GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC: Từ góc nhìn tâm lý học

Tâm lý học không mô tả sự phát triển, mà tạo ra sự phát triển cần phải có. Nói cách khác, chủ động hình thành Cái mới là vấn đề cốt tử của Tâm lý học giáo dục (Tâm lý học sư phạm và lứa tuổi). Vấn đề cốt tử này có thể gom vào hai chữ: cái và cách.

Một nền tâm lý học, dù nói ra hay hiểu ngầm, phải có cơ sở triết học, mà toàn bộ triết học, nói như Hegel, thâu tóm vào phương pháp.

Vừa là sản phẩm vừa là kẻ làm ra sản phẩm, phương pháp đặc trưng cho tư duy. Đương nhiên, tư duy chẳng qua là một biểu hiện tập trung của một trình độ phát triển Phạm trù người.

Phạm trù người lúc mới sinh, cũng như đứa trẻ vừa lọt lòng, thừa hưởng những thành tựu hàng triệu triệu năm phát triển của lịch sử tự nhiên, đáng kể nhất là công nghệ sinh đẻcơ chế thụ thai, từ đó, không chờ đến lượt Trời cho, mà nếu muốn thì cá nhân cứ tự tiện làm lấy việc “sinh đẻ” (thụ thai nhân tạo). hoàn hảo đầy bí ẩn. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, người Nhật mới “xé toang bức màn che giấu sự bí ẩn” ấy, phát hiện ra

Hai thế kỷ sau, ngay năm đầu tiên thế kỷ XXI, người Mỹ công bố Bản đồ gene, cho biết Trẻ em hiện đại sinh ra có đến 99,9% số gene giống nhau. Tận dụng sự khác biệt nhỏ nhoi chỉ 0,1% Trời để ngỏ, mỗi cá nhân cũng đủ trở thành chính mình, không lẫn với kẻ thứ hai. Nhân đây, xin “mở ngoặc” nói đến sự hiểu lầm rất non triết học, cho rằng: con người = con + người.

Với Phạm trù “con”, lịch sử tự nhiên đã hoàn thiện công nghệ sinh đẻ làm ra sản phẩm tất yếu là cơ thể (con), rồi cho không mọi loài. Nhận của cho không ấy, chỉ một loài duy nhất biết dùng nó như một điều kiện vật chất, để tạo ra cái mới và do đó tự sinh ra mình: Phạm trù người.

Phạm trù người thừa hưởng cơ thể Trời cho như một cơ sở vật chất có sẵn, hoàn thiện, không cần thêm bớt gì nữa, chẳng hạn, chẳng cần mọc thêm sừng cho oai. Công nghệ sinh đẻ và sản phẩm của nó (cơ thể) đã đưa lịch sử phát triển đến Phạm trù “con”. Loài người đã dùng cái có sẵn ấy như một “vật chứa” để chứa cái mới do Người sáng tạo ra: Tinh thần (trí tuệ, tình cảm, niềm tin…).
Người hiện đại là một thực thể tinh thần, – “định nghĩa” cộc lốc này khẳng định Phạm trù người là sản phẩm sau cùng của toàn bộ lịch sử tự nhiên trước đó và tiếp tục phát triển theo logích nội tại của mình, thì tất yếu đi đến Phạm trù cá nhân.
Mỗi cá nhân hiện đại có hai thành phần cấu thành, mỗi thành phần đảm nhận một chức năng (do đó phải tồn tại vì nhau, cho nhau): Cơ thể (vật chất) – Tinh thần (chất người).
Cơ thể người hiện đại không còn là cơ thể hoang dại Trời cho thuở nguyên sơ. Ngày nay, “cơ thể” còn bao hàm cả những gì do Người sáng tạo ra: nhà cửa, đường sá, máy móc, nhà trường, sách vở… tất cả những gì có hình thái trực quan cảm tính đều là “cơ thể” chứa Tinh thần. Ai cũng biết một cá nhân rất vĩ đại về Tinh thần, nhưng “chứa” trong một cơ thể nhỏ con, cao 1,53cm (Marx). Cũng vậy, hàng ngàn năm nay, những người thường cầu xin Thượng đế, chưa một ai dám chắc Ngài là đàn ông hay đàn bà.
Trẻ em hiện đại là hình ảnh trực quan trung thành với Phạm trù người và Phạm trù cá nhân. Cơ thể của em là do Trời đất làm ra theo Công nghệ sinh đẻ rất hoàn thiện. Ngay từ giây phút đầu tiên cho đến khi chào đời và sống trong đời, cơ thể em trưởng thành theo một lộ trình vạch sẵn từ trong bụng mẹ.
Tinh thần là sản phẩm nhân tạo, do em tự tạo ra cho mình. Tinh thần phát triển bằng những Cái mới lần đầu tiên hình thành trong đời. Cái mới này thực ra chỉ “mới” đối với em, chứ đã có sẵn trong Cuộc sống đương thời. Vì vậy, để có thể phát triển được, em phải sống trong xã hội loài người, sống chung với Người lớn.
Trẻ em là một phạm trù phát triển, phát triển cùng với Phạm trù người. Thuở nguyên sơ, Tuổi thơ (thời trẻ con) rất ngắn và trừu tượng. Phạm trù người càng phát triển, Tuổi thơ càng dài ra và phân hoá.
Ở thế kỷ XVIII, Trẻ em 6 tuổi đã đi làm như một người lao động sản xuất, như một Người lớn (cứ liệu của Marx). Thời đó, Phạm trù người còn kém phát triển nên “cơ thể” của nó cũng còn non: Nền sản xuất thời đó chỉ cần đến sức lao động chân tay với sức mạnh cơ bắp của một cơ thể 6 tuổi.
Trẻ em hiện đại đã phát triển rất xa, nên đã phân hoá thành nhiều lứa tuổi:
0 – 2; 3 – 5; 6 – 12; 13 – 17; …
Các lứa tuổi hiển hiện một cách trực quan ở cơ thể, trong quá trình trưởng thành, là cơ sở vật chất cho quá trình phát triển tinh thần. Tâm lý học thế kỷ XX phát hiện ra mỗi lứa tuổi đặc trưng bởi cái mới do cá nhân tự tạo ra bằng Hoạt động chủ đạo.
Cái mới do Hoạt động chủ đạo tạo ra được xử lý trên cơ sở kế thừa. Có hai cách kế thừa khác nhau về nguyên lý. Cách quen thuộc nhất nhưng ngây ngô về triết học là kéo dài cái hiện có bằng cách cải tiến nó trong giới hạn nguyên lý hiện hành. Cách thứ hai có giá trị triết học đích thực là phủ định (biện chứng) nguyên lý hiện hành, hình thành nguyên lý mới.
Cái mới theo nguyên lý mới là một cấu tạo mới, với những thành phần cấu thành mới, trong đó có thể có nhân tố cũ, nhưng đã thay đổi vị trí, vai trò vốn có cho phù hợp với cấu tạo mới, như cày chìa vôi chỉ còn là một chi tiết của máy cày. Chỉ có Cái mới mới có tư cách khẳng định một trình độ phát triển. Tâm lý học không mô tả sự phát triển, mà tạo ra sự phát triển cần phải có. Nói cách khác, chủ động hình thành Cái mới là vấn đề cốt tử của Tâm lý học giáo dục (Tâm lý học sư phạm và lứa tuổi). Vấn đề cốt tử này có thể gom vào hai chữ: cái và cách.
Một, cái mới ấy là gì?
Hai, bằng cách nào để có?
Trong giáo dục, cái và cách này cùng nhau tạo ra sự phát triển của Trẻ em, tức là phát triển tinh thần. Vương quốc tinh thần, theo Hegel, có ba lĩnh vực: Khoa học – Nghệ thuật – Tôn giáo. Mỗi lĩnh vực có cái đặc trưng cho mình (chứ không phải duy nhất) trong tâm lý cá nhân:
Khoa học / Lý trí
Nghệ thuật / Tình cảm
Tôn giáo / Niềm tin
Cái là cái có sức mạnh vật chất để tồn tại và phát triển. Nền giáo dục hiện đại phải có cái mới, mới về nguyên lý, thì mới đủ sức vượt bỏ (phủ định biện chứng) nền giáo dục hiện tại. Hình dung phép phủ định biện chứng không gì dễ thấy hơn bước nhảy từ Tiểu nông – tiểu thủ công sang Đại công nghiệp cơ khí. Mấy chú học trò ú ớ về triết học, nhân cơ hội này, nên học kỹ hơn phép phủ định biện chứng. Nét đặc trưng (chứ không phải duy nhất) của một nền sản xuất là cái – tư liệu lao động: với tiểu nông – tiểu thủ công là công cụ thủ công (búa, kìm, kéo, cày, bừa…); với đại công nghiệp cơ khí là máy móc.
Mỗi công cụ thủ công, về mặt tâm lý học, là một thao tác: búa – thao tác búa (cách dùng búa). Kìm – thao tác kìm. Các thao tác này làm nên Sức lao động tay chân. Qua thực tiễn lao động, hàng ngàn vạn lần thử và sai, các thao tác ấy được hoàn thiện đến mức chuẩn xác, người ta tách ra rồi đưa sang máy. Máy móc chẳng qua là một hệ thống thao tác (vốn là các thao tác rời gắn với các công cụ thủ công rời). Theo ngôn ngữ triết học, máy móc đã phủ định (biện chứng) công cụ thủ công. Bị phủ định (biện chứng) về mặt triết học, các công cụ thủ công (búa, kìm, dao, kéo…) vẫn tồn tại trên thực tiễn lịch sử (chỉ có điều, ở một vị trí khác, với vai trò khác). Phủ định biện chứng (chứ không phải phủ định sạch trơn) là phương thức phát triển cơ bản của lịch sử, cũng là phương thức phát triển cơ bản của Triết học. Cách xử lý mối liên hệ giữa hai mặt triết học – lịch sử, thông qua mối liên hệ công cụ thủ công – máy móc, gợi ý cho cách xử lý mối liên hệ nền giáo dục cổ truyền – nền giáo dục hiện đại.
Trẻ em hiện đại, xét về mặt triết học, dùng phép phủ định (biện chứng) các lứa tuổi đã qua để tạo ra sự phát triển của lứa tuổi đương thời. Trẻ em hiện đại, xét về mặt lịch sử, trên thực tiễn lịch sử, tự khẳng định bước phát triển mới bằng Cái mới thuộc nguyên lý mới, chưa hề có.
Từ góc nhìn tâm lý học, có thể thấy cái mới thuộc bất cứ lĩnh vực tinh thần nào (Khoa học – Nghệ thuật – Đạo đức…) đều có cốt lõi là cái (cái gì) và cách (làm cách nào để có cái đó) đặc trưng cho từng lứa tuổi.
Trong giáo dục, nói đến cái đặc trưng cho một lứa tuổi thì hiểu là nó đang hình thành trên cơ sở những gì đã có ở các lứa tuổi trước đó (như một cơ sở vật chất, một điều kiện bắt buộc). Trẻ em 5/6 tuổi đã nói sõi, đã làm chuẩn xác các thao tác tay chân và tích luỹ được một số lượng khổng lồ các khái niệm kinh nghiệm chủ nghĩa. Các cái đã có này (Ngôn ngữ, Thao tác tay chân, Khái niệm kinh nghiệm chủ nghĩa…) em cho vào cặp mang đến trường. Vào lớp Một, đầu lứa tuổi tiểu học, cái đã có ở nhà sẽ trở thành điều kiện – phương tiện để hình thành mục đích mới (cái mới) đặc trưng cho lứa tuổi.
Tâm lý học thế kỷ XX lý giải các lứa tuổi bằng các Hoạt động chủ đạo. Ở lứa tuổi tiểu học, Hoạt động chủ đạo triển khai trong lĩnh vực Khoa học / Lý trí.
Xin hỏi: Cái mới trong lĩnh vực này cụ thể là cái gì?
– là Khái niệm.
Hỏi tiếp: Là Khái niệm loại nào?
– là Khái niệm khoa học.
Hỏi tiếp: Khái niệm khoa học ở trình độ nào?
– là Khái niệm khoa học hiện đại, ở trình độ đương thời.
Hỏi tiếp: Bằng cách nào trẻ em có được khái niệm khoa học?
Trong lý thuyết cũng như trên thực tiễn, cái và cách liên hệ hữu cơ với nhau. Muôn đời nay, sống tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày, tự mày mò lấy bằng thử và sai, em học được các thao tác tay chân và các khái niệm kinh nghiệm chủ nghĩa. Nay muốn có các khái niệm khoa học thì em phải có thêm các thao tác trí óc. Từ thao tác tay chân sang thao tác trí óc là một “bước nhảy sinh mệnh” quan trọng bậc nhất của đời người hiện đại.
Tâm lý học thế kỷ XX đưa ra ý tưởng lý thuyết kỳ thú về quá trình chuyển vào trong (vốn là một tư tưởng triết học Mác-xít): chuyển thành tựu của nền văn minh nhân loại vào trong cá nhân mình.
Triển khai nghiên cứu thực nghiệm quá trình “chuyển vào trong” Galperin phát hiện ra các giai đoạn (trình độ) chuyển hoá gọi là “Các giai đoạn hình thành khái niệm – kỹ năng – kỹ xảo”. Mươi năm sau, quá trình chuyển vào trong được nghiên cứu kỹ hơn, như một quy trình kỹ thuật hình thành khái niệm khoa học. Mươi năm tiếp theo, nghiên cứu quy trình kỹ thuật này kỹ hơn, theo hướng phân giải thành các nhân tố cấu thành thì đạt đến công nghệ hình thành khái niệm. Nói đến Công nghệ tức là nói đến quá trình làm ra sản phẩm tất yếu. Công nghệ hình thành khái niệm trong giáo dục là đứa em muộn màng cùng dòng máu với công nghệ sản xuất vật chất, theo nguyên lý cơ bản của Đại công nghiệp đã có sẵn từ thế kỷ XVIII.
Nguyên lý của đại công nghiệp là phân giải quá trình sản xuất, xét ngay trong bản thân nó và trước hết là không liên quan gì đến bàn tay con người, thành các nhân tố cấu thành nó.
Mác. Tư bản, quyển thứ nhất, tập II, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.322.
Sau ba thế kỷ vận hành, đến những thập niên cuối thế kỷ XX thì công nghệ sản xuất đại công nghiệp cơ khí đạt đến Công nghệ cao. Cũng trong nửa sau thế kỷ XX, Công nghệ hình thành khái niệm khoa học ngày càng đạt đến độ tin cậy cao hơn.
Đầu thế kỷ XXI, một khi Trẻ em hiện đại cần đến những khái niệm khoa học hiện đại (cái) thì trong thực tiễn giáo dục, đã có ở mức đáng tin cậy Công nghệ hình thành khái niệm khoa học (cách) làm ra sản phẩm tất yếu.

Hồ Ngọc Đại

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)