Đột phá trong giáo dục đại học

Chúng ta có thể đào tạo được những học sinh phổ thông đạt trình độ đỉnh cao quốc tế ở hầu hết các môn học. Nhưng kết quả sẽ ra sao nếu ta tham gia những cuộc thi như “sinh viên giỏi quốc tế”, “cao học quốc tế”, “nghiên cứu sinh quốc tế”, hay “giáo sư quốc tế”?

Nhìn lại thành tích của học sinh phổ thông nước ta tại các kỳ thi Olympic quốc tế 40 năm qua cho thấy rất rõ rằng, chúng ta có thể đào tạo được những học sinh phổ thông đạt trình độ đỉnh cao quốc tế ở hầu hết các môn học. Đó là một thành tích rất đáng tự hào, dù có người cho rằng, có quan trọng gì đâu cái huy chương vàng Olympic toán học, vì thực ra nó nào có liên quan thiết thực gì đến kinh tế, xã hội. Nếu nói vậy thì chắc cũng chẳng nên thi chạy 100 mét, 5.000 mét, thi đi bộ làm gì, khi mà có thể dùng ôtô, máy bay! Nói cho cùng, các cuộc thi đó đều chứng tỏ khát khao của con người trong việc nâng cao khả năng của mình, cả về cơ bắp lẫn đầu óc. Và thắng lợi trong những cuộc thi đó không thể nói là không có ý nghĩa!

Nhưng nếu có cuộc thi “sinh viên giỏi quốc tế”, tôi chắc thành tích của sinh viên ta sẽ không thể cao như vậy, và sẽ còn thấp hơn nếu có cuộc thi “cao học quốc tế”, “nghiên cứu sinh quốc tế”, và đặc biệt kết quả sẽ rất thấp nếu thi “giáo sư quốc tế”! Dĩ nhiên không có các kỳ thi giả tưởng đó, vì không cần thi, người ta đã biết ai thắng, ai thua: chỉ cần nhìn vào chất lượng của nền giáo dục mỗi nước là biết ngay.

Vậy đâu là nguyên nhân?

Thành tích cao của học sinh phổ thông của chúng ta phần nhiều do hệ thống trường chuyên mang lại. Các trường chuyên được sự quan tâm lớn của Nhà nước, và đặc biệt là các gia đình học sinh. Như vậy, sự đầu tư của xã hội cho một bộ phận học sinh giỏi của chúng ta ở bậc phổ thông có lẽ cũng không thua kém các nước khác. Tuy nhiên, sang đến bậc đại học và cao hơn nữa thì rất khác. Chúng ta chưa đầu tư đúng mức đến việc xây dựng những trường đại học có thể ngang tầm quốc tế. Vậy mà đối với xã hội thì lớp người tốt nghiệp đại học mới thực sự là hạt nhân của sự phát triển, chứ đâu phải là học sinh tốt nghiệp phổ thông. Xem ra, người ta biết đầu tư đúng chỗ hơn ta. Bởi thế nên càng lên, họ càng vượt hẳn chúng ta. Trong khi mỗi tỉnh thành của chúng ta đều có một trường chuyên, không kể bốn trường chuyên phổ thông đặt ở các đại học (Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM), thì cho đến nay, chúng ta chưa có lấy một cơ sở đào tạo sau đại học nào được đầu tư lớn để có thể hy vọng ngang tầm quốc tế. Hệ thống giáo dục đại học như nhận xét của giáo sư Pierre Darriulat “chạy theo sự hào nhoáng của tên gọi các ngành học, các trường đại học đua nhau mở các khóa kinh tế học, quản trị, marketing, nhưng sự thật là đa phần họ chỉ đào tạo ra những giao dịch viên ngân hàng, những nhân viên bàn giấy, những đốc công, và những người bán hàng… rất nhiều sinh viên uổng phí bốn năm học chỉ để làm một việc là quên lãng dần những kiến thức phổ thông bởi các trường đại học không nghiêm túc kiểm soát chất lượng kiến thức của người học nhưng vẫn cấp bằng, điểm số được chấm một cách dễ dãi”. Còn việc đào tạo tiến sỹ – những người thầy, nhà khoa học tương lai, chưa từng ở đâu sử dụng một quy trình với những quy định vừa phức tạp, vừa không thực tế với khoa học Việt Nam, làm khốn khổ những người trung thực, đồng thời tạo cơ hội cho việc mua bán bằng cấp… Cũng như vậy, không nhiều giáo sư của chúng ta từ cơ sở vật chất, thiết bị, kinh phí nghiên cứu, điều kiện thăng tiến, lương bổng… đâu có “ngang tầm quốc tế”, nên cũng khó hy vọng trong một thời gian gần, có được một đội ngũ “giáo sư giỏi” như mong muốn.

Nói cho cùng, nếu muốn đạt thành tích cao trong những cuộc thi giả tưởng kể trên, chúng ta cần xem lại chính sách đầu tư trong giáo dục, và cần mạnh dạn có những đột phá trong đầu tư vào đào tạo đại học và  sau đại học, như chúng ta từng đột phá trong việc xây dựng các lớp chuyên phổ thông để có kết quả như ngày hôm nay.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)