Dự thảo Luật Giáo dục đại học và vấn đề trao quyền tự chủ

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng việc trao quyền tự chủ cho các trường là mục tiêu xuyên suốt của Dự thảo Luật Giáo dục đại học đang chờ được thông qua.

Chiều 26/10, GS. TS. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cuộc họp báo giới thiệu dự án Luật Giáo dục đại học.

Căn cứ xây dựng Dự thảo

Sau khi trình bày các nội dung mới cơ bản của Dự thảo Luật Giáo dục đại học như: trao quyền tự chủ cho các trường đại học, xác định chỉ tiêu tuyển sinh gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, xã hội hóa, gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng…, ông Ngô Kim Khôi, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cho biết: “Khi xây dựng dự thảo, chúng tôi đã căn cứ vào báo cáo tổng kết giáo dục đại học từ năm 1986 tới nay, đồng thời, có tham khảo toàn bộ tài liệu, dự án luật của các nước Nga, Na Uy, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức”.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho biết thêm: “Luật Giáo dục đại học căn cứ vào đường lối, chính sách và mở đường cho giáo dục đại học có hiệu quả theo xu hướng của thế giới. Trong dự thảo luật này đã có quy hoạch mạng lưới, căn cứ vào văn bản quy hoạch phát triển nhân lực và chiến lược phát triển nhân lực 2011 – 2020”.

Trao quyền tự chủ – mục tiêu xuyên suốt của Dự thảo

Trong những điểm mới của Dự thảo Luật Giáo dục đại học, việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học tiếp tục được giới truyền thông quan tâm nhiều nhất: cơ chế kiểm định, giám sát được thực hiện ra sao; thực tế quy định hiệu trưởng đồng thời là chủ tịch hội đồng nhà trường liệu có dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bên cạnh đó, phân tầng có liên quan đến tự chủ tự chịu trách nhiệm như thế nào.

Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Văn Ga cho biết: “Hội đồng trường là thiết chế không thể thiếu khi giao quyền tự chủ cho các trường đại học. Từ khi ban hành Luật Giáo dục sau đó được sửa đổi, mới chỉ có hơn 10 trường có hội đồng trường trong số hơn 400 trường đại học, cao đẳng. Luật Giáo dục đại học cụ thể hóa người đứng đầu hội đồng trường là giám đốc hoặc hiệu trưởng. Không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi” vì hiệu trưởng chỉ là một thành viên của hội đồng trường, mọi quyết nghị, chủ trương chính sách đều do cả hội đồng trường ra. Hiệu trưởng được sự kiểm soát của cả hội đồng trường. Như trong doanh nghiệp vẫn có giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị. Chúng tôi tin khi Luật Giáo dục đại học được ban hành thì hội đồng trường sẽ là thiết chế quan trọng để thực hiện quyền tự chủ.”

Ông nhấn mạnh trao quyền tự chủ phải gắn liền với cam kết chịu trách nhiệm và phải có lộ trình theo từng bước: “Việc trao quyền tự chủ cho các trường là mục tiêu xuyên suốt của Dự thảo Luật Giáo dục đại học. Tự chủ phải đi kèm với tự chịu trách nhiệm, nhưng vấn đề này hiện nay vẫn chưa được thực hiện tốt.”

Tự chủ và vấn đề tuyển sinh: liệu có bỏ “ba chung”?

Trước câu hỏi về phương thức tuyển sinh sẽ đổi mới ở điểm nào, ông Ngô Kim Khôi trả lời sẽ thực hiện tuyển sinh “ba chung” có điều chỉnh sau đó tiếp tục trao quyền tự chủ theo lộ trình từng bước: “Đã có quy định phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Hiện nay chúng ta đang làm ba chung. Trong Dự thảo Luật Giáo dục đại học chúng tôi cũng căn cứ vào Luật Giáo dục để quy định phương thức tuyển sinh có lộ trình và điều kiện. Nếu Dự thảo Luật Giáo dục đại học được thông qua, chúng ta sẽ giao quyền tự chủ dựa trên năng lực, kết quả kiểm định. Những năm tới sẽ tiếp tục thực hiện ba chung có điều chỉnh, từng bước thực hiện tự chủ có điều kiện theo lộ trình.”

Ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết sẽ cố gắng cao nhất để đảm bảo sự bình đẳng giữa các trường công lập và ngoài công lập: “Với các trường đại học tư thục, chúng tôi cho rằng sự phân biệt rõ nhất giữa công lập và tư thục chỉ là nguồn vốn đầu tư, công lập là do nhà nước đầu tư, tư thục được các cá nhân, tổ chức đầu tư. Những sự khác biệt ấy bắt nguồn từ vốn đầu tư, còn lại cố gắng đến mức cao nhất không có sự phân biệt, đảm bảo sự bình đẳng trong giáo dục đại học.”

Ông Thanh lưu ý thêm rằng tự chủ đảm bảo sự năng động sáng tạo nhưng phải công khai, được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người học: “Tự chủ là vấn đề rất lớn, có tự chủ mới đảm bảo sự năng động, sáng tạo nhưng lưu ý 4 điểm: thứ nhất tự chủ đi với tự chịu trách nhiệm; thứ hai, tự chủ có điều kiện theo quy định của pháp luật; thứ ba là yêu cầu công khai và minh bạch đã được nêu rõ trong luật lần này; thứ tư là kiểm tra, kiểm soát, không chỉ nhà nước kiểm tra mà xã hội có thể kiểm tra được. Luật Giáo dục đại học lần này quy định rõ ràng hơn điều kiện hoạt động, đình chỉ, giải thể, quyền lợi của sinh viên đã được tính đến khi các trường bị giải thể. Thực tế đã có chuyển người học sang các trường khác theo đúng chuyên ngành tuyển sinh. Luật này cố gắng đảm bảo cao nhất quyền của người học.”

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)