Đào tạo theo tín chỉ: Muốn làm phải “trị từ gốc”

Gần đây, Bộ GD&ĐT quyết định chuyển toàn bộ hệ thống đào tạo đại học ở nước ta thành đào tạo theo tín chỉ. Với kinh nghiệm giảng dạy và hợp tác nghiên cứu tại một số đại học có thứ hạng của Mỹ, như ĐH California (Berkeley), ĐH Johns Hopkins (Baltimore), ĐH Wayne State (Detroit), ĐH Washington (Seattle), GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (Đại học Quốc Gia Hà Nội) trong cuộc phỏng vấn với Tia Sáng đã nêu những điều kiện cần thiết của đào tạo theo tín chỉ và những tác động của nó tới môi trường đại học "đặc thù" của Việt Nam hiện nay.

Chắc GS đã nghe nhận định của những người được cử đi “thám thính” hệ thống đào tạo theo tín chi của Mỹ…

Nhiều đoàn đại biểu từ cấp Bộ cho tới cấp các đại học, các khoa… được cử đi tham quan trong thời gian từ một vài ngày cho tới 1-2 tuần tại một số đại học (thường là có thứ hạng không cao) ở Mỹ. Khi về nước, nhiều vị đã có những phát biểu, nhận định về hệ thống đào tạo theo tín chỉ. Nhưng vì thời gian tham quan quá ngắn, lại không trực tiếp tham gia giảng dạy, nên không có gì ngạc nhiên là các vị này thường đưa ra những thông tin không rõ ràng, nhiều khi trái ngược nhau. Chuyện này khiến người nghe nhớ đến cảnh “thầy bói xem voi”.
Hệ thống đại học của Mỹ là một bí ẩn rất hấp dẫn. Từ lâu, tôi tự đặt cho mình câu hỏi: Vì sao hệ thống đại học của Mỹ có thể đào tạo các sinh viên có trình độ ở đầu vào nói chung không cao, thành những chuyên gia giỏi chỉ trong vòng 4 năm (đối với cử nhân) hoặc 8 năm (đối với tiến sĩ). Tôi đã cố gắng tự trả lời nhiều lần, nhưng chưa bao giờ hài lòng với câu trả lời của mình. Theo tôi, ta nên trao đổi vấn đề này trên tinh thần mà Khổng Tử đã bàn: “Biết thì nhận là biết, không biết nhận là không biết, thế mới thực là biết”.

Theo GS, tác động của việc chuyển từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ với hệ thống đại học nước ta sẽ như thế nào?

Câu trả lời của tôi, có thể hơi bất ngờ, là thế này: Đào tạo theo tín chỉ chắc chắn sẽ dẫn tới bãi bỏ kỳ thi vào đại học, nhằm duy trì một số lượng sinh viên rất lớn. Bởi vì nếu mỗi môn học không có nhiều sinh viên theo học, và vẫn chỉ tổ chức được 1-2 lớp, thì sinh viên không có gì để chọn. Do đó, những người theo học cùng một ngành thì chỉ có khả năng chọn cùng một lớp như nhau. Vì thế, tiếng là đào tạo theo tín chỉ, thực ra vẫn không khác gì đào tạo theo niên chế. Đó thực sự là một trở ngại lớn trước mắt.

Tôi không nói nhập hai kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông và Tuyển sinh vào đại học làm một. Tôi nói: Bỏ kỳ thi vào đại học. Bỏ thi vào đại học ngay trong tình trạng hiện nay thì mạo hiểm, và cầm chắc thất bại. Nhưng đó là chuyện đương nhiên của thế giới, là mô hình tất yếu của tương lai chúng ta, mà ta phải chủ động chuẩn bị cho nó. Tôi cho rằng học đại học là quyền lợi của tất cả mọi người. Thi vào đại học cũng giống như chế độ tem phiếu. Khi xã hội còn nghèo thì tem phiếu có thể là một giải pháp. Nhưng nó sẽ trở thành rào cản sự phát triển xã hội. Bỏ thi vào đại học cũng như bỏ chế độ tem phiếu, lúc đầu dễ gây hoảng loạn, tạo tâm lý bất an, e ngại xã hội sẽ mất kỷ cương. Nhưng nếu được thực hiện với sự chuẩn bị chu đáo, nó sẽ trở thành động lực phát triển xã hội. Trong số những người phản đối bỏ thi vào đại học, có nhiều người vô tư, nhưng cũng có những người do được hưởng lợi từ kỳ thi này, chẳng hạn một số ông thầy vẫn luyện thi vào đại học, hay một số cổ đông lớn của những trường phổ thông (dân lập) vẫn được tiếng là có tỷ lệ học sinh đỗ vào đại học cao. Việc bỏ kỳ thi vào đại học, và trước đó bỏ kỳ thi vào trung học phổ thông, sẽ xóa tận gốc nạn dạy thêm và học thêm đang tràn lan như cỏ dại.

Vậy khi nào thì ta có đủ điều kiện chín muồi cho việc bãi bỏ kỳ thi vào đại học?

Bãi bỏ kỳ thi vào đại học không có nghĩa là ai muốn học ở đại học nào cũng được. Học sinh được chọn vào học ở đại học nào là tùy theo nguyện vọng của họ, tùy theo hồ sơ học tập bậc phổ thông của họ, và tùy theo việc họ có trả nổi học phí hay không. Trong khi hầu hết các đại học không thi tuyển, thì một số đại học có đẳng cấp cao vẫn có kỳ thi tuyển riêng. Mặc dù vậy, cuối cùng thì ai cũng chọn được đại học phù hợp với mình. Nếu họ không may chọn nhầm (đại học có trình độ cao quá hoặc thấp quá so với khả năng của họ) thì hệ thống liên thông mềm dẻo của các đại học cũng tạo điều kiện cho họ được chuyển tới một đại học thích hợp hơn.
Cho nên, theo tôi, ta có thể bãi bỏ kỳ thi vào đại học khi nào ta đủ sức mở đủ các trường đại học để cho mọi người dân đã học xong bậc phổ thông, có nhu cầu học đại học, và có khả năng đóng học phí (một thứ học phí hợp lý, chứ không phải học phí ở trên trời), đều được nhận vào học ở một đại học phù hợp với mình. Đừng nghĩ rằng điều ấy là viển vông. Mỹ và nhiều nước Châu Âu đã làm được điều đó từ lâu. Mặt khác, ở những nước đã phát triển như vậy, số người có nhu cầu học đại học cũng không nhiều như ta tưởng. Việc phát triển các trường dạy nghề, và thái độ nhìn nhận “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” của xã hội cho phép người ta có thể chọn nhiều nghề không cần bằng đại học nhưng có thu nhập cao hơn người tốt nghiệp đại học.
Hãy nhớ lại, dưới thời bao cấp, biết bao người nghĩ rằng nếu bỏ chế độ tem phiếu thì chết đói hết. Nhưng xã hội ta đã dũng cảm bỏ tem phiếu. Kết quả là không những không ai chết đói, trái lại xã hội về mặt vật chất đã phát triển lên một đẳng cấp mới.
Tôi vẫn xin nhắc lại rằng Bỏ thi vào đại học ngay trong tình trạng hiện nay thì mạo hiểm, và cầm chắc thất bại. Nhưng ta phải chủ động chuẩn bị cho nó.
Đào tạo theo tín chỉ, nhưng lại chưa bỏ kỳ thi vào đại học, ta lấy đâu ra nhiều sinh viên, để tổ chức nhiều lớp cho họ được lựa chọn? Không được lựa chọn những cách tổ hợp môn học khác nhau thì, tiếng là học theo tín chỉ, khác gì học theo niên chế. Chúng ta đang định cứ đi khập khiễng như vậy đấy.

Nhưng nếu bỏ kỳ thi vào đại học, thì chất lượng đào tạo đại học ở nước ta sẽ ra sao?

Chất lượng đào tạo thấp kém không phải vấn đề chỉ do ngành giáo dục gây ra, thậm chí không phải chủ yếu do ngành giáo dục. Đây là một vấn đề có nguyên nhân xã hội sâu xa hơn nhiều: vấn đề xã hội dùng người như thế nào, có đúng với khả năng của người đó hay không. Xưa nay xã hội dùng người như thế nào thì việc học tập định hình theo như thế. Nếu các nghề nghiệp tốt phần nhiều dành cho con ông cháu cha, hoặc kẻ có tiền đút lót, không cần biết có đủ năng lực hay không, miễn là có một mảnh bằng, thì nạn “học giả” đương nhiên sẽ tràn lan. Nếu trái lại, mọi vị trí đều chọn người có đủ năng lực, bằng cấp chỉ là một điều kiện tối thiểu, có bằng cấp mà không đủ năng lực thì không ai dùng, khi đó mọi người sẽ tự khắc đua nhau học thật. Là một người trực tiếp giảng dạy đại học hơn 30 năm qua, tôi đau xót nhận ra rằng phần lớn thanh niên của chúng ta không còn động lực học tập khi đã bước chân vào đại học. Họ hỏi: học để làm gì khi mà dù có học rất giỏi thì những vị trí làm việc tốt cũng không tới tay họ. Xem ra, “nói không với tiêu cực trong giáo dục” chỉ là chữa phần ngọn, thay đổi cách dùng người của xã hội mới là trị bệnh từ gốc.
Về mặt phương pháp luận, tôi muốn nhắc tới Định lý về Tính không đầy đủ của nhà Toán học và Triết học Kurt Godel, người có ảnh hưởng sâu đậm tới tư duy khoa học của Thế kỷ 20. Đại thể định lý này có thể diễn đạt như sau: “Bất kỳ hệ thống lôgic nào đều chứa trong lòng nó những mệnh đề không thể chứng minh hay bác bỏ chỉ bằng những phương tiện của chính hệ thống đó”. Nói cách khác, mọi hệ thống đều không đầy đủ, đều cần được lý giải trong mối quan hệ của nó với một hệ thống lớn hơn. Nói riêng, nếu cứ tìm nguyên nhân xuống cấp của nền Giáo dục nước ta bằng cách chỉ suy xét trong nội bộ nền giáo dục đó, thì tìm mãi không ra là chuyện hiểu được, theo quan điểm của Kurt Godel. Phải nhìn sự xuống cấp của Giáo dục trong mối quan hệ của nó với một hệ thống lớn hơn, là toàn Xã hội, xem Xã hội đã cư xử với những sản phẩm của nền Giáo dục đó như thế nào, thì mới tìm thấy nguyên nhân của sự xuống cấp đó.
Trong khi nhiều môn phái triết học lo khẳng định sự toàn năng của mình, thì triết học Godel lại chỉ ra tính khiếm khuyết không tránh khỏi của bất kỳ hệ thống nào. Tính thức tỉnh của nó chính là ở chỗ đó.

Một số trường đại học đã triển khai hình thức thi trắc nghiệm cho một số môn học, khi áp dụng đào tạo theo tín chỉ thì hình thức thi trắc nghiệm này sẽ có tác động như thế nào, thưa GS?

Theo quan điểm của tôi, việc tổ chức thi trắc nghiệm tràn lan chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại. Điều này đúng ở cả bậc phổ thông lẫn bậc đại học, không phụ thuộc vào việc ta có sử dụng hệ thống đào tạo theo tín chỉ hay không. Tôi có hỏi một số đồng nghiệp Mỹ về chuyện thi trắc nghiệm và được họ cho biết: Từ bé họ chưa bao giờ gặp một kỳ thi trắc nghiệm ở bất kỳ cấp học nào. Tôi hỏi: Vậy thi trắc nghiệm được sử dụng ở đâu và trong những trường hợp nào ở nước Mỹ? Họ đáp: Thi trắc nghiệm chỉ được sử dụng ở những trình độ và đẳng cấp rất thấp. Tôi kinh hoàng nghĩ về tình trạng thi trắc nghiệm đang được áp dụng tràn lan ở nước ta, với lập luận rằng ở Mỹ họ làm như thế. Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi, do cách học để thi trắc nghiệm, chúng ta sẽ đào tạo ra không chỉ những tú tài, mà hàng loạt những cử nhân, có khi cả tiến sĩ nữa, không thể tự viết bất kỳ một câu văn hoặc một lời giải đơn giản nào. Khi mà thi trắc nghiệm đã thất bại thì (cũng như việc cải cách chữ viết trước đây) sẽ không một ai chịu đứng ra nhận trách nhiệm. Vì thế, tôi khuyên các nhà chép sử, hãy ghi chép kỹ ngay từ bây giờ những ai tự xưng là cha đẻ của thi trắc nghiệm ở Việt Nam, hoặc hết lòng cổ súy cho nó. Những ghi chép như vậy hẳn là sẽ bổ ích nay mai. Dù sao, tôi hy vọng rằng đào tạo theo tín chỉ sẽ không bị gắn với thi trắc nghiệm.

Với nguyên nguồn nhân lực của các trường đại học như hiện nay, muốn chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, theo GS, việc làm cấp bách nhất là gì?

Để chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, việc dạy của các giáo sư sẽ không phải thay đổi nhiều, nhưng công việc quản lý hành chính sẽ thay đổi căn bản, theo hướng nặng lên rất nhiều. Nó đòi hỏi phải có một đội ngũ quản lý và nhân viên hành chính rất chuyên nghiệp. Trách nhiệm của những người quản lý và nhân viên hành chính trong hệ thống đào tạo theo tín chỉ, bên cạnh hàng núi công việc khác, là giúp cho sinh viên (trong đó có những người quay lại học tập sau nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm gián đoạn) nhận ra đúng thiên hướng và trình độ học lực của mình, đăng ký vào đúng lớp mình có thể và cần phải học. Ở Mỹ những người quản lý và nhân viên hành chính đều được đào tạo rất bài bản, khác với ở Việt Nam ta, bất kỳ con ông cháu cha nào cũng đều làm được việc này. Ta có đủ can đảm và sức lực để thay đổi hệ thống quản lý và nhân viên hành chính hay không? Theo tôi, những tranh luận gần đây về “đại học đẳng cấp quốc tế” hoặc “đại học hoa tiêu” đều chưa thấy tầm quan trọng của việc cần làm trước tiên, nếu thành lập một đại học như vậy, là thay đổi hệ thống quản lý và tổ chức hành chính.

Ngoài việc thay đổi hệ thống quản lý hành chính thì yếu tố nào GS đánh giá là có vai trò quyết định sự thành bại của đào tạo theo tín chỉ?

Giáo dục theo kiểu gì thì cũng cần đội ngũ giáo sư giỏi. Đó là yếu tố mấu chốt quyết định thành bại của nền giáo dục. Các đại học Mỹ đòi hỏi sinh viên đầu vào không cao. Nhưng chỉ sau 4 năm học, họ đã trở thành những chuyên gia vững vàng. Điều này có được chủ yếu là nhờ nước Mỹ có một đội ngũ giáo sư rất giỏi, rất chuyên nghiệp, được trả lương cao, tương xứng với lao động của họ. Chúng ta có trả được lương đủ sống cho các giáo sư hay không?
Ở Mỹ, giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ đương nhiên là chủ tịch Hội đồng chấm cái luận án ấy. Việc đào tạo của ông ta hay dở thế nào do ông ta tự định đoạt là chính. Ở Việt Nam, khoảng mươi năm gần đây, giáo sư không được phép là ủy viên Hội đồng chấm luận án tiến sĩ do chính mình hướng dẫn. Không được tin cậy, giáo sư nước ta suốt đời sống trong tâm trạng kẻ làm thuê.
Tôi muốn nói thêm về “thời gian văn phòng”, là lúc giáo sư có nghĩa vụ phải ở phòng làm việc của mình, để sinh viên có thể tới hỏi bài. Mỗi giáo sư ở Mỹ đều có phòng làm việc riêng. Ở nước ta không giáo sư nào có phòng làm việc riêng, trừ các giáo sư làm quan. Không có phòng làm việc riêng, các giáo sư sẽ đứng ở đâu để giải đáp thắc mắc của sinh viên? Giảng đường thì vốn đã không đủ cho việc bố trí các lớp học. Để chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, ta có đủ sức cấp cho mỗi giáo sư một phòng làm việc không? Nếu ta chỉ học những cái có thể học được, và bỏ qua những cái ta không muốn học, thì trên thực tế ta không học gì cả. Người Nhật học cái gì cũng bắt đầu bằng việc sao chép y nguyên, khi nào thực sự làm chủ được đối tượng đó thì họ mới bàn tới chuyện cải biến. Chúng ta thường làm hỏng việc vì học cái gì cũng không đến nơi đến chốn, “chưa học làm thầy đã đòi ăn bớt”, và ngộ nhận cái sự láu cá ấy của mình là trí thông minh.
Xin cảm ơn giáo sư!

Đức Phường thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)