Giải pháp căn bản và toàn diện cho nền giáo dục hiện đại

Vừa qua GS. Hồ Ngọc Đại đã có buổi thuyết trình với Ban Tuyên giáo Trung ương về Giải pháp căn bản và toàn diện cho nền giáo dục hiện đại. Tia Sáng xin trích đăng bản thuyết trình đó.


I- ĐỊNH HƯỚNG LÝ THUYẾT


1. Cái căn bản và toàn diện
của giáo dục hiện đại biểu hiện ở đâu?
– Ở Hướng đi Cách làm.
Hướng đi sai mà càng làm đúng thì càng sai.
Hướng đi đúng thì càng làm càng đúng hơn.

Năm 1978, mở Trường Thực nghiệm tại Hà Nội, công trình nghiên cứu khoa học giáo dục theo phương thức thực nghiệm đã đi theo đường lối:
Hướng đi. Hiện đại hoá nền giáo dục.
Cách làm. Công nghệ hoá quá trình giáo dục.
Công nghệ hoá quá trình giáo dục mới thực sự là cách hiện đại hoá nó.
Hiện đại hoá nền giáo dục thì mới có thể tạo ra bước phát triển căn bản và toàn diện.

2. Giải pháp phát triển giáo dục
Nên dùng thuật ngữ phát triển thay cho những “đổi mới”, “chấn hưng”, “cải cách”… giáo dục.

a. Về khái niệm phát triển
* Một trình độ phát triển là một thực thể tự nhiên, đã tồn tại như thế nào thì nó là thế ấy, một cách tự nhiên, với những ưu / khuyết điểm tự nhiên của chính nó. Nó đã thuộc về quá khứ thì vĩnh viễn là quá khứ, không thể làm gì với nó nữa. Hãy vui vẻ chấp nhận quá khứ ấy.
* Câu chuyện đáng nói là bước phát triển sắp tới. Một trình độ phát triển đặc trưng bởi cái mới lần đầu tiên được tạo ra theo nguyên lý mới, với tất cả những ưu / khuyết điểm của chính cái mới ấy.
b. Cái mới trong đời sống xã hội làm “cơ sở vật chất” cho giải pháp giáo dục hiện nay là gì?
* Về trẻ em. Tất cả 100% trẻ em sinh ra năm đầu tiên của thế kỷ XXI, năm 2001, đến năm 2007, đều vào học lớp Một và đến năm 2019, đều đi bầu đại biểu quốc hội: Tất cả 100% dân cư hiện đại là sản phẩm chính cống của giáo dục nhà trường.
* Về xã hội. Năm 2020, nước ta về cơ bản là nước công nghiệp. Lúc đó, nguồn cung cấp sức lao động cho nền sản xuất hiện đại đều phải là sản phẩm giáo dục, cả 100%.
c. Sứ mệnh của giáo dục trong xã hội hiện đại là gì?
* Cho cá nhân hưởng giáo dục được sống bình thường tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày.
Ngày trước, 95% dân cư thất học vẫn sống bình thường.
Ngày nay, chỉ để được sống bình thường, cả 100% dân cư phải đi học.

* Cho xã hội được yên lành, cho gia đình yên ấm, cho trẻ em hạnh phúc.
Khẩu hiệu của Trường Thực nghiệm Hà Nội từ năm 1978:
– Đi học là hạnh phúc.
– Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui.

3. Chủ động tạo ra cái mới
a. Lịch sử là lịch sử tự nhiên (Marx), vận động theo logic nội tại, với những ưu / khuyết điểm của chính mình.
* Giáo dục cần phải đáp ứng nhu cầu sống của thời đại.
Nền giáo dục cũ, tính từ thời Khổng Tử, tồn tại hàng ngàn năm cùng với nền sản xuất tiểu nông – tiểu thủ công , theo xu hướng ngày càng hoàn thiện hơn cái hiện có, bằng cách “Phát huy ưu điểm / khắc phục khuyết điểm” của nó.
Phương thức tổng kết kinh nghiệm nhằm “Phát huy ưu điểm / khắc phục khuyết điểm” cái hiện có thì chỉ có giá trị trong vòng phấn nguyên lý của nó thôi ! Triệt để phát huy ưu điểm / khắc phục khuyết điểm của cày chìa vôi thì vẫn cứ là cày chìa vôi, không thể thành máy cày thuộc nguyên lý mới.
* Thực tiễn giáo dục là một hình thái tư duy giáo dục. Ở mỗi trình độ phát triển lịch sử, phương pháp tư duy là anh em ruột của phương thức sản xuất vật chất cùng thời.
Thời tiểu nông trì trệ hàng ngàn năm, tư duy dựa vào kinh nghiệm nhằm hoàn thiện cái hiện có, đưa nó đến tận giới hạn nguyên lý của nó.
Thời hiện đại (tính từ khi xác lập nền sản xuất đại công nghiệp) tư duy dựa vào khoa học (lý thuyết), rồi đi thẳng đến công nghệ (thực tiễn). Mỗi cái mới chưa kịp định hình để “rút kinh nghiệm” thì đã cũ, bị vượt bỏ.
Từ tư duy kinh nghiệm sang tư duy khoa học, nhân loại thực hiện bước nhảy từ tự phát sang tự giác về sự vận động lịch sử, cũng như về hành vi của mình.
b. Nhu cầu sống được đáp ứng bằng giá trị của sản phẩm làm ra, mà giá trị này thì tuỳ thuộc vào kỹ thuật làm ra nó.
Xét theo nguyên lý, kỹ thuật sản xuất vật chất như thế nào thì cũng như thế ấy kỹ thuật giáo dục cùng thời.
Nghiệp vụ sư phạm cũ dùng công thức :
Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ
thực thi theo kỹ thuật “tiểu nông”, làm ra sản phẩm may rủi (học tài thi phận).
Nghiệp vụ sư phạm hiện đại đưa ra công thức:
Thầy thiết kế – Trò thi công
kèm theo công nghệ thực thi.
Có hai loại công nghệ cấp cho Nghiệp vụ sư phạm hiện đại.
Công nghệ Học (CnH) dùng trong lĩnh vực khoa học (hệ thống khái niệm khoa học) làm ra sản phẩm tất yếu (như sản phẩm của công nghệ sản xuất vật chất). Làm theo CnH thì ai cũng làm được, ai làm cũng như ai, làm gì được nấy, làm đâu chắc đấy, làm bao nhiêu có bấy nhiêu…
Công nghệ giáo dục (CGD) dành cho hai lĩnh vực nghệ thuật / lối sống, làm ra sản phẩm mong muốn, vì có nhân tố phụ thuộc vào đặc điểm cá nhân.
CGD hay CnH đều làm ra khái niệm. Khái niệm là sản phẩm dứt khoát của CnH, nhưng chỉ là bán thành phẩm đưa vào CGD.
Hegel chia ra 3 lĩnh vực tinh thần: Khoa học / Nghệ thuật / Tôn giáo.
Với Nghiệp vụ sư phạm hiện đại, lĩnh vực khoa học dùng CnH. Còn Nghệ thuật / Lối sống (đạo đức) thì dùng CGD.
Công nghệ nói chung, Công nghệ sản xuất, Công nghệ Học (CnH), Công nghệ giáo dục (CGD)… đều là các quá trình tự giác, được tổ chức và kiểm soát.
c. Nhờ có công nghệ sản xuất vật chất của đại công nghiệp, tư duy dùng sức mạnh vật chất thực thi bước chuyển dứt khoát từ Phạm trù người sang Phạm trù cá nhân.
Trong giáo dục, kỹ thuật “ Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ ” dùng tính đồng loạt để nâng cao năng suất giáo dục (một Thầy cho nhiều Trò). Ngày nay, Công nghệ Thầy thiết kế cho Trò thi công còn nâng cao hơn nữa năng suất, bằng cách cá thể hoá quá trình giáo dục.
Dựa vào Bản thiết kế có tính đồng loạt, mỗi cá nhân thực thi theo năng lực cá nhân mình. Ai cũng làm hết sức (nhưng không quá sức), không cản trở ai, cũng không bị ai cản trở. Mỗi cá nhân tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình thì bằng cách đó mà tự trở thành chính mình (ngôn ngữ triết học: Mỗi cá nhân tự sinh ra mình).
Mỗi trình độ kỹ thuật là một hình thái trực quan của tư duy. Thuở ban đầu, tư duy giáo dục chỉ biết xử lý đồng loạt vì thời đó, giáo dục cũng như cá nhân còn là thể đồng nhất trừu tượng. Tư duy giáo dục hiện đại với trình độ phát triển cao hơn đã nhìn nhận nó cụ thể hơn, đã biết cách phân tích thực thể trừu tượng ấy ra các thành phần cấu thành và phát hiện ra mối quan hệ nội tại giữa các thành phần đó.

II. THIẾT KẾ GIẢI PHÁP
Có thể hình dung thiết kế “Giải pháp căn bản và toàn diện” cho nền giáo dục hiện đại như thiết kế một nhà máy hiện đại, sản xuất theo công nghệ hiện đại.
– Có bộ khung “nhà” ở bên ngoài.
– Có thiết bị “máy” ở bên trong.
Trước hết, cần xây ngôi nhà.
Ngày trước, dựng nhà cổ truyền 5 gian thì chỉ mấy người giàu kinh nghiệm cũng có thể chỉ bảo, vì cái ngôi nhà gọi là “mới” thì chỉ mới về vật liệu: thay tranh bằng tôn, thay vách đất bằng tấm nhựa…
Ngày nay, dựng nhà 5 tầng thì phải thay đổi căn bản và toàn diện cách làm.

1. Khung nhà:
Giáo dục phổ thông hiện đại.
Giáo dục phổ thông là một thực thể phát triển, ăn khớp với logic phát triển tự nhiên, qua các lứa tuổi của trẻ em hiện đại.
• Điểm xuất phát: Trẻ em 6 tuổi vào lớp Một.
• Lộ trình: Có hai phương án để chọn lựa (hoặc một, hoặc cả hai):
10 năm = 5 tiểu học + 5 trung học
11 năm = 6 tiểu học +5 trung học
Trong vòng 20 – 30 năm tới, nên chú ý hơn đến bậc tiểu học. Tất cả 100% trẻ em hiện đại buộc phải qua bậc tiểu học. Cả 100% dân cư đều có một trình độ học vấn tối thiểu vững chắc để sống bình thường là đáng mừng lắm rồi!

Lý giải
– Đầu thế kỷ XX, học xong tiểu học có thể đi làm, nhưng chỉ có số ít người được học.
– Đầu thế kỷ XXI, cả 100% trẻ em đều được học và phải học xong tiểu học thì mới có thể sống bình thường trong xã hội hiện đại.
Thời học tiểu học là thời hình thành nhân cách, với chất người và chất cá nhân, làm nên cái gốc văn hoá của đời người. Từ 0 đến 11/12 tuổi, em có chất văn hoá thì sau này văn hoá cá nhân em đặc trưng bởi tinh chất ấy.
Tiểu học là bậc học hoàn chỉnh, thuần Việt, vững chắc như gốc cây, như móng nhà. Thời học tiểu học phải đọng lại trong em niềm vui và hạnh phúc đi học, đi với em suốt đời.
Sang thời học trung học, từ 12/ 13 tuổi, em có nhu cầu vượt ra khỏi “vòng tay” gia đình, theo hướng “hội nhập” ngày càng sâu vào xã hội bên ngoài. Nên ủng hộ và tạo cơ hội cho em hội nhập (kể cả hội nhập quốc tế).
Trung học không phải là bậc học hoàn chỉnh. Trước đó, nó tuỳ thuộc vào “tiểu học” và sau đó, nó tuỳ thuộc vào sức lao động chuyên biệt cần có để đi làm.
Học xong trung học phổ thông, em chưa thể trực tiếp trở thành người lao động sản xuất của xã hội đương thời, em còn phải được đào tạo để có sức lao động cần thiết.

Kiến nghị :

Xét theo lợi ích cơ bản của đời người hiện đại, xin kiến nghị:
1. Không nên biến Mẫu giáo thành bậc học. Hãy để cho bé được hưởng trọn vẹn hạnh phúc tuổi thơ hồn nhiên trời cho.
2. Không nên kéo dài 12 năm giáo dục phổ thông : lãng phí thời gian và làm mất hứng thú học.
3. Các năm học trong một bậc học có thể xê dịch, tuỳ theo sự phát triển cá nhân. Nền giáo dục hiện đại cho cả 100% trẻ em nên hiểu theo nghĩa : nền giáo dục dành cho từng em một !

2. Thiết bị bên trong
cơ bản nhất là sách giáo khoa cho Trò tự học (có Thầy).
– Thời Khổng Tử, sách “giáo khoa” lời lời châu ngọc của Thánh hiền, vang vọng từ trên cao, từ cõi thiêng chín tầng mây.
– Sách giáo khoa “Chương trình năm 2000” là “pháp lệnh” đầy quyền uy hành chính độc quyền.

– Sách giáo khoa ở Trường Thực nghiệm thì “đời” lắm, đủ mọi sự trần gian, vui có, buồn có, trang nghiêm có, bông lơn có, có cả lời thánh hiền lẫn lời muông thú…
* Sách giáo khoa với tư cách một khái niệm của Nghiệp vụ sư phạm hiện đại là gì ?
Trên giấy, sách giáo khoa là một hình thái cảm tính, trực quan, thiết kế dọc theo tiến trình tư duy của trẻ em đang phát triển.
Nói đến tư duy là nói đến khái niệm tư duy có được và dùng để tư duy.
• Sách khoa học thuần là khái niệm.
• Sách nghệ thuật/sách đạo đức thì dùng khái niệm làm cốt lõi “vật chất”.

Trên thực tiễn sư phạm, sách giáo khoa vừa là công cụ, vừa là phương tiện, vừa là điều kiện, vừa là vật liệu… cấp cho Trò để tự làm ra sản phẩm giáo dục cho mình.
Có thể hình dung, Trò dùng sách giáo khoa như công nhân hiện đại dựa trên bản thiết kế, dùng thiết bị, vật liệu vật chất… để thi công làm ra sản phẩm.
Về tư duy giáo dục, sách giáo khoa là hình thái vật thể, trực quan, cảm tính của nguyên lý giáo dục, của nghiệp vụ sư phạm.
Các tác giả thiết kế Chương trình – sách giáo khoa xưa nay cãi nhau nên theo nguyên tắc nào : đồng tâm hay đường thẳng.
– Cách suy nghĩ (tư duy) giống hệt các cô gái đắn đo kén chồng : chọn con trai hay đàn ông.
* Sách giáo khoa ở Trường Thực nghiệm căn cứ vào tiến trình phát triển tự nhiên của trẻ em hiện đại, thiết kế theo 3 nguyên tắc :
1. Phát triển (về chất).
2. Chuẩn mực (tính hàn lâm).
3. Tối thiểu (về lượng).
Phát triển tự nhiên (của sự sống, của tư duy) đi theo tiến trình tự nhiên, từ trừu tượng đến cụ thể. Ở điểm xuất phát, thực thể phát triển còn là một thể đồng nhất trừu tượng. Rời khỏi đó, thực thể ấy tự phân hoá (một bước đi về phía cụ thể hơn).
Môn Tiếng Việt lớp Một CnH xuất phát từ Lời → Tách lời ra từng Tiếng nguyên khối → Tách Tiếng ra ba phần → Tách Tiếng ra từng âm vị → Dùng chữ ghi âm vị và ghi Tiếng.

III. THỰC THI GIẢI PHÁP

Một Giải pháp giáo dục có tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa lịch sử có thể có nhiều phương án. Bản này chỉ là một, thậm chí mới là một Đề cương. Tác giả không mong có một lợi ích nào khác bên ngoài lợi ích của bản thân giải pháp.
Độ an toàn của một giải pháp giáo dục, dù triển khai ở bất cứ cấp nào, trên bất cứ mảnh đất nào của Tổ quốc Việt Nam, cũng phải đảm bảo tối đa lợi ích cho Trẻ em hiện đại, vì tiến trình phát triển và trưởng thành tự nhiên qua các lứa tuổi của cả thế hệ và của từng em, vì hạnh phúc tuổi thơ.
Lương tâm và trí tuệ của thời đại chắc chắn sẽ tìm được giải pháp đích đáng.

Một giải pháp theo đúng khái niệm của nó là phải khả thi (về lý thuyết), rồi phải được thực thi, chuyển thành một hình thái trực quan cảm tính trong thực tiễn cuộc sống.
Sách giáo khoa tuy đã có một hình thái vật thể, trực quan, cảm tính… nhưng vẫn thuộc phạm trù lý thuyết, còn ở bên này – tinh thần. Nó phải sang được bên kia – thực tiễn. Thực hiện “bước nhảy sinh mệnh” này là Nghiệp vụ sư phạm.
1. Nghiệp vụ sư phạm hiện đại được “định nghĩa” bằng CnH và CGD.
CnH và CGD là một loại công nghệ, giống như “công nghệ lò cao” đặc trưng cho một công nghệ sản xuất xi măng.
CnH và CGD tự định nghĩa mình bằng cả lý thuyết lẫn thực tiễn.
Trường Thực nghiệm là một hình thái thực tiễn, thực chứng, thực tế, thực dụng của CnH và CGD. Mô hình này từng được đưa về 43 tỉnh / thành trong cả nước.
Toàn bộ sách ký tên Hồ Ngọc Đại đã xuất bản (12 quyển) quy về một tư tưởng khoa học dẫn đến CnH và CGD.

2. Trường sư phạm hiện đại được “định nghĩa” bằng Nghiệp vụ sư phạm hiện đại.
Khoa học cơ bản của Trường sư phạm gọi là Khoa học sư phạm, dưới hình thái CnH và CGD, bao gồm cả lý thuyết (khoa học) và thực tiễn hành nghề (công nghệ).
Ở Trường sư phạm, các tri thức xưa quen gọi là khoa học cơ bản như Toán, Lý, Ngôn ngữ… thì nay chỉ là vật liệu đưa vào CnH và CGD, giống như clinker đưa vào công nghệ xi măng.

Trường sư phạm là một nguồn cấp nhân lực cho Giải pháp, theo 3 chức năng :
Nghiên cứu để thiết kế CnH và CGD, rồi thi công mẫu, lập mô hình.
Đào tạo nhân lực để thực thi và tiếp nhận CnH và CGD.
Quản lý quá trình thực thi, như quản lý việc nhập công nghệ mới.
Ngoài ra, nên đưa cha mẹ học sinh (nhân vật thứ ba) vào cấu trúc chung của Nghiệp vụ sư phạm, như một nhân tố hữu cơ. Thuộc phạm trù “nhân vật thứ ba” còn có các nhân vật và tổ chức xã hội – chính trị. Tất cả (không có ngoại lệ) đều bị quy định nghiêm ngặt bởi Nghiệp vụ sư phạm hiện đại, bởi CnH và CGD, vì toàn xã hội cùng “làm ra” một sản phẩm chung là cá nhân học sinh.
3. Các bước triển khai Giải pháp
Giải pháp được triển khai theo chiều từ trên xuống. Nếu có phản hồi từ dưới (feedback) thì điều chỉnh từ trên.

Tác giả