Giáo dục hoà nhập: Cơ hội vươn lên của trẻ em dân tộc thiểu số

Hệ thống giáo dục hòa nhập là hệ thống tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người học, không phân biệt họ là ai, xuất thân và năng lực như thế nào1. Quyền được tiếp cận giáo dục hòa nhập là nhân quyền cơ bản của mọi người học.

Học sinh DTTS ở Mù Cang Chải, Yên Bái trong một hoạt động văn hóa. Ảnh: moet.gov.vn

Con đường tới giáo dục hòa nhập

Thực hành giáo dục hòa nhập được thúc đẩy hướng đến đảm bảo quyền và cơ hội giáo dục bình đẳng và chất lượng cho tất cả các nhóm yếu thế trong xã hội. Giáo dục hòa nhập là cốt lõi để đạt được giáo dục chất lượng cao cho tất cả mọi người và để phát triển xã hội hòa nhập, công bằng và hòa bình. Tuy nhiên tỷ lệ trẻ em thuộc nhóm các dân tộc thiểu số (DTTS) ít người như Mông, Dao, Khmer và các DTTS rất ít người khác bị bỏ lại phía sau còn rất cao, đặt ra một số câu hỏi về vấn đề giáo dục hòa nhập ở vùng dân tộc thiểu số. 

Để triển khai giáo dục hòa nhập, các chuyên gia về các vấn đề thiểu số đề xuất chính phủ các nước đưa ra khung chính sách và pháp lý tổng thể với khung thời gian thực hiện cụ thể, rõ ràng, kèm theo chế tài đối với các trường hợp vi phạm. Khung này vừa phải đảm bảo tính linh hoạt, tính đa dạng và công bằng cho tất cả mọi người, xác định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước, đồng thời đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Khái niệm ‘giáo dục hoà nhập’, mục tiêu chính sách này theo đuổi, cũng như các nguyên tắc và thực hành giáo dục hòa nhập cần phải được ghi rõ trong khung pháp lý này. 

Bên cạnh đó, để đánh giá mức độ hòa nhập của hệ thống giáo dục, các chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục cũng đề xuất khung các tiêu chí đánh giá giúp các nhà nghiên cứu, nhà xây dựng chính sách, cũng như chính quyền các cấp có thể lượng giá tình trạng hòa nhập của hệ thống giáo dục cho các nhóm yếu thế tại địa phương, qua đó định hướng mục tiêu cho các đề xuất chính sách nhằm đảm bảo công bằng xã hội.

Định kiến âm ỉ về năng lực học tập của người DTTS, kỳ vọng thấp đối với học sinh DTTS, thiếu hiểu biết về giáo dục hào nhập và tính đa dạng; thiếu cơ sở dữ liệu; thiếu nghiên cứu, thiếu ý chí chính trị, năng lực cùng kiến thức chuyên môn để thực hiện giáo dục hòa nhập một cách chuẩn chỉnh; và cơ chế tài chính không phù hợp, đầy đủ để khuyến khích, trợ cấp cho học sinh thuộc các nhóm yếu thế có nguy cơ khiến cho việc triển khai giáo dục hòa nhập thất bại. 

Theo một tài liệu nền về Giáo dục và Hòa nhập phục vụ cho Báo cáo Giám sát Giáo dục toàn cầu do UNESCO xuất bản năm 2020 (1),  tính hòa nhập trong giáo dục của một hệ thống giáo dục được thể hiện trong chương trình giáo dục và sách giáo khoa (SGK). Nhóm chuyên gia gồm Eckhardt Fuchs, Marcus Otto và Simiao Yu, đưa ra khung phân tích (Hộp 1) và bộ tiêu chí đánh giá (Hộp 2) tính hòa nhập trong SGK.

Nhìn lại các chủ trương về giáo dục hòa nhập

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nêu rõ “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc” và “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” (Điều 5). Luật Giáo dục 2019, quy định “mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập” (Điều 13). Cũng điều khoản này quy định nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người học là người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập. Quan trọng nhất, Luật cũng chỉ rõ công bằng xã hội trong giáo dục và giáo dục hòa nhập được nhà nước thực hiện, đảm bảo. Luật Giáo dục cũng có một điều khoản riêng (Điều 15) về giáo dục hòa nhập, theo đó “Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của người học; bảo đảm quyền học tập bình đẳng, chất lượng giáo dục, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và khả năng của người học; tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của người học và không phân biệt đối xử.” Có thể nói đây là cơ sở pháp lý tối cao, là pháp lệnh để xây dựng, thực thi giáo dục hòa nhập cho mọi đối tượng trẻ em Việt Nam, bao gồm trẻ em DTTS. 

Nhiều năm qua, Nhà nước đã thực thi nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục cho người DTTS và các vùng núi khó khăn. Các chính sách này phủ đều các bậc giáo dục từ mầm non, giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS và THPT), dự bị đại học đến đại học, dạy nghề2, tác động đến các đối tượng trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục gồm người học, giáo viên, nhà trường. Chương trình giáo dục phổ thông cũng đã được thiết kế bao gồm môn tiếng DTTS.

Học sinh DTTS trong một lớp mẫu giáo ghép ở Kon Tum. Ảnh: kontum.gov.vn.

Đã có những kết quả tích cực đối với nhóm DTTS Tày, Thái, Mường, Nùng, tuy nhiên tỷ lệ trẻ em thuộc nhóm các DTTS Mông, Dao, Khmer và các DTTS ít và rất ít người khác bị bỏ lại phía sau còn rất cao3. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại giáo dục hòa nhập dành cho trẻ em DTTS.

Những bất lợi cho trẻ DTTS trong chương trình giáo dục

Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 (CTGDPT 2018) đưa môn tiếng DTTS, bao gồm tiếng Bahnar, Chăm, Khmer, Êđê, Jrai, Mnông, Mông và Thái, vào nhóm các môn học tự chọn, tương đương với môn ngoại ngữ 1 (ở lớp 1 và 2), với môn ngoại ngữ 2 (THCS và THPT). Thoạt nhìn tưởng rằng đây là chính sách có lợi, vì quyền lợi của trẻ em các DTTS này, trên thực tế, cách bố trí môn học này trong khung chương trình chung cho trẻ em toàn quốc đã vô hình trung loại trừ môn học ra khỏi phạm vi lựa chọn của học sinh và phụ huynh.  

Theo quy định, mọi học sinh DTTS phải theo học chương trình chuẩn, trong đó môn tiếng Việt và tiếng Anh (ngoại ngữ 1 từ lớp 3) là bắt buộc. Do tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ, nên thực chất cả hai môn này đều là ‘ngoại ngữ’, buộc các em phải cố gắng rất lớn để theo kịp bạn bè người Kinh và hòa nhập với môi trường nhà trường được giảng dạy bằng tiếng Việt chủ yếu bởi giáo viên người Kinh. Nếu lựa chọn môn tiếng DTTS các em sẽ phải học ba ngôn ngữ, so với học sinh người Kinh chỉ phải học hai ngôn ngữ. Rõ ràng đây là bất lợi lớn cho trẻ DTTS. Việc phát triển và triển khai chương trình giảng dạy và bộ SGK của tám ngôn ngữ DTTS vì giáo dục hòa nhập cho người DTTS và duy trì đa dạng văn hóa có nguy cơ không đem lại kết quả như kỳ vọng.

Về việc thi và đánh giá kết quả học tập và năng lực của người học, các kỳ thi chung diện rộng theo xu hướng chuẩn hoá như kỳ thi vào THPT và tốt nghiệp THPT là việc áp dụng cùng một thước đo với mọi đối tượng học sinh. Chính vì vậy học sinh DTTS cũng sẽ có xu hướng gặp bất lợi so với học sinh người Kinh đa số. 

Việc phát triển và triển khai chương trình giảng dạy và bộ SGK của tám ngôn ngữ DTTS vì giáo dục hòa nhập cho người DTTS và duy trì đa dạng văn hóa có nguy cơ không đem lại kết quả như kỳ vọng.

Ngôn ngữ giảng dạy trong nhà trường: thực hành loại trừ

Theo Luật Giáo dục 2019, tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức giảng dạy trong nhà trường. Ngay từ lớp 1, học sinh DTTS được giảng bài bằng tiếng Việt cùng với học sinh người Kinh, và đây là một bất lợi lớn. Việc không được học bằng tiếng mẹ đẻ ở những năm đầu tiểu học mà phải học tập trong môi trường ‘ngoại ngữ’ khiến học sinh DTTS tụt lại so với học sinh người Kinh. Giáo viên không biết tiếng DTTS khiến cho các em gặp khó khăn ngay trong việc giao tiếp trong lớp học. Kết quả học tập thua kém tích lũy qua nhiều năm khiến học sinh DTTS khó có thể tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn, khiến nhiều học sinh bỏ học giữa cấp và không chuyển cấp. 

Sách giáo khoa: nhiều chỉ dấu của sự ‘thiếu hòa nhập’

Chiếu theo bộ tiêu chí đánh giá tính hoà nhập của SGK do Eckhardt Fuchs, Marcus Otto và Simiao Yu đề xuất, có thể thấy nhiều điểm mờ trong các bộ SGK hiện tại đòi hỏi đánh giá, phân tích toàn diện để làm rõ mức độ hòa nhập.

Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn quy trình biên soạn chỉnh sửa sách giáo khoa nêu rõ nội dung và hình “không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội” nhưng không có những yêu cầu cụ thể để đảm bảo các yếu tố của hòa nhập giáo dục như ngôn ngữ, nội dung về hòa nhập, phân biệt đối xử và định kiến xã hội, vv. Trong khi đó, các bộ SGK được biên soạn bởi các nhóm chuyên gia người Kinh đa số và không có chủ trương phân bố các bộ sách theo vùng miền để có thể đưa vào SGK các đặc trưng văn hóa, lịch sử. Do vậy, dù có tới ba bộ SGK được tổ chức biên soạn bởi các nhóm chuyên gia khác nhau, về cơ bản, SGK vẫn là sự thể hiện các đặc trưng của nhóm đa số. Như vậy, về nguyên tắc, nếu một bộ sách được phê duyệt để sử dụng đã được sàng lọc, loại trừ các nội dung có tính chất định kiến, phân biệt đối xử, nhưng chưa có những chỉ báo mạnh mẽ rằng mục tiêu về giáo dục hòa nhập được thực hiện và truyền tải.

Giáo dục hòa nhập cho trẻ DTTS: Để không chỉ dừng lại ở chủ trương  

Học sinh Si Ma Cai, Lào Cai tham gia ngày hội khoa học. Ảnh: ĐHS.

Điều chỉnh chương trình GDPT 2018 và chính sách ngôn ngữ trong giảng dạy

Phân tích sơ bộ cho thấy những bất cập trong CTGDPT 2018 đối với học sinh DTTS nằm ở quy định “một chương trình” chung cho toàn bộ học sinh với những quy định về môn tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng DTTS và ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Việt. Thực thi những quy định này sẽ khiến học sinh DTTS bị loại trừ nhanh hơn, sớm hơn khỏi quá trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, mục tiêu giáo dục hòa nhập và bảo tồn đa dạng văn hóa không thể hiện thực được. 

Quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc được quy định trong Hiến pháp năm 2013; đồng thời Luật Giáo dục (Điều 11) ghi “nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”. Tuy nhiên Luật (Luật phổ cập giáo dục tiểu học 56/LCT/HĐNN8 năm 1991; Luật Giáo dục) đều quy định ngôn ngữ giảng dạy chính thức trong nhà trường là tiếng Việt.

Nhiều nghiên cứu được các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục thực hiện ở các quốc gia có nhiều DTTS và ngôn ngữ DTTS ở các khu vực khác nhau trên thế giới như Nigeria, Mỹ và các nước châu Âu cho thấy bằng chứng học sinh những năm đầu ở bậc tiểu học được học bằng tiếng mẹ đẻ có kết quả học tập và phát triển tốt hơn. Do vậy, nhất thiết phải xem xét, đánh giá lại những quy định về các ngôn ngữ được học và ngôn ngữ giảng dạy ở tiểu học. Đưa môn tiếng Anh làm môn tự chọn đối với học sinh DTTS và cho phép học sinh DTTS được học bằng tiếng mẹ đẻ trong một số năm đầu tiểu học để giảm thiểu mức độ chênh lệch với học sinh người Kinh là những lựa chọn chính sách có thể giúp trẻ DTTS hòa nhập tốt hơn ở môi trường nhà trường. Đồng thời để hỗ trợ học sinh DTTS một cách tốt nhất, giáo viên các trường phổ thông ở những khu vực có người DTTS cần phải biết một tiếng DTTS ở địa phương để có thể giao tiếp và giúp học sinh DTTS hòa nhập được với môi trường nhà trường. Các trường phổ thông ở các địa bàn vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, cần có kế hoạch tăng tỷ lệ giáo viên DTTS và giáo viên người Kinh biết tiếng DTTS.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các trường sư phạm, cần phải tập trung nguồn lực trang bị tiếng DTTS cơ bản cho giáo viên phổ thông và phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy môn tiếng DTTS là người DTTS, tăng cường đào tạo sư phạm ngành tiếng dân tộc cho sinh viên cử tuyển thay vì đào tạo giáo viên phổ thông người Kinh dạy môn tiếng DTTS.

Cần phải tập trung nguồn lực trang bị tiếng DTTS cơ bản cho giáo viên phổ thông và phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy môn tiếng DTTS là người DTTS.

Đồng thời, CTGDPT 2018 cần được xem xét giản lược, giảm tải cho phù hợp với đối tượng học sinh miền núi và DTTS. Song song với đó, ‘Chương trình giáo dục địa phương’ trong CTGDPT cần được các sở GD&ĐT khai thác để triển khai các nội dung, chủ đề văn hóa, truyền thống của các DTTS tại địa phương, tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm, ngoại khóa thúc đẩy giao lưu, hiểu biết văn hóa bản địa giữa học sinh người Kinh và DTTS.

Điều chỉnh trong chương trình phổ thông

Một khi chương trình phổ thông có thể được điều chỉnh để đảm bảo giáo dục hòa nhập cho trẻ DTTS, việc thi và đánh giá cũng cần phải được điều chỉnh để phù hợp, nhất quán với chương trình. Cá nhân hóa quá trình dạy-học và kiểm tra đánh giá kết hợp với các hình thức hỗ trợ riêng biệt là những giải pháp cần thiết nhất thiết phải thực hiện đồng bộ. Ứng dụng các giải pháp công nghệ giáo dục cũng cần được thúc đẩy để hỗ trợ triển khai những điều chỉnh này. 

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về giáo dục hòa nhập 

Chương trình đào tạo sư phạm cũng như bồi dưỡng thường xuyên dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các bậc mầm non, tiểu học, THCS và THPT cần được bổ sung mô-đun về giáo dục hòa nhập để cung cấp, cập nhật cho đội ngũ giáo viên kiến thức nền tảng và thực hành, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, chuyển đổi hành vi và thái độ để hành xử phù hợp trong môi trường nhà trường, đặc biệt ở các khu vực bối cảnh chính trị nhạy cảm. Giáo dục hòa nhập không phải chỉ dừng ở chủ trương trên các văn bản pháp quy. Giáo dục hòa nhập phải là thực hành, phải trở thành thực tiễn để phục vụ, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các địa bàn 

Phát triển tài nguyên cho giáo dục hòa nhập

Để hỗ trợ giáo viên phổ thông triển khai giáo dục hoà nhập, cần phải xây dựng bộ tài liệu chuyên biệt cho chủ đề này để cung cấp cho giáo viên triển khai giảng dạy. Để thực thi pháp lệnh về giáo dục hòa nhập một cách nhất quán, có hệ thống xuyên suốt các bậc học, đơn vị biên soạn SGK cần phải phát triển bộ tài liệu, bao gồm hướng dẫn tổ chức giảng dạy, cho hợp phần nội dung này để định hướng, hỗ trợ địa phương và các trường sử dụng. Đặc biệt, phương pháp giáo dục và các hình thức tổ chức dạy học đối với nội dung này có thể đa dạng, dưới nhiều hình thức hợp tác hoặc cách tiếp cận cộng đồng cho phép nhiều bên có thể tham vào quá trình như phụ huynh, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, xã hội, trường đại học, vv. Hợp phần này hoàn toàn có thể tích hợp với các nội dung giáo dục địa phương, chiếm khoảng 20% thời lượng, và các hoạt động trải nghiệm, tuy nhiên cần phải có tính toán, phân bổ cân đối trong toàn bộ chương trình, tránh việc tổ chức vụn vặt, chắp vá. 

Thiết lập cơ chế hỗ trợ hòa nhập và tái hòa nhập cho trẻ DTTS

Với hiện trạng nhiều học sinh DTTS bỏ học giữa các cấp học, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi giữa chương trình phổ thông cũ và CTGDPT 2018 có thể khiến số học sinh DTTS bỏ học tăng cao, cần phải thiết lập cơ chế hỗ trợ học sinh hòa nhập và tái hòa nhập với môi trường nhà trường sau bỏ học. Nghiên cứu thực địa ở các vùng sâu cho thấy có học sinh DTTS muốn đi học trở lại, sau khi bỏ học do nhận thức nhất thời hoặc tình thế khó khăn, nhưng không được hỗ trợ, ủng hộ, và cũng chịu định kiến về việc đi học quá tuổi, qua đó mất cơ hội học tập, phát triển cá nhân và thay đổi cuộc sống về lâu dài. 

Một hệ thống như vậy có thể bao gồm ‘đường dây nóng’ qua nhiều kênh, chẳng hạn qua mạng xã hội, để các bên liên quan có thể kịp thời nắm bắt tình hình, nhu cầu của trẻ, đồng thời cho phép trẻ gặp khó khăn có thể dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ. Đường dây nóng phải có cơ chế hoạt động độc lập để tiếp nhận nhiều nguồn thông tin, cho phép thông tin được xử lý một cách khách quan, bảo vệ quyền lợi của người học trong các trường hợp có vi phạm quyền đi học của trẻ. □

—————

Hộp 1: KHUNG PHÂN TÍCH TÍNH Hòa NHẬP TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Mức độ hòa nhập của một hệ thống giáo dục được đánh giá theo các tiêu chí sau:

– Quyền con người, quyền công dân: có sự hiện diện của mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội, kể cả các nhóm yếm thế, đại diện cho các giới tính và tính dục khác nhau, người DTTS, người khuyết tật; có tồn tại sự phân biệt đối xử với các nhóm người này không; 

– DTTS: có sự hiện diện của đầy đủ các DTTS và họ có xuất hiện đi kèm với các định kiến như nghèo khổ, đói ăn; không đủ mặc

– Giới tính, tính dục: văn bản sử dụng có phù hợp về giới; có sự đại diện cân bằng giữa nam với nữ, kể cả trong ảnh hay tranh minh họa; có tồn tại bất cứ yếu tố nào thể hiện sự thiên lệch giới tính, trọng nam khinh nữ; 

– Người khuyết tật: có người khuyết tật xuất hiện trong các văn bản và tài liệu minh họa; cách họ xuất hiện có đi kèm định kiến như buồn rầu, bị động, yếu đuối, không tự chủ, vv.

– Các nhóm bên lề trong xã hội (người nghèo, vô gia cư, bệnh tật): Có đại diện tham dự không và có xuất hiện đi kèm định kiến?

– Thực hành hòa nhập hay loại trừ: những thực hành hòa nhập có được đề xuất là thực hành tốt không, cụ thể là gì? Có tồn tại những thực hành loại trừ không?

Đây là những nguyên tắc cơ bản. Những thực hành cụ thể ánh xạ các nguyên tắc này rất đa dạng nhưng không phải giải pháp nào cũng phù hợp và đem lại hiệu quả. 

Hộp 2: Bộ tiêu chí đánh giá tính hòa nhập của SGK

– Cấu trúc của SGK: hòa nhập là một chủ đề nội dung

– Khai triển các khái niệm có liên quan tới hòa nhập và loại trừ

– Ngôn ngữ và hình minh họa gần gũi, dễ hiểu

– Tham chiếu đến thế giới, đời sống thực tế của học sinh

– Nhận thức về phân biệt đối xử và loại trừ trong xã hội

– Cách tiếp cận hòa nhập chung đối với quyền công dân và nhân quyền

– Đưa ngữ cảnh lịch sử, xã hội thể hiện tính hòa nhập vào sách

– Nhận thức và nhận diện sự đa dạng trong xã hội về giới tính và tính dục, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, cũng như khắc họa một cách phù hợp về những đối tượng này.

Dạy học song ngữ ở Việt Nam 

“Giáo viên trong lớp học có học sinh DTTS ở Việt Nam phải cố gượng giao tiếp với học sinh DTTS bằng ngôn ngữ cơ thể hoặc thông qua các học sinh khác biết cả tiếng dân tộc và tiếng Việt. Việc dạy-học vì thế liên tục bị ngắt quãng, gián đoạn. 

Theo Hiến pháp và Luật phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991, trẻ em DTTS có quyền học tập bằng tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên với 54 dân tộc và nhiều ngôn ngữ mẹ đẻ, tiếng Việt được ưu tiên sử dụng làm ngôn ngữ giảng dạy. Điều này gây nhiều khó khăn cho học sinh DTTS, dẫn tới nhiều học sinh bỏ học. 

Lược trích theo báo cáo của Karen Emmons trong một bài báo về chủ đề thúc đẩy tiếng mẹ đẻ trong giáo dục đa ngôn ngữ (trên báo cáo giáo dục số đặc biệt xuất bản năm 2009 bởi tổ chức quốc tế về quyền của người thiểu số phối hợp với UNICEF).

————–

Chú thích

1 Định nghĩa của UNICEF (2017). Công ước về quyền trẻ em (1989), Tuyên ngôn về Giáo dục cho mọi người (1990), Công ước chống phân biệt đối xử trong giáo dục của UNESCO là cơ sở pháp lý quốc tế cho những nỗ lực này cũng như các đề xuất thực hành giáo dục hoà nhập trên thế giới. Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) số 4 cũng khẳng định giá trị của của giáo dục hoà nhập, công bằng và chất lượng.

2 Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, Nghị định 116/2016, Nghị định 76/2019/NĐ-CP, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, Nghị định số 145/2018/NĐ-CP, Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg, Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg và Nghị định số 57/2017/NĐ-CP.

3 https://tiasang.com.vn/giao-duc/giao-duc-cho-tre-dan-toc-thieu-so-bat-cap-va-can-tro/ 

——

Tài liệu tham khảo

1. Alimi, F. O., et al (2020). Impact of Mother Tongue on Primary Pupils’ Literacy and Numeracy Skills in Osun State. International Online Journal of Primary Education, 9 (2), 144-155.

2. Fuchs, E., Otto, M. & Yu, S. (2020). Textbooks and Inclusive Education. Paper commissioned for the 2020 Global Education Monitoring Report, Inclusion and Education. 

3. Minority Rights Group International (MRG) & UNICEF. (2009). State of the World’s Minorities and Indigenous Peoples.

4. Tổng cục Thống kê (2022). THÔNG CÁO BÁO CHÍ KẾT QUẢ KHẢO SÁT MỨC SỐNG DÂN CƯ 2022

5. The 2022 MICS-EAGLE Viet Nam Education Fact Sheets (2022). UNICEF.

6. UN Convention on the Rights of the Child. (1989). https://www.unicef.org/vietnam/un-convention-rights-child

7. World Declaration on Education for All (1990). https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000127583

Tác giả

(Visited 203 times, 1 visits today)