Đại học vì lợi nhuận tại Mỹ: Vai trò và thách thức

Các trường đại học vì lợi nhuận có vai trò rất quan trọng trong thế kỷ 21, nếu không có chúng thì nước Mỹ không thể đạt được tỷ lệ người có bằng đại học như mong muốn. Vậy cần quan tâm đến những vấn đề gì để đảm bảo rằng các trường đại học tư vì lợi nhuận có thể mở rộng mà vẫn phù hợp với những tiêu chuẩn đạo đức của ngành giáo dục?

Sự phát triển của đại học vì lợi nhuận tại Mỹ

Mặc dù các trường đại học và cao đẳng vì lợi nhuận ở Mỹ đã có một lịch sử lâu dài, chúng chỉ mới bắt đầu được nhiều người chú ý từ thập niên trước. Trong những năm đầu thế kỷ 20, các trường cao đẳng nghề tồn tại chủ yếu ở khu vực đô thị để đào tạo những ngành nghề cụ thể như thợ sửa ống nước, quản lý nhà hàng, nghệ thuật và thiết kế, chăm sóc sắc đẹp, hỗ trợ pháp lý… Các trường này phần lớn là trường nhỏ, chỉ có vài lớp học trong các tòa nhà thuê mướn, với học phí tương đối thấp.

Trong thập niên 1960, các trường cao đẳng nghề vẫn chỉ là một phần nhỏ trong nền giáo dục đại học Mỹ, chiếm chưa đến 0,3% tổng số sinh viên. Thật ra, thuật ngữ “đại học/cao đẳng vì lợi nhuận” khi ấy vẫn chưa được sử dụng; thay vào đó, chúng được gọi là trường cao đẳng nghề hoặc cao đẳng kỹ thuật. Trong vài thập niên sau đó, loại trường này vẫn thuộc sở hữu tư nhân, ít bị dư luận săm soi, đa số không được kiểm định, và cũng chẳng tìm kiếm sự tài trợ của liên bang hoặc tiểu bang.

Tình hình bắt đầu thay đổi với sự ra đời của Đại học Phoenix vào năm 1976, hiện nay là cơ sở giáo dục sau trung học lớn thứ hai của Mỹ, với hơn 400.000 sinh viên. Đại học Phoenix và các trường tư vì lợi nhuận khác bắt đầu thử nghiệm quá trình thay đổi ý nghĩa và mục đích của giáo dục đại học bằng nhiều cách khác nhau. Người học là những người đã đi làm và học bán thời gian được xem như nguồn khách hàng tiềm năng khổng lồ vốn bị các trường đại học truyền thống bỏ qua. Thay vì phải chọn trong rất nhiều môn học không có lợi ích nghề nghiệp tương lai rõ ràng, họ chỉ cần chọn một số môn thực tế, được tổ chức giảng dạy tại thời gian và địa điểm thuận tiện, theo một cách hiệu quả và tập trung cao độ.

Đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, nếu tính cả những chương trình chỉ cấp chứng chỉ thay vì bằng thì thị phần của các trường vì lợi nhuận được ước tính là khoảng 12%. Các trường này cũng cung cấp nhiều khóa học trực tuyến hơn các trường đại học công hoặc đại học tư phi lợi nhuận và đang phát triển nhanh nhất trong khu vực giáo dục sau trung học.

Vai trò của giảng viên tại các trường vì lợi nhuận cũng rất khác. Biên chế chính thức, quyền tham gia các hoạt động quản trị, và quyền tự do học thuật hoàn toàn vắng mặt. Trong khi tại các đại học truyền thống, giảng viên có toàn quyền tự xây dựng nội dung môn học, thì tại các trường đại học tư vì lợi nhuận, nội dung môn học được chuẩn hóa và phong cách giảng dạy của các giảng viên thường là giống nhau.

Việc được kiểm định trở thành một chuẩn mực quan trọng đối với nhiều cơ sở giáo dục vì lợi nhuận. Điều này không chỉ có ý nghĩa như một sự công nhận về chất lượng, mà còn cho phép các sinh viên nghèo nhận hỗ trợ tài chính của liên bang và tiểu bang. Không có những hỗ trợ tài chính đó thì sự phát triển của trường vì lợi nhuận chắc chắn sẽ không thể cao như hiện nay.

Đến cuối những năm 2010, nếu tính cả những chương trình chỉ cấp chứng chỉ thay cho bằng tốt nghiệp thì thị phần của các trường vì lợi nhuận ước tính chiếm khoảng 12%. Các trường này cũng cung cấp nhiều khóa học trực tuyến hơn các trường đại học công hoặc đại học tư phi lợi nhuận và đang phát triển nhanh nhất trong khu vực giáo dục sau trung học.

Thương mại hóa giáo dục và những mặt trái

Cho dù khách hàng hài lòng, nhưng một công ty kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận mà không tạo ra được doanh thu thì cuối cùng nó cũng không thể tồn tại. Vì vậy, trong khoảng ¼ thế kỷ vừa qua, các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận đã nghĩ ra các cách để tạo doanh thu.

Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tấm bằng tốt nghiệp trung học không còn đủ để đảm bảo một cuộc sống trung lưu, và việc đầu tư học sau trung học sẽ đem lại những mức lương cao hơn. Với sự thay đổi nhận thức về giá trị của giáo dục sau trung học trong xã hội, các trường vì lợi nhuận đã xác định được phân khúc thị trường mới này, nhưng họ cũng hiểu rằng cần phải tiếp thị sản phẩm để biến tiềm năng đó thành hiện thực.

Để cạnh tranh với các trường công lập và phi lợi nhuận, các trường vì lợi nhuận phải thu hút một thị trường mới là những người chưa bao giờ nghĩ đến việc bước chân vào trường đại học, như những người đã đi làm hoặc thế hệ học đại học đầu tiên từ gia đình thu nhập thấp.

Các trường vì lợi nhuận còn áp dụng những cách tuyển sinh mà nhiều người cho là kỳ lạ, thậm chí là vô đạo đức hoặc trái pháp luật, ví dụ như đẩy nhanh tiến độ tuyển sinh. Họ tìm khách hàng tiềm năng, thuyết phục khách hàng về giá trị của sản phẩm, giải thích các chi phí và thủ tục tài chính, và giục giã khách hàng đăng ký nhập học. Việc học có thể bắt đầu chỉ vài ngày sau đó.

Vấn đề phát sinh khi người tiêu dùng không nhận thức được chi phí thực của sản phẩm, bao gồm tất cả những chi phí sẽ phát sinh để hoàn tất việc học, hoặc những gì họ sẽ thu được sau khi tốt nghiệp. Nếu các trường vì lợi nhuận cung cấp một sản phẩm có giá trị tương đương hoặc thấp hơn mà chi phí lại cao hơn so với các trường phi lợi nhuận thì hẳn là cơ chế thị trường sẽ tự giải quyết vấn đề đó [đào thải những trường vì lợi nhuận chất lượng thấp hơn]. Tuy nhiên, cơ chế thị trường chỉ có tác dụng nếu người tiêu dùng được thông tin đầy đủ về chi phí và lợi ích của sản phẩm.

Các cơ quan liên bang và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng thường cáo buộc rằng khoản nợ học tập đối với nhiều người học là quá mức chịu đựng khi so mức lương mà họ được nhận với tấm bằng  được trao.

Tuy các trường vì lợi nhuận thường lập luận rằng việc đưa thông tin sai lệch là rất hiếm nhưng thực tế, Đại học Phoenix và những trường tương tự đều đã từng bị cáo buộc về hành vi sai trái.

Vai trò và quy mô của khu vực vì lợi nhuận

Với tốc độ phát triển cũng như những vấn đề hiện nay của khối trường đại học tư vì lợi nhuận, chúng ta cần một quy mô như thế nào cho khu vực này để đạt được sự tối ưu?

Nhu cầu học tập sau trung học sẽ giúp xác định quy mô của giáo dục đại học vì lợi nhuận.
Khi chuyển dần từ nền kinh tế công nghiệp trong phạm vi một quốc gia sang nền kinh tế tri thức toàn cầu, nước Mỹ cần tỷ lệ người có học vấn cao hơn. Vì vậy, Tổng thống Mỹ đưa ra mục tiêu nước này sẽ lại vươn lên đứng đầu nhóm các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học trong dân số. Để đạt mục tiêu này, ước tính, trong vòng 10 năm tới, nước Mỹ cần tăng thêm mỗi năm một triệu sinh viên. Nếu không có sự tham gia đáng kể của nhóm những người trưởng thành đang đi làm mà chưa có bằng đại học thì mục tiêu đó là bất khả thi.

Trường tư phi lợi nhuận thường không quan tâm đáp ứng các chính sách của nhà nước và làm ngơ trước sự gia tăng nhu cầu đối với các ngành học có định hướng nghề nghiệp rõ ràng trong bối cảnh đầy rẫy thất nghiệp. Còn các trường công lập thì đã hoạt động hết công suất với cấu trúc hiện nay và đang phải vật lộn với sự cắt giảm ngân sách và những bất ổn trong tổ chức của mình. Như vậy, dù muốn hay không thì nước Mỹ vẫn cần khu vực vì lợi nhuận để đảm bảo sự gia tăng tham gia vào giáo dục đại học nhằm phát triển kinh tế.

Các trường vì lợi nhuận đang tìm cách đáp ứng thách thức tăng số lượng người tốt nghiệp đại học mạnh mẽ hơn bất cứ loại trường nào khác. Trường tư phi lợi nhuận thường không quan tâm đáp ứng các chính sách của nhà nước và làm ngơ trước sự gia tăng nhu cầu đối với các ngành học có định hướng nghề nghiệp rõ ràng trong bối cảnh đầy rẫy thất nghiệp. Còn các trường công lập thì đã hoạt động hết công suất với cấu trúc hiện nay và đang phải vật lộn với sự cắt giảm ngân sách cùng những bất ổn trong tổ chức của mình. Dù muốn hay không thì nước Mỹ vẫn cần khu vực vì lợi nhuận tham gia vào lĩnh vực giáo dục đại học nhằm phát triển kinh tế. Vậy cần quan tâm đến những điều gì để đảm bảo rằng các trường đại học tư vì lợi nhuận có thể mở rộng mà vẫn phù hợp với những tiêu chuẩn đạo đức của ngành giáo dục?

Những cách làm đúng đắn

Đảm bảo tuyển sinh có đạo đức

Để được tiểu bang cấp phép hoạt động, có thể yêu cầu nhân viên tư vấn của các trường phải có chứng chỉ để đảm bảo họ hiểu rõ các tiêu chuẩn đạo đức trong cách thực hành tuyển sinh. Bất kỳ trường nào cung cấp thông tin sai lệch trên website hoặc lừa gạt trong quảng cáo đều phải bị vạch rõ, đồng thời bị phạt tiền và cuối cùng có thể bị cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của tiểu bang đóng cửa. Tuy nhiên hiện còn những tiểu bang hầu như không có quy định về giấy phép mở trường, vì vậy chính quyền liên bang có thể phải làm việc thông qua các tổ chức kiểm định khu vực để đảm bảo rằng nhân viên tuyển sinh của các trường được huấn luyện thích hợp.

Thông tin cho người học về những gánh nặng tài chính

Chính phủ liên bang cần phải đảm bảo rằng người học hiểu biết đầy đủ về nghĩa vụ trả nợ khoản vay học tập của mình khi quyết định đăng ký học. Vai trò của chính phủ là vừa giáo dục người tiêu dùng vừa ngăn chặn các hành vi lừa đảo.

Các câu hỏi lớn là, sinh viên cần được cung cấp những thông tin gì khi họ nộp đơn xin vay hỗ trợ học tập của liên bang, và ai sẽ có nghĩa vụ cung cấp những thông tin này cho họ?

Mặc dù tất cả các trường đều được yêu cầu tổ chức những buổi hướng dẫn về tài chính cho sinh viên trước khi đăng ký nhập học, nhưng chỉ một đợt hướng dẫn thôi thì hiệu quả rất nhỏ và khó có thể đánh giá. Vì vậy, chính quyền tiểu bang và liên bang có trách nhiệm cung cấp các chương trình hướng dẫn người học về các khoản vay, học bổng, khoản nợ, v.v.

Cuối cùng, nếu sinh viên của một trường bị mắc nợ quá nhiều thì nhiệm vụ của chính quyền liên bang và tiểu bang là truất quyền được hỗ trợ và vay nợ học tập của trường ấy. Các tiểu bang cũng có thể giám sát các khoản nợ của người học tại từng trường, khi một trường vượt quá mức nợ trung bình thì sẽ nhận được thư cảnh báo. Về lâu dài, chính các tiểu bang có thể chấm dứt hoạt động của các công ty làm việc gian lận.

Đào tạo kỹ năng cho những công việc xứng đáng

Chưa có vấn đề nào liên quan đến đại học tư lại gây tranh cãi bằng quy định sinh viên tốt nghiệp phải có việc làm xứng đáng. Người thì cho rằng các trường phải chịu trách nhiệm về loại công việc mà người học sẽ kiếm được sau khi ra trường, người thì lại không đồng ý. Trách nhiệm trong việc tìm được công việc cho mình chủ yếu là của người tốt nghiệp. Mặc dù vậy, các trường không được quyền làm cho người học tin rằng họ sẽ tìm được việc khi trên thực tế thị trường việc làm đang khó khăn, hoặc hứa hẹn những công việc có mức lương cao hơn nhiều so với công việc người học có khả năng nhận được.

Các tổ chức kiểm định cần phải đảm bảo rằng các trường cung cấp cho người học những thông tin trung thực về công việc tiềm năng mà họ có thể kiếm được sau khi hoàn tất việc học. Tuy nhiên, “việc làm xứng đáng” cũng phải được xác định dựa trên mức lương trong một khoảng thời gian dài chứ không thể xác định trên mức lương của công việc đầu tiên ngay sau khi tốt nghiệp.

Những mối liên hệ qua lại chặt chẽ giữa người học, nhà trường, và môi trường kinh tế bên ngoài hiện nay không còn giống như cách đây vài thập niên. Chúng ta không còn có thể để mặc cho sinh viên tự quyết định ngành học rồi hy vọng rằng sau này họ thế nào cũng tìm được việc. Tuy không nên đòi hỏi các trường đại học chỉ nhằm vào việc đào tạo nhân lực cho nền kinh tế, nhưng các trường cũng phải có vai trò thiết yếu trong việc cung cấp cho người học những kỹ năng ở trình độ cao và nghề nghiệp với mức lương xứng đáng.

Vai trò điều tiết của chính phủ

Trong vài năm qua, khối trường đại học tư vì lợi nhuận đã phản ứng lại với hầu hết các quy định mà Bộ Giáo dục đề xuất và giữ triết lý về tự do thương mại của mình. Giả định của họ là thị trường có cơ chế tự điều chỉnh và nó sẽ giải quyết mọi vấn đề; các trường tai tiếng sẽ tự động bị loại khỏi cuộc chơi. Theo quan điểm này, chính phủ hầu như không có vai trò gì ngoài việc trợ cấp cho người học để tạo thuận lợi cho sự phát triển của các công ty.

Tuy nhiên, nếu muốn tăng số lượng người tốt nghiệp đại học thì chúng ta phải giữ cho khu vực giáo dục đại học có sự cạnh tranh lành mạnh. Điều này sẽ không thể xảy ra nếu đề ra các quy định quá khắt khe khiến các trường tư vì lợi nhuận không hoạt động được, cũng như nếu chúng ta cho rằng cơ chế thị trường sẽ tự giải quyết mọi vấn đề. Để khối trường tư vì lợi nhuận hoạt động tốt thì cần có những chính sách tổng quát sau đây.

Trước hết, cần phải đưa khối trường tư vì lợi nhuận vào trong kế hoạch phát triển hệ thống giáo dục của tiểu bang – có thể thêm vào danh sách các trường đang được điều phối bởi các Ủy ban Giáo dục đại học của tiểu bang, hoặc thông qua những hội đồng riêng biệt khác. Như vậy, tất cả mọi loại hình trường sẽ phải cung cấp thông tin cho cả người tiêu dùng lẫn người hoạch định chính sách, cụ thể là các dữ liệu về chi phí, tỷ lệ tiếp tục học, tỷ lệ tốt nghiệp và việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Một số tiểu bang cũng cần tăng cường năng lực quản lý các trường đại học tư vì lợi nhuận, và cần phải có cơ chế hợp tác với nhau để quản lý các trường hoạt động trong khu vực và trên toàn quốc, cũng như hỗ trợ sự tăng trưởng hợp pháp của chúng.

Mặc dù giáo dục và lợi nhuận không hẳn là không thể đi được với nhau, nhưng việc giáo dục các công dân của một đất nước không thể coi giống như việc sản xuất hàng hóa được. Giáo dục đại học, dù là phi lợi nhuận hay vì lợi nhuận, đều là tối quan trọng cho tương lai của đất nước.

Vũ Thị Phương Anh lược dịch bài viết của William G. Tierney, giáo sư về Giáo dục đại học tại Đại học Nam California, Mỹ

http://www.changemag.org/Archives/Back%20Issues/2011/November-December%202011/too-big-full.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)