Đừng làm con rắn tự ăn đuôi mình

Tuyển sinh bằng mọi giá, không quan tâm người học có phù hợp với mục tiêu đào tạo của mình, các trường sẽ giống như con rắn tự ăn đuôi mình.

 


Năm nay, các trường sư phạm truyền thống vẫn có đầu vào khá cao. Trong ảnh: Sinh viên ngành Sư phạm Toán Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Nguồn: tuyensinh.ued.udn.vn.

Điểm chuẩn tuyển sinh cao đẳng, đại học năm nay được cho là cao kỷ lục, đặc biệt dễ thấy ở các ngành an ninh, quân sự: Điểm chuẩn với ngành Ngôn ngữ Anh (Học viện An ninh Nhân dân) lên đến 30,5 (sau khi đã tính điểm cộng ưu tiên). Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân y cũng có ngành phải 30 điểm mới đỗ. Ở chiều ngược lại, trong khối ngành sư phạm, nhiều trường đại học có điểm chuẩn bằng điểm sàn (15,5), hệ cao đẳng giảm xuống chỉ còn 9-10 điểm.

Có nhiều yếu tố quyết định điểm chuẩn đầu vào của một cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học, trong đó quan trọng nhất là triển vọng việc làm và thu nhập sau khi ra trường, rồi mới đến uy tín của nhà trường. Những yếu tố này tạo ra cung – cầu trên thị trường tuyển sinh, và đến lượt mình, cán cân cung – cầu quyết định trực tiếp điểm đầu vào của từng trường. Điều này có thể thấy rất rõ trong xu hướng đổ xô vào ngành an ninh, quân sự, khiến điểm đầu vào bị đẩy lên tới mức tối đa như đã nêu ở trên.  

Có hai điểm đáng chú ý trong các yếu tố ảnh hưởng đến điểm chuẩn đầu vào. Một là triển vọng việc làm và thu nhập. Người học dựa vào đâu để phán đoán, nhận định về triển vọng việc làm và thu nhập? Chúng ta không có một cơ sở dữ liệu nào đáng tin cậy để cung cấp cho người học, bởi vậy người học chủ yếu dựa vào quan sát cá nhân. Quan sát đó có thể đúng hoặc sai. Thêm nữa, nếu nhìn xa hơn thì một nghề có thể kiếm ra nhiều tiền hôm nay nhưng ngày mai có thể biến mất hoặc không còn triển vọng thu nhập cao như thế nữa. Hai là vấn đề uy tín của các trường – uy tín này có thể phụ thuộc vào chất lượng đào tạo (biểu hiện qua thành công của cựu sinh viên), và cũng có thể phụ thuộc vào cách nhà trường xây dựng hình ảnh và truyền thông ra bên ngoài, trong đó có việc gây ấn tượng với người học về cơ sở vật chất của mình. Chúng ta đang cố gắng xây dựng uy tín các trường theo những chuẩn mực thông thường của quốc tế, tức là thông qua kiểm định chất lượng. Quan sát cách các trường xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và đi qua quá trình kiểm định, có thể thấy hoạt động này đang góp phần tích cực vào việc chuẩn hóa hoạt động của các trường.

Người ta thường nói rằng “đầu vào là rác thì đầu ra cũng là rác” để nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng đầu vào. Nói như vậy là cực đoan, nhưng không phải không có phần sự thật. Một xuất phát điểm quá thấp thì rất khó có hy vọng tạo ra đột phá trong kết quả.

Tuy nhiên, cần lưu ý, trong bối cảnh Việt Nam, không chắc điểm đầu vào các trường hiện nay thực sự phản ánh đúng chất lượng của người học. Thật vô lý khi chúng ta tuyển người học chỉ dựa vào điểm thi ba môn. Cho dù là kỳ thi nghiêm túc và đề thi được thiết kế tốt, thì điểm thi cũng chỉ phản ánh một phần nhỏ những gì mà nhà trường cần phải đánh giá nơi người học để chọn người phù hợp. Những người có điểm thi thấp không nhất thiết là những người kém cỏi, bỏ đi. Họ có thể là những người đã bị lạc hướng, bị cả một nền giáo dục cứng nhắc đè nén những thiên hướng cá nhân, bị vùi dập lòng tự tin và mất hết hy vọng vào tương lai mặc dù họ có những tiềm năng nhất định chưa được đánh thức.

Vì những lý do nói trên, cách tuyển sinh của ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) là một gợi ý đáng quan tâm: trường không chọn những người có điểm tốt nhất, mà những người có đam mê và có phẩm chất xã hội. Theo bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, “Thành tích trong công việc hoặc quá trình học tập trước đó sẽ không phải là yếu tố quan trọng nhất. Điều thực sự quan trọng là sự quan tâm của thí sinh với ngành học cũng như việc chứng minh họ sẽ ứng dụng kiến thức như thế nào trong tương lai để phục vụ cộng đồng”.

Thực ra tuyển sinh như thế nào là việc của từng trường, và cách tuyển sinh phải nhất quán với mục tiêu mà nhà trường hướng tới, sứ mạng mà nhà trường xác định cho mình. Với định hướng nổi bật trong đào tạo về chính sách công, cách tuyển sinh như trên hoàn toàn thích hợp với FUV. Nhưng một trường đại học khác, nhắm vào một phân khúc người học khác và đáp ứng một nhu cầu khác của xã hội, thì lại phải có những tiêu chí tuyển sinh khác.

Điều có lẽ cần nhấn mạnh ở đây là, nếu các trường không tuyển đúng người học phù hợp với mục tiêu đào tạo của mình, vơ bèo vạt tép, ai học cũng được miễn là trả tiền, như nhận định của một vị hiệu trưởng mới đây1, thì họ đang là con rắn tự ăn cái đuôi của mình.

Nói tóm lại, với một đầu vào thấp thì nhà trường phải cực kỳ mạnh mẽ để có thể tạo ra giá trị gia tăng cho người học và bảo đảm kết quả đầu ra. Tiếc là phần lớn các trường chưa có những cải cách mạnh mẽ như vậy, vẫn chạy theo thi cử, bằng cấp – người học chỉ muốn có bằng, còn nhà trường thì nghĩ mình tuân thủ các quy định, làm việc đúng quy trình, cấp bằng cho người học là xong bổn phận. Hệ quả tất yếu là đầu vào thấp thì đầu ra cũng chẳng được cải thiện bao nhiêu, bằng cấp bị lạm phát, thật giả lẫn lộn, khiến tất cả các bên đều thiệt thòi. Cũng có thể có người hưởng lợi từ tình trạng đó, nhưng cái lợi của những người này được trả giá bằng mất mát của cả xã hội.

Riêng về thực tế năm nay học sinh chỉ cần đạt 9-10 điểm/ba môn cũng đỗ vào ngành sư phạm, đành rằng báo chí đã quá tô đậm con số bi quan mà quên chỉ ra, ngoài một số trường cao đẳng và đại học địa phương, các trường sư phạm truyền thống vẫn có đầu vào khá cao, như trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất là 27,75 điểm (đối với ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh), song cũng không thể phủ nhận, hệ thống các trường sư phạm đang thật sự đối mặt với đòi hỏi cải cách hay là tiếp tục “rớt giá”. Các trường sư phạm là nơi cung cấp nguồn giáo viên chủ yếu cho các trường công cũng như trường tư. Chất lượng thấp của giáo viên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng giáo dục, đó là điều hiển nhiên. Điều đáng nói hơn là, do những bất cập này, các trường tư đang nở rộ để đáp ứng nhu cầu vô cùng lớn của phụ huynh. Một số trường tư đã huấn luyện lại giáo viên của mình để đảm bảo chất lượng giáo dục, và họ rất thành công trong việc tạo ra chất lượng khác biệt. Tất nhiên, học phí của những trường tư danh tiếng thì không thể thấp. Hiện trạng đó tạo ra rào cản đối với việc tiếp cận cơ hội giáo dục có chất lượng cho thành phần thu nhập thấp, làm hạn chế mức độ dịch chuyển xã hội và giãn rộng khoảng cách bất công. Đối với giáo dục phổ thông, tạo ra thêm lựa chọn khác nhau cho những thành phần khác nhau trong xã hội là một điều tốt, nhưng nhà nước không thể phó mặc cho thị trường, vì điều này sẽ tạo ra tiềm năng cho bất ổn xã hội. Vì thế, cải cách hệ thống sư phạm, và cùng với nó là cải cách giáo dục phổ thông, là một nhu cầu vô cùng bức thiết hiện nay. Và đó là một trách nhiệm đã tạo nên tính chính danh của nhà nước.

Theo thống kê của OECD, tỷ lệ thanh niên Việt Nam ở độ tuổi 18-24 đang học đại học chiếm khoảng 30%. Điều đó có nghĩa, chúng ta đã ở mức giữa của nền giáo dục đại học đại chúng (dành cho số đông), thay vì nền giáo dục đại học tinh hoa (dành cho số ít) với tỷ lệ tương ứng dưới 15% như 10-20 năm trước kia. Nền giáo dục đại học đại chúng đòi hỏi cách thức quản lý nhà nước đối với các trường phải chuyển biến từ nhà nước kiểm soát (controlling government) sang nhà nước giám sát (supervising government) mà theo đó, các trường sẽ có quyền tự chủ trong hoạt động của mình, bao gồm quyền tự chủ tuyển sinh. Kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học toàn quốc trước kia là một hoạt động cần thiết của giáo dục đại học tinh hoa và về cơ bản đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Tuy vậy, kỳ thi mới “2 trong 1” áp dụng trong hai năm gần đây dường như vẫn còn hơi hướng của cách tiếp cận “giáo dục tinh hoa” khi vẫn cố ghép mục tiêu thi cao đẳng, đại học bên cạnh mục tiêu thi tốt nghiệp THPT. Và đây có lẽ là nguyên nhân tạo ra những rắc rối không cần thiết của kỳ tuyển sinh vừa qua (ví dụ, thí sinh 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1). Thiết nghĩ, tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần mạnh dạn bỏ hẳn mục tiêu “thi đại học” và chỉ giữ lại mục tiêu tốt nghiệp THPT; đồng thời trả lại các trường quyền tự quyết (và đương nhiên là quyền tự chịu trách nhiệm) trong tuyển sinh đầu vào của mình. Khi đó, các trường cao đẳng, đại học, tùy vào sứ mệnh, nhiệm vụ của mình, sẽ tự đề ra tiêu chí đánh giá sinh viên hoặc dùng luôn kết quả thi THPT làm căn cứ đánh giá.
Phạm Hiệp

———
1 Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định, do sự tồn tại của mình, không loại trừ việc một số cơ sở muốn tuyển sinh bằng mọi giá. (http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/33872502-can-manh-dan-cai-to-he-thong-truong-su-pham.html)

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)