Đầu tư cho Olympic Toán Quốc tế (IMO): Một sự lãng phí ? 

IMO có nhiều hạn chế nhưng đều có thể điều chỉnh được.

Đội hình thi IMO năm 1988. Từ trái sang : Đoàn Hồng Nghĩa, Ngô Bảo Châu, Hà Huy Minh, Bùi Hải Hưng, Trần Trọng Thắng, Đinh Tiến Cường. Ảnh: Trịnh Liêm – TTXVN

Kết quả khiêm tốn của đội tuyển IMO Việt Nam năm nay khiến nhiều người tỏ vẻ thất vọng và đặt ra một loạt câu hỏi về liệu việc đầu tư nguồn lực để đào tạo một đội tuyển như vậy có phải là một sự lãng phí. Có người còn cho rằng kết quả chưa bao giờ kém đến thế trong vòng năm mươi năm qua, kể từ khi Việt Nam tham dự kì thi này. (Nhưng thực tế đó là nói quá. Năm 2011, đội tuyển Việt Nam còn có kết quả thấp hơn, mặc dù cùng thứ hạng phần trăm, 70% – tức là đội tuyển Việt Nam có kết quả cao hơn 70% trên tổng tất cả các nước dự thi, nhưng không đoạt được huy chương vàng hay bạc nào, trong khi năm nay đội tuyển còn giành được tận hai huy chương bạc. Năm 1990, kết quả còn thấp hơn rất nhiều với xếp hạng phần trăm chỉ là 58% và toàn đội chỉ giành được một huy chương bạc).

Tôi sẽ không phản ứng thái quá trước sự tụt hạng nhất thời này mà muốn nhân cơ hội đó đưa ra một đánh giá công bằng giữa điểm tốt và chưa tốt của kì thi, đồng thời đưa ra một vài gợi ý về vai trò của nó trong việc thu hút giới trẻ đến với toán học. 

IMO luôn có sự mất cân bằng rất lớn về giới; cực kỳ ít học sinh nữ trong hầu hết tất cả các đội thi, kể cả đội Việt Nam. Đội Việt Nam trong bốn năm gần đây nhất toàn là nam. (Trong khi đó, ngược lại, năm nay đội của Úc có bốn nữ và hai nam.) Một phần lí do không có gì phải nghi ngờ là không khí cạnh tranh khốc liệt trong quá trình luyện thi và cả trong bản thân kì thi IMO (mà mọi người ở Việt Nam vẫn gọi đó là quá trình “luyện gà chọi”) Điều này có xu hướng khiến các học sinh có năng khiếu toán học của cả hai giới với thiên tính hướng nội và ngại ganh đua trở nên e dè, nhưng khả năng cao là các em nữ thường mất hứng thú trước sự cạnh tranh không chỉ giữa các đội với nhau và cả giữa các thành viên trong cùng một đội. Thực tế mục đích chính của IMO là để thu hút giới trẻ đến với toán học, việc gần như “gạt” các em nữ ra khỏi cuộc thi gián tiếp ảnh hưởng đến sự cân bằng giới trong nghề nghiệp toán học, và làm thụt lùi những nỗ lực chính sách của Việt Nam trong vấn đề bình đẳng giới. 

Động cơ thôi thúc một người dành cả đời gắn bó với công việc nghiên cứu cần đến từ cảm giác hạnh phúc từ công việc đó – trong trường hợp này là giải được thành công một vấn đề toán học – chứ không phải là thắng một cuộc thi. 

Bên cạnh vấn đề về giới, thái độ cạnh tranh khốc liệt đối với việc giải toán thực ra còn có thể giảm khả năng các ứng viên về sau muốn có một sự nghiệp trong các lĩnh vực khoa học liên quan đến toán. Động cơ thôi thúc một người dành cả đời gắn bó với công việc nghiên cứu cần đến từ cảm giác hạnh phúc từ công việc đó – trong trường hợp này là giải được thành công một vấn đề toán học – chứ không phải là thắng một cuộc thi. 

Một vài cách để cải thiện không khí trong quá trình luyện thi có thể là (a) Các lớp đào tạo học sinh giỏi không khuyến khích sự cạnh tranh trực tiếp giữa các em ; (b) Các buổi đào tạo nên chuyển từ việc để mỗi cá nhân tự mình giải bài tập thành việc để mỗi em cùng giải với một đồng đội nào đó ; (c) Người hướng dẫn cần đặc biệt lưu ý đến những trường hợp các em học sinh nữ bị phớt lờ hoặc chỉ được giao vai trò không đáng kể trong các buổi đào tạo, và cần phải can thiệp để ngăn ngừa bất kì trường hợp phân biệt đối xử nào ; và (d) Cần có nỗ lực đặc biệt để mời các học sinh nữ tham gia vào việc luyện thi học sinh giỏi. Những nỗ lực đặc biệt đó có thể bao gồm tài trợ cho một chương trình để các cựu thí sinh IMO nữ (hiếm hoi) tới các trường chuyên để trò chuyện với các học sinh nữ, và khuyến khích các em tham gia thi và luyện thi học sinh giỏi. Thêm một bước tích cực nữa là mời người hướng dẫn nữ cho các buổi luyện thi đó. 

Kì thi Olympic Toán châu Âu dành cho nữ (EGMO), được tổ chức tại các nước châu Âu nhưng dành cho các thí sinh trên toàn thế giới, được lập ra phần lớn là do những nỗ lực trước đây đều thất bại trong việc thuyết phục các ban tổ chức IMO làm gì đó để giải quyết sự hiện diện quá thấp của nữ trong kì thi này. EGMO ra đời vào năm 2012 và khá thành công, thu hút các đội thi từ khoảng hơn 60 quốc gia mỗi năm. Bên cạnh IMO, Việt Nam nên bắt đầu gửi một đội dự thi EGMO, cũng sử dụng ngân sách cũng như chính phủ đã hỗ trợ đội tham dự IMO (thường là toàn nam). 

Các bài toán trong IMO đều ở dưới dạng toán học lý thuyết, “thuần túy”, nhưng những năm gần đây, rất ít sinh viên có ý định trở thành các nhà toán học thuần túy. Phần lớn ưa thích nghề nghiệp mà trong đó họ giải quyết những vấn đề thực tiễn và có một mức lương cao hơn là những nhà toán học thuần túy – thường là ở khu vực tư nhân. 

Tôi đồng ý rằng tập trung vào toán học thuần túy là không phù hợp với phần lớn các học sinh phổ thông. Trong một thời gian dài, tôi vẫn tranh luận rằng các trường học ở Việt Nam nên giảm sự tập trung vào toán học thuần túy (nhưng bài toán số học, đại số đánh đố và các bài chứng minh định lý với logic nghiêm ngặt) mà thay vào đó nên tăng thêm rất nhiều các bài toán ứng dụng thực tiễn. Lí do cho điều đó không phải là toán học thuần túy là không quan trọng. Thực sự, năng lực tư duy chặt chẽ trong việc chứng minh các định lý rất dễ dàng chuyển thành kĩ năng giải quyết vấn đề thành công trong các lĩnh vực ứng dụng. Thường thì các nhà nghiên cứu được đào tạo trong ngành toán lý thuyết sau đó thường chuyển mối quan tâm sang các lĩnh vực liên quan, như toán ứng dụng và khoa học máy tính (giống bản thân tôi rất nhiều năm về trước). Nhà tuyển dụng nhiều tiến sĩ Toán nhất trên thế giới là Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, họ nhận ra rằng những thanh niên được đào tạo toán học bài bản là những người được chuẩn bị kĩ lương nhất cho những thách thức trong liên lạc tình báo. 

Nói chung, sự thể hiện của Việt Nam ở IMO trong vòng 50 năm qua là cực kì ấn tượng. Đội tuyển đã luôn nằm trong top 10 nước điểm cao nhất toàn thế giới trong vòng 32 năm trong suốt 47 năm Việt Nam tham dự. Chúng ta nên nghĩ về những lợi ích không thể đo đếm của IMO – sự tự hào và phấn khích trong lòng người Việt và sự danh giá trên đấu trường quốc tế. 

Thay vào đó, lí do không nên quá chú trọng vào toán học thuần túy đó là phần lớn các em học sinh đều không thấy nó có ích, ngoại trừ mục tiêu đạt điểm cao trong kì thi đầu vào đại học. Thông thường, kể cả những học sinh xuất sắc nhất cũng nguội hứng thú với toán thuần túy một khi bỏ lại đằng sau các kì thi và bước chân vào giảng đường đại học. Phần lớn các sinh viên thường dễ có động lực khi giải quyết những bài toán có lời văn (còn gọi là “các bài toán kể chuyện”) hơn là chứng minh các định lý. 

Tuy nhiên, các em được đào tạo và tham dự kì thi IMO chỉ là một số rất nhỏ trong toàn bộ học sinh Việt Nam. Các em là những người có khả năng cao nhất sẽ lựa chọn những ngành nghề mà thói quen suy nghĩ logic trong quá trình đào tạo toán học thuần túy trở nên đặc biệt có giá trị. Thời gian các em luyện tập với các bài toán theo kiểu IMO không có hại gì mà lại có rất nhiều ích lợi. Nhưng chương trình học toán của đại đa số các trường nên khác biệt hẳn so với chương trình đào tạo của IMO. 

Rất nhiều học sinh được huy chương IMO cuối cùng đều học toán cao cấp ở nước ngoài và ở lại đó, chẳng đem lại ích lợi gì cho Việt Nam cả.

Chảy máu chất xám từ các quốc gia nghèo và thu nhập trung bình tới những quốc gia giàu có là vấn đề chung của toàn cầu. Dĩ nhiên cũng có những bước mà Việt Nam có thể thực hiện để giảm chảy máu chất xám trong các ngành khoa học toán học. Đầu tiên, các trường đại học nên mở rộng và cải thiện các chương trình thạc sĩ. Thậm chí khi các sinh viên muốn ra nước ngoài học chương trình tiến sĩ cũng thường được khuyên là nên có tấm bằng thạc sĩ ở trong nước, vì các ứng viên quốc tế nộp đơn vào chương trình Tiến sĩ thường được ban tuyển sinh ưu ái hơn nếu họ đã có bằng thạc sĩ. Hơn nữa, thêm vài năm học tiếp ở Việt Nam thường khiến các sinh viên này muốn trở về nước sau khi lấy bằng tiến sĩ, bởi họ có khả năng gắn bó hơn với quê hương và thậm chí còn có thể đã lập gia đình. 

Bên cạnh đó, Việt Nam không còn là một quốc gia nghèo, và vì vậy nên cải thiện chế độ lương và điều kiện làm việc ở các trường đại học của mình, vốn đang hụt hơi sau các trường ở các quốc gia cùng trình độ phát triển kinh tế. Bên cạnh những lợi ích khác, điều này sẽ khiến nhiều sinh viên xuất sắc nhất của đất nước muốn trở về để giảng dạy và nghiên cứu. 

Những người nhập cư tới các nước phương Tây thường đối mặt với nhiều khó khăn. Các trường đại học của Mỹ đang thu hẹp bộ phận nghiên cứu, dẫn đến cơ hội việc làm cho các tiến sĩ ngày một ít ỏi. Ở trường đại học của tôi (Đại học Washington), chỉ một số ít tiếp tục con đường nghiên cứu. Họ chủ yếu ứng tuyển vào các công việc trong khối công nghiệp hoặc trong chính phủ, và cuối cùng thường dừng ở công việc trong những lĩnh vực không liên quan đến bằng cấp toán học của họ. Trong vài trường hợp, các sinh viên quốc tế tới Mỹ học tiến sĩ về sau nhận ra rằng, cách tốt nhất để có một công việc phù hợp là trở về quê hương của mình. 

Ở thời kì chiến tranh và ngay sau giai đoạn chiến tranh kết thúc, thế hệ các nhà toán học học tập ở nước ngoài nói chung đã quay trở về Việt Nam, dẫu điều kiện vật chất vào thời kì đó vô cùng thiếu thốn. Hoàng Tụy, Hoàng Xuân Sính, Huỳnh Mùi và Nguyễn Đình Ngọc đều trở về Việt Nam sau khi học tập tại châu Âu hay Nhật. Họ hẳn nghĩ rằng đóng góp cho sự phát triển của toán học Việt Nam quan trọng và đáng giá hơn rất nhiều so với việc giữ một vai trò ít quan trọng hơn ở nhiều quốc gia khác.  

***    

Nói chung, sự thể hiện của Việt Nam ở IMO trong vòng 50 năm qua là cực kì ấn tượng. Đội tuyển đã luôn nằm trong top 10 nước điểm cao nhất toàn thế giới trong vòng 32 năm trong suốt 47 năm Việt Nam tham dự. Thậm chí trong cả thời điểm khó khăn sau chiến tranh ở thập kỉ 1975-1984, khi Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới (xếp loại LDC – nước ít phát triển nhất theo Liên Hiệp Quốc), đội tuyển Toán vẫn nằm trong top 10 quốc gia trong 5 trên 7 năm tham dự. Ngoài những cân nhắc thực tế tôi đã đề cập ở trên, chúng ta nên nghĩ về những lợi ích không thể đo đếm của IMO – sự tự hào và phấn khích trong lòng người Việt và sự danh giá trên đấu trường quốc tế. 

Vào năm 1989, vợ tôi Ann và tôi tới thăm El Salvador để trao giải Kovalevskaia cho phụ nữ trong khoa học – lần đầu tiên được tổ chức ở nước này tại Đại học Quốc gia. Trong bài nói chuyện của vợ tôi trước đông đảo sinh viên và giảng viên, Ann có nhắc đến Việt Nam, một quốc gia được khối Mỹ Latin hết sức ngưỡng mộ vì đã đánh bại đế quốc Mỹ vào năm 1975. Cô ấy nói rằng năm trước đó, Việt Nam đứng thứ năm trong kì thi Olympic Toán Quốc tế, trước cả Mỹ ở vị trí số 6 vào năm 1988. Những người dân Salvador òa lên vỗ tay nhiệt liệt. Dĩ nhiên họ biết về chiến thắng của Việt Nam vào năm 1975, nhưng không hề biết về những thành tích của Việt Nam trong các lĩnh vực khác. 

Điều thú vị là, một trong những lí do khiến Việt Nam có thứ hạng cao vào năm 1988 là chiếc huy chương vàng giành được năm đó bởi cậu học sinh phổ thông Ngô Bảo Châu, về sau trở thành một nhà toán học nổi tiếng thế giới, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, chủ nhân giải thưởng Fields, vốn thường được gọi là “Giải Nobel trong lĩnh vực Toán học”.

***

Quay trở lại câu hỏi ban đầu – Liệu Việt Nam có nên tiếp tục hỗ trợ đội tuyển thi IMO ? – Tôi sẽ trả lời là “có” vì nhiều lí do. Đầu tiên, chi phí thực tế mà chính phủ phải bỏ ra thực ra rất nhỏ so với những chi tiêu khác dành cho giáo dục. Thứ hai, kì thi này khuấy động nhiều sự hứng thú của giới trẻ với toán học. Thứ ba, trong hầu hết các năm, kết quả của Việt Nam đều rất tốt. Bên cạnh thể hiện trình độ cao trong đào tạo toán học của Việt Nam trên sân khấu quốc tế, một lợi ích khác đó là thứ hạng cao của Việt Nam trong hầu hết các năm giúp đảo ngược hướng suy nghĩ của rất nhiều người trẻ đang bị choáng ngợp bởi các quốc gia phương Tây và nghĩ rằng đất nước mình thấp kém so với họ. Thứ tư, hầu hết sự thiếu sót mà người ta chỉ trích IMO đều có thể điều chỉnh. Niềm hy vọng của tôi đó là Việt Nam sẽ thực hiện những điều đề xuất phía trên để những trải nghiệm IMO có giá trị hơn và tăng lợi ích từ những gì mình đầu tư vào kì thi này. □

Hảo Linh dịch

Tác giả

(Visited 74 times, 8 visits today)