Giáo dục ĐH xuyên biên giới: Vấn đề của thời đại

Cuối thế kỷ XX, giáo dục đại học xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ, ngày càng trở thành một hiện tượng giáo dục mang tính toàn cầu. Điều này đánh dấu bước tiến sâu hơn nữa của tình trạng quốc tế hóa giáo dục đại học. Thời đại của toàn cầu hóa giáo dục đại học đang đến. Bài này nhằm cung cấp các thông tin tổng quát liên quan đến giáo dục đại học xuyên biên giới để người đọc có thể tham khảo phục vụ cho hoạt động của mình khi cần đến.

1. Các thuật ngữ và khái niệm

1.1.Giáo dục xuyên biên giới là gì?

 “Giáo dục xuyên biên  giới” (cross-border education) liên quan tới việc di chuyển con người, ngành đào tạo, nhà cung cấp đào tạo, kiến thức, tư tưởng, dự án và các dịch vụ qua các biên giới quốc gia (Jane Knight, 2006). Cùng với thuật ngữ này người ta còn sử dụng các thuật ngữ “giáo dục xuyên quốc gia” (transnational education), “giáo dục không biên giới” (borderless education) , “giáo dục hải ngoại” (offshore education). Tuy nhiên, người ta cũng đã chỉ ra rằng: có những sự khác biệt tinh tế nhưng quan trọng trong các thuật ngữ này (Jane Knight, 2006). Giả Hiểu Hồng và  Khương Phụng (2007) có một bài viết phân tích tỷ mỷ về các thuật ngữ đó. Theo 2 tác giả trên, “giáo dục xuyên quốc gia” vừa chỉ giới hạn về địa lý quốc gia vừa chỉ sự vượt qua giới hạn quản lý tư pháp quốc gia. “Giáo dục xuyên biên giới” cũng biểu đạt nghĩa trên. “Giáo dục hải ngoại” là cách sử dụng ở thời kì đầu khá tùy ý ở Australia trong một số trường hợp nói chuyện và các bài viết cá nhân. “Giáo dục không biên giới” có thể được sử dụng (Robin Middlehurst, vẫn theo 2 tác giả trên) với ý nghĩa: trong xã hội toàn cầu hóa xuất hiện nhiều phương thức giáo dục phi truyền thống, một đặc trưng trọng tâm của những loại giáo dục phi truyền thống này là vượt qua các loại biên giới – biên giới lĩnh vực (giáo dục và công nghiệp), biên giới các tầng bậc giáo dục (giáo dục liên tục và giáo dục đại học), biên giới nhà nước, biên giới công lập và tư lập, biên giới thời gian và không gian.“Không biên giới” ở đây chỉ không biên giới nhiều tầng bậc, không phải là biên giới quốc gia được nhấn mạnh trong “giáo dục xuyên quốc gia”

Ngoài bốn cụm từ trên, Philip Altbach (theo 2 tác giả đã dẫn) thường sử dụng khái niệm “giáo dục đại học đa quốc gia” (multinational higher education) để chỉ hoạt động giáo dục đại học của một quốc gia tại một quốc gia khác. Điều đáng chú ý là, dưới sự phân tích của một số học giả kinh tế, công ty xuyên quốc gia (transnational corporation) và công ty đa quốc gia (multinational corporation) có ý nghĩa toàn cầu hóa ở các mức độ khác nhau. Công ty xuyên quốc gia có ý nghĩa vẫn coi quốc gia sở tại làm căn cứ cơ sở, đồng thời phát triển dịch vụ ở các nước khác; công ty đa quốc gia có nghĩa là công ty gồm nhiều quốc gia tham gia.

1.2. Việc sử dụng chuyển đổi các thuật ngữ liên quan tới “giáo dục xuyên biên giới”

Trong thực tế, tuỳ theo mục đích của cá nhân/tổ chức khi đề cập đến một phạm vi nào đó của giáo dục xuyên biên giới, người ta có thể lựa chọn một trong 4 thuật ngữ đã đề cập ở trên và xác định ý nghĩa của thuật ngữ đó trong phạm vi mà họ đề cập. Trong tài liệu của UNESCO và Mạng lưới chất lượng châu Á – Thái Bình Dương (UNESCO-APQN, Toolkit Regulating the quality of Cross-border Education; Bangkok, 2006), bản tiếng Việt do UNESCO/APQN xuất bản mang tên “Cẩm nang hướng dẫn của UNESCO/APQN: Các quy định đo lường chất lượng đa biên”) , “cross-border education” được hiểu với nghĩa hẹp hơn. Đó là “việc cung cấp giáo dục ở một quốc gia được trực tiếp bắt nguồn từ một quốc gia khác, bất kể cung cấp từng phần hay toàn bộ. Định nghĩa này muốn nói tới dịch vụ giáo dục dành cho sinh viên ở ngoài phạm vi biên giới quốc gia cung cấp dịch vụ, chứ không phải dành cho sinh viên đi du học, vì đây là một hình thức giáo dục quốc tế khác”.

Trong bài này chúng tôi sử dụng khái niệm giáo dục đại học xuyên biên giới để chỉ sự vượt qua biên giới quốc gia (tư pháp và địa lý) của các hoạt động giáo dục.

 

2. Nguyên nhân xuất hiện của giáo dục đại học xuyên biên giới

2.1.Nhu cầu về giáo dục đại học trên phạm vi thế giới tăng lên

Sự thâm nhập của kinh tế xã hội khiến cho nhu cầu của các nước về nguồn nhân lực trí thức đạt tiêu chuẩn tăng lên. Trên thị trường nguồn lao động của các nước phát triển, giá trị của bằng cấp có giảm đi, cần các chương trình về nghề nghiệp và chương trình bồi dưỡng huấn luyện kĩ năng hoặc các chương trình bổ sung. Còn ở những nước đang phát triển,  học vị và văn bằng mang lại một công việc hứa hẹn và trở thành chìa khoá an toàn để  bước vào các  hoạt động phát triển kinh tế và xã hội. Các yếu tố khác cần nhấn mạnh, trong đó có: 1) nhu cầu học tập suốt đời, 2) áp lực của giáo dục đại chúng, 3) áp lực về tăng trưởng dân số và 4) nhu cầu đào tạo huấn luyện của các công ty. Đáng chú ý là không chỉ học sinh đến tuổi học đại học truyền thống, mà người trưởng thành nói chung có nhu cầu được thụ hưởng giáo dục tăng lên, trong đó có nhu cầu về các loại chương trình dạy nghề.

2.2. Tài chính nhà nước và hệ thống giáo dục đại học công lập không thỏa mãn được nhu cầu của xã hội đối với giáo dục đại học

Hai nguyên nhân làm cho nhu cầu đối với giáo dục đại học khó có thể thỏa mãn: một là do nhà nước thiếu khả năng tài chính, hai là nhà nước không tự nguyện sử dụng tài chính nhà nước để thỏa mãn nhu cầu này. Knight cho rằng sự hạn chế về kinh phí, sự thay đổi vai trò chính phủ trong mô hình quản lý hành chính công mới, sự phát triển của nền kinh tế thị trường và tư nhân hoá là nguyên nhân chủ yếu. Việc nhà nước không thể hoặc không thỏa mãn nhu cầu thúc đẩy các loại nhà cung cấp giáo dục mới xuất hiện, bao gồm đại học doanh nghiệp, nhà xuất bản, công ty truyền thông v.v.

2.3. Kĩ thuật thông tin và truyền thông phát triển

Người ta cho rằng, sự phát triển của kĩ thuật hàng không khiến cho việc đi lại qua biên giới của mọi người rất thuận tiện. Điều này đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển giáo dục du học. Kĩ thuật thông tin mới tạo điều kiện cho việc trao đổi qua lại các chương trình học. Kĩ thuật thông tin và truyền thông cũng khiến cho nhiều hình thức giáo dục xuyên quốc gia hoàn toàn mới xuất hiện. Nhiều mô hình truyền bá giáo dục phi truyền thống, như giáo dục ảo, ra đời khiến cho người cung cấp giáo dục mới có thể thực hiện công tác giáo dục với giá thành rẻ hơn.

Người ta cũng nói đến hai nguyên nhân quan trọng cần lưu ý: Một là, động cơ của bên cung cấp. Một trong những đặc trưng quan trọng nhất của giáo dục xuyên quốc gia là tính thương mại. Việc xuất hiện giáo dục xuyên quốc gia lúc đầu gắn với thương mại hóa giáo dục du học. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, giáo dục du học được nhắc tới như là trọng tâm của quốc tế hóa giáo dục, để thúc đẩy giao lưu qua lại giữa các quốc gia, đặc biệt là những nước phát triển giúp đỡ những nước đang phát triển phát triển. Các nước này cung cấp học bổng cho những du học sinh được cử đến từ những nước đang phát triển. Đến cuối năm 1980, đầu tiên là nước Anh, sau đó là Australia, tiến hành cải cách theo hướng thị trường hóa giáo dục. Các nước này thực hiện chính sách cắt giảm tài chính giáo dục, cung cấp học bổng cho du học sinh nước ngoài, đến thu phí một ít, rồi đến thu phí toàn bộ. Để thu được phí lợi nhuận qua biên giới, người ta coi du học sinh là đối tượng quan trọng để thu tài chính. Nhà nước cổ vũ các trường đại học tiến hành tuyên truyền ở các nước khác, nâng cao sức hấp dẫn giáo dục của nước mình, từ đó vượt ra khỏi biên giới đất nước, tiến hành cung cấp giáo dục cho nước khác. Đến năm 1997, nghiên cứu về “chính sách quốc tế hóa giáo dục đại học của các nước Châu Âu” cho thấy, động cơ quốc tế hóa của các nước Bắc Âu, Đức, Anh, Hà Lan, Áo đều chuyển dần từ học thuật, văn hóa, chính trị sang kinh tế. Chỉ có một số các quốc gia Nam Âu như Hy Lạp  vẫn nhấn mạnh động cơ học thuật, văn hóa và chính trị. Thứ hai, yêu cầu về cải cách chất lượng. Khi nói đến hợp tác giáo dục đại học với nước ngoài, các nước hy vọng sự hợp tác trong giáo dục sẽ mang đến cơ chế quản lý và xây dựng các trường đại học mới, nhằm đáp ứng yêu cầu về “nguồn đầu tư cho giáo dục để đạt chất lượng ngày một tốt hơn”.

 

3. Những nội dung quan trọng cần đề cập khi nói về giáo dục đại học xuyên biên giới

3.1. Các loại hình nhà cung cấp giáo dục đại học

Có thể phân loại các nhà cung cấp giáo dục đại học như bảng 1 dưới đây:

Bảng 1: Các loại hình nhà cung cấp truyền thống, mới hoặc khác truyền thống

ảng 1: Các loại hình nhà cung cấp truyền thống, mới hoặc khác truyền thống 

Phân loại nhà cung cấp Tình trạng Vụ  lợi hoặc phi vụ lợi Bình luận
Các trường đại học truyền thống: được định hướng giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ xã hội
Các trường đại học được kiểm định Gồm các trường công phi lợi nhuận và các trường tư phi/vụ lợi  nhuận                   

Thường là bộ  phận của hệ thống giáo dục quốc gia và được kiểm định bởi cơ quan kiểm định tin cậy                        

Có thể là  một trường  phi lợi nhuận hoặc  vụ lợi Nhiều nước có hệ thống hỗn hợp các trường đại học  được tài trợ bởi nhà nước hoặc tư nhân nhưng sự phân chia ranh giới hoặc phân biệt loại này với loại khác không rõ nét.                                                                        
Các trường đại học không được kiểm định Thường là tư  nhân và không thuộc hệ thống giáo dục quốc gia. Bao gồm các trường đại học không được kiểm định bởi cơ quan kiểm định tin cậy. Chất lượng thường thấp, họ thường bị ám chỉ như những nhà cung cấp ‘lừa đảo’

                                                                                               

Thường vụ lợi nhuận, hướng vào quốc nội và quốc tế                 ‘Các xưởng sản xuất bằng’ bán các bằng mà không cung cấp chương trình học và liên quan đến giáo dục xuyên biên giới nhưng không phải là những nhà cung cấp đích thực. ‘Các nhà cung cấp lừa đảo’ thường được gắn với các nhóm, công ty tự làm kiểm định hoặc bán chứng nhận kiểm định.                                                                                                                
Các nhà cung cấp mới hoặc khác truyền thống: được định hướng giảng dạy hoặc/và dịch vụ thương mại                                       
Các trường đại học thuộc công ty thương mại Có thể được kinh doanh công khai hoặc được sở hữu tư nhân, gồm:

1. Các công ty thiết lập các trường đại học được hoặc không được kiểm định bởi các cơ quan kiểm định tin cậy và                                                                                                                       

2. Các công ty tập trung nhiều hơn vào cung cấp các dịch vụ. Thông thường không phải là một bộ phận của hệ  thống giáo dục quốc gia ở nước cung cấp.

Vụ lợi nhuận         Có thể  gồm các công ty khác nhau (vd.truyền thông, IT, xuất bản ) cung cấp các chương tình giáo dục và bảo hộ các dịch vụ.  Có thể bổ sung, hợp tác, cạnh tranh hay cùng tồn tại với các trường đại học truyền thống .

Các công ty cung cấp các chương trình hàn lâm và được trao đổi công khai trên thị trường chứng khoán là một bộ phận của danh mục giáo dục toàn cầu do Tổ chức Đài thiên văn giáo dục không biên giới (Observatory on Borderless Education) xây dựng

Các trường đại học của tập đoàn kinh tế               Thông thường là  một bộ phận của tập đoàn kinh tế quốc tế lớn và  nằm ngoài hệ thống giáo dục quốc gia. Thường không được kiểm định bởi cơ quan kiểm định tin cậy của quốc gia. Không phải là một bộ phận của hệ thống giáo dục tại quốc gia cung cấp.                                    Không rõ ràng Những tập đoàn kinh tế mở  các cơ sở đào tạo riêng, cung cấp các chương trình cho nhân viên của họ và đó là những nhà cung cấp xuyên biên giới vì các công ty đa quốc gia đó rất lớn. Họ thường cộng tác với các trường đại học truyền thống để tăng sức mạnh bằng cấp.                         
Các tổ chức và mạng lưới chuyên môn, thuộc chính phủ và phi chính phủ  Có thể là  sự phối kết hợp của các tổ chức và các trường đại học công/công, công/tư  hoặc tư/tư                                                                     Thường hướng vào mục đích lợi nhuận. Các tổ  chức/mạng lưới có thể là hoặc không là  một bộ phận của hệ thống giáo dục ở  quốc gia cung cấp; và có thể được hoặc không được kiểm định bởi tổ chức kiểm  định có tín nhiệm.Tuy nhiên, một số đối tác có thể có .                                     
Các trường đại học ảo Gồm các trường đại học ảo 100%. Có thể là hoặc không là  một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc gia ở nước cung cấp. Có thể được hoặc không được kiểm định bởi cơ quan kiểm định chính thức của nhà nước.                                                               Thường hướng vào lợi nhuận nếu cung cấp xuyên biên giới Hệ thống giáo dục quốc gia khó giám sát, điều hành các trường đại học ảo quốc tế do cách thức cung cấp từ  xa.                              

(Jane Knight, 2005) 

 

Cần lưu ý là công hay tư không còn là yếu tố chủ chốt phân biệt hai loại trường đại học truyền thống. Yếu tố “kiểm định” chính thức bởi nước chủ nhà được đề nghị như một yếu tố để phân biệt hai loại trường này.

Phạm trù ‘các nhà cung cấp mới hoặc khác truyền thống’ bao gồm các loại công ty, tổ chức, mạng lưới công và tư đa dạng đang cung ứng các chương trình và các khoá đào tạo ở các nước ngoài. Các nhà cung cấp xuyên biên giới kiểu mới có thể là những trường đại học thật hoặc ảo, thường mang tính thương mại và vì lợi nhuận.

Một trong những vấn đề trọng tâm là ai công nhận và cho phép một nhà cung cấp giáo dục quyền cấp bằng ở ‘nước cung cấp’ và/hoặc ở ‘nước tiếp nhận’. Một số nhà cung cấp mới không phải là bộ phận hoặc không được công nhận bởi hệ thống giáo dục của nước cung cấp. Điều này gây khó khăn cho các nước tiếp nhận trong việc xác định chất lượng và tính hợp pháp của các nhà cung cấp nước ngoài. Nó đặt ra trách nhiệm lớn hơn đối với nước tiếp nhận trong việc xây dựng các qui định riêng về đăng kí và kiểm định các nhà cung cấp nước ngoài.

3.2. Các loại nhà cung cấp giáo dục đại học xuyên biên giới

Các nhà cung cấp giáo dục xuyên biên giới là nhà cung cấp thực hoặc ảo hiện diện ở một quốc gia khác để cung cấp các chương trình giáo dục/đào tạo và/hoặc các dịch vụ cho sinh viên và các khách hàng khác. Các tín chỉ và văn bằng được nhà cung cấp nước ngoài hoặc đối tác liên kết ở nước tiếp nhận cấp hoặc cả hai bên cùng cấp.

Bảng 2: Các loại hình về nhà cung cấp xuyên biên giới

Loại    

Mô tả       

Ví dụ   

Cơ sở

Chi nhánh  

Nhà cung cấp ở nước A thiết lập cơ sở vệ tinh ở nước B để cung cấp các chương trình, khoá học cho sinh viên nước B (có thể gồm cả sinh viên nước A học một học kì/khoá học ở nước ngoài). Văn bằng được nhà cung cấp ở nước A cấp.                                

Trường ĐH Monash (Australia) đã xây dựng chi nhánh ở Malaysia và Nam Phi. Trường ĐH Indianapolis có cơ sở nhánh ở  Aten (Hy Lạp).

Trường độc lập         

Nhà cung cấp nước A (trường đại học truyền thống, công ty thương mại hoặc mạng lưới liên kết) thiết lập một trường đại học độc lập ở nước B để cung cấp các khoá/chương trình và trao văn bằng                                                                        

Trường ĐH của Đức ở Cairo, ĐH Phoenix ở Canada và  Puerto Rico (Apollo Group).

Thu nhận /hợp nhất

Nhà cung cấp nước ngoài A mua một phần hoặc 100% trường đại học địa phương của nước B  .

Laureate (hệ thống Sylvan Learning Systems trước đây) đã sáp nhập với và/hoặc mua các trường đại học địa phương ở Chile,  Mexico và các nước  châu Mỹ La Tinh khác.

Trung tâm dạy/học

Nhà cung cấp nước ngoài A thiết lập Trung tâm dạy/học ở nước  B để hỗ trợ sinh viên học các khoá học/chương trình của họ. Các Trung tâm có thể độc lập hoặc cộng tác với nhà cung cấp địa phương ở nước B                   

Texas A&M có ‘Trung tâm đại học’ ở Mexico City. Troy University (US) có cơ sở dạy chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Bangkok

Chi nhánh /mạng lưới            

 

 

 

Các loại nhà cung cấp ‘công/tư’, truyền thống/mới’ từ các nước khác  nhau cộng tác thiết lập các mạng lưới/các trường thông qua các hình thức hợp tác mới  để cung cấp các khoá học/chương trình tại nước sở tại và nước ngoài qua hình thức từ xa hoặc trực tiếp.                            

Hiệp hội giữa Caparo Group và  Carnegie Mellon University xây dựng cơ sở ở Ấn Độ. Cơ sở nhánh của trường Netherlands Business School ở Nigeria kết hợp với  African Leadership Forum (NGO)

Trường đại học ảo       

Nhà cung cấp cung cấp các khoá theo tín chỉ và các chương trình cấp bằng cho sinh viên ở các nước khác nhau qua hình thức giáo dục từ xa và nói chung không có các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho các sinh viên.

International Virtual University, Hibernia College, Arab Open University

(Jane Knight, 2005)

 

Các nhà cung cấp xuyên biên giới thực và ảo cũng có nhiều vấn đề về đăng kí, đảm bảo chất lượng và công nhận như các chương trình xuyên biên giới. Nhưng nếu có sự tham gia của mạng lưới hoặc có sự hợp tác địa phương/nước ngoài thì người ta phải xem xét đặc biệt hơn. Việc thiết lập cơ sở vật chất ở nước tiếp nhận đòi hỏi phải chú ý đến các quy chế quốc gia liên quan đến vị thế của thực thể, sở hữu hoàn toàn hay cùng sở hữu với các cơ sở ở nước sở tại, luật thuế, vị lợi nhuận hay phi lợi nhuận, chuyển tiền thu  nhập về nước, hội đồng giám đốc, đội ngũ, cấp bằng, lựa chọn chương trình và khoá học v.v. Việc di chuyển nhà cung cấp giáo dục xuyên biên giới liên quan đến phương thức thứ ba của GATS và vì thế các quy tắc thương mại cũng có hiệu lực ở đây. Ở một số nước, điều đó có nghĩa là các quy chế nghiêm ngặt đang được xây dựng để theo dõi chặt chẽ và trong một số trường hợp sẽ cấm không cho nhà cung cấp giáo dục nước ngoài vào kinh doanh. Trong một số trường hợp khác thì người ta lại có các giải pháp khuyến khích để hấp dẫn các trường đại học, các nhà cung cấp giáo dục nước ngoài chất lượng cao thành lập các cơ sở hoặc một trường đại học hoàn chỉnh ở nước tiếp nhận. Điều này đặc biệt đúng nơi mà các “công viên kiến thức”, các “khu công nghệ” hoặc các “thành phố giáo dục” đang được xây dựng để hấp dẫn các công ty và các nhà cung cấp giáo dục/đào tạo nước ngoài.

3.3.Chương trình đào tạo đại học xuyên biên giới

Các chương trình đào tạo đại học xuyên biên giới có thể được mô tả là các chương trình đào tạo xuyên biên giới quốc gia qua mặt đối mặt (trực tiếp), từ xa hoặc kết hợp cả hai kiểu này. Các tín chỉ của chương trình đào tạo có thể được cấp bởi nhà cung cấp nước ngoài hoặc đối tác liên kết trong nước hoặc cả hai bên kết hợp .

Bảng 3: Các loại hình chương trình đào tạo đại học xuyên biên giới                

Phân loại

                                                      Mô tả       

Uỷ quyền  cung cấp

Nhà cung cấp ở nước A uỷ quyền cho nhà cung cấp ở nước B cung cấp khoá/chương trình/dịch vụ đào tạo của họ ở nước B hoặc các nước khác. Chất lượng đào tạo được quyết định bởi nhà cung cấp ở nước A.

Cặp đôi

Nhà cung cấp nguồn ở nước A cộng tác với nhà cung cấp ở nước B xây dựng hệ thống khớp nối cho phép các sinh viên học các môn ở nước B và/hoặc nước A. Chỉ có nhà cung cấp ở nước A được cấp bằng. 

Bằng kép/ bằng chung

Nhà cung cấp ở các nước khác nhau cộng tác cung cấp chương trình cho sinh viên nhận bằng của mỗi bên hoặc cả hai bên hợp tác cấp một bằng chung.

Ghép nối

Các kiểu tổ chức ghép nối khác nhau của các nhà cung cấp ở các nước khác nhau cho phép sinh viên thu được tín chỉ đối với các khoá/các chương trình do các nhà cung cấp phối hợp nhau cung cấp.

Phê chuẩn cung cấp

Sự phê chuẩn giữa các nhà cung cấp ở các nước khác nhau cho phép nhà cung cấp B ở nước tiếp nhận cấp bằng của nhà cung cấp A ở nước nguồn.

Cung cẩp ảo/từ xa         

Các nhà cung cấp tổ chức các khoá học/chương trình cho các sinh viên ở các nước khác nhau qua kiểu học từ xa và trên mạng. Có thể có một số buổi trực tiếp hỗ trợ cho các sinh viên qua các trung tâm hỗ trợ hoặc nghiên cứu trong nước.

(Jane Knight, 2005)

 

Yếu tố then chốt ở đây là ‘ai’ cấp chứng chỉ cho các môn học hoặc cấp bằng. Khi xu hướng cung cấp các chương trình xuyên biên giới tăng nhanh, sẽ có những thay đổi liên tục đối với các khung điều tiết của quốc gia, khu vực, và cả của quốc tế. Ngoài câu hỏi ‘ai cấp chứng chỉ/văn bằng’ sẽ có thêm câu hỏi ‘ai công nhận nhà cung cấp’ và liệu chương trình đã được kiểm định hoặc được đảm bảo chất lượng bởi một cơ quan hợp pháp hay không. Điều quan trọng đặc biệt là văn bằng có được công nhận ở nước tiếp nhận giáo dục xuyên biên giới hoặc các nước khác khi người tốt nghiệp xin việc hoặc tiếp tục học lên không. Tính hợp pháp, sự công nhận, và việc công nhận văn bằng là những vấn đề cơ bản chưa được giải quyết.

Về loại chương trình hợp tác, thì việc ai là người là chủ sở hữu trí tuệ đối với việc thiết kế khoá học và các tài liệu là một câu hỏi. Vai trò pháp lý, đạo đức và các trách nhiệm của những đối tác tham gia trong các vấn đề về quản lí, tài chính, đánh giá, tuyển dụng cán bộ, chiêu sinh và học vấn là những câu hỏi khác. Trong khi việc cung cấp các chương trình xuyên biên giới đã và đang diễn ra nhiều năm, thì rõ ràng là các loại nhà cung cấp mới, các đối tác, các phương thức giảng dạy và việc cấp bằng đang thách thức các chính sách và các khung pháp lý đảm bảo chất lượng của quốc gia và quốc tế và vào thời điểm hiện tại câu hỏi nhiều hơn câu trả lời.

 

4. Giáo dục xuyên biên giới và sự hợp tác phát triển

Giáo dục xuyên biên giới đã trở thành hiện thực và sẽ tăng lên trong những năm tới. Nó là điển hình sống động cho quan hệ Bắc-Nam. Nó diễn ra trong môi trường phức tạp cao, được tạo ra bởi sự tác động lẫn nhau đa khu vực, đa mức độ, đa vai diễn và các lĩnh vực chính sách nhiều khía cạnh (về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và học vấn). Hai tác giả  Neville Alexander và Karola Hahn trong một báo cáo tại Hội nghị “Giáo dục xuyên biên giới và sự hợp tác phát triển” (30/6-1/7/2005) đã nêu những khía cạnh cần quan tâm dưới đây:

4.1. Khía cạnh chính trị

1) Mối đe doạ tiềm tàng của sự không đối xứng nghiêm trọng giữa các nhà cung cấp của Bắc và các nhà tiếp nhận của Nam cần được xử lý bằng các chính sách giáo dục đại học và hợp tác phát triển.                      

2) Các cách tiếp cận khu vực hình như có tiềm lực chưa được phát hiện trong các nước phía ‘Nam’ (và các nước phía ‘Bắc’) và có thể là một sự lựa chọn hứa hẹn bổ sung cho các cách tiếp cận song phương giữa hai nước hoặc hai trường đại học.                                                               

3) Những lí lẽ dẫn đến xung đột trong giáo dục xuyên biên giới (nổi lên là lí lẽ kinh tế đối lập với những lí lẽ chính trị, học vấn, văn hoá, xã hội) cần được đề cập bởi các nhà lãnh đạo và những người vận động hành lang về sự quốc tế hoá giáo dục đại học và hợp tác phát triển.             
4) Các chính sách của trường đại học và quốc gia có thể cản trở sự gia tăng của giáo dục xuyên biên giới thành công trong sự hợp tác phát triển:

a) Cuộc tranh luận về ‘sự suất sắc và giáo dục tinh hoa’ và các chính sách tài trợ liên quan;

b) Các tiêu chuẩn kiểm định, các thủ tục và chi phí;

c) Việc thiếu các chương tình tài trợ thường xuyên để thúc đẩy giáo dục xuyên biên giới hướng vào sự phát triển.

4.2. Khía cạnh kinh tế

1) Thị trường toàn cầu về giáo dục đại học đã xuất hiện. Giáo dục xuyên biên giới hình như bị biến thành hàng hoá và thương mại hoá, với nguy cơ làm cho các nước phương Nam chỉ còn là người tiêu thụ các sản phẩm giáo dục các nước phương Bắc và như thế bỏ qua tiềm năng của sự phụ thuộc và nhân nhượng lẫn nhau.

2) Các nước phương Nam cần nỗ lực trong việc tìm ra các nguồn lực riêng và nhận thức rõ tiềm năng riêng của mình để giải quyết những thách thức của giáo dục và phát triển. Việc hợp tác với công nghiệp địa phương và cách tiếp cận khu vực hình như đang hứa hẹn.

4.3. Khía cạnh văn hoá

1) Văn hoá và ngôn ngữ là những khía cạnh quan trọng của giáo dục xuyên biên giới. Sự truyền thông liên văn hoá cần có vị trí quan trọng hơn trong chương trình đào tạo và trong các hoạt động hợp tác. 

2) Sự Anh ngữ hoá việc dạy, học và nghiên cứu làm tăng cơ hội, nhưng cũng làm cho các ngôn ngữ khác bị cách biệt và như vậy làm tăng sự mất mát văn hoá và giảm sự đa dạng trong một viễn cảnh lâu dài.

3) Có nhu cầu sống còn trong các dự án phát triển để tích hợp các phát hiện khoa học và kiến thức địa phương và để chuyển vào các ngôn ngữ địa phương. Điều này có ngụ ý hệ thống cho phác thảo các chương trình nghiên cứu (đào tạo).

4) Việc dạy các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh cần được chú ý và ủng hộ nhiều hơn.

4.4. Khía cạnh xã hội

1) Giáo dục xuyên biên giới có thể mở rộng cơ hội đối với giáo dục đại học ở các nước đang phát triển với điều kiện nó không phải là giáo dục tinh hoa.

2) Sự trợ cấp có thể đóng góp vào sự công bằng.

4.5. Khía cạnh học thuật

1) Cho đến nay, sự hợp tác về chương trình là hoạt động cốt lõi trong giáo dục xuyên biên giới.

2) Sự hợp tác trong nghiên cứu cần được thúc đẩy và có thể được hỗ trợ bằng nghiên cứu phối hợp.          
3) Các mô hình ‘anh em’ và ‘gia đình’ là các loại hình quen thuộc của giáo dục xuyên biên giới hình như đại diện cho sự hợp tác tối ưu về chương trình đào tạo. Các mô hình mạng lưới làm ra vẻ có sự bình đẳng giữa các đối tác là điều thường không tồn tại trong thực tế. Để khắc phục tình trạng này các mô hình tam giác cần được thiết lập vì chúng là những mô hình phù hợp hơn (các đối tác ở các nước phương Bắc được bổ sung bởi các quan hệ Nam – Nam).        
4) Cách tiếp cận khác nhau liên quan đến tính ứng dụng đối lập với nghiên cứu cơ bản chiếm ưu thế trong các nước phương Nam và các nước phương Bắc. Trong khi ứng dụng kiến thức là mối quan tâm nhất của hầu hết các nước đang phát triển, thì mối quan tâm của các nước công nghiệp hoá phương Bắc lại là nghiên cứu cơ bản.  
5) Các chương trình kết hợp hoặc cặp đôi bao gồm chương trình khung đào tạo cốt lõi và một số mô đun tự chọn. Điều này đảm bảo cho sự điều chỉnh nhất định ngữ cảnh đặc biệt của chương trình (sự linh hoạt của chương tình).  
6) Việc đảm bảo chất lượng trong giáo dục không biên giới cần cách tiếp cận hợp tác bao gồm những người có quyền lợi liên quan phù hợp của cả hai bên. Đảm bảo chất lượng cần tìm cách đánh giá xem những mô đun tự chọn có tương đương về giá trị hay không. Nó cần cho phép sự đa dạng về nội dung tuỳ thuộc vào bối cảnh đặc biệt của nó.

7) Các khoá học được thiết kế theo yêu cầu của khách hàng trong giáo dục thường xuyên và tại chức cho những người chủ chốt ở các nước phương Nam – những nhân sự thay đổi tiềm tàng trong khoa học, chính phủ và xã hội công dân – có thể thay thế cho việc ra nước ngoài nghiên cứu học tập vừa tốn kém vừa có thể là nguyên nhân của sự chảy chất xám hoặc xa lánh đất nước.                                                                                                                                                  

8) Elearning có thể là bộ phận hưá hẹn của giáo dục thường xuyên trong giáo dục xuyên biên giới và trong giai đoạn chuẩn bị đi học ở hải ngoại, nhưng cơ sở vật chất kĩ thuật ở nhiều nơi thường yếu. Các mô hình dạy và học hỗn hợp và sự kết hợp của giáo dục tại chỗ và giáo dục từ xa hình như sẽ có kết quả hơn.

 
5. Các nguyên tắc của giáo dục đại học xuyên biên giới
5.1. Các nguyên tắc       

Hoạt động xuyên biên giới có thể góp phần quan trọng vào việc nâng cao giáo dục đại học nếu nó được cung cấp và phát triển một cách có trách nhiệm và chọn lọc. Các hiệp hội  các trường đại học của Mỹ, Canada, Hiệp hội quốc tế các trường đại học đã đề xuất một số nguyên tắc sau đây để hướng dẫn các hành động cho các cá nhân/tổ chức có lợi ích liên quan:   – Giáo dục đại học xuyên biên giới cần đóng góp vào sự phồn vinh của các cộng đồng về kinh tế, xã hội, văn hoá.

– Trong khi giáo dục xuyên biên giới có thể chảy theo nhiều hướng khác nhau và diễn ra trong những hoàn cảnh đa dạng khác nhau, nó cần nâng cao khả năng của giáo dục đại học của các nước đang phát triển để thúc đẩy sự công bằng toàn cầu.   
– Ngoài việc cung cấp sự tinh thông nghề nghiệp chuyên môn, giáo dục đại học xuyên biên giới cần cố gắng làm cho người học thấm nhuần tư duy phê phán là yếu tố cơ sở cho trách nhiệm  công dân có ở cấp độ địa phương, quốc gia và toàn cầu.                  

– Giáo dục đại học xuyên biên giới có thể tiếp cận được không chỉ với các sinh viên có tiền chi trả, mà còn với các sinh viên có năng lực nhưng có nhu cầu hỗ trợ tài chính.

– Giáo dục đại học xuyên biên giới cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng học thuật và chất lượng tổ chức mà không tính đến nó được cung cấp ở đâu.                                         

– Giáo dục đại học xuyên biên giới cần chịu trách nhiệm giải trình đối với các chính phủ, sinh viên và công chúng nói chung.

– Giáo dục đại học xuyên biên giới cần mở rộng các cơ hội cho sự di chuyển quốc tế của các giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên.

– Các cơ sở giáo dục và các nhà cung cấp khác về giáo dục đại học xuyên biên gới cần cung cấp thông tin rõ ràng và đầy đủ cho sinh viên và các các nhân/tổ chức có lợi ích liên quan bên ngoài về chương trình đào tạo của họ.               

5.2. Các khuyến cáo cho các cơ sở giáo dục đại học và các nhà cung cấp khác              

Dựa trên các nguyên tắc vừa nêu ở mục 5.1, các tổ chức trên đưa ra chương trình hành động cho các trường đại học và các nhà cung cấp xuyên biên giới thực hiện:

– Thông thạo các vấn đề xung quanh giáo dục và thương mại xuyên biên giới để thông tin về sự trao đổi giữa các tổ chức và lôi kéo các tổ chức vào cuộc đối thoại có tính cách xây dựng với  các chính phủ. 

– Cố gắng đảm bảo rằng giáo dục đại học xuyên biên giới đóng góp vào sự phồn vinh về kinh tế, xã hội của các cộng đồng ở nước tiếp nhận là điều nhạy cảm về mặt văn hoá trong cách tiếp cận cũng như nội dung đào tạo, và nâng cao năng lực giáo dục đại học của địa phương bằng cách hợp tác với các trường địa phương khi thích hợp.

– Có giấy phép hợp thức để tác nghiệp như các trường đại học của chính phủ hoặc các tổ chức có năng lực cần thiết trong nước cung cấp và nước tiếp nhận . Đồng thời, các chính phủ và các tổ chức cần tăng cường sự hợp tác, tính minh bạch, và chia sẻ thông tin để giảm gánh nặng hành chính ở các cơ sở giáo dục đại học.

– Xây dựng văn hoá xem xét chất lượng thường xuyên, phản hồi, và cải thiện bằng cách tạo ra các quá trình đảm bảo chất lượng thiết thực ở cấp trường dựa trên trình độ chuyên môn của giảng viên và kết hợp với ý kiến của sinh viên.

– Hợp tác với các hiệp hội của họ cũng như các tổ chức chính phủ và phi chính phủ để xây dựng các nguyên tắc đảm bảo chất lượng hiệu quả và áp dụng chúng vào các hoạt động xuyên biên giới.

– Hợp tác với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ để tăng cường sự trao đổi quốc tế về thông tin và sự cộng tác về các vấn đề công nhận và đảm bảo chất lượng.

– Cung cấp thông tin tin cậy cho các chính phủ, sinh viên và dân chúng, đặc biệt tôn trọng tình trạng hợp pháp của trường, quyền cấp bằng, cung cấp khoá học, cơ chế đảm bảo chất lượng, cũng như những điều cụ thể thích hợp khác theo quy tắc hành nghề.

5.3. Các khuyến cáo đối với các chính phủ 

Các hiệp hội được nêu ở mục 5.1 cũng đưa ra các khuyến cáo đối với các chính phủ khi đương đầu với những thách thức của giáo dục xuyên biên giới.

  Một số chính phủ tìm cách quản lí giáo dục đại học xuyên biên giới qua các chế độ thương mại khu vực hoặc đa phương được thiết kế để thúc đẩy nhanh dòng chảy của hàng hoá và các dịch vụ tư nhân. Có ba hạn chế chính đối với cách tiếp cận này. Thứ nhất, các quy định khung về thương mại không được thiết kế để giải quyết các mục đích nghiên cứu, học thuật hoặc các mục đích văn hoá xã hội rộng hơn của giáo dục đại học xuyên biên giới. Thứ hai, chính sách mậu dịch và chính sách giáo dục quốc gia có thể mâu thuẫn nhau và gây nguy hiểm cho khả năng của giáo dục đại học thực hiện sứ mạng văn hoá và xã hội của mình. Thứ ba, việc áp dụng các qui tắc mậu dịch có thể gây hậu quả không mong muốn mà nó có thể có hại đến sứ mạng của giáo dục đại học. Tin rằng những chính sách và những thoả thuận quốc tế về giáo dục đại học xuyên biên giới – đặc biệt trong bối cảnh của WTO và các cuộc thảo luận khác về thương mại – sẽ giải quyết những hạn chế này. Các chính sách và thoả thuận ấy  cần tôn trọng quyền của các chính phủ và các tổ chức có thẩm quyền ở các nước trong việc điều tiết các hệ thống giáo dục đại học của họ, đảm bảo an toàn cho việc đầu tư công trong giáo dục đại học để đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội, văn hoá của nước mình, và tăng cường cơ hội và sự công bằng cho các sinh viên. Người ta khuyến cáo các chính phủ chấp nhận chương trình hành động sau đây để bổ sung những nỗ lực của các nhà cung cấp giáo dục đại học:        

– Thu hút các trường đại học, các nhà cung cấp và các hội đại diện của họ vào cuộc thảo luận về các nguyên tắc khớp nối với tuyên bố này, đặc biệt khi soạn các chính sách mậu dịch thương mại. 

– Thúc đẩy và ủng hộ sự cộng tác về giảng dạy và nghiên cứu và các hình thức hợp tác khác để xây dựng năng lực giáo dục đại học cho các nước đang phát triển.                                                                       

– Chứng minh sự cam kết đối với cơ hội tiếp cận giáo dục đại học qua việc gia tăng hỗ trợ các sinh viên quốc tế có năng lực khi họ có nhu cầu tài chính.                                              

– Hợp tác với các cơ quan chính phủ và phi chính phủ để đảm bảo các nhà cung cấp giáo dục đại học nước ngoài đang hoạt động ở các nước của họ được quản lí và giám sát một cách thích hợp.    

– Hợp tác với các cơ quan chính phủ và phi chính phủ để làm cho thông tin về các trường đại học của nước họ và thực tế kiểm định và đảm bảo chất lượng chính xác, kịp thời, sẵn có và thân thiện với người sử dụng.   

– Hợp tác với các cơ quan chính phủ và phi chính phủ để cải tiến các công cụ thông tin, đảm bảo thông tin liên quan tới các vấn đề đã nói trên được chia sẻ một cách hệ thống trên phạm vi quốc tế.                                                                      

 

6. Chất lượng đào tạo xuyên biên giới

Trong một seminar về việc thiết lập các cơ chế đánh giá giáo dục xuyên biên giới do UNESCO Bangkok tổ chức ở Côn Minh, Trung Quốc (2005) Wong Wai Sum nêu lên những vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo xuyên biên giới đáng chú ý như sau:

6.1. Những biểu hiện tiêu cực

Theo Wong Wai Sum, các hiện tượng tiêu cực của đào tạo xuyên biên giới thường gặp là: 

Thông tin sai lệch, không trung thực hoặc lừa dối về các khóa học: liên quan đến sự cung cấp các khoá học (các vấn đề về nội dung, giảng dạy, các nguồn lực, cán bộ…), hoặc thông tin sai về tình trạng được công nhận của các khoá học (khẳng định không đúng rằng khoá học được các cơ quan chính phủ hoặc chuyên môn công nhận );   
Gian lận: không trả lại học phí, hoặc ngừng chương trình học với lý do không đúng là nhà cung cấp gặp khó khăn tài chính.                                                                                            

Chất lượng khoá học nghèo nàn. Thí dụ:

*Chuẩn của các khoá học thấp (nội dung bị giảm hoặc cắt ngắn, ít mô đun, môn học tự chọn cho sinh viên v.v.);               

*Các yêu cầu đầu vào hoặc đầu ra thấp (chuẩn vào thấp, ít yêu cầu về điều kiện nghiên cứu tiên quyết, yêu cầu thấp về tốt nghiệp v.v.);            

*Các nguồn lực giảng dạy nghèo nàn (sử dụng các cán bộ không có kinh nghiệm chuyên môn, sử dụng các tài liệu học tập chất lượng nghèo nàn cho sinh viên; thiếu hoặc không đủ các nguồn của thư viện, phòng thí nghiệm v.v.);  
* Sử dụng các phương pháp giảng dạy không phù hợp v.v.

* Bớt thời gian dạy/ dạy nhanh                  

Những sai lệch trên có thể có tác động nghiêm trọng, các sinh viên kết thúc khoá học không thoả mãn với mong đợi của họ; các sinh viên tốt nghiệp các khoá chất lượng nghèo nàn sẽ không đủ năng lực làm việc hoặc không được nhận bởi những nhà tuyển dụng. Ngay cả khi được nhận làm thì họ cũng không đủ khả năng thực hiện tốt công việc đảm nhiệm.

6.2. Các yếu tố có thể dẫn đến các vấn đề về chất lượng

1) Các yếu tố ở cấp vi mô – cấp trường               

Sự hiểu biết không đầy đủ về giáo dục xuyên biên giới          

Giáo dục  xuyên biên giới là hình thức cung cấp giáo dục mới đòi hỏi sự xem xét và lập kế hoạch đặc biệt. Tuy nhiên nhiều trường không hiểu đầy đủ hoặc đánh giá thấp tính phức tạp của vấn đề liên quan lập kế hoạch về giáo dục xuyên biên giới. Thí dụ, có các vấn đề về sự đáp ứng đối với môi trường giáo dục địa phương, hiểu biết các nhu cầu của sinh viên địa phương, chất lượng của đầu vào của địa phương, chất lượng và việc cung cấp các giáo viên địa phương và những sự hỗ trợ khác.

Đồng thời, để khắc phục khó khăn do hoạt động trong nước xa xôi, các trường có thể thay đổi phương thức phân phối, đôi khi chọn kiểu mà họ chưa được trải nghiệm, như học từ xa, mà các sinh viên địa phương chưa thích ứng.   
Thiếu các cơ chế đảm bảo chất lượng của trường           

Hoạt động của giáo dục xuyên biên giới đòi hỏi có sự kiểm soát chặt chẽ, nhưng một số trường có thể không nhận thấy nhu cầu có một hệ thống đầy đủ về kiểm soát và đảm bảo chất lượng. Hoặc ở nơi có thì việc thực hiện có thể không đủ mạnh.

Thiếu hiểu biết về các hệ thống giáo dục của địa phương

Sự thiếu hiểu biết về các hệ thống giáo dục của địa phương dẫn đến những quyết định sai. Thí dụ: Các chuẩn tiếp nhận có thể bị thoả hiệp (hoặc bị tổn hại) khi các sinh viên được nhận vào trên cơ sở của chất lượng đào tạo không thích hợp của địa phương .

Khó khăn trong việc tiếp nhận các nguồn lực của địa phương

Khi các trường cung cấp các khoá học xuyên biên giới đang hoạt động trong môi trường nước khác, họ thường phải dựa vào các nguồn lực của địa phương, như cán bộ địa phương, sự hỗ trợ của thư viện. Các nguồn lực đầy đủ với chất lượng thích hợp có thể không có sẵn.                                                                                                                        

Quá tín nhiệm vào các đối tác địa phương không có kinh nghiệm

Việc cung cấp giáo dục  xuyên biên giới đôi khi cần chia sẻ trách nhiệm giữa cơ sở xuất khẩu và đối tác điạ phương. Một số đối tác địa phương có thể là những tổ chức thương mại/không phải là cơ sở đào tạo. Đôi khi đối tác địa phương tham gia không đầy đủ vào các quyết định giảng dạy chủ yếu và trong giám sát chất lượng của các khoá học.    
2) Các yếu tố ở cấp vĩ mô – cấp quốc gia    

Thiếu các hệ thống đảm bảo chất lượng ở cấp quốc gia để kiểm tra giám sát chất lượng của giáo dục xuyên biên giới                .

Mặc dù nhiều nước có thiết lập các hệ thống kiểm định và đảm bảo chất lượng, nhưng nhiều khi chỉ chú ý đến hệ thống giáo dục trong nước mà không quan tâm giám sát giáo dục xuyên biên giới.  

Thiếu các nguồn thông tin về các sinh viên và các khách hàng     

Giáo dục xuyên biên giới trông cậy chủ yếu cho sự sống còn của họ vào sức mạnh của thị trường, và thông thường người ta mong đợi chỉ có các khoá học chất lượng tốt mới có thể sống được trong thị trường. Tuy nhiên, các sinh viên không phải lúc nào cũng là những khách hàng thận trọng, và đôi khi các khoá học được chọn vì những lí do khác hơn là vì chất lượng. Hơn nữa các khách hàng thường nhận được thông tin không rõ ràng về các khoá học. Do vậy sự cung cấp chất lượng thấp vẫn đe doạ thị trường và một số khách hàng vẫn kết thúc khoá học với chất lượng nghèo nàn.

6.3. Vai trò của các chính phủ nước nhập khẩu

Các chính phủ có thể nuôi dưỡng chính sách khá cởi mở và cho phép giáo dục xuyên biên giới một phạm vi thị trường tự do. Những tranh cãi về chính sách này là về thương mại tự do giữa các nước và sự lựa chọn tự do cho các khách hàng, và thị trường có thể phân biệt giữa sự cung cấp chất lượng tốt và chất lượng tồi, với kết quả là chất lượng tồi sẽ bị đào thải.

Tuy nhiên, khi người ta chứng kiến sự tồn tại của các ví dụ về việc cung cấp chất lượng nghèo nàn, thì có thực tế là thị trường không tự đóng vai trò điều tiết được. Như đã thảo luận ở trên, các sinh viên/khách hàng không phải lúc nào cũng được thông tin đúng và chất lượng của các chương trình học có thể không phải lúc nào cũng được ưu tiên cao nhất. Khả năng khác có thể là các chính phủ đóng vai trò cổ vũ bằng cách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học chú ý  hơn đến chất lượng giáo dục xuyên biên giới của họ, và đặt các hệ thống giám sát các khoá học vào đúng chỗ của nó. Sự thành công của cách tiếp cận này phụ thuộc vào mục đích cũng như khả năng của các nhà cung cấp trong việc đảm bảo chất lượng cung cấp của họ. 

Việc phải làm là sự lựa chọn thiết lập hệ thống điều tiết. Mục đích của hệ thống ‘điều tiết’này là mục đích kép: Thứ nhất, giúp chính phủ thu thập các dữ liệu và thông tin về giáo dục xuyên biên giới đang hoạt động trong lãnh thổ của mình, như các loại khoá học, nguồn gốc của các nhà cung cấp, qui mô dân số sinh viên v.v. Thứ hai, quan trọng hơn, nó làm cho chính phủ có thể điều tiết hoặc kiểm soát sự cung cấp để đảm bảo/nâng cao chất lượng hoặc hình thức đào tạo phù hợp với chương trình của quốc gia.

Hệ thống đảm bảo chất lượng có thể hoạt động theo hai cách: 1) cho phép vận hành giáo dục xuyên biên giới trong điều kiện nó đáp ứng các tiêu chuẩn/điều kiện nhất định, và nó sẽ vi phạm pháp luật nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn; 2) khích lệ động viên nếu các điều kiện/tiêu chuẩn qui định được đáp ứng, thí dụ, công nhận văn bằng cho các mục đích tuyển dụng hoặc công nhận sinh viên đủ điều kiện vay tiền học…. Như vậy mặc dù hệ thống điều tiết có vẻ là hệ thống mang tính bắt buộc, tuy nhiên lại có thể xem là hệ thống tự nguyện, hoặc có những đặc điểm nhất định của sự tình nguyện trong khung điều tiết chẳng hạn như hệ thống khuyến khích. Những vấn đề trên nằm trong những vấn đề rộng lớn về chính sách mà một chính phủ cần xem xét trước khi đưa ra bất kỳ một hệ thống nào để điều khiển lĩnh vực giáo dục xuyên biên giới.

6.4. Các vấn đề trong việc thành lập hệ thống điều tiết

Các vấn đề và các câu hỏi đặt ra là:

Lựa chọn tổ chức đóng vai trò điều tiết: Chính phủ phải quyết định cơ quan có thẩm quyền đảm nhận vai trò điều tiết: có thể là cơ quan chính phủ hoặc các tổ chức độc lập như cơ quan kiểm định và đảm bảo chất lượng; hoặc vai trò được chia sẻ giữa cơ quan chính phủ và cơ quan đảm bảo chất lượng. Ở Hồng Công vai trò được chia sẻ bởi chính phủ (Cơ quan đăng kí các khoá học không phải của địa phương)  và tổ chức đảm bảo chất lượng (đánh giá các khoá học xuyên biên giới).

Xác định ‘giáo dục xuyên biên giới’ và quyết định phạm vi điều chỉnh: Trước hết cần xác định phạm vi của giáo dục xuyên biên giới và điều đó không phải lúc nào cũng dễ làm. Chẳng hạn, khung điều tiết có bao gồm các hoạt động giáo dục do cơ sở hải ngoại cung cấp kết hợp với các cơ sở của địa phương hay không? hệ thống có cần bao gồm ‘việc học từ xa’, và nếu cần thì nó hoạt động thế nào? 

Kiểu và mức độ của giáo dục xuyên biên giới: Chính phủ phải quyết định điều gì sắp xảy ra dưới phạm vi ảnh hưởng của hệ thống điều tiết. Có phải hệ thống chỉ điều tiết các khoá giáo dục đại học và các khoá học thuật hay không và những khoá này được xác định như thế nào?  Ở Hồng Công, cả hai loại khoá học thuật và nghề nghiệp đều phải đăng kí.

Hệ thống cần được thông qua bằng các biện pháp hành chính hoặc luật pháp: hệ thống được đăng kí chính thức sẽ dễ dàng quản lí hơn. Tuy nhiên sẽ mất thời gian để dự thảo và chuyển cho cơ quan lập pháp. Những thay đổi có thể đòi hỏi sửa đổi luật.                

Chọn giữa hệ thống tự nguyện và hệ thống có tính bắt buộc: điều này gắn với sự lựa chọn hệ thống hành chính hay được pháp luật công nhận. Ở nơi chính phủ muốn điều tiết để đảm bảo chất lượng của giáo dục xuyên biên giới, hoặc đưa ra biện pháp bảo vệ khách hàng, thì hệ thống có tính bắt buộc có thể hiệu quả hơn. Ở Hồng Công tồn tại một hệ thống hỗn hợp – có những quy định điều tiết bởi chính phủ, nhưng cũng bổ sung những khía cạnh tự nguyện. 

Quyết định các tiêu chí phê chuẩn/đăng kí: đây có lẽ là câu hỏi quan trọng nhất mà bất kì chính phủ và cơ quan đảm bảo chất lượng nào cũng đang phải đối mặt. Chất lượng được xác định như thế nào, ai xác định nó? Câu hỏi là liệu có áp dụng cùng chuẩn/chất lượng cho giáo dục xuyên biên giới và giáo dục trong nước không? Nói cách khác là có nên cùng một hệ thống đảm bảo chất lượng áp dụng cho cả hai loại hình cung cấp giáo dục trong nước và nhập khẩu?

6.5. Gợi ý những nội dung khung pháp lý đảm bảo chất lượng

Có thể tham khảo các nội dung sau đây trong Khung pháp lý điều tiết giáo dục xuyên biên giới của Hồng Công:

1) Định nghĩa

• Các định nghĩa rõ ràng về gíao dục xuyên biên giới; phạm vi, mức độ giáo dục xuyên biên giới được điều tiết;

• Phân biệt giữa các khoá học cần đăng kí và những khoá học được miễn trừ;

• Các khoá học đơn thuần có bản chất học từ xa không bị điều chỉnh bởi qui định này. (có thể đăng kí tự nguyện)             

2) Đăng kí

• Qui định các tiêu chuẩn đăng kí (Thí dụ: Khái niệm về “tính so sánh” cho các khoá học;           

• Các khoá có thể là môn học đã đăng kí tuỳ hoàn cảnh;

• Thiết lập hệ thống cho sự đăng kí ban đầu và cho sự giám sát tiếp tục (hàng năm.         

3) Các biện pháp bảo vệ khách hàng

• Qui định hình thức phạt đối với hoạt động trái phép (không đăng kí);       

• Qui định những nhà cung cấp các khoá học không được thu học phí trước quá 3 tháng và phải hoàn trả tiền trong trường hợp trì hoãn các khoá học;                                                                                     

• Không cho phép quảng cáo giả dối hoặc gây nhầm lẫn liên quan đến các khoá học;

• Ngăn chặn các nhà cung cấp tạo ra những tuyên bố giả tạo về sự công nhận các khoá học bởi những người hoặc công ty tuyển người;

• Yêu cầu các nhà cung cấp phải xin phép khi muốn sử dụng những cơ ngơi đặc biệt cho những khoá học của họ.

4) Hệ thống khiếu nại

• Qui định các tiêu chí huỷ đăng kí;               

• Quy định về việc khiếu nại bao gồm các thủ tục và khung thời gian.

5) Công bố thông tin ra công chúng

• Công bố thông tin tất cả các khoá học đã đăng kí và được miễn thuế cho công chúng giám sát.

6.6. Vai trò của cơ quan kiểm định và đảm bảo chất lượng 

Ngoài những nhiệm vụ khác, trong vấn đề giáo dục xuyên biên giới các cơ quan đảm bảo/ kiểm định chất lượng cần thực hiện các nhiệm vụ sau:                                

• Định ra những thủ tục rõ ràng cho sự kiểm định/đánh giá và cung cấp thông tin về vấn đề này;        

• Định ra các tiêu chí đăng kí. Khi các tiêu chí đăng kí này đã được qui định bởi luật pháp thì giải thích rõ ràng cho các nhà cung cấp, các sinh viên và công chúng;

• Xử lý khiếu nại hoặc giúp chính phủ xử lý;

• Báo cáo những trường hợp bất hợp pháp cho chính phủ và hành động khi thích hợp;                   

• Xây dựng cơ sở dữ liệu về các khoá học được đánh giá, thiết lập các tiền lệ về các trường hợp và biên soạn các số liệu thống kê, và phân tích về các khoá học khi thích hợp.                                                                       

• Giao tiếp và hợp tác với cơ quan đảm bảo chất lượng ở các nước xuất khẩu, với các cơ quan quốc tế để trao đổi, chia sẻ thông tin và hoạt động;                              

• Giúp chính phủ công bố khung qui định về giáo dục xuyên biên giới và xử lý thông tin yêu cầu từ các nhà cung cấp, các sinh viên và công chúng.                                        

• Xây dựng những qui chế hành nghề cho các nhà cung cấp các khoá học và các đối tác địa phương tham khảo.

 

Đôi lời cuối bài :

Giáo dục đại học xuyên biên giới được coi là một lĩnh vực mới với rất nhiều vấn đề đáng được chúng ta quan tâm. Trong bài này chúng tôi cố gắng đề cập các vấn đề vĩ mô, phản ảnh những cuộc tranh luận có giá trị, những nghiên cứu về hiện tượng giáo dục xuyên biên giới trong bối cảnh toàn cầu hoá. Việt Nam đang chuyển đổi và phát triển giáo dục, thuộc vào những nước tiếp nhận giáo dục giáo dục đại học xuyên biên giới. Hiện tại, có rất nhiều hoạt động với đủ loại hình thức giáo dục xuyên biên giới của nước ngoài vào Việt Nam. Điều này mang lại cho Việt Nam một cơ hội học hỏi tốt để phát triển giáo dục đại học. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu biết sâu sắc các cơ hội và thách thức do Giáo dục đại học xuyên biên giới mang lại để xây dựng cho được một khung chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục đại học xuyên biên giới góp phần làm cho nền giáo dục đại học Việt Nam phát triển bền vững.

Hà Nội, ngày 2 tháng 9 năm 2009

——-

* Đại học Quốc gia Hà Nội                                                                                       

 

Tài liệu tham khảo chính:

1. Arief S. Sadiman; Trade in Education services in Southeast Asia ; Conference on Education Cooperation in Asia 2004, Beijing, PR China, 22-25 August 2004.

2. Jane Knight; The impact of Trade Liberalization on Higher Education: Policy Implications, from “Globalization: What issues are at Stake for Universities?”, Universite Laval, Quebec, Canada. 2002.

3. Jane Knight; Cross-border Education as Trade: Issues of Consultation; Policy Review and Research, JHEA/RESA Vol.2 No.3 pp.55-81. 2004

4. Marijik van der Wende; Golbalization, privatization and liberalization, CHEPS Summer School, Vilnius, 4-8 July 2005

5. Neville Alexander, Karola Hahn (2005); CroBorEdu roll; DIES Conference “Cross-Border Education and Development Co-operation” (30 June – 1 July 2005);

6. OECD; Education Policy Analysis, 2002

7. Peter D. Eckel & Madelein F. Green (American Council on Education, Washington D.C. USA), Britany Affolter-Caine (University of Michigan USA); “Curricula Joint Ventures: a New Chapter in US Cross-border Education?”; Policy Futures in Education, Vol.2, No.2, 2004

8. Santosh Kumar Maduluga; Cross-border Mobility for Transnational Education; Conference on the Bologna Process and Shaping of the Knowledge Society at the University of Bergen, Norway, May 18-20 2005

9.The International Association of Universities  (IAU), ), the Association of Universities and Colleges of Canada (AUCC) (external link), the American Council on Education (ACE) (external link), Council for Higher Education Accreditation (CHEA);  Association of Universities and Colleges of Canada (AUCC)American Council on Education (ACE)Council for Higher Education Accreditation (CHEA)  Sharing Quality Higher Education Across Borders: A Statement on Behalf of Higher Education Institutions Worldwide (2004);

10. UNESCO, Commonwealth of Learning; Higher Education Crossing Borders: A Guide to the Implications od the General Agreement on Trade in Servises (GATS) for Cross-border Education; COL/UNESCO 2006

11. Vikash Naidoo; International Education: A Tertiary-level Industry Update; Journal of Research in International Education, 2006, 5

12. Wong W.S.; Safeguarding the quality of  cross-border education: the role of governments and quality assurance bodies; Seminar On Establishment of Cross-border Education  Assessment Mechanisms,organized by UNESCO Bangkok Office Kunming, China; 25 May, 2005;

13. Giả Hiểu Hồng, Khương Phụng; Nghiên cứu giáo dục đại học xuyên biên giới của các nước phương Tây; Tạp chí “Bình luận đánh giá Đại học Bắc Kinh” – 5-2007 (bản dịch)

 14. Ngo Doan Dai & Le Duc Ngoc, Present situation of cross-border higher education in Vietnam (An investigation into situation of cooperation in training between Vietnam’s and foreign higher education institution); Research conducted by contract with UNESCO – HANOI and MOET – VIETNAM. 2008.

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)