tú là những thể chế tương đối mới, thì khái niệm “ưu tú” đã bắt rễ trong xã hội Mỹ từ rất lâu. Alexis de Tocqueville (1805-59), một trong những người quan sát thấu đáo nhất tình hình xã hội Mỹ, đã lập luận, dân tộc Mỹ, có lẽ do không có tầng lớp quí tộc tồn tại lâu đời, nên có nhu cầu đánh dấu tước hiệu xã hội. Rất nhiều “chương trình ưu tú” ở các trường Mỹ tại tất cả các cấp phần nào cho thấy điều này. Đã nhiều thế hệ người Mỹ sàng lọc các nhóm trẻ và giai tầng đặc biệt xứng đáng với với danh hiệu “ưu tú”. Tóm lại, người Mỹ tin rằng việc sàng lọc ra những sinh viên tài năng sẽ khiến họ thể hiện năng lực tốt hơn. Ý tưởng về đại học ưu tú chỉ là biến thể cuối cùng của một nếp nghĩ cố hữu.

Nhưng những đại học ưu tú làm thế nào để lọc ra những sinh viên tài năng này, không phải theo lối chạy đua mang tính phong trào (thật đơn giản nếu muốn làm theo cách này), mà thực sự trên phương diện tri thức và trí tuệ? Theo tôi, đáp án cho câu hỏi này cũng là câu trả lời phù hợp nhất với tình hình hiện nay ở Việt Nam. Đại học ưu tú thành công khi họ cung cấp cho sinh viên a) một nhận thức chân thật chứ không hời hợt máy móc về những nguy cơ do kém hiểu biết, và b) một công cụ để vượt qua sự kém hiểu biết này thông qua một hệ thống phong phú các lớp học và dự án học thuật được gắn kết tương hỗ. Tôi sẽ giải thích về hai điều này ngay dưới đây.

Thứ nhất, trong khi mọi người có thể thấy sự kém hiểu biết ở người khác là đáng trách, họ thường không nhận ra vấn đề này ở bản thân. Một đại học ưu tú tốt có thể cung cấp sự tập trung và nguồn lực cần thiết cho phép sinh viên hiểu tường tận tại sao sự hiểu biết của họ vẫn chưa hoàn thiện và cần phải làm gì để khắc phục điều này.

Thứ hai, đại học cũng không khác những thể chế khác trong thói trì trệ cưỡng lại cải cách. Một đại học ưu tú tốt có thể đào tạo sinh viên nghĩ rộng hơn những đáp án chuẩn thông thường trong ngành học của mình. Sinh viên ở đại học ưu tú phải học rất nhiều khóa giảng dạy bởi các giáo sư khác nhau. Mục đích của việc này nhằm đảm bảo họ học để vượt qua nhiều loại vô tri thay vì chỉ tập trung khắc phục một loại vô tri này mà bỏ qua những loại khác.

Những lí tưởng này liệu có thể thực hiện trong thực tế? Câu trả lời là có, nhưng chỉ một phần mà thôi. Sẽ cần một bài luận nữa lý giải tại sao đại học ưu tú không thành công toàn diện, trong đó sẽ thảo luận về những vấn đề của xã hội Mỹ đương đại. Tuy nhiên, tại thời điểm này, có thể nhận thấy phần lớn sinh viên Mỹ thực sự hưởng lợi từ quãng thời gian theo học tại đại học ưu tú, và điều này gợi ra một vài mô hình tích cực cho Việt Nam.

Kết luận dưới đây tóm lược những hình mẫu tích cực này:

Việt Nam đã có một lớp các bậc phụ huynh, giống như bên Mỹ, đang dốc một nguồn lực đáng kể để đảm bảo con cái mình được hưởng lợi từ giáo dục. Những nỗ lực này nhìn chung là tích cực, tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần những mục tiêu rõ ràng để phấn đấu nếu muốn mang đến cho con cái mình những giá trị tăng thêm trong việc học tập. Hiểu được kiểu đại học ưu tú Việt Nam sẽ như thế nào và biết cách thức chúng vận hành sẽ trợ giúp đắc lực cho những đối tượng đang nuôi dạy một phần đáng kể những sinh viên tài năng và hoài bão nhất của đất nước.

Hiện tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều người trẻ đang cố gắng du học nước ngoài hoặc có khát khao đó. Những bằng cấp/học vị ngoại quốc này cung cấp nhiều lợi thế cho sinh viên (và Việt Nam), nhưng tồn tại hai vấn đề cố hữu. Đầu tiên, và dễ nhận thấy nhất: nó lái sự tập trung của sinh viên khỏi Việt Nam. Thứ hai, quan trọng không kém, nhưng khó nhận thấy hơn, chúng khiến sinh viên dụng nhiều công sức để nghĩ làm sao kiếm được tấm bằng nước ngoài, hơn là dành công sức cho nội dung thực sự của bằng cấp đó. Đại học ưu tú ở Việt Nam có thể không giải quyết triệt để vấn đề này, tuy vậy nó sẽ: a) tạo cho sinh viên cảm giác trường đại học của họ không bị tụt hậu quá xa so với thế giới và b) giáo dục sinh viên, trong các đại học

Cuối cùng, có một xu hướng giáo dục đại học toàn cầu mà theo tôi sẽ khiến trong vòng hai mươi năm tới hầu như mọi quốc gia sẽ có một hình thái tương tự như đại học ưu tú trong các trường đại học của mình. Xu hướng đó là, cứ mỗi năm lại có thêm những ngành học, lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ, và kỹ thuật mới được đưa vào các trường đại học. Chẳng ai có khả năng nắm bắt kịp được với tất cả. Chính vì vậy, điều ngày càng quan trọng là việc cung cấp cho sinh viên những hiểu biết tổng quan về mục tiêu học vấn của mình. Các đại học ưu tú có thể cung cấp những hiểu biết tổng quan này mà không gây trở ngại cho việc theo đuổi chuyên ngành riêng của từng sinh viên. Về khía cạnh này, những khóa học bắt buộc ở các đại học ưu tú về các “Trước tác” và “tư duy phê phán” đảm bảo rằng sinh viên sẽ không lạc đường trên hành trình học vấn của mình.

Nếu tất cả những điều này là đúng, vậy đại học ưu tú kiểu Việt Nam sẽ như thế nào? Chúng sẽ học được gì từ những ưu, khuyết điểm của hệ thống ở Mỹ? Chúng sẽ đóng vai trò nào trong tổng thể hệ thống giáo dục và xã hội? Để trả lời những câu hỏi trên, cần phải có sự thảo luận sâu hơn, và tôi hi vọng bài viết này đã cung cấp những tư liệu đáng suy ngẫm.

Thu Hiền dịch
————
*ĐH Bang Arizona
** Nguyên văn: “Honors College”.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)