Để học sinh an vui đến trường

Trong khi đã có nhiều nghiên cứu cho thấy môi trường học tập gây nhiều áp lực căng thẳng cho học sinh nhưng lâu nay chúng ta ít nhắc tới việc thay đổi một vấn đề cốt lõi, đó là chất lượng đời sống học đường mà chúng ta có thể gọi tên là sự "an vui học đường".


Nguồn ảnh minh họa : dangcongsan.vn

Trước Covid-19, chất lượng cuộc sống học đường đã là một chủ đề nghiên cứu của giới học thuật và giới làm chính sách cũng như những quản lý giáo dục ở nhiều quốc gia. Trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc đến năm 2030, sức khỏe và an vui đứng vị trí thứ ba. Năm 2015, PISA (Programme for International Student Assessment) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã dành hẳn một báo cáo đánh giá về sự an vui của học sinh ở bốn lĩnh vực: kết quả học tập, quan hệ với giáo viên và bạn học, đời sống gia đình, và các hoạt động ngoại khóa. Chúng ta đang bắt đầu bước vào giai đoạn hậu Covid-19 sau một thời gian dài học sinh và giáo viên gặp nhiều khó khăn, căng thẳng do giãn cách, do học trực tuyến thì an vui học đường chắc chắn phải được quan tâm đặc biệt hơn và thậm chí phải đổi mới để tiếp tục thích ứng với tương lai còn nhiều bất định.

 

“An vui” đến từ tâm lý học tích cực

 

Có một phân ngành tâm lý học mới mang tên tâm lý học tích cực bắt nguồn từ các ngành triết học hiện sinh, tâm lý học nhân bản và tâm lý học xã hội1. Phân ngành này giúp chúng ta hiểu được sự vận hành tối ưu của một cá nhân, kích hoạt những tiềm năng và nguồn lực bên trong và bên ngoài, từ đó để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Mô hình PERMA của Martin Séligman, cha đẻ của tâm lý học tích cực, có thể được ứng dụng dễ dàng vào môi trường giáo dục và học đường thông qua năm yếu tố sau:

– Cảm xúc tích cực (Positive emotions): là khả năng nhìn nhận quá khứ, hiện tại và tương lai trong một viễn cảnh tích cực, nghĩa là, giúp học trò phát triển mối liên hệ mang tính xây dựng với việc đánh giá học lực, với những điểm mạnh, điểm yếu, hay sai lầm của bản thân.

– Cam kết (Engagement): khơi gợi, động viên học trò chủ động tham gia các hoạt động trong và ngoài buổi học.

– Quan hệ tích cực  (Relationships): nghĩa là chất lượng của các mối quan hệ giữa học trò với nhau phải được gây dựng dựa trên sự đoàn kết, hợp tác, tương trợ, đồng cảm, giữa học trò với giáo viên.

– Ý nghĩa cuộc sống (Meaning): là ý thức và mong muốn thường trực cải thiện đời sống học đường và luôn thống nhất giữa hệ giá trị và hành động.

– Thành tựu (Achievement): ý thức vượt lên chính mình, phấn đấu trong học tập.


Mô hình của Konu và Rimpelä (2002).

Trên phương diện xã hội học, công trình của hai nhà nghiên cứu Konu và Rimpelä (2002) đã đưa ra mô hình về an vui học đường bao gồm các chỉ số chia thành bốn loại như sau: điều kiện học hành (Having), quan hệ xã hội (Loving), hoàn thiện bản thân (Being) và tình trạng sức khỏe (Health). Căn cứ vào mô hình này, các nhà quản lý có thể đánh giá được tình trạng hay mức độ của chất lượng cuộc sống nơi trường học nói chung hay an vui học đường nói riêng tại cơ sở giáo dục của mình hay của cả nền giáo dục quốc gia.

 

Đánh giá “An vui học đường”: định tính hay định lượng?

 

Để đánh giá được an vui học đường, các nhà quản lý và nhà trường phải nhìn nhận ở bốn phương diện như sau:

– Thể chất (tiến hành đều đặn các hoạt động thể chất).

– Xã hội (mối tương tác với giáo viên và bạn học, cảm giác được là thành viên của cộng đồng).

– Tâm lý (các chủ thể trong môi trường giáo dục có cảm giác an toàn trong các mối quan hệ trong môi trường học đường, hài lòng về đời sống học đường).

– Nhận thức (cảm nhận có năng lực, học tập hiệu quả).

Thông qua bốn phương diện đó, học sinh và giáo viên cảm thấy an vui khi được:

– Tôn trọng và hài lòng về những nhu cầu tâm lý căn bản như cảm thấy an toàn, được công nhận, được lắng nghe, được yêu mến, công bằng.

– Tôn trọng những quyền căn bản: quyền được bảo vệ chống mọi hình thức phân biệt đối xử, quyền tự do thông tin, quyền biểu đạt và tham dự.

– Khả năng biểu đạt cảm xúc và tình cảm khi những nhu cầu hay quyền trên không được tôn trọng.

Từ một thập kỷ trở lại đây, hai ngành khoa học thần kinh cảm xúc và khoa học thần kinh xã hội đã minh chứng cho chúng ta thấy tác động vô cùng quan trọng của thái độ khoan dung (benevolence, bienveillance) trong môi trường giáo dục. Thái độ này biểu hiện ở khả năng của học sinh biết điều tiết cảm xúc trong các mối quan hệ tại trường học (với giáo viên, nhân viên, bạn học), biết thể hiện sự cảm thông với người khác, biết giải quyết các tranh chấp hay mâu thuẫn một cách có trách nhiệm.

Đề xuất tập huấn cho giáo viên, nhân viên ở khối trường phổ thông và mầm non
– Cung cấp và cập nhật kiến thức nghiên cứu khoa học về cảm xúc, trí thông minh cảm xúc, thần kinh học.
– Tổ chức những buổi phân tích thực hành nghiệp vụ thông qua câu chuyện, trải nghiệm, buổi học có ghi hình của giáo viên.
– Tổ chức thường kỳ (theo học kì hay theo tháng) các phiên khai vấn (school coaching) là khoảng không gian- thời gian lắng nghe, quan sát và trao đổi, sẻ chia giữa giáo viên với nhau hoặc giữa giáo viên với nhân viên nhằm giải phóng cảm xúc, giúp cho việc dạy trong lớp và quản lý nhà trường được thuận lợi.

 

Thầy và trò: vòng tròn thiện tâm

 

Người lớn, là phụ huynh và giáo viên, đều hiểu rằng niên thiếu là quãng tuổi đầy khó khăn và khó hiểu của học sinh, do những thay đổi về tâm sinh lý khiến cho tính cách, tâm lý, hành xử cũng biến đổi theo từng tháng, từng năm. Người lớn phải biết tạo ra những điều kiện, môi trường, thái độ, thậm chí cả chiến thuật để giúp học sinh cảm thấy bình an trong hành trình trưởng thành của mình.

Chúng ta vừa nhắc đến sự khoan dung cần tạo ra cho học trò, thì người lớn chúng ta cũng phải biết cách thể hiện sự khoan dung, thiện tâm của mình trước học sinh. Điều này được thể hiện ở nhiều chiều kích: quan tâm và lắng nghe, không phán xét và phê bình, giữ lời hứa và đồng hành, trợ giúp việc học hành… Những điều này giúp tạo dựng cho học trò sự tự tin, tự trọng, ý thức cố gắng phấn đấu, từ đó rèn luyện những kỹ năng tâm lý xã hội, là điều thiết yếu giúp người học sinh hôm nay công dân tương lai hòa nhập vào một xã hội ngày càng phức hợp và đa diện.

Nếu quan sát trong khuôn khổ học đường (lớp học), chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của chất lượng giao tiếp giữa giáo viên với học sinh, nó tác động hoặc tiêu cực hoặc tích cực đến khả năng tiếp thu kiến thức, thái độ của học sinh. Sự giao tiếp này biểu hiện ở ba cấp độ: ngôn (chú trọng đến việc dùng câu, từ), phi ngôn (cử chỉ, điệu bộ, tư thế) và cận ngôn (giọng điệu, ngữ điệu, lưu lượng, âm lượng lời nói). Ba phương diện giao tiếp này tác động trực tiếp đến thái độ và nhu cầu về sự an toàn và niềm tin ở học sinh.

Có ba thời khắc khá tế nhị trong quá trình giảng dạy đứng lớp của giáo viên, đó là khi:

– Một học sinh thể hiện thái độ phản kháng (từ chối hay phản đối) trước một yêu cầu nào đó đến từ giáo viên

– Giáo viên đánh giá trình độ, học lực, ý thức học tập của học sinh

– Giáo viên phải thể hiện cái uy của người lớn


Các nước OECD đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện “an vui học đường” theo từng năm. 

Đó cũng chính là lúc các giáo viên phải hết sức tỉnh táo kiểm soát bản thân và điều tiết, kiểm soát tình huống giao tiếp với học sinh sao cho tiêu chí đạo đức (ethic), bao dung và thiện tâm được coi là kim chỉ nam.

Khuyến khích và thúc đẩy an vui học đường có thể được tiến hành ở hai cách thức: một mang tính cá nhân (chăm sóc thường xuyên xúc cảm và thái độ của từng học sinh và giáo viên) và một mang tính tương tác (chăm chút cho chất lượng quan hệ giữa học sinh và giáo viên). An vui là một phương tiện, điều kiện để đạt được chất lượng học tập ngày càng tốt hơn, phát huy sự nỗ lực, kiên trì, óc sáng tạo và vượt lên chính mình ở người đi học.

 

Có cần một chính sách cho toàn bộ nền giáo dục?

 

Câu trả lời là có! Nền giáo dục của các nước phát triển, đặc biệt thuộc khối OECD, đã thi hành các biện pháp và cải thiện theo từng năm học. Khái niệm “an vui” được hiểu và quan tâm một cách khác nhau ở sáu quốc gia Úc, Tây Ban Nha, Mỹ, Phần Lan, Pháp và Anh. Trong đó, Phần Lan thực sự coi an vui vừa là mục đích giáo dục rõ ràng vừa là điều kiện giáo dục ở cấp quốc gia. Ở năm quốc gia còn lại, an vui được lồng vào các khái niệm khác như sức khỏe học đường, không khí học đường, an toàn, chất lượng cuộc sống, hay phân biệt đối xử… Tuy nhiên, các phương pháp tiếp cận tổng thể (whole school) cũng như các chương trình (curriculum) hướng đến giáo dục cảm xúc và kỹ năng xã hội (Social and Emotional Learning, Personal Social and Health Education) đều trở nên rất phổ biến.

Việt Nam chưa có hẳn một chính sách tầm quốc gia cho nền giáo dục phổ thông về an vui học đường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam không quan tâm đến chủ đề này. Một vài tổ chức như HEARY – Positive Education Center, Wellbeing, ARNEC, Faros… đã tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho giáo viên và phụ huynh. Một số cơ sở giáo dục mầm non hay một vài trường quốc tế tại Việt Nam cũng bắt đầu giảng dạy cho học sinh (British International School Hanoi, Brendon Văn Hiến School, Bilingual Canadian International School…).

Nếu như chưa có chính sách từ Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các nhà trường vẫn có thể dựng nên một bản đồ chiến lược tổng thể ở cấp cơ sở. Một cách lý tưởng, nội dung chương trình nên xuyên suốt từ lớp 1 đến (ít nhất là) lớp 9. Một cách tổng quát, đầu tiên, an vui phải hướng đến từng đối tượng sau, và một cách độc lập, là học sinh và giáo viên (đối tượng thứ ba sẽ là nhân viên), tiếp theo, hướng đến mối tương tác giữa hai đối tượng quan trọng này, sau đó, hướng đến không khí học đường, trang bị và cơ sở vật chất của nhà trường.

– Hướng đến học sinh: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, kỹ năng giao tiếp ứng xử tôn trọng lẫn nhau, đặt trọng tâm vào tinh thần tự học, động lực học và niềm vui học tập

– Hướng đến giáo viên: cập nhật kiến thức, tập huấn nâng cao kỹ năng đối thoại với học sinh

– Trang bị từ nhà trường: cơ sở vật chất thể hiện ở vệ sinh, an toàn, ăn uống…, tạo nên không khí lắng nghe thân thiện, giảm tối đa bạo lực từ lời nói đến hành động

Điều quan trọng là nhà trường đừng gò bó mình vào một khuôn khổ, hình mẫu hay vài tiêu chí mà nên điều chỉnh, thích nghi các biện pháp, và tiến hành khảo sát ý kiến thường kỳ (theo học kỳ hay năm học) từ giáo viên, phụ huynh và học sinh. □

Sáu biện pháp cho giáo viên thực hành để cải thiện an vui cho học sinh, ngay trong lớp học hay ở những giờ ngoại khóa:
1. Thực hành phương pháp giao tiếp không bạo lực (Nonviolent Communication): là cách thức giao tiếp khoan dung dựa vào sự đồng cảm, thấu cảm và không phán xét để tạo nên một không khí bình an.
2. Thiết kế những khoảng thời gian tĩnh: ví dụ sau mỗi giờ ra chơi, để chuẩn bị cho học sinh tập trung quay vào bài học, giáo viên có thể sử dụng những bài tập thở yoga, thiền… trong khoảng 10 phút.
3. Sáng kiến những vật dụng giúp học sinh tự đối thoại với bản thân: đó có thể là sổ tay cá nhân (học sinh hằng ngày có thể viết vẽ bộc lộ cảm xúc suy nghĩ tâm trạng, sử dụng viết như một liệu pháp tinh thần giải tỏa và giải phóng); phong bì hạnh phúc và kỉ niệm (là những tranh, ảnh, thiếp hoặc vật dụng nhỏ mỏng mà các học sinh bỏ vào phong bì để lưu giữ kỉ niệm) ; hay hộp giải stress (trong đó cất những vật dụng cá nhân giúp các bé mẫu giáo được cầm giữ mỗi khi mệt, sợ hoặc buồn trên lớp).
4. Đề xuất những giải pháp giải quyết các mâu thuẫn thông qua các bài tập, kỹ năng đối thoại giữa hai học sinh đang gặp mẫu thuẫn với sự xuất hiện của giáo viên như “trọng tài” để phân tích và giải quyết tình huống một cách khách quan.
5. Khuyến khích các hoạt động hợp tác nhằm mục đích không cạnh tranh hay tranh giành thắng thua, đặc biệt dễ thực hiện trong những bài tập như vẽ, thủ công hay nghệ thuật thị giác trong đó mỗi học sinh đóng góp một phần việc để tạo nên một tác phẩm tập thể.
6. Rèn luyện học sinh điều tiết cảm xúc và giảm stress: ví dụ biết gọi tên những nỗi sợ, lo âu, tìm hiểu nguyên nhân của những cảm xúc tiêu cực, hay tập những bài tập thể chất (thở, đi bộ, tĩnh tâm…) để điều tiết.

—–

1 Ra đời vào năm 1998 thông qua bài diễn văn của Martin Seligman, Chủ tịch Hội Tâm lý học Mỹ, nhân Hội nghị thường niên của Hội này.

Tài liệu tham khảo

Konu, A., Alanen, E., Lintonen, T. et Rimpelä, M. (2002). Factor structure of School Well-being Model. Health Education Research17(6)

Konu, A. et Rimpelä, M. (2002). Well-being in schools: a conceptual model. Health Promotion International17(1)

Báo cáo khoa học “Chất lượng đời sống ở trường học” (CNESCO, 2017) http://www.cnesco.fr/fr/qualite-vie-ecole/

Nguyễn Thụy Phương, Báo cáo “Chất lượng cuộc sống và an vui tại trường học Pháp trong các văn bản chính thống”, Hội đồng quốc gia đánh giá hệ thống học đường (CNESCO – Pháp), 2016 : http://www.cnesco.fr/wp-content/uploads/2016/11/institutions2.pdf

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)