Giảm nhẹ nặng gánh thi cử

Năm 1977, Trung Quốc khôi phục chế độ thi đại học (ĐH) thống nhất. Từ đó tới nay, các kì thi luôn là vấn đề "đau đầu" của toàn xã hội Trung Quốc. Càng ngày càng có nhiều ý kiến đòi "đa nguyên hóa kì thi ĐH". Mới đây trên trang web "Quang Minh", ông Giang Sưởng, Viện trưởng Viện giáo dục Hồ Bắc đã đề xuất một lộ trình thay đổi việc thi ĐH được rất nhiều người tán đồng.

Ông Giang Sưởng cho rằng, giáo dục ĐH ở Trung Quốc ngày càng mở rộng, phần lớn học sinh tốt nghiệp phổ thông đều có thể vào ĐH. Vì thế, không những kì thi ĐH thống nhất đã không cần thiết, mà số trường tuyển sinh theo điểm thi ĐH cũng phải thật hạn chế. Nói một cách cụ thể, chỉ các trường ĐH trọng điểm mới cần kì thi ĐH thống nhất, những trường còn lại có thể dùng hình thức khác để tuyển sinh.

Nếu phần lớn hoặc một nửa số học sinh tốt nghiệp phổ thông không tham gia kì thi ĐH thống nhất thì áp lực thi cử sẽ lập tức giảm. Thi SAT ở Mĩ được tổ chức 4 kì/năm, có khi là 5 kì/năm. Học sinh có thể tùy chọn thi một hay nhiều kì và lấy kết quả thi tốt nhất để gửi cho các trường ĐH. Theo gương đó, ông Giang Sưởng cho rằng Trung Quốc cũng nên tổ chức nhiều kì thi ĐH trong năm.

Muốn thi ĐH trở nên bình thường thì vai trò tổ chức kì thi phải được nhà nước chuyển giao cho các tổ chức xã hội, coi thi ĐH là một loại dịch vụ do các tổ chức xã hội cung cấp. Chỉ xã hội hóa mới có thể tổ chức thi ĐH nhiều lần trong năm, khiến nó trở nên bình thường, không còn là việc “điên đầu” của nhà nước và xã hội nữa.

Tuyển sinh ĐH là việc của các trường ĐH. Tuyển bao nhiêu, tuyển bằng cách nào là trách nhiệm của trường, nhà nước không cần can thiệp nhiều. Không ít người lo rằng tự chủ tuyển sinh sẽ khiến các trường ĐH “làm ẩu”. Theo ông Giang Sưởng, nỗi lo đó là thừa, bởi các trường ĐH nước ngoài tự chủ tuyển sinh được thì các trường ĐH Trung Quốc cũng có thể làm được. Tự chủ tuyển sinh sẽ giảm áp lực cho nhà nước, tăng cạnh tranh giữa các trường, đồng thời mở thêm lựa chọn cho thí sinh. Học sinh có thể trực tiếp dự các cuộc tuyển chọn của các trường khác nhau, tìm được những trường thích hợp để phát huy tài năng.

Hình thức thi ĐH thống nhất của Trung Quốc hiện nay, theo ông Giang Sưởng, sẽ dẫn tới một vấn đề ít được để ý nhưng lại gây tác hại lâu dài là thí sinh chỉ cần “đỗ là được”, bất chấp chất lượng chuyên môn của trường ĐH mình muốn vào. Như vậy, một lượng lớn học sinh ưu tú sẽ đổ vào những trường “mốt” nhưng có chất lượng khoa học không cao, để tài năng bị lãng phí. Vấn đề này sẽ được khắc phục nếu các trường tự chủ tuyển chọn sinh viên. Bởi trong quá trình tuyển chọn, các trường ĐH sẽ cạnh tranh nhau bằng chất lượng chuyên nghiệp chứ không phải bằng mác “to” hay “bé”.

Cải cách thi ĐH là một quá trình tương đối lâu dài, cần phải thực hiện từng bước. Ông Giang Sưởng đề nghị, trước mắt có thể thực hiện một số bước sau để có thể chuẩn bị nền tảng cho sự cải cách toàn diện:

Thứ nhất: Các trường cao đẳng dạy nghề không căn cứ vào thành tích thi ĐH mà chủ yếu căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp phổ thông để tuyển sinh. Muốn vào các trường cao đẳng , học sinh không nhất thiết phải thi ĐH, dù có thi thì kết quả cũng không là căn cứ để được tuyển chọn. Ngoài điểm thi tốt nghiệp, các trường cao đẳng  còn có thể căn cứ vào kết quả học tập để tuyển sinh.

Thứ hai: Tiến hành hai mùa thi ĐH trong một năm. Trước mắt vẫn tổ chức kì thi ĐH thống nhất vào tháng sáu, sau đó tổ chức thêm một kì vào tháng 12 hàng năm. Học sinh có thể thi một hay cả hai kì, lấy kết quả tốt nhất để các trường ĐH tuyển chọn.

Thứ ba: Căn cứ vào cả ba yếu tố: thành tích học tập, điểm tốt nghiệp, điểm thi ĐH để tuyển sinh. Theo đó, giảm tỉ lệ tuyển sinh theo điểm thi ĐH, tăng tỉ lệ tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp và kết quả học tập.

Thứ tư: Việc thi theo khối hiện nay khiến học sinh phổ thông học lệch nghiêm trọng, vì vậy nên bỏ hoàn toàn hình thức thi này. Thi ĐH chỉ cần ba môn Ngữ văn, Toán học và Ngoại ngữ. Để tăng tính chọn lọc, đề thi 3 môn này cần phân theo các mức độ dễ – khó khác nhau.

Thứ năm: Để các trường ĐH tự chủ tuyển sinh thì phải bỏ việc tuyển sinh theo hạn ngạch. Nhà trường hoàn toàn có thể căn cứ vào tình hình cụ thể để định số lượng tuyển sinh. Với năng lực hiện tại, chỉ cần công khai, minh bạch thì việc tuyển sinh của các trường ĐH nhất định sẽ suôn sẻ. Quan trọng nhất là các cơ quan quản lí giáo dục phải tin tưởng và giao quyền tự chủ cho các trường ĐH.

P.V

Tác giả