Đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh – Nhìn từ yêu cầu của PISA*

Một trong những mục tiêu quan trọng của việc dạy học tiếng mẹ đẻ nói chung và tiếng Việt nói riêng là rèn luyện cho học sinh sử dụng thành thạo bốn kĩ năng cơ bản: đọc, viết, nghe, nói. Trong bốn kĩ năng ấy, càng học lên cao, kĩ năng đọc và đọc hiểu càng được chú ý hơn cả. Nói như thế không phải là các kĩ năng còn lại không quan trọng mà ở đây chỉ muốn nhấn mạnh về kĩ năng đọc- một kĩ năng gắn bó khá chặt chẽ với các hoạt động cơ bản của con người. Theo một bài viết trên tờ New Week, cho đến năm 1993, Hoa Kỳ vẫn có “gần một nửa số người lớn (khoảng 95,5 triệu người) không tự điền vào phiếu gửi tiền ngân hàng hoặc... không tìm được điểm khởi hành của xe buýt hướng dẫn trên bảng lịch trình vào ngày thứ bảy”2. Có lẽ vì thế mà Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD)3 chủ trương coi trình độ đọc hiểu (reading literacy) là một trong ba lĩnh vực4 chủ yếu để xác định năng lực HS giai đoạn cuối của giáo dục bắt buộc (basic education).

Theo PISA, định nghĩa về đọc và đọc hiểu (reading and reading literacy) có sự thay đổi theo thời gian và điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội. Khái niệm học và đặc biệt là học suốt đời đòi hỏi phải mở rộng cách hiểu về việc đọc hiểu.

“Đọc hiểu không chỉ còn là một yêu cầu của suốt thời kì tuổi thơ trong nhà trường phổ thông, thay vào đó nó còn trở thành một nhân tố quan trọng trong việc xây dựng, mở rộng những kiến thức, kĩ năng và chiến lược của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời khi họ tham gia vào các hoạt động ở những tình huống khác nhau, trong mối quan hệ với người xung quanh, cũng như trong cả cộng đồng rộng lớn.”5. Quan niệm này của OECD hoàn toàn phù hợp với quan niệm của UNESCO về Literacy:

“Đó là khả năng nhận biết, thấu hiểu, giải thích, sáng tạo, trao đổi, tính toán và sử dụng những tài liệu viết hoặc in ấn kết hợp với những bối cảnh khác nhau. Literacy đòi hỏi sự học hỏi liên tục cho phép một cá nhân đạt được mục đích của mình, phát triển kiến thức, tiềm năng và tham gia một cách đầy đủ trong xã hội rộng lớn.”6

Xuất phát từ yêu cầu của xã hội hiện đại đối với mỗi cá nhân và cộng đồng, để đào tạo và chuẩn bị cho xã hội ấy một lực lượng lao động có văn hoá, OECD đưa ra định nghĩa sau đây về reading literacy:

 “Đọc hiểu là sự hiểu biết, sử dụng và phản hồi lại trước một văn bản viết, nhằm đạt được mục đích, phát triển tri thức và tiềm năng cũng như việc tham gia hoạt động của một ai đó trong xã hội.”

Trong định nghĩa này cần lưu ý: Khái niệm biết đọc như là sự giải mã (decoding) và thấu hiểu (comprehension) tư liệu, bao hàm cả việc hiểu ( understanding) sử dụng ( using) và phản hồi ( reflecting) về những thông tin với nhiều mục đích khác nhau.

Để tạo nên trình độ đọc cho HS, để giúp họ biết đọc, nhà trường phổ thông có một vai

trò rất to lớn. Môn học tiếng mẹ đẻ nói chung và tiếng Việt nói riêng giữ vai trò chủ đạo.

Mặc dù cách đánh giá trình độ đọc và biết đọc của PISA không dựa vào các yêu cầu và chuẩn chương trình của môn học tiếng trong nhà trường phổ thông các nước mà xuất phát từ yêu cầu của xã hội đối với hệ thống giáo dục, những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống tương lai… nhưng những yêu cầu của PISA có đường link rất mật thiết với việc dạy học tiếng và giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường phổ thông. Vì thế việc nghiên cứu nội dung và cách thức đánh giá trình độ đọc của PISA sẽ thấy rất rõ những gì cần bổ sung và điều chỉnh trong việc dạy học tiếng Việt nói riêng và giáo dục ngôn ngữ nói chung của nhà trường Việt Nam hiện nay.

Với ý nghĩa đó, bài viết này nhằm giới thiệu một số nội dung, yêu cầu và cách thức đánh giá năng lực đọc hiểu của HS theo PISA.

 

1. Đối tượng và mục đích của việc kiểm tra đọc

Đối tượng đọc được xác định là văn bản (Text). Nhưng văn bản ở đây được hiểu theo nghĩa rộng. Đó là một tập hợp kí hiệu ( hình thức) để biểu đạt một ý nghĩa, hàm chứa một thông điệp ( nội dung). Vì thế đọc văn bản là một hành động giải mã ( decoding).

PISA quan niệm có hai dạng văn bản: Văn bản liền mạch ( continuous texts) và văn bản không liền mạch ( Non- continuous texts), có thể gọi là văn bản rời rạc, hoặc văn bản không liền mạch.

a) Văn bản liền mạch: được hiểu là một đoạn văn, một phần, một bài, một chương… hoàn chỉnh, liền mạch. Loại văn bản này bao gồm các dạng văn bản sau đây:

   Tự sự ( Narration)

   Giải thích ( Exposition)

    Miêu tả ( Description)

    Lập luận ( Argumentation)

    Giới thiệu ( Instruction)

    Tư liệu hoặc ghi chép ( A Document or Record)

    Siêu văn bản ( Hypertext)

b) Văn bản không liền mạch: là các dạng văn bản kết hợp nhiều hình thức thể hiện, nhiều kí hiệu khác nhau… không được kết cấu bằng những đoạn văn liền mạch, chẳng hạn:

– Biểu đồ và đồ thị ( Charts and graphs)

– Bảng biều và ma trận ( Tables and matrices                                                                                                    
– Sơ đồ ( Diagrams)
– Bản đồ ( Maps)

– Hình dạng ( forms)

– Thông tin tờ rơi ( Information sheets)

– Tín hiệu và quảng cáo ( calls and advertisements)

– Hoá đơn, chứng từ ( Vouchers)

– Văn bằng, chứng chỉ ( Certificates)

Một vài ví dụ:

Việc kiểm tra trình độ đọc hướng tới các mục đích sau đây:

a) Kiểm tra việc đọc hiểu văn bản: Kiểm tra lại thông tin đã đọc, nhận diện thông tin tương ứng; kiểm tra lại việc nắm thông tin, phải phù hợp, không được lệch ra khỏi văn bản; kiểm tra kĩ năng trình bày lại nội dung văn bản dựa trên những thông tin chính; tìm lại một cách cụ thể những thông tin đã đọc.

b) Tạo ra nền tảng hiểu văn bản, cụ thể là việc lọc ra được ý nghĩa đằng sau biểu đồ; lọc ra được chủ đề chính của câu chuyện; tìm ra lý do cho việc lựa chọn của tác giả; hiểu được nội dung chính của một đoạn văn tự chọn

c) Phát triển kĩ năng bình luận văn bản, giữa việc hết hợp thông tin và đọc biểu đồ; kết hợp thông tin giữa hai văn bản không liền mạch với nhau; phân biệt mối liên hệ giữa các dữ liệu với nhau.

d) Phát triển kĩ năng phân tích văn bản: nhận ra được những đặc điểm hoặc tính cách nổi bật của nhân vật.

e) Phản ánh lại việc suy nghĩ về nội dung văn bản: tạo nên việc so sánh giữa nội dung văn bản với kiến thức của bản thân.

h) Đánh giá cách hiểu về hình thức tác phẩm, nhận ra được thể loại của văn bản.

Nhìn chung trình độ đọc được xác dịnh dựa trên ba phương diện:

  Thu thập thông tin ( Retrieving information)

   Phân tích, lí giải văn bản ( Interpreting texts)

   Phản hồi và đánh giá ( Reflecting and evaluating)

 

2. Cách thức kiểm tra

Bài kiểm tra trình độ đọc của PISA được cấu trúc như sau:

a) Bài đọc: Bài đọc được nêu đầu tiên với hai dạng text ( continuous texts và Non- continuous texts) như đã nêu ở trên. Nội dung bài đọc hàm chứa các tình huống cần giải quyết và rất gần gũi với thực tiễn cuộc sống.

Điều đáng lưu ý là đề tài của bài texts rất đa dạng và phong phú, hướng vào nhiều lĩnh vực quen thuộc của cuộc sống, dưới nhiều dạng văn bản, không tập trung vào mình văn bản văn học mà cũng rất nhiều nội dung khác như: tuyên truyền thưởng thức khoa học, xã luận, trách nhiệm của công chức, lịch đọc của một thư viện, về tranh tường, về chế độ bảo hành, …

b) Câu hỏi : Có hai dạng câu hỏi: dạng thứ nhất là câu hỏi trắc nghiệm khách quan (TNKQ), đây là dạng chủ yếu và thứ hai là trắc nghiệm tự luận (TNTL), đây là dạng câu hỏi mở – phải viết câu trả lời (3-4 dòng) theo suy luận của HS, Ví dụ:

Câu hỏi TNKQ: Độ sâu của hồ Chad hiện tại là bao nhiêu?

A Khoảng 2m

B Khoảng 15m

C Khoảng 50m

D Nó đã hoàn toàn biến mất

E Thông tin này không được đề cập đến

(Bài Hồ Chad )

Câu hỏi TNTL: Trong chuyện các tội phạm đều được xử theo luật. Ở nước bạn có cách nào khác mà trong đó luật và cách phán xử cũng giống như trong chuyện không?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

Trong câu chuyện vị quan tòa đều phạt cả 3 tội phạm 50 roi. Không tính đến hình phạt này, ở nước bạn có hình thức nào mà trong đó luật và cách phán xử khác với chuyện không?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

(Bài Quan toà công minh)

c) Cách cho điểm 

Trong hướng dẫn chấm, sau phần câu hỏi bao giờ đáp án cũng nêu mục đích hỏi và cách cho điểm rất cụ thể. Chẳng hạn: với câu hỏi về hồ Chad ở trên, đáp án nêu:

Mục đích của câu hỏi là phát triển kĩ năng bình luận văn bản, giữa việc hết hợp

thông tin và đọc biểu đồ.

Điểm tròn

Mã 1: Khoảng 2m  (Đáp án đúng)

Không cho điểm

Mã 0: cho các câu trả lời khác

Mã 9: không trả lời

Hoặc câu hỏi tự luận ở bài Quan toà công minh vừa nêu trên được hướng dẫn chấm như sau:

Mục đích câu hỏi là để phản ánh lại việc suy nghĩ về nội dung văn bản: tạo nên việc so sánh giữa nội dung văn bản với kiến thức của bản thân.

Trước hết cho phần trả lời về điểm giống nhau:

Điểm tròn:

Mã 1: Miêu tả được điểm giống nhau, chỉ ra được việc hiểu rõ nội dung tác phẩm; việc so sánh hệ thống luật pháp nước mình có thể nói trực tiếp hoặc gián tiếp. Việc nắm rõ thông tin về hệ thống luật pháp không nhất thiết bắt buộc, nhưng cần phải đáp ứng được tầm hiểu biết căn bản về pháp luật của một học sinh ở lứa tuổi 15.

   Đánh giá sự việc dựa trên bằng chứng

   Cả hai bên đều có quyền được kể lại câu chuyện theo cách của mình

    Bình đẳng trước pháp luật (không cần biết anh là ai)

    Có một vị quan tòa giải quyết sự tranh chấp

         Những tội giống nhau thì bị phạt bằng cùng một hình phạt

Không cho điểm

Mã 0: Các câu trả lời khác, trong đó bao gồm cách trả lời chung chung, không chính xác hoặc không quan trọng

         Không phân biệt được đúng, sai

         Ngay cả những nhà lãnh đạo quan trọng cũng có thể bị đưa ra tòa

         Các hình phạt

Mã 8: lạc đề

Mã 9: không trả lời

 

d) Ví dụ về một bài kiểm tra

R217: Những chú ong ( Bees)

Văn bản: Thông tin trong những trang này được lấy từ bản quảng cáo về loài ong. Hãy dựa trên những thông tin ấy để trả lời các câu hỏi sau.

Gom phấn hoa

Ong làm ra mật để tồn tại. Đó là thứ lương thực mang tính sống còn của chúng. Nếu trong một tổ ong có khoảng 60.000 con thì một phần ba trong số chúng sẽ tham gia vào việc cùng gom phấn hoa để rồi những chú ong còn lại trong tổ sẽ tạo mật ra từ đó. Một nhóm ong nhỏ giữ nhiệm vụ là những người chuyên gia săn lùng hoặc phát hiện ra nguồn. Chúng tìm ra nguồn mật rồi quay trở về tổ để báo với số còn lại nơi chúng phát hiện được.

Những chuyên gia săn nguồn báo với đồng loại về những nguồn hoa chúng tìm ra bằng cách nhảy một vũ đạo bao gồm thông tin về hướng bay cũng như khoảng cách mà các chú ong phải bay tới đó. Trong khi nhảy múa các chú ong lắc lư phần bụng từ phía này sang phía kia bằng cách chạy theo những đường vòng hình số 8. Hình dạng điệu nhảy có thể quan sát ở biểu đồ dưới đây:

Biểu đồ miêu tả điệu nhảy ong từ phía trong tổ theo lớp cắt dọc của sáp ong. Nếu trung điểm của hình số 8 chỉ thẳng về phía trước thì có nghĩa là các chú ong có thể tìm thấy nguồn lương thực nếu chúng bay thẳng hướng mặt trời. Nếu trung điểm hình số 8 hướng về bên phải, thì nguồn lương thực nằm bên phải mặt trời.

Khoảng cách từ nguồn lương thực đến tổ được tính bằng độ dài thời gian lắc bụng của nàng ong. Nếu nguồn hoa ở rất gần, thì cô nàng chỉ phải múa bụng một lúc thôi. Còn nếu đó là một quãng đường dài thì nàng sẽ múa bụng rất lâu.

Làm mật

Khi những con ong thợ mang phấn hoa về tổ, chúng cho chuyển lại cho những con

ong nhà. Những con ong nhà đem phấn bằng phần hàm của mình để tránh cho phấn hoa khỏi bầu khí khô nóng trong tổ. Khi mới được mang về phấn hoa là một hỗn hợp đường, các khoáng chất và khoảng 80% nước. 10-20 phút sau khi phần lớn lượng nước đã bốc hơi các chú ong đem phấn hoa vào một căn phòng trong tổ để tiếp tục quá trình bốc hơi. 3 ngày sau lượng nước trong mật tại các phòng chỉ còn giữ khoảng 20%. Vào thời điểm này các chú ong bịt tổ lại bằng thứ chất lỏng mà chúng tạo ra từ sáp ong.

Trong một thời điểm nhất định các chú ong thường gom phấn hoa của cùng một loại hoa trong cùng một vùng. Những nguồn phấn hoa chính được lấy từ cây ăn quả, cây nhiều hoa và hoa đồng nội.

 

Từ vựng

Ong nhà = chú ong chỉ làm việc trong tổ

Hàm = một phần của miệng

Câu hỏi 1:

Mục đích của vũ đạo ong là gì?

A  Để ăn mừng việc chế tạo thành công mật ong

B Để định dạng loại thực vật mà các chú ong nguồn tìm ra.

C Để chào mừng sinh nhật của ong Chúa

D Để định dạng nơi mà các chú ong nguồn tìm ra lương thực.Cách cho điểm

Mục đích của câu hỏi là để tạo ra một phần căn bản của việc hiểu văn bản: Hiểu được nội dung chính của một đoạn văn tự chọn

Điểm tròn

Mã 1: Để định dạng nơi mà các chú ong nguồn tìm ra lương thực

Không điểm

Mã 0: Lựa chọn đáp án khác

Mã 9: Không trả lời

Câu 2: Hãy liệt kê những nguồn phấn hoa chính:

1……………..

2……………..

3……………..

Cách cho điểm

Mục đích của câu hỏi là để kiểm tra lại việc nắm thông tin, phải phù hợp, không được lệch ra khỏi văn bản.

Những khả năng sau đây có thể được chấp nhận:

a: cây ăn quả

b: hoa đồng nội

c: cây nở hoa

d: cây

e: hoa

Điểm tròn

Mã 1: cho bất cứ đáp án nào theo dạng abc, abe, bde

Không điểm

Mã 0: cho các cách kết hợp khác giữa a,b,c,d,e hoặc các câu trả lời khác, ví dụ

như: quả

Mã 8: lệch đề

Mã 9: Không trả lời

Câu hỏi 3

Đặc điểm nổi bật nào tạo nên sự khác biệt giữa phấn hoa và mật ?

A Lượng nước trong hợp chất

B Lượng đường và chất khoáng trong hợp chất

C Loại thực vật tạo ra hợp chất đó

D Loại ong đem hợp chất đó về

Cách cho điểm

Mục đích của câu hỏi nhằm phát triển việc bình luận văn bản bằng cách phân

biệt mối liên hệ giữa các dữ liệu với nhau.

Điểm tròn

Mã 1: Lượng nước trong hợp chất

Không cho điểm

Mã 0: cho các cách trả lời khác

Mã 9: không trả lời

Câu 5

Trong điệu nhảy, con ong đã làm gì để chỉ rõ khoảng cách từ nguồn hoa đến tổ?

…………………………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………………………

Cách cho điểm

Mục đích của câu hỏi là để tìm lại một cách cụ thể những thông tin đã đọc.

Mã 2: nếu học sinh đưa ra được cả 2 thông tin: lắc/múa bụng và qua độ dài thời gian múa bụng

Ví dụ:

– Độ dài khoảng thời gian con ong múa bụng

– Bằng cách múa bụng trong một khoảng thời gian nhất định

Mã 1: nếu học sinh chỉ đưa ra được thông tin múa bụng (câu trả lời có thể được đưa ra theo cách gián tiếp)

Ví dụ:

         Cô ong múa bụng

         Cô ong chỉ ra khoảng cách đến nơi bằng việc múa bụng

Hoặc học sinh chỉ đưa ra được thông tin về thời gian mà không nói đến việc múa bụng:

         Việc cô ấy nhảy trong bao lâu

Mã 0: nếu học sinh đưa ra câu trả lời không chính xác, không quan trọng, không hoàn chỉnh hoặc không cụ thể

Ví dụ

         Bằng việc cô ấy nhảy nhanh quanh hình số 8 như thế nào

         Việc hình số 8 to như thế nào

         Cô ong nhảy như thế nào

         Điệu nhảy

         Cái bụng

Mã 8: lạc đề

Mã 9: không trả lời

 

Lời kết : Nhìn từ yêu cầu kiểm tra năng lực đọc hiểu của PISA có thể nêu lên một số nhận xét sau đây:

1) Trước mắt chưa thể tham gia và triển khai cách kiểm tra này ở Việt Nam, vì cách dạy đọc hiểu của nhà trường VN có nhiều điểm chưa tương ứng. Việc dạy đọc hiểu và kiểm tra bằng trắc nghiệm ở môn Ngữ văn bước đầu đã có kết quả nhất định nhưng cần được

nghiên cứu kĩ càng, cập nhật và đầy đủ hơn.

2) Rất cần nghiên cứu để điều chỉnh cách biên soạn Chương trình và SGK môn học Ngữ văn, đặc biệt là cách dạy đọc hiểu trong những năm tới, nếu muốn tham gia hội nhập với

quốc tế.

3) Trong môn Ngữ văn, nội dung và phương pháp dạy học tiếng Việt có một vai trò to lớn trong việc hình thành và rèn luyện năng lực đọc hiểu. Cần tránh xu hướng hàn lâm, quá coi trọng kiến thức mang tính hệ thống; gắn chặt hơn nữa với hiện thực đời sống, với các tình huống thường nhật, thiết thực… để dạy đọc hiểu và yêu cầu học sinh suy nghĩ, vận dụng vào đời sống hằng ngày.

—–

*  Programme for International Student Assessment
**PGS.TS.  Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

2 Hữu Ngọc (1995)- Hồ sơ văn hoá Mỹ-NXB Thế giới

3 Organisation for Economic Co-operation and Developement

4 Cựng với Scientific và Mathematical literacy

5 The PISA 2003 – Assessment Framework (Reading) – OECD

6 UNESCO Education Sector, The Plurality of Literacy and its implications for Policies and Programs (2003)… http://unesdoc.unesco.org/images/0013/001362/136246e.pdf

 

Tài liệu tham khảo

  1. Assessing Scientific reading and Mathematical Literacy (A Framework for PISA- 2006) – OECD
  2. PISA: Sample Questions in Reading– OECD
  3. The PISA 2003- Assessment Framework: Mathematics, Reading, Science and Problem solving. Knowledge and Skills – OECD
  4. PISA 2003 – Technical Report– OECD
  5. PISA 2006 – Science Competencies for Tomorrow’s World ( Volum1- Analysis) –  OECD
  6. www. OECD.org

Tác giả