Điều tuyệt vời về giáo dục sư phạm Phần Lan

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công của giáo dục Phần Lan chính là chất lượng người thầy. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin nêu một số đặc điểm về ngành giáo dục sư phạm của quốc gia Bắc Âu này và ý kiến của Giáo sư Rauni Räsänen, thuộc Khoa Giáo dục của trường Đại học Oulu, Phần Lan.

Nghề cạnh tranh

Để được nhập học ngành sư phạm, đầu tiên, ứng viên sẽ qua hai vòng thi. Vòng thứ nhất tuyển chọn dựa vào đơn xin học và các văn bằng thí sinh có được. Sau đó, những thí sinh được chọn sẽ tham gia kỳ thi đầu vào. Kỳ thi này bao gồm bài kiểm tra viết về kiến thức giáo dục và một cuộc phỏng vấn. Những thí sinh đạt điểm cao nhất từ hai kỳ thi sẽ được nhận vào học. Con đường vào ngành sư phạm là vô cùng cạnh tranh, chỉ có khoảng 10% ứng viên trúng tuyển. Ở trường ĐH Helsinki, năm nay có khoảng 2.000 ứng viên nộp đơn xin vào ngành sư phạm tiểu học, và chỉ có 120 sinh viên được nhận.*

Để trở thành giáo viên, sinh viên học bằng Cử nhân (180 tín chỉ), và tiếp tục học Thạc sỹ (120 tín chỉ). Một tín chỉ theo chuẩn châu Âu tương đương 27 giờ học. Sinh viên sẽ mất khoảng 5 năm để hoàn thành chương trình học 300 tín chỉ này.

Chương trình học Thạc sỹ bao gồm 60 tín chỉ dành cho chuyên ngành dạy, ví dụ như mầm non, lớp chuẩn bị vào lớp 1 (lớp 0, hay gọi là eskarit), tiểu học (bao gồm tất cả các môn học), giáo dục đặc biệt, và hỗ trợ học sinh. Ngoài ra, chương trình còn có các ngành học về kiến thức sư phạm, và kỹ năng đứng lớp do các trường thực hành của Khoa Giáo dục, hoặc các trường được cấp phép đảm nhận. Ví dụ, ở thành phố Oulu, trường thực hành nằm ngay bên kia đường, đối diện Khoa Giáo dục Sư phạm để tạo điều kiện cho sinh viên thực hành. Trường này có tên là Trường tiểu học Thực hành sư phạm Oulu (Oulu Teacher Training Primary School, từ lớp 0 đến lớp 6, cũng là một trường trong mạng lưới UNESCO ASPnet**).

Trò chuyện với Giáo sư Rauni Räsänen – làm việc tại trường ĐH Oulu từ 1986, năm 1994, bà đề xướng chương trình Sư phạm về Giáo dục Quốc tế và Giáo dục Đa văn hóa ở Phần Lan. Năm 2006, bà là người đầu tiên ở Phần Lan, và thứ ba trong Liên minh châu Âu giữ chức danh Giáo sư Giáo dục toàn cầu (Global Education) – chúng tôi được bà cho biết:

“Điều tuyệt vời nhất về giáo dục sư phạm Phần Lan là đất nước chúng tôi có một lịch sử lâu đời trong đào tạo giảng viên đại học, và cả giáo viên mầm non, tiểu học và trung học. Điều thứ hai, dạy học được xem là nghề cao quý ở Phần Lan, nên ngành sư phạm thu hút được nhiều sinh viên, và chỉ có những sinh viên thật sự giỏi và có đam mê nghề nghiệp mới được nhận vào. Đây là hai điều tiên quyết cho ngành giáo dục sư phạm ở đây. Điều thứ ba, ngoài việc thực hành sư phạm ở các trường học phổ thông, chúng tôi còn có trường thực hành sư phạm, trường này cũng thuộc trường đại học. Những giáo viên làm việc trong trường này được đào tạo rất tốt, đặc biệt trong việc hướng dẫn các sinh viên thực tập đứng lớp, hay đưa ra các nhận xét, lời khuyên cho các giáo viên mới vào nghề.”

Hai đặc điểm nền tảng

Bà cũng nhấn mạnh hai nền tảng xã hội, đó chính là nhận thức của công dân trước đây về tầm quan trọng của giáo dục trong việc phát triển con người và kinh tế ở một đất nước Phần Lan nhỏ bé, hứng chịu hậu quả của nhiều cuộc chiến tranh và nghèo nàn về tài nguyên. Bà nói: “Mọi người trong xã hội cho rằng chỉ có thể thông qua giáo dục chúng tôi mới có thể phát triển được. Do đó, mỗi công dân đều phải có quyền hưởng nền giáo dục tốt nhất. Đó cũng là lời cam kết của Chính phủ, và của cả xã hội.”

Thứ hai, đó là “sự tin tưởng” của xã hội vào sự tận tâm cũng như chuyên môn của nhà giáo. Giáo viên trở thành người dẫn dắt và định hướng tương lai của học sinh. Quyền thiêng liêng này được giao phó cho giáo viên từ trên xuống là Nhà nước và từ dưới lên là cha mẹ học sinh. Sinh viên sư phạm được đào tạo để trở thành nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà cố vấn có toàn quyền độc lập trong lớp học. Điều này cũng dễ hiểu vì sao hệ thống đào tạo giáo viên của Phần Lan coi trọng sự phát triển của từng cá nhân sinh viên và lấy nghiên cứu khoa học làm nền tảng.

Cân bằng giữa nghiên cứu và giảng dạy

Từ trước đến nay, ở trường đại học, giảng dạy lúc nào cũng đi đôi với nghiên cứu, nhưng ngày nay được đề cao hơn là xu hướng coi trọng số lượng ấn phẩm nghiên cứu khoa học của giáo viên. Tuy nhiên theo bà Räsänen, “Làm nghiên cứu rất quan trọng, vì nó tạo ra kiến thức làm nền tảng và hỗ trợ việc dạy, nhưng nếu giáo viên ưu tiên việc nghiên cứu, họ sẽ không chăm lo tốt cho việc giảng dạy nữa. Vì vậy giáo viên cần phải biết cân bằng hai nhiệm vụ này.”

Cũng cần nói thêm rằng, vì giáo viên là người dẫn đường cho những thế hệ tương lai của đất nước, nên sự trưởng thành toàn diện của từng cá nhân sinh viên ngành sư phạm được coi là mối quan tâm hàng đầu của hệ thống đào tạo. Lớp học thường có sĩ số thấp, giáo viên dành nhiều thời gian để quan sát việc học tập, viết tự luận, làm việc theo nhóm của sinh viên. Việc phát biểu ý kiến cá nhân, phản ảnh tư tưởng của mình là cần thiết để giáo viên nắm bắt được tính cách, nhân sinh quan, khả năng lãnh đạo của những giáo viên tương lai.

Một điều thú vị mà bà nhấn mạnh, đó là phải tạo cho giáo viên một tầm nhìn quốc tế. Hiểu biết về đất nước mình thôi thì chưa đủ, giáo viên cần phải có cái nhìn rộng về thế giới. “Khi chúng ta nói về hợp tác phát triển quốc tế, Phần Lan thụ hưởng rất nhiều điều quý báu khi có những sinh viên từ khắp nơi đến đây học tập, hoặc sinh viên Phần Lan đi học ở các nơi khác qua các chương trình du học hoặc trao đổi sinh viên, giảng viên giữa các trường trên thế giới với Phần Lan. Nó sẽ đem lại những trải nghiệm giúp hình thành những cách nghĩ và cách làm mới. Một giáo viên có tầm nhìn thế giới bao quát thì mới có thể truyền cho học sinh tinh thần đó được. Điều này rất quan trọng trong thế giới đang toàn cầu hóa ngày nay.”

——————-

* Theo luận văn của tác giả Lahti-Hommeyer, L. (2010) Mười yếu tố của nền giáo dục xuất sắc Phần Lan, và theo Pasi Sahlberg, trong bài Câu chuyện giáo dục thành công Phần Lan. (http://seattletimes. com/html/localnews/2019676789_finland14m.html, ngày 3/12/2012).

** Dự án Trường học của UNESCO, là một chương trình được thành lập vào năm 1953 nhằm khuyến khích các trường học trên toàn thế giới giáo dục học sinh về các vấn đề liên quan đến “thúc đẩy hòa bình và thấu hiểu đối với cộng đồng quốc tế”.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)