Giáo dục ở Bỉ và Nepal

Tôi nghĩ rằng trong công cuộc chấn hưng giáo dục chúng ta đang đi chưa đúng hướng. Suy nghĩ này càng được củng cố thêm sau hai đợt công tác gần đây tại một nước rất giàu (Vương quốc Bỉ ) và một nước rất nghèo (Nepal).

Ở nước Bỉ thì rõ ràng dân chúng thiếu gì tiền- thu nhập bình quân đầu người (GDP/PPP) ở Bỉ là khoảng 33 000 USD (2006)- nhưng đâu có phải ai cũng vào Đại học, ai cũng muốn có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ? Số đông vẫn là công nhân kỹ thuật cao hoặc nhân viên có nghiệp vụ thành thạo, họ có thu nhập nhiều khi cao hơn kỹ sư, bác sĩ. Nhưng đã có học vị cao thì phải đáng là nhà khoa học thực sự. Tôi đã đi thăm các phòng thí nghiệm ở Đại học Liège và rất bất ngờ khi thấy đó là nơi công trình nghiên cứu của các giáo sư nhanh chóng được thương mại hóa. Lấy bằng sáng chế xong liền mở công ty và lập ngay một phân xưởng. Vì là sản phẩm công nghệ cao nên chỉ cần một phân xưởng rất nhỏ, với vài công nhân nhưng sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra các nước phát triển khác. Tôi đến thăm một phân xưởng của giáo sư Thonart, người đang chủ trì việc hợp tác khoa học với Viện của chúng tôi. Khi mua bột thiamin (vitamin B1) của Trung Quốc với giá rất rẻ, ông thấy nếu dập viên (như ta) thì hiệu quả rất thấp. Nếu bọc lại trong một vỏ cao phân tử thành những viên rất nhỏ (kích thước chỉ vài chục micromet) để cung cấp cho các hãng dược phẩm danh tiếng trên thế giới sản xuất tiếp thành các viên nang vitamin B1 thì sẽ có giá cao hơn rất nhiều. Và chỉ với phân xưởng nhỏ với hai công nhân nhưng với thiết bị hiện đại trong một phòng vô trùng nhỏ xíu, ông đã sáng chế ra chất cao phân tử này(!).

 

Trường cấp II Jumbesi do Edmund Hillary –người đầu tiên lên đỉnh Everest sáng lập.

Chính phủ chỉ đầu tư cho một số trường Đại học công, nhưng phần lớn các trường Đại học danh tiếng lại là các trường Đại học tư thục. Các công ty và phân xưởng của các giáo sư chỉ đi vay tiền của Ngân hàng chứ đâu có nhận tiền đầu tư của Chính phủ.
 Nepal- một trong 49 nước nghèo nhất thế giới. Tăng trưởng GDP năm 2006 chỉ là 1,9%. Xuất khẩu được 822 triệu USD (f.o.b) thì phải nhập khẩu tới 2 tỷ USD (f.o.b). Hiện nay xe máy ngừng hoạt động vì không có xăng để bán, chỉ còn có xe ca, xe buýt chạy bằng dầu diesel trên đường.
Trong hoàn cảnh một nước nghèo như vậy nhưng điều hoàn toàn bất ngờ với tôi lại là chất lượng giáo dục rất tốt. Tôi ở nhờ nhà một giáo viên 56 tuổi. Ông có một cậu con trai đang học năm thứ hai Đại học, Cả hai bố con nói tiếng Anh hết sức thành thạo. Hóa ra một số không ít trường ở Nepal học tiếng Anh từ… Trường Mầm non và Mẫu giáo(!), lên cấp I (5 năm) đều có giờ dạy tiếng Anh ở mọi trường học, một số trường chỉ dạy bằng tiếng Anh. Lên cấp II (5 năm) một số trường dạy bằng tiếng Nepal nhưng có 1 tiết (45 phút) tiếng Anh mỗi ngày, ngược lại một số trường dạy bằng tiếng Anh và chỉ có 1 tiết tiếng Nepal mỗi tuần. Lên cấp III (chỉ có 2 năm-lớp 11 và lớp 12) cũng tương tự như vậy- mỗi tuần 1 tiết tiếng Anh cho một số trường và 1 tiết tiếng Nepal cho một số trường khác.
Tôi mua hai cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 11 và lớp 12 và thực sự ngỡ ngàng khi thấy sách in dày và rất đẹp, bìa cứng. Cuốn Sinh học lớp 11 dày 627 trang khổ 24 x 16 bằng tiếng Anh (!) với nội dung như sau: Khái niệm về sự sống, Sinh học tế bào, Các phân tử của sự sống, Nguồn gốc và tiến hóa của sự sống, Phân loại học, Giới Khởi sinh, Giới Nguyên sinh, Giới Thực vật, Hình thái học thực vật hiển hoa, Một số đại diện của cây một lá mầm và hai lá mầm, Giới Nấm, Giới Động vật, Động vật có xương sống, Virút, Sinh thái học và Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên. So sánh với hai cuốn sách giáo khoa lớp 11 và 12 của ta vừa mỏng tèo và vừa rất đơn giản (đến mức khó ra đề thi trùng với các năm trước).
Tôi hỏi,  các lớp học bằng tiếng Nepal thì học loại sách nào? Câu trả lời là: Vì cùng một Chương trình do Hội đồng giáo dục trường cấp III (Higher Secondary Education Board) của Bộ Giáo dục và Thể thao(!) quy định nên chỉ khác nhau bằng ngôn ngữ mà thôi, nội dung cũng tương tự như vậy. Tôi hỏi tiếp, các tác giả và Nhà xuất bản do Bộ lựa chọn? Trả lời: Bộ chỉ quản lý chương trình mà thôi. Việc viết và in sách là chuyện của từng nhóm tác giả và của các nhà xuất bản tư nhân thực hiện. Có thể có nhiều cuốn khác nhau, cuốn nào hợp với chương trình và hay thì người ta mới mua. Tôi lại hỏi: Chương trình này có phải là chỉ riêng của Nepal? Trả lời: Chương trình này dựa trên chương trình đang dạy ở Hoa Kỳ(!) Hèn gì mà mỗi năm có đến 10.000 học sinh Nepal tốt nghiệp cấp III đi du học tiếp tại các nước phát triển và số đông được nhận học bổng do học giỏi. Nếu kể thêm cả khoảng 10 000 người Nepal đi xuất khẩu lao động thì mỗi năm có đến 20 000 người Nepal đi ra nước ngoài học tập và làm việc, Nhìn vào danh sách các tác giả và cộng sự của sách Sinh vật lớp 11 tôi thấy toàn là các tiến sĩ, thạc sĩ người Nepal nhưng đáng chú ý là trong số đó có nhiều người đang làm việc ở Hoa Kỳ.
Một nguyên nhân quan trọng nữa giúp nâng cao chất lượng giáo dục ở Nepal là việc thực hiện phân thành 3 ban khác nhau ở lớp 11 và lớp 12. Đó là Ban Khoa học, Ban Quản trị-Kinh doanh và Ban Xã hội –Nhân văn. Nhờ có phân ban ngay từ cấp III nên học sinh đã có định hướng khá rõ cho việc học tiếp Cao đẳng, Đại học hay các ngành Trung cấp, Dạy nghề có liên quan sau khi tốt nghiệp phổ thông. Kiến thức chung đến hết lớp 10 coi như đã có đủ để vào đời.
Một câu hỏi không thể không đặt ra là học hành khó như vậy tại một nước rất nghèo như Nepal thì đông đảo học sinh làm sao theo kịp. Câu trả lời thật đơn giản. Giáo dục hình nón cụt chứ không phải hình ống(!). Ở Nepal thực hiện giáo dục phổ cập chỉ đến bậc tiểu học mà thôi. Lên đến cấp II chỉ có khoảng 40% qua được kỳ thi tốt nghiệp, lên đến cấp III  chỉ có khoảng 60% tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp cấp III cũng chỉ có khoảng 40% có thể đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng. Ở Nepal chỉ có 5 trường Đại học nhưng lại có rất nhiều trường Cao đẳng. Số tốt nghiệp Cao đẳng và Đại học loại khá thường tìm cơ hội đi học tiếp Thạc sĩ và Tiến sĩ tại nước ngoài. Tại Nepal chỉ có khoảng 15-20% thí sinh trúng tuyển học Thạc sĩ trong nước còn Tiến sĩ thì chỉ có khoảng 1% mà thôi(!). Rõ ràng đâu có cần thật nhiều người học Đại học, còn sau Đại học thì cố găng đào tạo ở các nước phát triển càng nhiều càng tốt. Ngoài một phần học bổng, một phần tài trợ của gia đình rất nhiều lưu học sinh Nepal đã tìm cách vừa lao động vừa học tập tại nước ngoài. Muốn được như vậy thì tiếng Anh phải chuẩn bị từ rất sớm ở bậc phổ thông và chương trình học phải đủ sức để hội nhập quốc tế.
Trong khi chất lượng học tập của các trường đều rất tốt thì ở Nepal vẫn mới chỉ có 48,6 % dân chúng từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết. Giáo dục hình nón cụt ở một nước nghèo đành phải như vậy.

———-
CHÚ THÍCH ẢNH: Phòng thí nghiệm của ĐH Liège

Nguyễn Lân Dũng

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)