Đổi mới tuyển sinh tại Hàn Quốc

Tờ Chonicle of Higher Education ngày 23/1/2011 đăng một bài viết rất đáng đọc, giới thiệu những thay đổi trong tuyển sinh đại học tại Hàn Quốc.

Với cái tựa “Đi tìm một hình mẫu sinh viên mới”, bài viết cho ta biết mục đích của việc cải cách tuyển sinh ở HQ là tìm những sinh viên không chỉ chăm học, thuộc bài, luôn trả lời đúng các đáp án đã học và có điểm số cao nhất ở mọi môn thi, mà còn tìm những sinh viên khác biệt, những người có tư duy phản biện, sáng tạo, lòng khao khát tri thức và sự đam mê nghề nghiệp. Đó là một cách làm rất đáng để cho chúng ta học tập trong kế hoạch đổi mới tuyển sinh như một bước trong nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam.

Bài báo mở đầu bằng một câu chuyện thú vị:

Trong khi gần 700.000 học sinh ưu tú đối mặt với kỳ thi tuyển sinh đại học khắc nghiệt diễn ra tại Hàn Quốc trong tháng 11 vừa qua, thì anh chàng Yu Hwa Young lại đang chơi tàu lượn cao tốc và chụp ảnh tại công viên Everland. Sao lại thế nhỉ?

“Mọi người rất ganh tị” – anh chàng 19 tuổi vừa tốt nghiệp từ trường THPT Posung cho biết.

Yu không tham dự kỳ thi tuyển sinh vì anh đã chính thức được nhận vào học ngành Quan hệ quốc tế tại trường Đại học Sogang; anh được nhận dựa trên số điểm TOEFL gần như tuyệt đối, một bài phỏng vấn, và các hoạt động ngoại khóa mà anh đã tham gia khi còn là học sinh trung học như tham gia vào tờ báo của trường và mô hình giả lập Hội đồng Liên hiệp quốc dành cho giới trẻ.

Việc cải cách tuyển sinh ở Hàn Quốc thực ra đã được bàn đến từ nhiều năm qua. Theo một bài viết trên tờ Korea Joongang Daily ngày 8/2/2011, hệ thống tuyển sinh ở Hàn Quốc hiện nay bị phê phán là quá cứng nhắc vì bị chính quyền trung ương khống chế quá chặt chẽ, làm mất đi tính tự chủ vốn rất cần thiết để các trường đại học có thể hoạt động một cách hiệu quả nhất để hoàn thành sứ mạng riêng và trong điều kiện riêng của từng trường.

Theo một bài viết đăng trên tờ Korea Herald ngày 23/11/2010, hiện nay việc tuyển sinh tại HQ đang dựa trên một bài thi chuẩn hóa (standardized test) theo kiểu SAT. Thí sinh dự thi trong một ngày với bài thi kéo dài đến 9 tiếng (!), và kết quả của nó là căn cứ duy nhất để quyết định xem học sinh sẽ được nhận vào học ở trường nào. Tất nhiên là một kỳ thi mang tính cạnh tranh khốc liệt như vậy hẳn phải gây rất nhiều áp lực đối với học sinh, và việc không đạt kỳ thi này gần như đồng nghĩa với việc kết thúc mọi mộng ước tương lai. Đó là lý do tại sao theo tờ báo thì hàng năm sau khi có kết quả kỳ thi thì lại có hàng loạt vụ tự tử. Và có đến 48% học sinh Hàn đã từng nghĩ đến việc tự sát, tờ báo này cho biết.

Rõ ràng là kỳ thi đầy áp lực và chỉ chú trọng năng lực hàn lâm rất hạn hẹp này cần được cải cách. Nhưng cải cách ra sao? Dưới đây là cách thức tuyển sinh mới được áp dụng tại Đại học Quốc gia Seoul được tờ Chronicle of Higher Education giới thiệu trong bài viết ngày 23/1/2011 đã nêu.

Đại học Quốc gia Seoul, trường đại học công hàng đầu tại Hàn Quốc, là một trong số những trường đại học đầu tiên áp dụng quy chế tuyển sinh riêng của họ.

“Khi chúng tôi mới bắt đầu công việc này, chúng tôi thậm chí còn không có chức danh phù hợp. Chúng tôi được là những chuyên gia nghiên cứu.” – trích lời của ông Lee Seung Yeon, một cán bộ tuyển sinh bắt đầu làm việc tại Đại học Quốc gia Seoul từ năm 2001 trong một xó của phòng hành chính. Trong suốt thập niên sau đó, với sự trợ giúp từ các nhà tư vấn từ Đại học California tại Berkeley và Đại học Cornell, các cán bộ tuyển sinh đã tổng hợp được một phương pháp không chỉ để xét tuyển điểm số hoặc thứ hạng mà còn cả chất lượng của việc chuẩn bị của các thí sinh nữa.

Ngày nay, Đại học Quốc gia Seoul đã có 24 cán bộ tuyển sinh và cả một tòa nhà dành riêng cho họ. Treo trên tường trong văn phòng của vị trưởng phòng là một bản vẽ của một cơ sở hạ tầng hiện đại trong tương lai. Phòng tuyển sinh điều phối một hệ thống phức tạp hơn trước đây rất nhiều, hệ thống này gồm 3 hướng tuyển sinh khác nhau nhằm tuyển cho trường khoảng 3.000 tân sinh viên hàng năm.

Hướng tuyển sinh quan trọng nhất cho phép các học sinh thể hiện hết các điểm mạnh của mình thay vì yêu cầu họ đạt được điểm số tối đa ở mỗi môn thi. Đa số các thí sinh phải tham gia kỳ thi tuyển sinh, nhưng họ cũng được đánh giá dựa trên điểm học phổ thông, thư giới thiệu từ các giáo viên, các bài luận, và những bằng chứng về năng khiếu cũng như sự quan tâm của học sinh trong lĩnh vực mà họ lựa chọn.

Hướng tuyển sinh thứ hai chú trọng vào sự đa dạng về khu vực địa lý của sinh viên, hướng tuyển sinh này nhắm đến các học sinh có thứ hạng cao nhất tại mỗi trường trung học tại Hàn Quốc, tuy nhiên, các cán bộ tuyển sinh cho biết tiêu chí tuyển sinh theo hướng này sẽ được mở rộng trong tương lai. Hướng tuyển sinh cuối cùng dựa vào phương pháp truyền thống là điểm trung bình chung học tập và kết quả kỳ thi tuyển sinh. Vì vậy, trong khi một số học sinh quan tâm đến những tiêu chí tuyển sinh chuyên biệt hơn thì số còn lại vẫn tiếp tục miệt mài học tập nhằm đạt được điểm số cao nhất có thể được.

Các cán bộ tuyển sinh cho biết qua quá trình tuyển sinh mở rộng, họ đã tuyển được những sinh viên mà trước đây có thể sẽ không bao giờ vào được những trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc. Trong số các sinh viên này có những người gặp trở ngại trong học tập vào những năm đầu đời nhưng lại đạt được nhiều thành công sau đó, hoặc những sinh viên đầu tiên trong vòng 30 năm qua từ một vùng nông thôn có thể vào được các trường đại học danh giá, khi những vùng nông thôn này có ít khả năng tiếp cận với dịch vụ học thêm vốn rất phổ biến tại Seoul.

Đại học Quốc gia Seoul đã phải tổ chức những lớp đào tạo từ trình độ thấp hơn, kể cả những lớp phụ đạo cho những sinh viên thiếu một số kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý tin rằng họ đang tuyển ngày càng nhiều những sinh viên thực sự quan tâm đến chuyên ngành mà họ lựa chọn chứ không phải là những sinh viên chỉ chú trọng việc có được một tấm bằng danh giá nhất để lận lưng.

Việc vun đắp cho lòng khát khao tri thức cũng là một ưu tiên mới đối với các trường đại học, trong niềm hy vọng sẽ thu hút được những lãnh đạo tương lai của đất nước.

Như vậy là cùng với Trung Quốc, vốn cũng đang cải cách tuyển sinh theo hướng làm giảm áp lực đối với thí sinh và gia đình, Hàn Quốc đã mạnh dạn đổi mới tuyển sinh bằng cách học tập từ hệ thống tuyển sinh đa dạng của Mỹ và áp dụng sáng tạo vào bối cảnh của mình. Điểm rất đáng chú ý của việc đổi mới tuyển sinh tại Hàn Quốc là việc tăng thêm các yếu tố xét tuyển – không chỉ chú trọng năng lực học tập hàn lâm, mà còn các yếu tố khác như các năng khiếu âm nhạc, thể thao, hoạt động xã hội… Tất cả nhằm tạo ra một nguồn tuyển đa dạng cho các trường đại học để có được những tài năng cho xã hội sau này. Vì một nguồn tuyển sinh tốt chắc chắn sẽ giúp tạo ra những trường đại học có chất lượng tốt, tiếp tục phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)