Đổi mới kỳ thi quốc gia: Cơ hội để đổi mới việc dạy học

TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, cho rằng, việc đổi sang phương án một kỳ thi quốc gia chung (gọi là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia) là cơ hội hết sức quan trọng để có thể thay đổi việc dạy học theo hướng hướng nghiệp sớm và giảm tải.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố phương án một kỳ thi quốc gia chung thay thế thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học, ông đánh giá thế nào về phương án này?

– Trong thời gian ngắn, Bộ đưa ra được phương án đổi mới thi cử là cố gắng rất lớn để thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Cũng cần nói cho rõ là phương án mà Bộ công bố khác biệt rất lớn so với việc tổ chức hai kỳ thi quốc gia (là thi tốt nghiệp và thi đại học) trước đây.

Phương án này ban đầu được đưa ra với ba cách thức thực hiện liên quan đến việc thi theo môn hay thi theo bài gồm nhiều môn. Việc lựa chọn cách nào đều có ưu – nhược điểm riêng vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tâm lý xã hội thường dị ứng khi tiếp xúc với cái mới, mới ít thì triển khai an toàn hơn là mới nhiều. Cuối cùng, cách thức thi theo môn đã được lựa chọn.

Lâu nay Việt Nam vẫn tổ chức thi theo môn, việc kiểm tra trong các trường phổ thông cũng theo môn học. Bởi thế, thi theo môn sẽ thay đổi ít hơn là thi theo bài, thuận lợi hơn cho thói quen học, thi, ra đề, tổ chức thi cử, chấm thi của cả thầy và trò.

Theo ông phương án thi mới có kéo theo các thay đổi trong việc dạy học không?

– Đổi mới thi cử là khâu đột phá, tuy nhiên kèm theo thi cử cần phải thực hiện ngay các thay đổi khác liên quan dạy và học. Theo tôi, với cách thi mới này, các lớp 10-11-12 chỉ cần học sáu môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Với các môn không học, kiến thức về các môn này ở THCS là đủ vào đời. Đây là thay đổi mang tính “ăn theo” hết sức quan trọng, hỗ trợ cho hướng nghiệp sớm và giảm tải. Học phổ thông theo các môn tự chọn cũng là thông lệ của nhiều nước tiên tiến, với Việt Nam thì phù hợp quan điểm học gì thi nấy và tâm lý không thi thì không học.

Nhiều học sinh lo lắng thực hiện ngay kỳ thi quốc gia chung trong năm 2015 sẽ có ít thời gian chuẩn bị, ông suy nghĩ thế nào?

– Một năm chuẩn bị là quá đủ, kéo dài cũng không mang lại thêm giá trị gia tăng gì hơn. Thực tế, việc thay đổi thi tốt nghiệp phổ thông năm 2014 vừa qua (từ sáu môn bắt buộc thành bốn môn tự chọn) cho thấy, để thực hiện thay đổi thi cử không nhất thiết cần thời gian chuẩn bị dài. Mặt khác, ý tưởng về thi chung không phải mới xuất hiện trong nghị quyết Hội nghị TW 8, mà đã bàn năm năm nay rồi.

Kỳ thi chung phải đảm bảo những yếu tố gì để các đại học yên tâm sử dụng kết quả xét tuyển, thưa ông?

– Để thuận lợi hơn cho các trường đại học trong việc xét tuyển, cuộc thi quốc gia này cần tổ chức ở mức độ nghiêm túc cao nhất để kết quả có độ tin cậy cao, đồng thời đề thi có mức độ phân hóa cao để phân biệt được trình độ của thí sinh.

Điều tôi lo ngại là làm thế nào để thi nghiêm túc trong bối cảnh tiêu cực và bệnh thành tích giáo dục còn nặng nề. Trong đề án nên có nội dung liên quan việc thắt chặt kỷ cương thi cử, chẳng hạn truất quyền học sau phổ thông cho thí sinh vi phạm, loại ra khỏi ngành các giám thi vi phạm, quy kết trách nhiệm và xử lý kỷ luật lãnh đạo các địa phương để xảy ra tiêu cực. Thậm chí nếu cần thì hình sự hóa các hành vi vi phạm để có tác dụng ngăn ngừa.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Chiều 9/9, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã công bố thông tin kỳ thi quốc gia chung, bắt đầu triển khai từ năm 2015 với sáu nội dung cơ bản sau:

1. Chỉ còn một kỳ thi quốc gia duy nhất.

Từ năm 2015, tổ chức một kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia) lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Dự kiến, kỳ thi THPT quốc gia hằng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Trong năm 2015, kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12 tháng.

2. Thí sinh phải thi bốn môn tối thiểu.

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi  bốn môn (gọi là bốn môn thi tối thiểu) gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

Ngoài bốn môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Với những thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.

3. Đề thi phân hóa trình độ thí sinh.

Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: Thi tự luận, thời gian thi 180 phút; các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút.

Đề thi đánh giá thí sinh ở bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.

4. Tổ chức thi theo cụm.

Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD-ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực.

Tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các Sở GD-ĐT chủ trì.

5. Xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Các Sở GD-ĐT kết hợp sử dụng kết quả bốn môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

6. Đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng sau khi làm bài thi.

Trước ngày 01 tháng 01 hằng năm, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng (gọi chung là trường ĐH, CĐ) công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.

Căn cứ kết quả thi, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế.

Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.

Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai Đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)