Giáo dục phòng vệ: 5 đến 12 tuổi

Ta đến với giai đoạn giáo dục trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, giai đoạn được Rousseau xem là quan trọng nhất và cũng "nguy hiểm" nhất trong suốt đời người.

Trung thành với quan niệm của mình về giáo dục tự nhiên trong giai đoạn mầm non trước đó, giai đoạn mới này cần được điều chỉnh bằng hai nguyên tắc giáo dục: nền giáo dục mang tính phòng vệ (négative), và việc rèn luyện tinh thần phải từ những hệ quả tự nhiên diễn ra trong đời sống.

Tinh thần chung của giai đoạn này là: hãy để cho trẻ em (5-12 tuổi) chỉ bị lệ thuộc vào sự vật tự nhiên và tuân theo trật tự tự nhiên trong suốt giai đoạn này. Hãy chỉ đơn giản đặt những trở lực tự nhiên trên con đường đi đến những ước muốn của chúng, và hãy để việc “thưởng phạt” nảy sinh từ chính hành động của chúng. Thay cho lề luật, hãy để kinh nghiệm thành công hoặc trải nghiệm thất bại, bất lực “dạy dỗ” chúng. Thỏa mãn những mong muốn của chúng, không phải vì chúng đòi mà vì chúng cần. Không để cho đứa trẻ có ý thức về sự vâng lời khi chúng làm, và ý thức làm “chủ nhân ông” khi được người khác làm cho chúng. Hãy để chúng cảm nhận và trải nghiệm sự tự do trong hành động cũng ngang bằng của ta, những người dạy dỗ chúng.

Ý tưởng tân kỳ ấy đi liền với những chủ trương, biện pháp không kém táo bạo, độc đáo, gây nhiều cảm hứng lẫn tranh cãi cho tới ngày nay.

PHÊ PHÁN KỊCH LIỆT PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC HIỆN HÀNH

Rousseau hoàn toàn bất tín nhiệm phương pháp thịnh hành lúc bấy giờ. Với hầu hết trẻ em, tuổi thơ là giai đoạn đầy lo âu, sợ hãi trước nhà trường nghiêm khắc đến mức tàn nhẫn! Thầy giáo cứ nhầm tưởng trẻ em không có niềm vui nào khác ngoài việc đọc, viết và thuộc bài! Thế là tha hồ nhồi nhét theo kiểu học vẹt và “tra tấn” chúng bằng bài tập với vô số những điều bắt chúng phải ghi nhớ. Rousseau cho đó là sai lầm cơ bản: trẻ em chưa có ký ức đúng nghĩa và bài vở suông chẳng có ý nghĩa gì hết!

“SÁCH VỞ ÍCH GÌ ?!”

Đại triết gia, đại văn hào của chúng ta lại cực kỳ dị ứng với… sách: “Tôi ghét sách vì chúng chỉ dạy ta nói về những gì ta không hề biết!”. Với ông, nền giáo dục dựa vào sách vở thì chỉ dạy con người làm nô lệ trước quyền uy của người khác. Vì sao? Vì sách chen vào giữa ta và cuộc đời, giữa trẻ em và sự vật. Tri thức học được từ sách vở giành mất chỗ của sự thực hành và tự hình thành chủ kiến, đặc biệt nguy hại nơi trẻ em ở lứa tuổi này. Phải chăng Rousseau chủ trương một đường lối “sư phạm mềm” (soft pedagogy), không “học” gì hết và chơi là chính? Không, ông làm khác hẳn: tháo cởi cái ách trường quy, để thay vào đó gánh nặng không kém: tự xoay xở lấy trong việc tổ chức ăn, ở, mặc!

PHÊ BÌNH CHƯƠNG TRÌNH HỌC CẤP CƠ SỞ

Rousseau không ngần ngại cho cậu bé Émile của ông, trước tuổi 12, không học chữ, học đọc! Ông chỉ mong cậu ta tìm đọc do ngẫu nhiên hay cần thiết. Ngoài tiếng mẹ đẻ, chẳng cần học thêm ngoại ngữ nào (nhất là cổ ngữ!), càng không cần học lịch sử ở giai đoạn này. Vì mấy lý do: trẻ em ở lứa tuổi này, như đã nói, không có trí nhớ đúng nghĩa, nên chưa thể hiểu gì về hành xử của người lớn và nhận định về những hoàn cảnh lịch sử. Thêm vào đó, môn sử kể toàn chuyện chiến tranh, vua chúa, triều đại, với đống số liệu vô hồn và vô bổ, chứ đâu có bàn đến chuyện gì thiết thân với cuộc sống đâu. Mặt khác, môn sử liên quan đến xã hội, nằm ngoài tầm mắt của trẻ em. Vì thế, cần dẹp môn sử ở lứa tuổi này! Ngay môn địa lý cũng còn quá xa vời.

Như thế, Rousseau muốn dẹp hết những môn học truyền thống, thậm chí đòi bỏ cả giáo dục tôn giáo (ngay giữa thế kỷ 18!) với lý lẽ khó mạnh mẽ hơn: trẻ em không nên nghe lời thần thánh trước khi lên 13, “tuổi của lý trí”! Điều gây tranh cãi: Rousseau có cực đoan không khi muốn dẹp cả chuyện cổ tích, chuyện thần tiên? Lý lẽ của ông: chúng truyền đạt những giá trị luân lý cho những cô cậu chưa phải là những chủ thể luân lý!

CHƯƠNG TRÌNH THAY THẾ: HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH

Ta dễ hình dung đề nghị của ông: những hoạt động đến từ nhu cầu thiết thân của đứa bé. Trước hết là chuẩn bị sức khỏe và thể lực: chơi đùa, thể thao để… “bắp thịt trước đã! “. Sau đó, là nhu cầu sinh tồn. Là nhà tự nhiên luận, ông xem trọng nông nghiệp và việc đồng áng, “công việc cao quý nhất của con người”. Cho trẻ làm quen với nông cụ và các dụng cụ thủ công: cuốc, thuổng, bào, giũa… Từ đó chúng học cách so sánh, tính toán, đo lường. Biết lượng định khoảng cách, quan sát và vẽ chính xác những gì quan sát được. Nói, hát, số học, hình học không học trong lớp mà trong những hoạt động liên quan đến những hoàn cảnh sống thực tế.

Trước tuổi 12, trẻ em chưa sử dụng lý trí cho bằng học cách giải quyết những nhu cầu đơn giản, qua đó biết trải nghiệm sự yếu ớt và phụ thuộc từ chính sinh hoạt của mình. Ở lứa tuổi tiền-xã hội, tiền-luân lý này, trẻ em chưa biết ý chí của người khác, do đó, không nên bắt chúng phục tùng mệnh lệnh hay trừng phạt. Hãy để tự nhiên dạy cho chúng những điều ấy, từ sự tất yếu chứ chưa phải từ ý thức trách nhiệm hay nghĩa vụ.

GIÁO DỤC PHÒNG VỆ

Nền giáo dục trước nay xuất phát từ quan niệm rằng bản tính người là xấu, nên cần uốn nắn “như đối với cái cây trong vườn nhà”. Trẻ em là “người lớn-tập sự”, đó là quan niệm của nền giáo dục quý tộc Âu châu từ thế kỷ 18 trở về trước (J. Locke: Một số tư tưởng về giáo dục/ Some Thoughts concerning Education, 1693). Rousseau nghĩ khác, và quyển Émile được xem như một phần đề nghị đối với tác phẩm trên đây của Locke: “Nền giáo dục chủ động (positive) là nhằm đào tạo tinh thần quá sớm và muốn bắt trẻ em phải biết những nghĩa vụ của người lớn. Còn nền giáo dục phòng vệ (negative) là làm cho các cơ quan – phương tiện của nhận thức – được tinh tường trước khi mang lại nhận thức cho chúng. Nền giáo dục phòng vệ không phải là phóng đãng. Nó không mang lại đức hạnh, nhưng ngăn chặn tội lỗi; nó không phô trương chân lý mà ngăn chặn sai lầm. Nó chuẩn bị tất cả cho trẻ em để chúng có thể nhận thức được cái Chân khi đủ năng lực thấu hiểu, và cái Thiện khi có thể biết ái mộ”.

Rousseau áp dụng phương pháp này vì nhiều lý lẽ. Trước hết, nó là hệ luận lôgíc từ nguyên tắc “tính người là tốt” ,và bản tính ấy sẽ tự phát huy từ sự thôi thúc bên trong. Bất kỳ sự can thiệp nào vào diễn trình phát huy này đều mang lại sự “bại hoại”. Lỗi lầm, tội ác của con người, theo ông, là hậu quả trực tiếp của nền giáo dục mà ta nhận được. Thứ hai, đặc biệt cho giai đoạn giáo dục này, là hệ luận cơ bản được rút ra: phải có sự tương ứng giữa một bên là các nhu cầu với bên kia là các sức mạnh và năng lực của bản thân đứa trẻ. Việc chăm sóc, giúp đỡ của người lớn là không thể thiếu, nhưng chỉ nên dừng lại ở mức thật cần thiết mà thôi.

(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 7, 06.03.2014)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)