Gốc rễ của vấn đề nằm ở văn hóa

Nhân ngày 20/11, GS. Neal Koblitz, Đại học Washington và từng tình nguyện giảng dạy từ sau đại học đến phổ thông của nhiều nước chia sẻ về sự trân trọng của xã hội đối với những người thầy.

Vào năm 2018, Mỹ đầu tư 14,4 nghìn USD cho mỗi học sinh từ tiểu học đến hết trung học cơ sở. Con số này khiến Mỹ xếp thứ năm trong 37 quốc gia thuộc khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và cao hơn 34% so với con số trung bình của OECD. Mỹ cũng đứng thứ bảy trong những nước trả lương cao nhất cho các giáo viên tiểu học đã có 15 năm kinh nghiệm. Nhưng cùng trong thời điểm xếp hạng đó, khi so sánh kết quả của bài kiểm tra toán chuẩn hóa chung cho học sinh ở lứa tuổi 15 giữa các quốc gia thì Mỹ xếp dưới mức trung bình của các nước OECD.

Có rất nhiều lý do giải thích cho việc số tiền đầu tư cho giáo dục Mỹ lớn như vậy lại không thể chuyển đổi thành kết quả học tập tốt của học sinh. Hệ thống giáo dục của chúng tôi là một trong những hệ thống phân tán và vô tổ chức nhất trên thế giới. Mỗi bang có một bộ máy hành chính giáo dục riêng biệt và hầu hết các quyết định về những gì sẽ xảy ra trong từng lớp học được thực hiện ở từng sở giáo dục cấp quận, với 16,800 cơ sở trên cả nước. Phần lớn ngân sách dành cho giáo dục được rút ra từ thuế đất ở địa phương và điều đó dẫn đến việc những khu vực càng giàu có thì càng nhiều tiền dành cho trường học hơn so với những khu vực nghèo. Điều đó cũng có nghĩa là hệ thống giáo dục này bất bình đẳng nhất thế giới.   

Nhưng với quan điểm của tôi thì gốc rễ của kết quả đáng thất vọng của giáo dục Mỹ có lẽ đến từ văn hóa. Trong bốn đến năm thập kỉ trở lại đây, người ta chứng kiến sự suy giảm trầm trọng sự kính trọng của cộng chúng đối với giáo viên và đối với nghề giáo.

Tôi học cấp hai và đại học trong thời kì “hậu Sputnik” của giáo dục Mỹ, kéo dài từ năm 1957 (thời điểm Liên Bang Nga phóng vệ tinh đầu tiên vào quỹ đạo) cho đến năm 1969 (con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng). Trong suốt “cuộc đua lên Mặt trăng” đó, Chính phủ Mỹ đầu tư rất mạnh mẽ vào giáo dục, đặc biệt là khoa học, và công chúng nhiệt thành ủng hộ nỗ lực đó, bởi không có lý do nào hợp lí hơn việc “đánh bại người Nga trên đường đua tới Mặt trăng”. Thêm nữa, ở thời điểm đó, phần lớn các nghề nghiệp đều đóng cửa với phụ nữ, giảng dạy tiểu học và trung học cơ sở là một trong số ít những lựa chọn của những người phụ nữ có học. Một vài trong số những sinh viên nữ xuất sắc nhất đại học đã đi vào con đường giảng dạy, và giáo viên thời đó rất được kính trọng.

Giờ đây tình thế đã trở nên rất khác. Giảng dạy ở Mỹ là một ngành nghề vô cùng căng thẳng. Giáo viên có rất ít tự chủ và phải xoay sở trong một nền hành chính cồng kềnh và chậm tiến. Sự chống đối và hỗn hào của học sinh thì tràn lan. Những câu chuyện về xả súng ở trường học đe dọa các thầy cô giáo. Không còn nhiều sinh viên xuất sắc lựa chọn nghề nghiệp giảng dạy nữa.

Ở Mỹ, mỗi khi một học sinh bị điểm kém, rất thường xuyên là phụ huynh sẽ nổi giận với giáo viên chứ không phải với đứa con bị điểm thấp. Phụ huynh cũng phán nàn rằng liệu con mình học như thế có “nhiều bài tập” quá không. Những phàn nàn của học sinh và phụ huynh có thể làm xói mòn danh tiếng của người thầy và sự nghiệp của họ. Ở Mỹ, người ta có một động lực lớn để “ngu hóa” chương trình giảng dạy và thổi phồng điểm số. Những sinh viên tốt nhất cảm thấy sách vở quá dễ còn học sinh lười thì được điểm cao mà trước đây chỉ có những người xuất sắc mới có thể đạt được.

Sự phản ứng với dịch COVID-19 của rất nhiều quan chức là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy sự coi thường của họ đối với giáo viên. Sau khi các trường mở cửa lại trong năm học 2021-2022, 11 bang quyết định cấm các trường yêu cầu học sinh đeo khẩu trang. Tất cả những tranh luận về việc khi nào nên mở cửa lại trường học và khi nào yêu cầu đeo khẩu trang hoàn toàn xoay quanh những gì có lợi nhất cho trẻ em và cho phụ huynh của chúng: những ảnh hưởng xấu đối với trẻ em khi chúng không được đi học, gánh nặng trên vai cha mẹ khi phải trông con ở nhà cả ngày và sự bất tiện khi phải đeo khẩu trang. Tất cả các tin tức trên truyền thông về cuộc thảo luận này, tôi chưa từng thấy ai đó đề cập một dòng nào tới sức khỏe của giáo viên, trong đó rất nhiều người đã lớn tuổi và đang có nhiều bệnh nền (như hen suyễn, tiểu đường, hệ miễn dịch suy giảm) khiến họ dễ trở nặng khi bị nhiễm covid. Không có gì phải nghi ngờ rằng số giáo viên tử vong vì bị nhiễm covid khi làm việc nhiều hơn rất nhiều so với những người ngã xuống trong các vụ xả súng ở trường học. Tuy nhiên, báo chí chỉ tập trung vào những vụ xả súng ở trường và gần như không dành một lời nào cho những người thầy chết vì công chúng thiếu quan tâm đến sức khỏe của họ trong dịch bệnh.

Trong những năm 90, tôi trở nên hứng thú với giáo dục toán học trước đại học. Khi vợ tôi, Ann và tôi đi khắp thế giới, chúng tôi thường tới thăm các trường ở mỗi địa phương để chia sẻ những bài giảng toán học. Chúng tôi cảm nhận một luồng gió mới khi nhìn thấy những giá trị to lớn mà người dân ở những quốc gia khác trao cho giáo dục và niềm kính trọng họ dành cho giáo viên. Chúng tôi tới các ngôi trường ở Peru, Chile, Belize, El Salvador, Mexico, Cuba, Nam Phi, Malawi, Zimbabwe, Ấn Độ và Việt Nam. Tới Hà Nội, chúng tôi tới thăm hai trường chuyên và một trường được mô tả là “trường thường”. Trong ngôi “trường thường” đó, chúng tôi dành một buổi sáng với một lớp gồm các em khoảng từ 10-11 tuổi, các em ở tầm tuổi giống như những học sinh mà tôi vẫn thường giảng dạy tình nguyện ở gần nơi tôi sống tại Seattle, Mỹ. Nhưng các em sáng dạ hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa ở Mỹ, không chỉ ở những kĩ năng cơ bản mà còn ở cả sự sáng tạo khi xử lý những bài toán đố khá thách thức mà chúng tôi đưa ra.

Việt Nam có một truyền thống coi trọng học thuật sâu sắc, đó là điều chúng tôi biết được khi tới thăm Văn Miếu trong lần đặt chân đến Hà Nội vào năm 1978. Trong toán học, truyền thống đó bắt đầu với Lương Thế Vinh, rồi sau đó là Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu.

Không có gì là bí ẩn đằng sau việc tại sao một quốc gia có thể bỏ ra rất nhiều tiền cho giáo dục nhưng đổi lại chỉ có kết quả làng nhàng, trong khi một quốc gia khác có đầu tư khiêm tốn hơn nhiều và vẫn có thể xoay sở dạy được những kĩ năng phức tạp và tư duy sáng tạo cho các em nhỏ. Tôi vẫn nghĩ gốc rễ của vấn đề nằm ở văn hóa. Coi trọng người thầy hẳn là cốt lõi của một nền giáo dục thành công. □

Hảo Linh dịch

Tác giả

(Visited 35 times, 1 visits today)