Để kiểm định xong không… để đó

Nếu vẫn giữ tư duy cho rằng kiểm định chất lượng giáo dục đại học là công việc của Bộ, thì e rằng Bộ không thể làm xuể, khi tổng số trường của Việt Nam hiện nay đã lên hơn 400. Trong khi đó, chúng ta đang bỏ phí các nguồn nhân sự miễn phí để giám sát cam kết về chất lượng của các trường, đó chính là người học và gia đình, nhà tuyển dụng lao động, và toàn xã hội.

Trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày Thứ Hai 29/11/2010 có bài phóng sự về công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam với tựa đề chút ít… khiêu khích: “Kiểm định rồi… để đó?”

Một bài viết có lẽ sẽ làm phiền lòng không ít người, đặc biệt là những người đang trực tiếp làm việc tại các bộ phận đảm bảo chất lượng ở các trường đại học và cao đẳng. Vì dù không nói thẳng ra, nhưng bài báo gần như đã kết luận rằng những nỗ lực thực hiện kiểm định chất lượng trong thời gian qua là hoàn toàn vô ích.

Những thông tin được cung cấp trong bài báo cũng không hẳn là sai. Đúng là cho đến nay, sau hơn 5 năm triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục trên toàn quốc, rất nhiều hoạt động đã được thực hiện, trong đó ấn tượng nhất là số lượng trường đã hoàn tất công tác tự đánh giá (237 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đã hoàn tất báo cáo tự đánh giá). Nhưng chất lượng giáo dục đại học thì chưa có một sự chuyển biến nào theo chiều hướng tích cực, nếu không muốn nói rằng hình như còn có vẻ kém đi!

Đâu phải không có thành quả

Thật ra, nếu cho rằng công tác kiểm định chất lượng trong thời gian không làm được gì thì không thật là công bằng. Thử nhớ lại, chỉ mới cách đây một thập niên thôi, những từ ngữ như kiểm định, kiểm toán nội bộ, đảm bảo chất lượng, tự đánh giá, đánh giá ngoài, tiêu chuẩn/tiêu chí đánh giá chất lượng, tổ chức kiểm định độc lập, kiểm định viên,… là hoàn toàn xa lạ, chứ không hề được thảo luận rộng rãi trên báo chí như hiện nay.

Chỉ trong vòng hơn nửa thập niên từ năm 2005 đến nay, việc kiểm định tại Việt Nam đã trở thành một yêu cầu bắt buộc được mọi người chấp nhận, trở thành một công việc thường xuyên đối với mọi trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam. Một hệ thống đầy đủ các quy chế, quy trình, quy định, tài liệu hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định,v.v, đã được soạn thảo và ban hành, và vẫn đang tiếp tục được điều chỉnh, sửa chữa. Bộ máy và nhân sự thực hiện công tác kiểm định cũng đã được thiết lập, được tập huấn bồi dưỡng năng lực cả trong nước và ngoài nước. Và con số các trường đã hoàn tất báo cáo tự đánh giá đã nêu ở trên, cho dù chưa tạo ra những thay đổi lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, tự nó cũng là một thành tựu đáng kể.

Vì đó là những báo cáo được viết với một tinh thần tự phê phán dựa trên những tiêu chuẩn chất lượng thống nhất, với những số liệu và minh chứng cụ thể, cung cấp cho người đọc các thông tin khá xác thực về hiện trạng của các trường. Một hiện trạng, như mọi người đều biết, là không quá tốt đẹp, nhưng trước nay chưa bao giờ được chỉ ra từ bên trong. Và trên hết là những giải pháp khắc phục các nhược điểm mà nhà trường đã chủ động, dù tính khả thi hoặc hiệu quả của những giải pháp này khi áp dụng vẫn còn phải chờ thời gian mới có thể xác định được.

Mà cũng không chỉ là tự đánh giá theo tinh thần tự phê phán. Khác với cách làm từ trước đến nay, những báo cáo tự đánh giá nói trên không chỉ để đọc lên một lần trong hội nghị hoặc gửi lên cấp trên rồi quên mất, mà còn được thẩm định cẩn thận bởi những đồng nghiệp trong các đoàn đánh giá ngoài. Kết quả của việc thẩm định được ghi lại trong báo cáo đánh giá ngoài, được trao đổi trực tiếp với chính trường được đánh giá, rồi sau đó trình lên Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục để đưa ra “phán quyết” cuối cùng về hiện trạng chất lượng của một trường, cùng đưa ra những khuyến nghị để cải thiện.

Như vậy, chỉ riêng việc thay đổi cách làm như đã nêu ở trên, được thực hiện trong bối cảnh chúng ta vẫn có thói quen làm mọi việc theo tinh thần “đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy điểm”, chẳng phải đó đã là những dấu hiệu đầu tiên, dù chưa nhiều của một nền “văn hóa chất lượng” đang hình thành trong ngành giáo dục của Việt Nam? Những thành tựu này, dù nhỏ nhoi, cũng vô cùng đáng quý, sao có thể bỏ qua?

Công bố thông tin: điều kiện để kiểm định phát huy tác dụng

Như vậy, rõ ràng là trong thời gian qua, hoạt động kiểm định cũng có những tác động nhất định, dù chưa nhiều. Vấn đề là bây giờ cần làm gì đây, để công tác kiểm định phát huy được tác dụng như mong đợi của toàn xã hội?

Qua ý kiến của một số đại biểu đã được báo Tuổi Trẻ trích dẫn, dường như trong quan niệm của mọi người thì trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về Bộ GD-ĐT. Và với trách nhiệm đó, Bộ cần thực hiện những công việc cụ thể như “yêu cầu các trường cam kết cải tiến chất lượng và khắc phục các bất cập”.

Thực ra, những cam kết về chất lượng đã được các trường nêu ngay trong các báo cáo tự đánh giá của mình (phần “kế hoạch hành động” trong báo cáo tự đánh giá), mặc dù chúng ta không gọi đó là những “cam kết”. Như vậy, có lẽ Bộ không cần đòi hỏi các trường cam kết thêm nữa, mà quan trọng hơn là giám sát việc thực hiện “cam kết” đã nêu ra trong các báo cáo tự đánh giá chất lượng của các trường.

Nhưng ai sẽ thực hiện việc giám sát này? Nếu vẫn giữ tư duy cho rằng đây là công việc của Bộ, thì e rằng Bộ không thể làm xuể, khi tổng số trường đại học và cao đẳng của Việt Nam hiện nay đã lên đến hơn 400 trường. Với số lượng 10 tiêu chuẩn chất lượng (với 61 tiêu chí) của trường đại học hiện nay, nếu Bộ chỉ kiểm tra thực tế việc cam kết thực hiện chất lượng ở một tiêu chuẩn ở mỗi trường, giả sử mất 1 ngày làm việc để kiểm tra một trường/một tiêu chuẩn, thì cũng phải mất gần 2 năm làm việc (không kể cuối tuần, nghỉ lễ) mới kiểm tra xong một vòng. Mà đó mới chỉ là xét về thời gian, chứ chưa nói đến kinh phí, nhân sự, năng lực thực hiện, và sự công tâm của những người thực hiện giám sát.

Trong khi đó, chúng ta đang bỏ phí các nguồn nhân sự miễn phí để giám sát cam kết về chất lượng của các trường, đó chính là người học và gia đình, nhà tuyển dụng lao động, và toàn xã hội. Vì hiện nay, các báo cáo tự đánh giá và kết quả đánh giá ngoài đã được thực hiện trong những năm qua, dù có thể là chưa hoàn hảo, vẫn chưa được công bố, dù đó là một yêu cầu đã được nêu rõ trong Luật Giáo dục. Vì vậy, nếu có những dư luận chưa tốt về kiểm định, thì điều này có lẽ cũng có thể hiểu được thôi.

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.” Khẩu hiệu này không chỉ quan trọng để tăng cường tính dân chủ trong đời sống chính trị của đất nước, mà có thể áp dụng trực tiếp trong việc quản lý chất lượng giáo dục. Trong điều kiện nguồn lực về thời gian, kinh phí, nhân sự và năng lực thực hiện của chúng ta còn hạn chế, việc công bố rộng rãi những thông tin sẵn có để tạo điều kiện cho toàn xã hội tham gia giám sát chắc chắn sẽ tạo ra “văn hóa chất lượng” và thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam.

Để không còn tình trạng kiểm định xong rồi… để đó!

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)