Dấn thân vào quá khứ của dân tộc

Ở bậc Tiểu học, phương pháp học Lịch sử nằm trong việc được sống lại vẻ đẹp bi hùng và chân thật của Lịch sử, mà bước đầu là lịch sử của Dân tộc mình.

Họ không tiếc sợ cho tính mệnh mình khi đứng trước việc chọn lựa để ghi chép những sự thật lịch sử. Vậy thì, ở bậc tiểu học, và ngay từ bậc tiểu học, học sinh phải được sống lại vẻ đẹp lịch sử, chứ không nghe giảng về vẻ đẹp lịch sử. Ngay từ buổi học Lịch sử đầu tiên đã phải học sống lại cảnh huống lịch sử bao giờ cũng bi hùng của con người, của tổ tiên. Phương thức “sống lại” ấy nằm trong ba kỹ thuật (sẽ trình bày bên dưới đây) với món đầu vị là trò chơi đóng vai – cái phương thức đã được dùng trong bộ sách giáo khoa tiểu học Cánh Buồm để giáo dục các em tinh thần đồng thuận (môn Giáo dục Lối sống), lòng đồng cảm (môn Văn), và ngay cả lòng yêu khoa học ngôn ngữ (môn Tiếng Việt).

Cuốn sách giáo khoa Lịch sử bậc tiểu học của nhóm Cánh Buồm sẽ được cấu tạo như thế nào, và cùng với “nội dung” của nó, cách tổ chức thực hiện (xưa nay quen gọi là “giảng dạy”) sẽ diễn ra như thế nào?

I. HỌC LỊCH SỬ Ở LỚP MỘT

Mô tả cách dạy Lịch sử ở lớp Một có thể giúp hình dung dễ dàng cách dạy ở những lớp Hai, Ba, Bốn và lớp Năm.

“Giả sử như có một ai đó đã […] cho tôi một bài mở đầu cho mỗi điều phải học để kích thích trí tuệ tôi, đã phả vào hồn tôi cái thần kỳ thay vì chỉ có các sự kiện, đã làm tôi thú vị và cảm thấy mình nhập cuộc vì vẻ lừa gạt của những con số, đã lãng mạn hóa các tấm bản đồ, đã đem lại được cho tôi một quan điểm về lịch sử và dạy cho tôi nhạc tính của thơ ca, nếu vậy thì hẳn là tôi đã có thể trở thành một nhà bác học rồi đấy”.

Ch. Chaplin – Tự truyện (My Autobiography, Penguin Books, 1964, trang 40-41).

Ở lớp Một, học sinh tuy có thể chưa đọc viết thật thành thạo, nhưng qua môn Văn, môn Lối sống, các em đều đã quen cách học theo lối đóng vai. 

Vì thế, các bài học Lịch sử ở lớp Một sẽ là những cuộc chơi lịch sử bằng đóng vai, và sẽ diễn ra lần lượt trong một buổi học dưới ba hình thức sau:

Việc 1: Xem tranh, mô tả tranh, kể chuyện mang nội dung trong tranh. Ban đầu, mỗi truyện đó sẽ do giáo viên kể cho học sinh nghe, dần dần đến đầu học kỳ II, các em sẽ tự đọc. Từng câu chuyện lịch sử sẽ được các em tự dựng lại cho chính mình qua việc một này.

Việc 2: Chơi kịch. Nói chung, ở tất cả các lớp chứ không chỉ riêng ở lớp Một, các nội dung kịch này sẽ chia thành ba trình độ cho phù hợp với trình độ học sinh một lớp:

(a) Loại dễ, chỉ một câu, học sinh nghe hoặc đọc và ghi nhớ rồi nói diễn cảm trước cả lớp. Nên nhớ, ngay với loại “dễ” này, thì cũng phải chuẩn bị công phu thì học sinh mới nhập vai, nhập thân mình vào bối cảnh lịch sử. Do đó, loại “dễ” không được soạn ra để phân biệt đối xử với học sinh kém, mà dùng chung, cả những học sinh giỏi cũng thực hiện loại “dễ” này.

(b) Loại trung bình, gồm hai ba câu đối thoại giữa hai nhân vật kịch. Lên các lớp trên, các câu thoại sẽ mang nhiều chi tiết hơn, buộc học sinh phải nhớ nhiều hơn và cách biểu đạt cũng khó hơn.

(c) Loại khó, gồm hai ba đến năm câu đối thoại giữa hai nhân vật. Lên các lớp trên, các câu thoại sẽ chứa đựng cả những yếu tố tâm lý có phần tinh tế của nhân vật lịch sử.

Nội dung của các vở kịch ở lớp Một xoay quanh Chuyện về người tiền sử và sự tiến hóa của con người thể hiện qua cách ăn ở, cách lao động, cách hò hát, vui chơi, nhảy múa, cách sống ở hang động và ở nhà, quan hệ gia đình, bộ tộc … Ngay cả việc cúng bái cũng được đem diễn lại ở đây, để hiểu và tôn trọng đời sống tâm linh người xưa, và cũng là để học sinh có cách nhìn khoa học, mới mẻ, tỉnh táo trước vấn đề đẹp đẽ mà khó hiểu này.

Việc 3: Kết thúc buổi học, học sinh được tự thu hoạch bằng một trong những cách như vẽ tranh, viết câu đối thoại mình đã thuộc, sưu tầm tranh ảnh … 

Như vậy, có thể nói rằng chủ đề Lịch sử cho học sinh lớp Một là lịch sử của sự phát triển Văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam ta. Suy ra, ta có thể hình dung tiếp, chủ đề Phương pháp làm việc của các nhà Sử học tiêu biểu thể hiện rõ nhất trong sự dấn thân của các vị đó. Lịch sử cho học sinh các lớp tiếp theo cũng xoay quanh sự hình thành, bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam – mà ngay cả chuyện chiến tranh dường như cũng có sắc màu nữ tính của Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Chân và Bùi Thị Xuân, và ngay đến cả biết bao cuộc chiến tranh cũng dường như không tạo ra một dân tộc hiếu chiến, mà lại vẫn chỉ thấy Lịch sử thấm đượm sắc màu Thiền.    
   
II. HỌC TIẾP LỊCH SỬ Ở CÁC LỚP TIỂU HỌC

Theo cái mẫu cách học Lịch sử ở lớp Một đã trình bày bên trên, cách học ở các lớp tiểu học tiếp theo cũng lặp lại ba việc đó: (a) đọc câu chuyện lịch sử và nhập thân vào bối cảnh lịch sử và nhân vật lịch sử; (b) chơi trò chơi đóng vai lịch sử; và (c) sơ kết buổi học bằng nhiều hình thức như hội thảo, triển lãm, vẽ tranh, sưu tầm, ra báo, và … lại diễn kịch, nhưng bây giờ là những vở “lớn” hơn, thoát ra khỏi hình thức trò chơi đóng vai gọn nhẹ gói trọn trong một hai tiết học. 

Những việc làm (a) (b) và (c) trên đây là cách diễn đạt sư phạm thực hành, dễ nhớ cho giáo viên. Muốn thành giáo viên giỏi, còn cần hiểu kỹ hơn một chút nữa vì sao lại tổ chức cho học sinh tiến hành ba việc làm đó. Đây là vài điều giải thích đơn giản.

Các hoạt động học Lịch sử của học sinh phổ thông đều đơn giản, nhưng hiệu quả giáo dục lại cao – các em có dấn thân như một cuộc vui của đời học trò vào Lịch sử, thì lâu dần các em mới dấn thân tiếp vào Khoa học lịch sử, mà không thấy ở đó rặt những con số vô cảm, những gương mặt chết rồi …

Nhập sử liệu. Có thể nâng cao và đổi tên việc làm (a) thành công việc tổ chức cho học sinh điều tra, khảo sát sử liệu. Vì sau này, lên lớp trên, các em cũng sẽ lặp lại phương pháp đến với Khoa học lịch sử như thế. Nhưng chỗ khác nhau giữa nhà Sử học và người học sinh học Khoa học lịch sử, đó là nhà Sử học thì đã có đam mê khoa học lịch sử rồi, trong khi học sinh thì chưa có niềm đam mê mang tính phương pháp đó. Vậy, có cần tìm cách cho người học đời sau chuyển hóa được các sử liệu như những vật-tự-nó dửng dưng, “khách quan chủ nghĩa”, trở thành vật-cho-ta thiết thân, gắn bó với chủ thể.
Ở lớp Một, những sử liệu “vật tự nó” chỉ là những hình ảnh (xem hình) hoặc những bài viết ngắn kể câu chuyện lịch sử các em cần đọc như đọc một bài văn. Lên các lớp trên, cũng bắt đầu với việc tự nghiên cứu sử liệu như thế. Từ lớp Hai trở đi, những sử liệu có thể khác đi, đa dạng, song bản chất vẫn là những sử liệu “vật tự nó” được giáo viên tổ chức cho học sinh biến các vật liệu lịch sử dửng dưng đó thành những sử liệu cho ta. Để đi tới yêu cầu này, nhà sư phạm cần nhớ chuẩn hành động Làm thì học – Làm mà học trong nền giáo dục hiện đại. Không một lời rao giảng hay ho nào có thể thay thế những việc làm dù còn vụng dại của con trẻ tiểu học – tuổi của tình cảm, tuổi của tưởng tượng.

Không chỉ với “thông sử”, khi học bài có nội dung lịch sử là di sản văn hóa, lịch sử của địa phương, cũng tổ chức cho học sinh làm mà học bằng điều tra, khảo sát như thế. Thí dụ, nhóm A và B vẽ sơ đồ đường dẫn đến di tích, vị trí di tích, nhóm C và D đếm và mô tả một loại đồ thờ cúng trong di tích, nhóm E và F đếm và mô tả các tượng và bia trong di tích, nhóm G và H tự chép lại chữ khó đọc để nhờ thầy giáo tra cứu nghĩa, các nhóm hoặc cá nhân khác đặc tả một vật thể trong di tích …  Ta cần hết sức tránh mời mấy nhà nghiên cứu về diễn thuyết cho cả nghìn học sinh ngồi dưới nắng dỏng tai nghe… và ngáp dài cho môn Khoa học Lịch sử! 

Tổ chức hội thảo.  Cho học sinh báo cáo những điều ghi chép được. Triển lãm các hình vẽ, bài viết, ảnh chụp … do các em thực hiện. Mục đích cuối cùng là để các em tự tái hiện câu chuyện lịch sử như chính các em hình dung qua chính những điều tra, khảo sát của các em.

Đóng vai – diễn kịch. Có thể thấy, đây là giai đoạn cao trào của một cuộc học Khoa học Lịch sử ở bậc tiểu học: đó là lúc học sinh thu hoạch, không phải là bằng những bài viết hoặc những câu trả lời dùng đến trí nhớ, đây là lúc nhập thân vào dòng chảy lịch sử, nhập cả tâm hồn và phần nào cơ thể mình vào những bi hùng của lịch sử.

Ta tưởng tượng và sẽ thấy những em học sinh ứng xử ra sao khi được làm Đức Vua Trần Nhân Tông trong cuộc vui với quần thần sau khi đã chiến thắng giặc Nguyên-Mông, nghe kể chuyện (hoặc chính mắt người thấy, hoặc một ý thơ vụt  hiện khi đó) rằng bầy ngựa đá trong lăng đều bị lấm chân. Nhà vua ngẫu hứng làm thơ với tứ thơ cực đẹp ấy, “ôi chao, đất nước vất vả, đến bầy ngựa đá cũng lâm trận, chân cũng lấm bùn … Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã…

Hạn thấp nhất là học sinh diễn được những vở độc diễn độc thoại một câu, tiến lên hai ba câu thoại của hai nhân vật lịch sử (sứ thần Giang Văn Minh và vua Minh, Trần Bình Trọng và tướng Tàu, hai bà Trưng với Tô Định, hai chị em bà Trưng với nhau trong cuộc thua trận, chuẩn bị nhảy xuống sông Hát tự vẫn để khỏi rơi vào tay quân thù…).

Phương thức học Lịch sử ở bậc tiểu học như định hướng của sách giáo khoa Cánh Buồm là dấn thân vào lịch sử dân tộc và dấn thân một cách tình cảm – tuổi tiểu học – bằng ba kỹ thuật việc làm với trò chơi đóng vai là kỹ thuật chính là như vậy.

Trẻ em học sinh có thể làm được rất nhiều, miễn là các nhà giáo và các nhà nghiên cứu Khoa học Lịch sử có được những phẩm chất mang cảm xúc Lịch sử mà chính họ định tạo ra, chính họ muốn làm định hình và định phát triển trong các em học sinh.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)