Giáo dục trẻ bằng đòn roi: ba câu hỏi

Ẩn chứa phía sau cuộc tranh luận có nên sử dụng đòn roi trong gia đình và nhà trường để giáo dục trẻ là sự xung đột giữa các giá trị văn hóa cũ và mới, Á và Âu. Cuộc tranh luận này diễn ra gay gắt không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước châu Á. Các tranh luận thường tập trung vào việc ủng hộ hoặc phản đối mà không trả lời các câu hỏi mang tính cơ sở. Vì thế, xem xét việc có nên giáo dục trẻ bằng đòn roi hay không thông qua việc trả lời những câu hỏi này là một việc cần thiết.

1. Lấy quyền gì để đánh trẻ em?
     Quyền đánh người?

     Đánh người là một hành vi xấu, bị xã hội ngăn cấm bằng pháp luật. Điều này mọi người đều chấp nhận một cách hiển nhiên. 
    Một trong bốn nguyên tắc cơ bản trong Quy định về Quyền trẻ em của Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) là không được sử dụng bạo lực đối với trẻ. UNICEF yêu cầu tất cả các quốc gia phải tuân thủ Quy định này, bất kể nguồn gốc chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, tình trạng bẩm sinh, v.v.
    Nhưng ở Việt Nam, đánh trẻ em thì đôi khi lại được cổ súy để biện minh cho việc giáo dục trẻ. Vậy câu hỏi đặt ra là: Trẻ em có phải là người không? Có được đối xử bình đẳng như mọi người trong xã hội hay không?
    Câu trả lời đến như một phản xạ tự nhiên: Trẻ em là người, và đương nhiên cần được đối xử công bằng, bình đẳng trong xã hội. Những người đang cầm cây roi trên tay chắc cũng sẽ trả lời như thế.
    Nhưng vì sao ngọn roi vẫn vung lên, vì có thể họ nghĩ: Trẻ em là người, nhưng là người chưa là người trưởng thành. Vì thế phải vung roi để trẻ em trở thành người trưởng thành như họ.
    Lập luận này quá đỗi phi lý. Vì bạo lực, dù ở bất cứ dạng nào, mức độ nào, cũng không bao giờ là cơ sở hình thành nhân cách đúng nghĩa của một con người. Khoa học đã chứng minh, phần lớn những tội phạm trong xã hội đều đã phải chịu những bạo lực trong thời niên thiếu, dưới dạng này hoặc dạng khác.
    Bản thân sự vung roi của người lớn cũng là minh chứng của việc chưa trưởng thành về mặt nhân cách của họ. Rất có thể, ngay từ bé, họ cũng đã nhận được những ngọn roi như thế.
    Vì thế, muốn cho trẻ trưởng thành, hãy tôn trọng trẻ trước hết. Cất cây roi đi và ngồi xuống nói chuyện cùng với trẻ.
    Cần qui tắc hơn roi
    Xã hội vận hành được không phải là nhờ những ngọn roi, mà nhờ những qui tắc. Nói theo ngôn ngữ của người lớn thì đó là nhờ luật pháp.
    Với trẻ em, luật pháp tương đương với những bộ qui tắc ở nhà trường và gia đình. Nếu muốn trẻ em khi trưởng thành là một công dân biết tuân thủ luật pháp, thì trước hết phải đặt ra những bộ qui tắc đơn giản nhưng có tác dụng xác lập và điều chỉnh hành vi của trẻ. Đó là lý do vì sao mà ở các nước có nền giáo dục phát triển, trong nhà trường luôn có một bộ “qui tắc vàng”, dán ở mọi nơi để trẻ có thể nhìn thấy, tuân thủ và nhắc nhở nhau cùng tuân thủ. 
    Thay vì những khẩu hiệu chung chung, khó hiểu cho trẻ nhỏ như “Tiên học lễ, hậu học văn”, hãy soạn những bộ qui tắc cụ thể để trẻ tuân theo dễ dàng. Ví dụ như:
    1. Không nói dối.
    2. Muốn nói phải giơ tay.
    3. Không lười biếng, không mất trật tự.
    4. Không ngắt ngang khi người khác đang nói.
    5. Lắng nghe sự hướng dẫn của thầy cô và người lớn.
    6. Không nói tục chửi bậy, không bắt nạt bạn bè.
    7. Tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có yêu cầu.
    Vì xuất hiện ở mọi nơi và được nhắc nhở thường xuyên nên trẻ hầu như thuộc lòng những qui tắc này.
    Nếu trẻ nào vi phạm các qui tắc này sẽ bị thầy cô và bạn bè nhắc nhở riêng, hoặc trước lớp, hoặc nói chuyện riêng với hiệu trưởng. Nhưng không bao giờ có chuyện đánh trẻ ở những nơi này. Nếu trẻ được hướng dẫn tuân thủ những qui tắc rất thiết thực này từ bé, khi lớn lên sẽ có thói quen tuân thủ pháp luật một cách tự nhiên. Hành vi của trẻ cũng đạt đến những chuẩn mực văn minh cần thiết ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, như: biết lắng nghe và trao đổi, biết tôn trọng sự riêng tư của người khác, có trách nhiệm với bản thân mình, v.v.
    Vì thế, dạy trẻ tuân thủ những qui tắc cụ thể, làm nền tảng cho việc hình thành nhân cách và đạo đức của trẻ, quan trọng hơn việc vung roi để dạy trẻ với bất cứ lý do nào, nhất là khi sự vung roi thường xảy ra khi người lớn đã mất bình tĩnh.
    Vì thế, trước khi vung roi, người lớn nên tự hỏi: Mình lấy quyền gì để đánh trẻ?  

2. Có là công bằng,  dân chủ, văn minh?
     Ẩn ức ấu thơ

     Ngành phân tâm học đã chứng minh, những ẩn ức và tổn thương tâm lý từ thời ấu thơ, trong đó có ẩn ức và tổn thương vì bạo lực, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành vi của trẻ khi đã trưởng thành. 
    Những tổn thương này không mất đi theo thời gian, mà ẩn vào tiềm thức, trực tiếp điều chỉnh hành vi của con người một cách vô thức. Đến khi có điều kiện, hoặc không thể kiềm chế, sẽ bùng phát dưới cả hai dạng vô tình hoặc có chủ ý.
    Thực tế cho thấy, phần lớn trẻ hư hoặc tội phạm trong xã hội đều xuất thân từ những gia đình thích sử dụng bạo lực để dạy dỗ trẻ hoặc giải quyết mâu thuẫn, thay vì đối thoại một cách ôn hòa, bình đẳng.  Vì thế, khi những cây roi nhỏ còn vung lên ở trong nhà trường thì kết quả là những cây roi lớn hơn, đủ mọi chủng loại, cấp bậc, vung lên trong xã hội.
    Xã hội khi đó trở thành bát nháo vì người dân có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn và đòi hỏi quyền lợi cho mình, thay vì sử dụng luật pháp. 
    Công bằng, dân chủ, văn minh? Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mong ước, cũng là mục tiêu phấn đấu của Việt Nam. Nhưng một xã hội như thế chỉ có thể đạt được khi mọi sự bắt đầu bằng sự tôn trọng.
    Muốn trẻ sau này trở thành những công dân của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thì người lớn phải hành xử một cách công bằng, dân chủ, văn minh với trẻ trước hết.
    Nhưng việc vung roi không có bất cứ đặc điểm nào của công bằng, dân chủ, văn minh.
    Vung roi với trẻ – những người không có khả năng và không dám chống đỡ – là không công bằng.
    Vung roi thay vì đối thoại, thảo luận, phân tích, thuyết phục… là không dân chủ.
    Vung roi là đánh người, là dùng bạo lực, những đặc trưng của một xã hội kém văn minh. 
    Khoa học đã chứng minh, sự hình thành tính cách trong thời thơ ấu quyết định toàn bộ tính cách sau này của một con người. Như thế, một trẻ có thể trở thành người công bằng, dân chủ văn minh hay không, khi ngay từ nhỏ, đã phải nhận những ngọn roi từ người lớn, thay vì trao đổi, đối thoại, thuyết phục, phân tích và cảm thông?
    Điều kì lạ là một số người lớn, miệng thì hô hào xây dựng “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” nhưng tay thì vung roi thường xuyên. Như vậy liệu mục tiêu này có đạt được?
    Xã hội chịu hậu quả
    Cách giáo dục phản giáo dục như thế sẽ để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. 
    Thay vì tuân theo qui tắc, pháp luật, người ta vung roi với nhau bằng cách này hay cách khác, để giải quyết mâu thuẫn, để bảo vệ lợi ích của mình, thậm chí để giáo dục người khác. Ngọn roi từ trong gia đình và nhà trường đã tìm cách lan ra ngoài xã hội và biến tướng thành đủ loại khác nhau. 
    Ngọn roi không chỉ còn đơn thuần là ngọn roi tre, roi mây giắt trên mái nhà hay thước kẻ của các thầy cô giáo, mà đã chuyển thành những ngọn roi vô hình nhưng nghiệt ngã gấp bội so với những ngọn roi tre, roi mây nói trên.
    Điều này dẫn đến một văn hóa “vung roi” bất cứ khi nào có thể giữa những người lớn, kể cả những bậc trí giả và quan chức, vì một lẽ , ngay từ bé tất cả đều được tiếp thu một văn hóa “vung roi” từ trong gia đình lẫn nhà trường. 
    Tệ hách dịch, quan liêu, cửa quyền cũng có nguồn gốc trực tiếp từ cách giáo dục bằng roi nói trên. Khi bố mẹ, thầy cô vung roi đối với trẻ thì không ít quan chức – trên thực tế thường tự cho mình là quan phụ mẫu thay vì đầy tớ –  “vung roi” với người dân cũng là một điều bình thường. Kẻ có quyền, có tiền thì khinh khi người nghèo khó, sẵn sàng bắt nạt, “vung roi” khi cần thiết. Dẫn đến đạo đức xã hội xuống cấp, luật pháp không được tôn trọng. 
    Vì thế, đã đến lúc cần phải chấm dứt kiểu giáo dục này để cùng xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, biết đối thoại và thượng tôn pháp luật. 

3. Thắp sáng hay dập tắt? Quyền làm trẻ con
     Không có ai không mắc sai phạm, kể cả những người cầm roi dạy trẻ. Với trẻ em, sự mắc những sai phạm đương nhiên phải xảy ra với tần suất nhiều hơn người lớn. Trẻ học và trưởng thành thông qua chính việc mắc phải, nhận ra và sửa chữa những sai lầm đó.
    Việc của người lớn là giúp trẻ nhận ra và tìm cách sửa chữa những sai lầm chứ không phải trừng phạt trẻ. Trừng phạt không giúp hiểu cặn kẽ căn nguyên của sai phạm, mà còn đẩy trẻ vào những phản kháng cực đoan và chịu những ẩn ức, tổn thương tâm lý không đáng có.
    Bản chất của trẻ là tò mò, hiếu động, thậm chí nghịch ngợm, thích khám khá. Nếu không như thế thì không còn là trẻ con nữa. Người lớn vì thế cần tôn trọng bản chất này, không nên tìm cách áp đặt trẻ theo cách nghĩ, cách làm, cách suy xét vấn đề của mình.
    Sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ được tiến hành thông qua chính tò mò, hiếu động, nghịch ngợm và phạm sai lầm này. Nhiệm vụ của người lớn là tạo môi trường an toàn cho trẻ thử-và-sai trong các hoạt động học, chơi, nghịch, khám phá…, và hướng dẫn trẻ vượt qua những sai lầm nhỏ để rút ra sự hiểu biết bổ ích.
    Người lớn cần tôn trọng quyền làm trẻ con của trẻ. Đừng bắt trẻ sống với những nhận thức và qui chuẩn trước tuổi của mình. Đừng bắt trẻ thành người lớn quá sớm. Đừng đánh cắp tuổi thơ của trẻ.
    Hãy cho trẻ được là chính mình: trẻ con.
     T
hắp sáng hay dập
tắt?
     “Giáo dục là thắp sáng một ngọn lửa, không phải đổ đầy một bát nước”. Vì thế, phải khơi gợi những khả năng tiềm ẩn của trẻ, khơi sáng những đốm lửa trong tâm hồn trẻ.
    Việc đó chỉ có thể thực hiện khi người lớn tôn trọng trẻ. Vì thế, một trong số bốn nguyên tắc cơ bản trong qui định về Quyền trẻ em của Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc là: Tôn trọng quan điểm của trẻ. 
    Nhưng trên thực tế, những người cổ súy cho việc sử dụng đòn roi để giáo dục trẻ đã không làm được việc này. Bằng việc vung roi, họ đã trực tiếp dập tắt, chứ không thắp sáng những ngọn lửa.
    Bằng việc nhồi nhét kiến thức và những quan niệm, qui chuẩn của mình, họ cố công đổ đầy một bát nước, chứ không phải là giáo dục trẻ.
    Chính cách giáo dục này đã tạo ra nhiều thế hệ thụ động, chỉ thích được cầm tay chỉ việc, kể cả với những người đã tốt nghiệp đại học. Điều này trực tiếp làm giảm chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố quan trọng nhất trong công cuộc phát triển đất nước.
    Cách giáo dục bằng sự áp đặt, cả bằng đòn roi và sự nhồi nhét kiến thức, quan niệm của người lớn đã hủy diệt tính tò mò, thích sáng tạo thiên bẩm của con người, dẫn đến tình trạng tôn vinh người học giỏi thay vì người sáng tạo. Thậm chí, nhiều trí thức được cho là lớn, cũng chỉ thích học lại và rao giảng lại kiến thức của người khác thay vì tìm cách tạo ra tri thức mới. Thói độc đoán, quan liêu, thiếu dân chủ, cửa quyền mà chúng ta phê phán hằng ngày cũng có nguồn gốc từ lối giáo dục áp đặt và trừng phạt này mà ra. Bệnh thành tích, thích chạy theo các chỉ tiêu, con số một cách duy ý chí cũng có nguyên nhân sâu xa từ văn hóa áp đặt, thiếu dân chủ, thiếu trao đổi mà mỗi người nhận được từ khi còn thơ ấu, cả trong gia đình lẫn nhà trường.
     Vun mầm sáng tạo

     Sáng tạo là phẩm chất quan trọng nhất để thành công hiện nay. Điều này không chỉ đúng với một cá nhân, mà còn đúng với cả một đất nước.
    Giáo dục vì thế phải vun những mầm sáng tạo đối với trẻ thơ, thay vì áp đặt và những quan điểm, cách nghĩ, cách làm của mình.
    Trừng phạt bằng đòn roi thay vì trao đổi, thảo luận là cách nhanh nhất để giết chết những mầm sáng tạo này. Việc làm này không chỉ trái với pháp luật mà còn gây tổn hại đến phẩm chất sáng tạo của nhiều thế hệ, vì thế cần phải loại bỏ.
    Mở rộng ra cả xã hội, sự áp đặt, trừng phạt dưới bất cứ hình thức nào, bằng đòn roi vô hình hay hữu hình, với bất cứ đối tượng nào, một người lao động chân tay hay một trí thức, cũng đều gây ra những hậu quả tương tự.
    Vì thế, thay vì reo rắc thói quen áp đặt và trừng phạt, đặc biệt là trừng phạt bằng đòn roi, ngay từ thời thơ ấu, hãy xây dựng một nếp giáo dục mới: dân chủ, bình đẳng, đối thoại và thấu hiểu.
    Văn hóa áp đặt và trừng phạt phải được thay bằng văn hóa dân chủ. Việc làm này phải được tiến hành trước hết ở trong gia đình và nhà trường. 
    Chỉ có như thế, những mầm sáng tạo mới được vun đắp. Mọi cá nhân mới có khả năng phát triển tối đa năng lực của mình, làm cho cuộc sống của họ tự chủ và có ý nghĩa hơn, và đóng góp được nhiều hơn với công cuộc phát triển đất nước.
     Thay lời kết
     Trước khi vung roi để dạy trẻ, và trước khi thảo luận việc có nên dùng roi vọt để giáo dục trẻ hay không, mỗi người lớn hãy tự trả lời ba câu hỏi nêu trên trước hết. Nếu không, việc giáo dục trẻ cũng như việc ủng hộ hoặc phản đối một cách thức giáo dục nào đó sẽ rơi vào vòng quay của quán tính văn hóa. Điều này có thể dẫn đến những việc làm phản giáo dục, thậm chí phạm pháp và đi ngược lại những giá trị tiến bộ mà xã hội đang cố công xây dựng. 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)