Đưa xếp hạng vào chính sách phát triển giáo dục đại học?

Liệu Việt Nam có nên đưa thêm xếp hạng đại học vào chính sách phát triển giáo dục đại học của quốc gia như một công cụ giúp các trường giải trình trách nhiệm với xã hội và nâng cao chất lượng hay không?

Trong khi cơ chế đảm bảo chất lượng hiện nay vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa giúp các trường thật sự cải tiến chất lượng của mình?

Các ý kiến ủng hộ cho rằng, xếp hạng quốc tế sẽ giúp Việt Nam biết mình ở đâu trên thế giới để phấn đấu và có định hướng phát triển phù hợp. Các ý kiến phản đối tỏ ra hoài nghi việc tham gia xếp hạng đại học sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng giáo dục. Cả hai khả năng đều có thể xảy ra.

 

Năm 2017, Nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam gồm các chuyên gia độc lập đã tiến hành và công bố một bảng xếp hạng tổng thể đối với 49 trường đại học. Từ trái qua: TS Giáp Văn Dương, TS Lưu Quang Hưng, và TS Nguyễn Ngọc Anh đại diện cho Nhóm tại buổi tọa đàm về báo cáo, Hà Nội, 06/09/2017. Ảnh: Thu Quỳnh

Ciện trên thế giới có khoảng hơn 50 hệ thống xếp hạng quốc gia và hơn 10 bảng xếp hạng quốc tế. Tuy nhiên chỉ có ba bảng xếp hạng quốc tế nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng: bảng xếp hạng QS, THE và ARWU. Dù có nhiều ý kiến trái chiều về mục đích, sự cần thiết của xếp hạng quốc tế cũng như như phương pháp mà các tổ chức xếp hạng sử dụng thì xu hướng này vẫn ngày càng phát triển và trở thành một thành tố đương nhiên của quốc tế hóa giáo dục.

Ưu và nhược điểm

Ưu điểm của xếp hạng đại học là nó cung cấp một gói thông tin tương đối đơn giản, có thể quản lý được và dễ tiếp cận về cái được gọi là “chất lượng giáo dục” của các trường đại học theo thứ hạng.

Sự ra đời của bảng xếp hạng xuất phát từ nhu cầu có thông tin giúp các đối tượng khác nhau đưa ra quyết định chọn trường, chọn đối tác trong thời đại “đại chúng hoá giáo dục đại học” và sự đa dạng của hệ thống giáo dục đại học toàn cầu. Sinh viên dùng thông tin xếp hạng chọn trường để theo học, phụ huynh dùng chúng để quyết định đầu tư cho con em. Chính phủ và các nhà tài trợ dùng xếp hạng để quyết định trường sẽ được tài trợ, đầu tư hay cung cấp học bổng. Các công ty tư nhân dùng xếp hạng để tìm đối tác hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu. Giảng viên xác định đối tác tham gia vào nghiên cứu của họ qua xếp hạng. Các nhà làm chính sách và bản thân các trường dùng xếp hạng để xem xét thế mạnh của hệ thống giáo dục đại học quốc gia và của từng trường nhằm xác định các lĩnh vực cần đầu tư cải tiến chất lượng…

Đáng chú ý nhất là, xếp hạng đã khuyến khích các trường minh bạch thông tin và tăng cường trách nhiệm giải trình. Càng ngày các trường đại học càng nhận thấy rõ mình phải giải trình cho công chúng về hiệu quả hoạt động dựa trên các tiêu chuẩn do các tổ chức xếp hạng hay các cơ quan giám sát chất lượng khác đưa ra.

Các mặt hạn chế của xếp hạng được xác định bao gồm thiếu tập trung vào chất lượng giảng dạy và trách nhiệm xã hội của một trường đại học. Ví dụ, một trong những tiêu chí đo lường chất lượng giảng dạy là tỷ lệ giảng viên/sinh viên, trong khi tỷ lệ này không nói lên được gì về chất lượng thật sự diễn ra trong các lớp học. Cho dù một số tổ chức xếp hạng đang thay đổi các tiêu chí đánh giá theo hướng bao gồm các chỉ số về chất lượng giảng dạy thì những nỗ lực của họ cũng không thể lượng hóa được chất lượng giảng dạy.

Chỉ dựa vào một bộ chỉ số giới hạn của các tổ chức xếp hạng cũng không thể phản ánh hết được các trường dù là các trường đẳng cấp thế giới, huống hồ hơn 17.000 cơ sở giáo dục đại học trên thế giới. Việc so sánh và chạy theo các chỉ số này có phải là đang đi ngược xu hướng đa dạng hóa hệ thống đại học trên thế giới, mcdonald hóa các trường đẳng cấp quốc tế, và vô hình trung tách họ ra khỏi ngữ cảnh kinh tế xã hội của một quốc gia?

Cuối cùng, vì thứ hạng trong bảng xếp hạng có thể tác động đến nguồn tài trợ và khả năng hợp tác đã dẫn đến việc các trường, vì những khuyến khích sai lầm, “thổi phồng” khả năng thực sự của họ để đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng.

Chỉ nên xem là công cụ tham khảo

Hầu hết các tổ chức xếp hạng quốc tế là các công ty thương mại và hoạt động theo cơ chế thị trường. Nếu các trường đại học Việt Nam có đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật thì họ có quyền tham gia vào bất cứ tổ chức xếp hạng nào phù hợp với sứ mạng và chiến lược phát triển của họ.

Xếp hạng quốc tế chỉ nên được xem là công cụ tham khảo nếu nó phù hợp với sứ mạng của từng trường và của từng quốc gia. Các quan ngại gần đây chủ yếu xoay quanh việc chạy theo các chỉ số xếp hạng sẽ làm các trường không hiểu hết ý nghĩa thật sự của các con số và càng làm kiệt quệ nguồn lực hạn chế của các trường đại học mà không thật sự hướng tới chất lượng bền vững. Thay vì nỗ lực tập trung nguồn lực trực tiếp vào xếp hạng, chính phủ và các trường nên có các giải pháp về mặt chiến lược, tập trung trực tiếp vào tái cấu trúc hệ thống giáo dục theo hướng tăng năng lực cạnh tranh cho quốc gia trong thời đại kinh tế toàn cầu.

Xếp hạng có giúp nâng cao chất lượng giáo dục và năng lực cạnh tranh của quốc gia? Câu trả lời sẽ nằm ở con đường mà các trường đại học chọn đi nhằm đạt được mục đích nâng cao chất lượng của mình, chứ không phải bản thân thứ hạng họ đạt được.

Bảng xếp hạng của riêng Việt Nam?

Để trả lời cho câu hỏi này, nên xem xét tại sao Việt Nam cần một bảng xếp hạng riêng cho các trường đại học của mình trong tổng quan chiến lược phát triển giáo dục đại học. Cần làm rõ cơ chế quản trị đại học nào Việt Nam đang theo đuổi và vai trò của bảng xếp hạng quốc gia cũng như mức độ tự chủ của các trường, cơ chế và trách nhiệm giải trình, vai trò của kiểm định chất lượng giáo dục trong mối tương quan với xếp hạng đại học.

Nếu không xét tất cả các yếu tố này và nếu bị áp đặt từ trên xuống thì xếp hạng đại học sẽ trở thành gánh nặng cho các trường và xu hướng tuân thủ theo hướng đối phó là điều hiển nhiên. Đó là chưa kể, việc theo đuổi một bảng xếp hạng quốc gia theo hướng áp đặt còn đi ngược với chính sách giao quyền tự chủ cho các trường.

Nếu có, hãy để thị trường làm công việc này. Các đơn vị, các cá nhân, tổ chức có năng lực và có mong muốn tự xây dựng bảng xếp hạng cho mình thì họ có quyền làm việc đó và các trường có quyền tham gia hoặc không tham gia.

Nguồn: Khoa học và phát triển

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)