Giải pháp thu hút và đào tạo sinh viên giỏi

Cho đến nay, các đề án phát triển giáo dục đại học của VN thường chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên mà hình như không dành nhiều sự quan tâm đến việc thu hút và đào tạo sinh viên giỏi. một trong các yếu tố góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Cho tới thời điểm này, đã có hai trường đại học được đưa vào hoạt động trong phạm vi Dự án Xây dựng các trường đại học trọng điểm là Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) và Đại học Việt Đức (VGU) [4]. Tuy nhiên, cả hai đại học này đều gặp trở ngại trong vấn đề thu hút sinh viên giỏi vào trường do học phí cao. Với USTH, mỗi tháng trung bình một sinh viên phải đóng 1,5 triệu đồng học phí, ở VGU con số đó còn cao hơn.

Đây là số tiền không nhỏ so với thu nhập của các gia đình trung lưu ở thành thị, chưa nói đến các hộ làm nông nghiệp. Do học phí quá cao nên cả USTH và VGU tuyển được rất ít sinh viên, điểm chuẩn để xét tuyển của các trường đều rất thấp. Với chất lượng đầu vào như vậy thì không thể có sinh viên giỏi được. Một thực tế cần được nhìn nhận khách quan là khi chất lượng vẫn chưa được khẳng định, nếu các đại học trọng điểm tiếp tục thu học phí cao thì sẽ chỉ làm được một việc là (có thể) có được giáo viên giỏi mà không thể thu hút được sinh viên giỏi.

Dù được công nhận là đại học trọng điểm, các trường sẽ chỉ có được sinh viên giỏi khi có chính sách hỗ trợ tốt; quan trọng nhất là học phí phải thấp, nếu không muốn nói là phải tính đến việc miễn học phí cho sinh viên và cấp học bổng cho những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc.

Có thể thấy rằng giải thuật cho bài toán đại học trọng điểm đang rơi vào vòng lặp: chất lượng đại học thấp → cần kinh phí đầu tư lớn → phải thu học phí cao → có ít người chi trả được → chất lượng đầu vào của sinh viên thấp → chất lượng đại học thấp … Nếu không phá vỡ được vòng lặp này thì đại học chất lượng cao mãi chỉ là giấc mơ đẹp.  
 

Ngay cả khi trường học có cơ sở vật chất hiện đại, có đội ngũ giảng viên giỏi nhưng sinh viên không tập trung toàn tâm toàn ý cho việc học thì khó có thể đạt chất lượng học tập tốt. Do vậy quá trình nâng cao chất lượng nghiên cứu của trường phải gắn liền với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sinh viên để họ có thể tập trung công sức cho việc học của mình mà không phải lo nghĩ đến các vấn đề khác. Các chính sách hỗ trợ sẽ vừa là áp lực vừa là mục tiêu để sinh viên học tập nhằm đạt kết quả tốt.

Hiện nay, đa số sinh viên, nhất là sinh viên đến từ các vùng nông thôn nghèo, vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn của cuộc sống. Để trang trải tiền ăn học, nhiều sinh viên phải kiếm việc đi làm thêm và do vậy không thể dành trọn thời gian cho việc học. Điều kiện sinh hoạt, ăn ở không tốt cũng gây khó khăn cho sinh viên trong công việc học tập. Những khu nhà trọ thì chật hẹp, ẩm thấp, điện nước phập phù, mùa đông thì rét, mùa hè thì nóng bức; còn ở trong ký túc xá (KTX), tình hình cũng không khả quan hơn khi 10 đến 12 người phải sống chung một phòng. Vì vậy, một trong những việc làm thiết thực góp phần cải thiện điều kiện sống cho sinh viên là phải nâng cấp các khu KTX cũ, tăng số lượng phòng ở và giảm số lượng người trong một phòng; bên cạnh đó cần xây dựng các khu KTX mới, có chất lượng cao hơn.

Kinh nghiệm nước ngoài

CHLB Đức là một trong những nước có nền giáo dục tốt và có chính sách hỗ trợ sinh viên rất thiết thực, giúp người học có điều kiện tốt nhất để học hành. Tùy theo luật của từng bang nhưng đa số các bang của Đức không thu học phí của sinh viên [3]. Mỗi học kỳ sinh viên chỉ phải đóng một khoản phí nhỏ để góp phần chi trả các hoạt động quản l‎ý của trường.

Quan trọng nhất là với khoản phí đó, sinh viên có thể dùng các phương tiện giao thông công cộng mọi lúc, mọi nơi mà không phải trả thêm bất cứ một khoản chi phí nào. Với thẻ sinh viên, khi ăn trong nhà ăn của trường, sinh viên cũng được giảm giá đáng kể so với mức giá bình thường. Sinh viên có thể tìm các việc làm ngoài giờ (liên quan đến lĩnh vực học tập) phụ giúp cho giáo sư trong trường với mức thù lao khá tốt, đủ để thanh toán các khoản chi hàng ngày. Thậm chí không cần đi làm thêm, sinh viên cũng có thể tìm kiếm các khoản hỗ trợ từ chính quyền thành phố nơi đang học như xin trợ cấp tiền thuê nhà hoặc vay các khoản vay ưu đãi.

Các trường đại học được trang bị tốt để phục vụ nhu cầu học tập của sinh viên; thư viện hoạt động ngày đêm nhằm cung cấp cho người học điều kiện tốt nhất tiếp cận với tri thức. Hệ thống máy tính của trường được kết nối tới các cơ sở dữ liệu các bài báo khoa học có chất lượng cao mà người dùng thông thường phải trả tiền mới có quyền truy cập. Internet được cung cấp miễn phí, mỗi sinh viên có một tài khoản riêng, có thể truy cập qua máy tính trong phòng máy của trường, hoặc dùng máy tính cá nhân kết nối thông qua mạng WiFi phủ sóng khắp khuôn viên của trường, khu giảng đường và thư viện. Có thể nói không quá rằng sinh viên Đức chỉ có mỗi một mối lo duy nhất là làm sao để học cho tốt, các vấn đề khác đã được gia đình và xã hội giải quyết, sinh viên không cần bận tâm nhiều.

Giải pháp của Việt Nam

Trong những năm gần đây, sinh viên nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của Nhà nước. Gần đây nhất, Chính phủ có quyết định nâng mức cho vay hàng tháng lên một triệu đồng cho một sinh viên. Số tiền đó chỉ mới giúp sinh viên bớt khó khăn chứ cũng không thể đáp ứng được những nhu cầu cần thiết nhất của người học. Do vậy, trong tiến trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cần huy động được sự đóng góp của các lực lượng trong xã hội như các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, những cựu sinh viên thành đạt của các trường. Các nguồn vốn huy động được sẽ dùng để cấp học bổng cho sinh viên giỏi, ngoài ra để xây các khu KTX có chất lượng tốt, cho thuê với giá hợp l‎ý cho đối tượng là các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có kết quả học tập tốt và đạo đức tốt. Với các khu KTX như vậy, lợi nhuận không phải là yếu tố hàng đầu mà mục đích chính là để tạo một môi trường sống tốt cho các bạn sinh viên, khuyến khích phong trào học tập đi lên.

Bên cạnh các hỗ trợ về học bổng và cơ sở hạ tầng, cũng cần có chính sách thu hút hỗ trợ về kiến thức cho sinh viên từ các cá nhân và tổ chức ở nước ngoài. Trong số hơn ba triệu người Việt ở nước ngoài, có một số lượng lớn các nhà khoa học có tên tuổi, hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Rất nhiều các nhà khoa học Việt kiều có mong muốn góp phần của mình vào việc phát triển đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Với sự giúp đỡ của các nhà khoa học Việt kiều, có thể kêu gọi được các nguồn hỗ trợ khác nhau cho sinh viên trong nước như các học bổng hỗ trợ, các chương trình đào tạo chuyên môn và bồi dưỡng ngoại ngữ bằng các khóa học tại nước ngoài. Một chính sách đầu tư cho giáo dục hợp l‎ý sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người, không chỉ là những đóng góp về vật chất, mà còn là đóng góp về công sức, về các mối quan hệ công tác nhằm giúp Việt Nam phát triển trong lĩnh vực giáo dục đại học, trong đó tập trung nâng cao năng lực của người học.

Tài liệu tham khảo:

1.    Không thỏa hiệp trong đảm bảo chất lượng giáo dục
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=4099&CategoryID=6

2.    Thực trạng của “ĐH đẳng cấp quốc tế”
http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20101010/thuc-trang-cua-dh-dang-cap-quoc-te.aspx

3.    Studiengebühren (“Studienbeiträge”) in Deutschland
http://www.studis-online.de/StudInfo/Gebuehren/

4.    Việt Nam sắp có đại học xuất sắc
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/25242/viet-nam-sap-co-dai-hoc-xuat-sac.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)