Giáo dục đại học – Lơ lửng ngã ba đường?
Giáo dục luôn là một vấn đề thời sự và dằn vặt, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Lý do: Con người là trung tâm của xã hội, mà các hoạt động giáo dục lại luôn gắn liền với con người. Do đó, trước khi bàn về giáo dục, đặc biệt là trước khi ban hành các luật về giáo dục, cần làm rõ quan niệm về con người mà xã hội hướng tới.
Tự do hay công cụ?
Vì các hoạt động giáo dục gắn trực tiếp với con người, theo nghĩa xuất phát từ con người, và đồng thời lại hướng đến con người, nên trước khi bàn về giáo dục, cần phải thống nhất được quan niệm về con người mà hệ thống giáo dục hướng đến.
Trong số rất nhiều quan niệm về con người đang lưu hành, nếu đi vào chi tiết thì rất khác nhau, nhưng khái quát lại thì có thể chia thành hai loại lớn: con người tự do và con người công cụ. Trong đó, con người tự do là con người được làm chủ thân thể, tư tưởng và hành động, do đó làm chủ tiến trình phát triển hay số phận của mình. Còn con người công cụ là con người người bị tước đoạt một phần hoặc toàn bộ tự do của mình, trở thành một thứ công cụ phục vụ cho hệ thống hoặc những cá nhân khác trong xã hội.
Nếu quan niệm con người nhất thiết phải là con người tự do, và hệ thống giáo dục cần hướng đến mục tiêu này, thì cách thức tổ chức toàn bộ hệ thống giáo dục, cũng như nội dung và phương pháp giảng dạy, sẽ được thiết kế và triển khai sao cho khơi gợi tính sáng tạo, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người học. |
Rõ ràng, từ hai quan niệm khác nhau này về con người mà sẽ hình thành nên những hệ thống giáo dục với các đặc trưng khác nhau. Nếu quan niệm con người nhất thiết phải là con người tự do, và hệ thống giáo dục cần hướng đến mục tiêu này, thì cách thức tổ chức toàn bộ hệ thống giáo dục, cũng như nội dung và phương pháp giảng dạy, sẽ được thiết kế và triển khai sao cho khơi gợi tính sáng tạo, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người học. Người thày khi đó sẽ chỉ đóng vai trò như người khơi gợi, hướng dẫn, còn người học mới là trung tâm của các hoạt động giáo dục. Hoạt động dạy và học khi đó sẽ là tương tác hai chiều và thảo luận dân chủ. Nội dung chương trình, tài liệu sử dụng, cách thức giảng dạy, vì thế cũng mang tính mở chứ không bị gò bó theo những khuôn mẫu và qui định cứng nhắc. Các cơ sở giáo dục sẽ có độ tự chủ lớn. Cơ quan quản lý khi đó chỉ tập trung vào việc định chuẩn, đánh giá và kiểm tra các hoạt động giáo dục chứ không làm thay, ôm đồm các sự vụ nhỏ nhặt. Ngược lại, nếu quan niệm con người là con người công cụ, dù là công cụ để đạt đến một xã hội tốt đẹp chưa từng có, hoặc đáp ứng một trật tự có tính thiên định nào đó, thì toàn bộ hệ thống giáo dục, cũng như chương trình và cách thức giảng dạy, sẽ được thiết kế và triển khai sao cho người học chỉ biết vâng lời. Hoạt động dạy và học sẽ chỉ là sự ép buộc nhồi nhét một chiều. Người thày sẽ là trung tâm của các hoạt động giáo dục kiểu đọc-chép. Nội dung chương trình, giáo trình sử dụng cũng khép kín và bị kiểm duyệt chặt chẽ. Các cơ sở giáo dục sẽ không được tự chủ mà hoạt động dưới sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý, nhiều khi cụ thể đến mức “cầm tay chỉ việc”, thì về bản chất, những hoạt động giáo dục đó là phản giáo dục, vì ở tầng sâu hơn, nó phản lại con người.
Như vậy rõ ràng rằng, trước khi bàn về giáo dục, đặc biệt là trước khi ban hành các luật về giáo dục, cần làm rõ quan niệm về con người mà xã hội hướng tới. Nếu không, dù nỗ lực đến mấy thì việc cải cách giáo dục cũng sẽ không mang lại kết quả gì đáng kể. Mọi việc sẽ cứ mãi bùng nhùng, vì ngay từ khâu đầu tiên là minh định quan niệm về con người đã không sòng phẳng, rõ ràng.
Triết lý giáo dục?
Vì gắn trực tiếp với con người, theo nghĩa con người vừa là chủ thể, vừa là đối tượng và đích đến của hoạt động giáo dục, nên những thảo luận về giáo dục sẽ không thể rốt ráo nếu không đi thẳng vào triết học về con người trong giáo dục, còn gọi là triết lý giáo dục. Đây chính là linh hồn của mọi hoạt động dạy và học, là mục đích hướng tới của việc thiết kế mới hoặc cải cách hệ thống giáo dục. Thường việc cải cách hoặc thiết kế này được thực hiện bởi Bộ Giáo dục và Hội đồng giáo dục quốc gia, nên triết lý giáo dục trực tiếp phản ánh quan niệm của nhà cầm quyền đối với con người, từ đó cụ thể hóa quan niệm này thành các chính sách và các bộ luật liên quan đến giáo dục.
Hẳn nhiên, về mặt lý thuyết, chỉ sau khi đã định hình rõ triết lý giáo dục, tức là hình dung rõ về con người sẽ được hệ thống giáo dục đào tạo ra, thì nội dung và chương trình giáo dục, cũng như cách tổ chức hệ thống giáo dục, mới được thiết kế một cách tương ứng sao cho đạt được mục tiêu giáo dục đó. Những thiết kế này sẽ được cụ thể hóa thành các bộ luật giáo dục và các văn bản có tính pháp chế. Nếu không giải quyết được vấn đề triết lý giáo dục thì mọi cải cách chỉ là đối phó, chắp vá thời vụ.
Đặc điểm của những nền giáo dục tiên tiến, như Phần Lan, Anh, Mỹ… có thể hình dung một hệ thống giáo dục có khả năng tự điều chỉnh theo hướng tiến bộ sẽ có các đặc tính sau: Mở, Sáng tạo, Toàn diện, Hiện đại, Hội nhập. |
Trên thực tế, việc đưa ra được một triết lý giáo dục đúng và tường minh là vấn đề rất khó khăn, và ở những nơi dân trí còn thấp, xã hội còn thiếu dân chủ, thì việc này còn khó khăn gấp bội. Điều này không hẳn đến từ việc thiếu hụt tri thức về giáo dục và nhận thức về con người, mà chủ yếu từ sự va chạm với các yếu tố thuộc thượng tầng kiến trúc của xã hội, như chính trị, văn hóa, tôn giáo… Cho nên, để hình thành được một quan niệm mới về con người, tức định hình một triết lý giáo dục được cả xã hội đồng thuận, đòi hỏi một thời gian rất dài, cộng với những thay đổi trong thượng tầng kiến trúc của xã hội.
Câu hỏi đặt ra là, liệu có cách nào thay thế, để có thể đạt được mục đích của giáo dục, là đào tạo ra con người tự do, sáng tạo, có nhân cách, có ý thức công dân cho xã hội, mà không phải húc đầu vào hòn đá tảng mang tên “triết lý giáo dục” hay không?
Triết lý hay hệ thống?
Ngày nay, các hoạt động giáo dục không còn được tiến hành đơn lẻ, mà đã được tổ chức thành một hệ thống liên hoàn. Mỗi người được đào tạo ra, có thể coi là một sản phẩm của hệ thống này. Với việc cải cách giáo dục, sẽ là lý tưởng nếu mục đích của hệ thống là tiến bộ và rõ ràng, tức có được triết lý giáo dục đúng và tường minh làm đích đến, để rồi từ đó ban hành các chính sách và bộ luật phù hợp nhằm xây dựng một hệ thống có thể đạt được mục đích hướng tới đó. Nhưng như trên đã nói, việc này thường rất khó khăn. Đó là lý do vì sao sau bao năm, càng cải cách càng thêm rối, càng ban hành luật, càng phản tác dụng.
Trong trường hợp này, thay vì sa lầy vào mớ bùng nhùng triết lý không rõ ràng và cải cách không định hướng, nên chọn một cách tiếp cận khác, đó là thiết kế một hệ thống có khả năng tự điều chỉnh theo hướng tiến bộ để đào tạo ra con người có những phẩm chất tốt đẹp, nhân bản, tương thích với những giá trị phổ quát của thời đại.
Việc thiết kế một hệ thống như vậy sẽ mang tính kỹ thuật nhiều hơn những lập luận trừu tượng về triết lý, lại tránh được sự va chạm tức thời với các yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội, nên khả thi và dễ có được đồng thuận hơn.
Qua quan sát đặc điểm của những nền giáo dục tiên tiến, như Phần Lan, Anh, Mỹ… có thể hình dung một hệ thống giáo dục có khả năng tự điều chỉnh theo hướng tiến bộ sẽ có các đặc tính sau: Mở, Sáng tạo, Toàn diện, Hiện đại, Hội nhập, đuợc diễn giải vắn tắt như sau:
Mở: Hệ thống giáo dục phải có tính chất mở, về chương trình và phương pháp giảng dạy, cơ cấu tổ chức lẫn cơ chế vận hành để tạo điều kiện cho các nhân tố mới có thể tham gia và góp phần điều chỉnh hệ thống theo hướng tiến bộ.
Sáng tạo: Hệ thống được thiết kế sao cho phát huy tối đa tính sáng tạo của học viên, lấy người học làm trung tâm. Theo định hướng này, các đại học sẽ phát triển để trở thành đại học nghiên cứu nhằm sáng tạo ra tri thức mới.
Toàn diện: Hệ thống được thiết kế sao cho đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của nguời học, không chỉ giới hạn ở kiến thức, mà còn ở nhân cách, thẩm mỹ, ý thức công dân…
Hiện đại: Nội dung, chương trình giảng dạy, cách thức tổ chức và quản lý phải hiện đại, bắt kịp nhịp điệu phát triển của thời đại.
Hội nhập: Các tiêu chuẩn mà hệ thống tuân thủ, cũng như nội dung của các hoạt động giáo dục, phải tương thích và liên thông với những tiêu chuẩn của thế giới.
Với dự thảo Luật giáo dục đại học sắp được trình lên Quốc hội thông qua vẫn chưa minh định được một quan niệm về con người mà hệ thống giáo dục hướng tới, là con người tự do hay con người công cụ, do đó chưa định hình được một triết lý giáo dục tiến bộ và tường minh làm cơ sở. |
Liên hệ với dự thảo Luật giáo dục đại học sắp được trình lên Quốc hội thông qua vẫn chưa minh định được một quan niệm về con người mà hệ thống giáo dục hướng tới, là con người tự do hay con người công cụ, do đó chưa định hình được một triết lý giáo dục tiến bộ và tường minh làm cơ sở. Chẳng hạn, mục tiêu giáo dục: “Giáo dục đại học đào tạo người học có kiến thức và năng lực nghiên cứu, kỹ năng thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo; có phẩm chất chính trị, đạo đức; có ý thức phục vụ nhân dân; có tinh thần đổi mới và trách nhiệm nghề nghiệp; thích nghi với môi trường công tác; có sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” chỉ là những từ ngữ mô tả bề ngoài chứ không đi thẳng vào bản chất của con người mà nó hướng đến.
Giá như Dự thảo Luật giáo dục đại học đi thẳng vào vấn đề, chẳng hạn: “Giáo dục đại học đào tạo con người tự do, có nhân phẩm, có trách nhiệm công dân, có kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về một ngành nghề cụ thể”, hoặc ở một đối cực khác: “Giáo dục đại học đào tạo con người công cụ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng chủ nghĩa xã hội, có kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về một ngành nghề cụ thể”, thì về mặt kỹ thuật, việc xây dựng và vận hành hệ thống giáo dục đại học sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục của hai lựa chọn này chắc chắn sẽ khác hẳn nhau: lựa chọn thứ nhất –lựa chọn con người tự do – sẽ phát huy được sức sáng tạo của cả dân tộc để phát triển; còn lựa chọn thứ hai – lựa chọn con người công cụ – sẽ làm thui chột tài năng của mọi cá nhân nên xã hội sẽ không thể phát triển.
Ngoài ra, dự thảo này cũng không hướng đến việc thiết kế một hệ thống giáo dục có độ mở đủ lớn, có khả năng tự điều chỉnh hiệu quả, nên việc nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học theo cách tiệm tiến tự điều chỉnh cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu dựa trên dự thảo này.
***
Tóm lại, chính việc thiếu rõ ràng trong quan niệm về con người – tức sản phẩm mà hệ thống giáo dục hướng đến – và trong cách tiếp cận việc xây dựng hệ thống giáo dục – tức việc dùng triết lý giáo dục làm cơ sở hay bỏ qua triết lý giáo dục nhưng xây một hệ thống có khả năng tự điều chỉnh – sẽ dẫn đến những chồng chéo bùng nhùng không thể tránh khỏi, không chỉ với giáo dục đại học mà còn với cả hệ thống giáo dục nói chung. Hy vọng về những đột phá về cải cách giáo dục, vì thế sẽ rất ít có khả năng trở thành hiện thực.